Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của TS. Phan Văn Hiếu, Đại học Massachussetts Lowell, Mỹ, về cơ chế khởi kiện của cổ đông tại Mỹ như một kinh nghiệm để tham khảo, đồng thời khuyến nghị sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cơ chế khởi kiện của cổ đông tại Mỹ
Có hai cách để cổ đông kiện các nhà quản lý về các hành vi sai trái: kiện tập thể theo nhóm cổ đông sở hữu cùng loại cổ phiếu (securities class action) và kiện phái sinh (derivative lawsuit).
Khác biệt giữa kiện theo nhóm cổ đông so với kiện phái sinh ở chỗ: kiện theo nhóm cổ đông có mục đích bảo vệ quyền lợi của một nhóm cổ đông, thay vì của tất cả các cổ đông (của công ty) trong trường hợp kiện phái sinh.
Kiện tập thể theo nhóm cổ đông
Một hoặc một số cổ đông đại diện cho tất các cổ đông sở hữu cùng một loại chứng khoán trong một giai đoạn nhất định và chịu thiệt hại về kinh tế do những vi phạm luật chứng khoán có thể tiến hành khởi kiện một vụ kiện tập thể.
Lý do phổ biến nhất cho một vụ kiện tập thể theo nhóm cổ đông sở hữu cùng loại cổ phiếu là các bị đơn đưa ra các nhận định giả dối và sai lệch về công ty, dẫn tới đẩy giá cổ phiếu lên một cách nhân tạo. Một khi thông tin thực được biết, giá cổ phiếu giảm và nhà đầu tư chịu thiệt hại tài chính.
Các thông tin không trung thực làm tăng giá cổ phiếu một cách nhân tạo thường được phát hiện trong các báo cáo thường niên và báo cáo theo quý, thông cáo báo chí và trong các cuộc trao đổi với các nhà phân tích chứng khoán.
Các bị đơn của vụ kiện theo nhóm thường là công ty và các nhà quản lý cấp cao như tổng giám đốc, giám đốc tài chính. Các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) cũng có thể bị kiện, tuy không thường xuyên. Tiền bồi hoàn từ vụ kiện, nếu có, thuộc về nhóm cổ đông bị ảnh hưởng.
Kiện phái sinh
Kiện phái sinh do cổ đông tiến hành thay mặt cho công ty để kiện một bên thứ ba như lãnh đạo công ty, hoặc thành viên HĐQT của công ty đó. Vụ kiện phái sinh được tiến hành khi công ty có quyền khởi kiện bên thứ ba, nhưng không thực hiện quyền của mình, cho dù có những hành động sai trái nghiêm trọng.
Các vụ kiện phái sinh thường dựa trên cáo buộc các thành viên ban giám đốc và/hoặc thành viên HĐQT vi phạm các trách nhiệm ủy thác đối với cổ đông như bất cẩn, quản lý tồi, hoặc hành động vì lợi ích riêng.
Kết quả của vụ kiện phái sinh là phán quyết chống lại bên thứ ba, đòi hỏi bên thứ ba bồi hoàn tiền cho công ty, hoặc thực thi các cải cách vì lợi ích của công ty. Nếu có tiền bồi hoàn, khoản tiền sẽ được trả cho công ty mà có thể làm tăng giá cổ phiếu và có lợi cho toàn bộ các cổ đông.
Phần lớn các vụ kiện phái sinh dẫn tới cải cách về quản trị công ty nhằm tránh các hành động sai trái trong tương lai và tăng giá trị cho nhà đầu tư.
Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan
Tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, các cơ chế luật và các tổ chức thị trường thường chưa phát triển đầy đủ để thị trường có thể phát huy tác dụng và trở thành cơ chế gây áp lực điều chỉnh hành vi của lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cho dù có những giới hạn vẫn giữ một vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, trong điều kiện cơ quan quản lý còn gặp nhiều thách thức để thực thi vai trò giám sát và cưỡng chế luật, Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia và giám sát của các tổ chức, cá nhân có liên quan, vì sự phát triển của thị trường.
Điều tra và phản biện của báo chí
Một trong các tổ chức thị trường quan trọng có vai trò cung cấp thông tin và phản biện là báo chí. Báo chí cần là kênh thông tin hướng dẫn nhà đầu tư, cung cấp thông tin về các sai phạm của công ty cho nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Xét trên khía cạnh bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, báo chí đóng vai trò rất lớn trong việc truyền thông và phanh phui các sai phạm.
Để các nhà báo có được cái nhìn khách quan, toàn diện, có thể đánh giá đúng và đầy đủ các vấn đề phát sinh trong điều hành và quản lý doanh nghiệp, kiến thức về quản trị công ty cũng như hệ thống pháp luật điều chỉnh các hành vi của công ty và nhà quản lý là không thể thiếu. Nhà nước có thể cung cấp hoặc hỗ trợ các phóng viên chuyên ngành tham gia các chương trình đào tạo về quản trị và luật pháp, đồng thời đảm bảo vai trò khách quan và độc lập của báo chí trong việc thực hiện chức năng của mình.
Vai trò của nhà đầu tư
Khi hệ thống toà án chưa thực sự hiệu quả như mong đợi, chính thị trường gồm các nhà đầu tư sáng suốt sẽ là “toà án” phán xét hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Các cổ đông bị vi phạm quyền lợi nếu không cảm thấy an toàn thì họ vẫn có quyền cao nhất đó là “bỏ phiếu bằng chân”, tức là bán cổ phiếu và rút khỏi công ty. Khi nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư cùng bán cổ phiếu, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm, cả công ty và nhà quản lý cùng chịu thiệt hại, khả năng huy động vốn trên thị trường khó hơn, chi phí vốn cao hơn, khả năng sinh lợi từ các thương vụ đầu tư mới thấp hơn.
Ở các thị trường mà kỷ luật thị trường có thể thực thi dễ dàng, công ty có bộ máy quản lý kém cỏi dễ bị mua lại bởi công ty hoặc các nhà đầu tư khác và một ban lãnh đạo mới có khả năng khai thác tốt hơn các tiềm năng của doanh nghiệp bị mua lại sẽ thay thế ban lãnh đạo cũ. Khi thị trường lao động cho nhà quản lý phát triển, uy tín cá nhân của nhà quản lý cũng là một nguồn vốn cá nhân mà các nhà quản lý thường thận trọng khi sử dụng. Việc bị sa thải bởi một công ty sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cũng như thu nhập tương lai của nhà quản lý.
Hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư
Các tổ chức và các hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư là một trong những tiếng nói thị trường quan trọng. Các tổ chức này có thể đóng vai trò tích cực trong việc lên tiếng bảo vệ quyền lợi của các nhóm cổ đông, đặc biệt là các cổ đông không có quyền kiểm soát. Hành động của các tổ chức và hiệp hội này mang tính đại diện cao sẽ giúp gia tăng sức mạnh tiếng nói của các cổ đông.
Khi luật pháp còn chưa đầy đủ, khả năng thực thi còn thấp, các nhà đầu tư nhỏ thường yếu thế trước sự thao túng của các nhà đầu tư lớn cũng như các hành vi vụ lợi của nhà quản lý doanh nghiệp. Vì thế, chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư hoạt động để bảo vệ các lợi ích của các thành viên, đồng thời hỗ trợ chính phủ trong vai trò giám sát cũng như lên tiếng và hành động chống lại các hành vi sai trái.