1. Chưa chạm, chưa nhìn, chưa thấu, chỉ cần nghe không thôi đã thấy tiếng của Tết, của năm mới phong phú lắm rồi.
Nào là tiếng chào mời cây đào, cây quất lẫn chút địa phương, pha chút lam lũ. Nào là tiếng lục đục cọ rửa bộ bàn ghế, cửa kính, dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất. Nào là tiếng nước sôi sùng sục nồi bánh chưng, tiếng chuông chùa đình vọng qua những ngõ vắng sạch sẽ, tiếng chúc tụng nhau một năm mới yên bình, cả những tiếng cười ngà ngà trong men say...
Những âm thanh kiểu này chỉ là thanh âm thường ngày của cuộc sống, nhưng gặp khi trời đất giao hòa, mùa Xuân gõ cửa từng nhà, thì làm người ta thêm háo hức, mong chờ về một cái Tết sum vầy, đoàn viên. Tết nhờ thế mà trở nên ý nghĩa hơn gấp trăm vạn lần.
2. Âm thanh ngày Tết với tôi, đầu tiên là những tiếng rao mưu sinh chầm chậm, xiêu vẹo trên con đường làng nhỏ. “Tiếng rao này là sắp hết năm đây, sắp già thêm một tuổi rồi đây”, bà tôi vừa nhai trầu vừa nói vọng ra sân.
Mỗi dịp Tết cận kề, tiếng rao đi quanh làng trên xóm dưới như nhắc nhở mọi người về thời hạn của Tết. Tiếng rao gọi mầm chồi lá nhú lên cho Xuân hồng rạng rỡ khúc hoan ca. Tiếng rao gọi bóng thời gian giục giã, gọi mùa Xuân tươi mới sắp về. Tiếng rao cũng xua mùa cũ để sắc xuân lung linh tràn về phố thị, về thôn quê. Tiếng rao như gió ru ơi à...
Bắt đầu là tiếng rao bán các vật dụng như chổi lau nhà, bàn chải, xô chậu, nước giặt... Nhẹ đấy nhưng lại cồng kềnh, nên tiếng rao cũng liêu xiêu trong những ngày cuối năm gió thổi. Tiếp đến là tiếng rao bán chổi chít, chổi sương sáo quét sân. Năm nào chị Hai cũng dặn mẹ mua chổi mới để chị dọn nhà, dọn vườn cho năng suất.
Trước ngày tiễn ông Công ông Táo, kiểu gì chị cũng rủ mấy nhà hàng xóm xung quanh xúm xít, chung tay phát tỉa bờ rào để đón Tết thật đẹp. Nghe thấy tiếng sột soạt của chổi chà quét sân, quét ngõ của các bà, các chị là biết Tết đang vào nhà.
Còn nhiều nhất quê tôi phải kể đến tiếng rao bán chổi lông gà và các loại chổi quét dọn bàn thờ. Dù cây chổi lông gà vừa mua năm ngoái vẫn còn tinh tươm, nhưng bố vẫn nhất quyết mua cây chổi mới. Bố bảo, dùng chổi mới quét đi cái cũ, xua đi những chuyện không vui của 365 vừa qua mới đón được may mắn vào nhà.
3. Nói đến âm thanh ngày Tết thì không thể bỏ qua những tiếng mua bán ở chợ. Chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ mà già trẻ ai cũng đều rất thích. Cho nên, người ta mới nói “vui như đi chợ Tết ở quê” là vậy.
Chợ quê càng giáp Tết càng đông vui. Người bán kẻ mua đều vui tươi, hồ hởi. Chợ thường diễn ra sớm hơn thường nhật, đông vui hơn, tấp nập hơn. Ngoài những mặt hàng ngày thường, đi chợ vào dịp Tết thấy đâu đâu cũng bày bán nhộn nhịp lá dong, lạt buộc, giò chả, cây quất, cành đào... khắp các lề đường, góc chợ.
Ai cũng bận rộn mua sắm, trang hoàng nhà cửa, cúng gia tiên, đón Tết đang đến, đón Xuân đã về. Mọi người mua hàng hóa cho nhau như chia sẻ niềm vui ngày Tết. Không khí Tết làm cả khu chợ quê rộn ràng, vui tươi hơn những ngày thường.
Đi chợ ngày Tết không chỉ để mua cái ăn, mà đó còn là thói quen, là sở thích. Đôi khi mua củ hành, chai mắm cũng muốn chạy ra chợ để tận hưởng cái không khí háo hức ngày lễ hội, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem... chợ tết.
Giờ hòa mình trong nhịp sống số, đủ đầy với những phiên chợ tết online hiện đại, nhưng nhiều người vẫn da diết nhớ về hình ảnh phiên chợ Tết xưa, đẹp như những áng thơ văn của thi sĩ Đoàn Văn Cừ: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà tranh/Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”…
Sự đan cài giữa Tết cổ truyền và Tết hiện đại cũng là cần thiết, để mỗi người có một cái Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình.
4. Hai chín Tết, trời rét cắt da cắt thịt. Mẹ một mình ngồi hơ tay bên bếp lửa nhỏ trông nồi bánh chưng ùng ục sôi. Cứ vài phút nó lại kêu cứu, làm nũng đòi mẹ đổ thêm nước. Đám củi khô nổ lép xép, củi ướt thì sủi bọt nước xì xèo, lờn vờn mấy ngọn khói hăng xộc lên mũi. Trong bếp, nồi thịt kho với nồi cá kho của mẹ cứ sôi bung cả nắp vung kêu lọc cọc. Mùi thơm của những nồi thức ăn như đánh thức cả một mùa Tết.
Trong nhà bố đi ra đi vào, tay chân bồn chồn không ngủ được. Khuya hơn một chút điện thoại reo liên tục: “Con về đến nơi rồi” ông mới thở phào nhẹ nhõm. Ngoài tôi, thị trấn nhỏ còn đan cài nhiều tiếng bước chân tha hương vội vã rẽ vào các ngõ sum vầy đêm nay. Một tiếng thôi cũng đủ mang Tết vào nhà. Người ta làm lụng quanh năm cũng là để dành cho Tết đoàn viên như vậy đấy.
Tôi cởi bộ quần áo dày cộp, rửa tay phụ bố vớt bánh chưng cúng tổ tiên. Bếp lửa lụi dần, chỉ còn le lói thứ ánh sáng vừa hư vừa thực của ngọn lửa trong đêm, lấp lánh sự bao dung của thiên nhiên và bập bùng sự độ lượng của tổ tiên.
5. Đêm sang canh, tiếng chuông chùa vang lên rộn rã trong màn đêm tĩnh mịch. Âm thanh trong trẻo báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đang đến. Ngày trước, khi pháo còn được phép đốt thì bây giờ tiếng pháo sẽ râm ran cả đêm. Để sáng ngủ dậy quanh xóm nhà nào cũng sặc mùi thuốc pháo ngai ngái.
Rồi trong xóm, ngoài ngõ mọi người bắt đầu rậm rịch bước chân đi chúc Tết nhau. Những lời chúc Tết chân thành đậm tình người nhà quê. Tiếng chúc đôi khi còn đóng vai trò hòa giải, xí xóa những vui buồn trong năm để tình làng xóm tắt lửa tối đèn vẫn có nhau.
Tiếng ca hát cũng theo mùa Xuân về. Tiếng hát cất lên, chân tay đang bận cũng muốn vứt đấy, để nghe. Không chỉ mỗi bài về mùa Xuân, về ngày Tết, mà hát giao duyên nhớ mong cũng mang mùa Xuân đến gần hơn với mọi người.
Tôi đi trên đường làng, nghe tiếng hát vẳng ra từ một nhà nào đó có con gái, lòng như đã muốn quen biết nhau rồi. Khoảnh khắc đó tôi đã biết rằng, âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng của một người nói yêu một người.
6. Đôi khi chẳng cần thứ thanh âm náo nhiệt nào báo hiệu Tết vẫn về. Đó là tiếng “yên tĩnh” của phố phường ngày đầu năm. Không tiếng loa phường rền rĩ, những tiếng còi xe inh ỏi, hay tiếng nhạc xập xình. Phố phường ngày Tết chỉ còn lại âm thanh trong trẻo của sự im lặng, âm thanh của tiếng thở nghỉ mệt sau một năm làm việc vất vả.
Có những ngày đầu năm đi giữa những hàng bàng, hàng phượng trong tĩnh mịch, tôi chợt giật mình nhớ về hai câu thơ cũ: “Có con én ngậm mùa Xuân qua ngõ. Thương đến nhói lòng một tiếng chim rơi”. Lúc đó mới nhận ra: Tết... đã về thật rồi!