Một số doanh nghiệp cao su có cơ hội chuyển đổi sang đất khu công nghiệp

Một số doanh nghiệp cao su có cơ hội chuyển đổi sang đất khu công nghiệp

Gợi mở câu chuyện đầu tư đón sóng mùa đại hội 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp khi quy hoạch các tỉnh được thông qua đồng loạt cuối năm 2024 và nhiều luật mới được thông qua với việc phân cấp, phân quyền cho địa phương đang tạo ra kỳ vọng làn sóng phê duyệt dự án mới, từ đó hỗ trợ câu chuyện tăng trưởng giá cổ phiếu nhóm hưởng lợi trong năm 2025.

Kỳ vọng việc cấp phép đầu tư/mở rộng dự án

Đầu năm 2025 là giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết cổ truyền, nên thanh khoản thị trường chứng khoán suy giảm, cổ phiếu giao dịch giằng co trong xu hướng đi xuống, tạo cảm giác chán nản trên thị trường.

Tuy nhiên, đầu năm cũng là thời điểm chuẩn bị bước vào chu kỳ mới của nhiều doanh nghiệp, khi doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính. Nhà đầu tư có thể dựa vào kế hoạch kinh doanh, lịch sử doanh nghiệp thường đặt kế hoạch thận trọng hay tham vọng, cũng như triển vọng nền kinh tế và ngành để đánh giá tính khả thi của kế hoạch, tiềm năng của doanh nghiệp nhằm đề ra chiến lược đầu tư phù hợp.

Thực tế, sau năm 2024 - thị trường chứng khoán giao dịch sôi động đầu năm và ảm đạm cuối năm, bước sang năm 2025, khối công ty chứng khoán dự báo, thị trường nhiều khả năng sẽ xoay quay các câu chuyện bao gồm nâng hạng thị trường, đẩy mạnh chi ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới, nhóm doanh nghiệp hưởng lợi hoặc bất lợi đối với chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp công bố dự báo và kế hoạch kinh doanh năm 2025 còn ít, nhiều công ty chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024, nhưng bắt đầu xuất hiện các câu chuyện đáng chú ý, thu hút sự quan tâm và đáng chờ đợi của nhà đầu tư cho năm tài chính mới.

Đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, bên cạnh những doanh nghiệp sở hữu các dự án hiện hữu với tỷ lệ lấp đầy còn thấp và tiềm năng cho thuê đất mới, một số doanh nghiệp cao su có quỹ đất và được phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh năm 2024 đã mở ra cơ hội lớn để chuyển đổi sang đất khu công nghiệp.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (mã PHR) đã tích luỹ khoảng 15.000 ha đất cao su tại tỉnh Bình Dương. Theo Quyết định 790/QĐ-TTg ban hành tháng 8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cao su Phước Hoà có thể chuyển đổi tổng cộng 2.800 ha đất cao su thành đất khu công nghiệp, chuyển đổi khoảng 580 ha thành khu công nghiệp, khoảng 1.150 ha thành đất khu đô thị và các mục đích sử dụng khác.

Công ty Chứng khoán Vietcap ước tính, Cao su Phước Hoà có thể phát triển khoảng 650 ha đất khu công nghiệp/cụm công nghiệp trong giai đoạn 2026 - 2036; chuyển đổi 2.450 ha đất cao su thành đất khu công nghiệp/cụm công nghiệp và đô thị giai đoạn 2027 - 2040.

Bên cạnh câu chuyện chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp, nguồn thu của Cao su Phước Hoà năm 2025 dự kiến sẽ ghi nhận đột biến từ dự án VSIP III và Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Trong đó, công ty này nắm giữ 20% vốn tại VSIP III khi dự án bắt đầu bước vào giai đoạn đẩy mạnh hạch toán doanh thu cho thuê đất. Doanh nghiệp cũng nắm giữ 33% vốn tại dự án Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, dự án dự kiến bắt đầu cho thuê và tạo dòng tiền từ năm 2025, với giá thuê 180 - 190 USD/m2.

Công ty Chứng khoán Vietcombank ước tính, tổng hai dự án VSIP III và Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 là 1.300 ha, ước tính trong một vài năm tới kể từ năm 2025, Cao su Phước Hoà sẽ nhận thêm 300 - 400 tỷ đồng lợi nhuận/năm từ hai dự án này.

Như vậy, Cao su Phước Hoà đang được kỳ vọng sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến với hai câu chuyện là tiềm năng chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp/cụm công nghiệp và bắt đầu hưởng lợi từ tỷ lệ vốn nắm giữ tại các dự án khu công nghiệp đã đủ điều kiện hạch toán lợi nhuận trong năm 2025.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã DPR), với vị trí đất cao su chủ yếu nằm tại tỉnh Bình Phước, nơi có tiềm năng thu hút phát triển các khu công nghiệp khi tỷ lệ lấp đầy tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai ở mức cao, lần lượt đạt 94% và 92%. Trong đó, Công ty có tiềm năng mở rộng dự án Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú lên 317 ha và Khu công nghiệp Nam Đồng Phú lên 480 ha (hiện dự án Bắc Đồng Phú có diện tích 189 ha, tỷ lệ lấp đầy 99% và Nam Đồng Phú có diện tích 69 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 100%).

Tuy nhiên, SSI Research lưu ý nguy cơ rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu DPR trong năm 2025 là “chậm cấp phép cho các dự án mở rộng Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú”.

Đối với cả Cao su Phước Hoà và Cao su Đồng Phú, từ khi thông qua chủ trương tới khi chính thức chuyển đổi từ đất cao su sang đất khu công nghiệp có thể mất một khoảng thời gian dài và không dự báo được chính xác thời điểm, vì tuỳ thuộc vào cơ quan chứng năng. Việc chậm chuyển đổi sẽ dẫn tới dự án bị đội vốn, khó thu hút nhà đầu tư về các dự án đã phát triển khi nhiều chủ đầu tư khác cùng đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp.

Ngành thép có triển vọng phục hồi

Bắt đầu xuất hiện các câu chuyện đáng chú ý, thu hút sự quan tâm và đáng chờ đợi của nhà đầu tư cho năm tài chính mới.

Bên cạnh lĩnh vực bất động sản công nghiệp còn nhiều tiềm năng, nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng thời điểm khó khăn nhất của ngành thép đã đi qua.

SSI Research nhận định, nhu cầu thép nội địa năm 2025 sẽ tăng 10% nhờ vào thị trường bất động sản có triển vọng phục hồi mạnh và việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm cuối nhiệm kỳ 2021 - 2025.

SSI Research dự báo, lợi nhuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) niên độ tài chính 2024 - 2025 sẽ tăng 37%, lên 700 tỷ đồng. Trong đó, động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi của giá thép và sản lượng tiêu thụ nội địa cao hơn.

Niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu 39.271,89 tỷ đồng, tăng 24,1%; lợi nhuận sau thuế 514,67 tỷ đồng, gấp 16,12 lần so với niên độ trước đó (30,06 tỷ đồng).

Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào cổ phiếu HSG là thị trường thép nội địa có thể phục hồi chậm, giá thép đang duy trì ở mức thấp, trong khi doanh nghiệp tích luỹ tồn kho giá cao và ghi nhận lỗ 185,9 tỷ đồng trong quý IV niên độ tài chính 2024 - 2024 (từ 1/7 - 30/9/2024).

Đỉnh điểm tồn kho của Hoa Sen là thời điểm 31/1/2024, lên tới 11.919,9 tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng tài sản, sau đó thực hiện giảm tồn kho, tính tới 30/9/2024 còn 9.712,4 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng tài sản, nhưng vẫn cao hơn 2.083,8 tỷ đồng so với đầu năm 2024.

Việc giá thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục lao dốc từ đầu năm 2024 đến tháng 7/2024, sau đó đi ngang tiếp tục là rủi ro đối với doanh nghiệp, bởi đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen, dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý IV niên độ 2023 - 2024.

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận định: “Doanh nghiệp thép dù tăng trưởng và có lãi trở lại trong năm 2024, nhưng giá cổ phiếu không tăng, thậm chí giảm do nhà đầu tư lo ngại tồn kho giá cao đầu năm và sự phục hồi yếu của lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, thị trường có thể kỳ vọng, chu kỳ hồi phục của giá cổ phiếu sẽ quay trở lại, nhờ tình hình kinh doanh cải thiện, đặc biệt là tiêu thụ nội địa tăng và giá cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn”.

Tin bài liên quan