Ông Võ Trí Thành.

Ông Võ Trí Thành.

Gói kích cầu thứ hai giúp doanh nghiệp đỡ “sốc”

(ĐTCK-online) Thông tin về gói kích cầu thứ hai đang được doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán quan tâm. Thậm chí, thông tin về khả năng sắp có gói kích cầu này đang nâng đỡ TTCK. Liên quan đến chủ đề này, ĐTCK có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Ông ủng hộ quan điểm nên có gói kích cầu thứ hai?

Năm 2010 nên là năm quá độ để chuyển từ việc thực hiện các biện pháp xử lý tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới tới Việt Nam sang quỹ đạo phát triển bình thường. Trong năm này, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, mà lơ là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bởi vậy, việc cân nhắc để đưa ra gói kích cầu thứ hai bắt đầu từ năm 2010 là cần thiết, bởi nó giúp doanh nghiệp đỡ "sốc" khi trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường, không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa, gói kích cầu thứ hai còn giúp củng cố, phát huy thành quả của gói kích cầu thứ nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, không làm rõ hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất, thì việc đưa ra gói kích cầu thứ hai khó đạt mục tiêu mong muốn. Ông có cho là như vậy?

Để xây dựng gói kích cầu thứ hai mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế, theo tôi, cần đánh giá chính xác, tỉ mỉ những kết quả mà gói kích cầu thứ nhất đã mang lại là gì. Trong đó, cần làm rõ hiệu quả của chính sách giảm thuế, hỗ trợ lãi suất đến đâu. Khi đo lường tương đối chính xác hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất thì mới xác định được liều lượng của gói kích cầu thứ hai theo hướng tăng, giảm cái gì. Do mục tiêu của gói kích cầu này là tạo bước đệm cho doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường, nên phản ứng chính sách cần linh hoạt theo hướng rút dần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chính sách phải đáp ứng yêu cầu chống suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, tránh sốc và đảm bảo an sinh xã hội

Chính sách phải đáp ứng yêu cầu chống suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, tránh sốc và đảm bảo an sinh xã hội

Vậy "hình hài" của gói kích cầu thứ hai như thế nào, thưa ông?

Gói kích cầu thứ hai nên thu hẹp quy mô, hạn chế đối tượng áp dụng, để vừa giảm gánh nặng cho Nhà nước, vừa thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực vươn lên. Nếu duy trì lâu các hình thức hỗ trợ như hiện nay, dễ làm "méo mó" thị trường, nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Trong ngắn và trung hạn, chính sách đưa ra phải đáp ứng được yêu cầu chống suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, tránh sốc và đảm bảo an sinh xã hội. Bởi vậy, chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn. Tuỳ tín hiệu của nền kinh tế mà thắt chặt tiền tệ ở mức hợp lý, hạn chế dần hỗ trợ lãi suất. Riêng về chính sách thuế, nên kết thúc các hình thức miễn, giảm thuế trong năm 2009. Nếu có ý định duy trì chính sách này, thì chỉ nên miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân áp dụng cho đối tượng có thu nhập trung bình. Sở dĩ nên làm như vậy, bởi nếu thu của đối tượng này, thì mức thu không lớn, trong khi có thể tác động đáng kể đến sức mua của toàn xã hội, ảnh hưởng không tích cực đến tổng cầu.

Về dài hạn, theo ông, nên phản ứng chính sách ra sao để đảm bảo "sức khoẻ" cho nền kinh tế trước những cú sốc tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua?

Tôi cho rằng, không nên tăng trưởng bằng mọi giá, mà phải chú ý đến chất lượng tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng phải bền vững, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đảm bảo công bằng, an sinh xã hội. Muốn đạt các mục tiêu này, về dài hạn, chính sách đưa ra phải đảm bảo liên kết được với nền kinh tế thế giới, thể chế phải biết dựa vào thị trường. Bài toán tổng thể ở đây là việc nâng cao năng lực thể chế, năng lực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực liên kết quốc tế để có thể đón bắt và tận dụng cơ hội.

TS. Võ Trí Thành đánh giá, hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất chưa "ngấm" đến nông dân nhiều. Bằng chứng là số vốn cho họ vay để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp mới chỉ đạt vài nghìn tỷ đồng. Nhiều trường hợp đang khó vay vốn do thiếu năng lực viết dự án đáp ứng yêu cầu của ngân hàng; quy định bắt buộc phải mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước. Số vốn cho nông dân vay để xây dựng nhà cửa cũng chưa đáng kể. Bởi vậy, nếu triển khai gói kích cầu thứ hai, cần chú ý giải quyết những tồn tại này, để đảm bảo an sinh xã hôi, tăng tổng cầu.