Năm nay, công tác kiểm soát lạm phát sẽ rất khó khăn. Ngoài yếu tố khách quan, nhiều chuyên gia lo ngại, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tác động rất lớn lên chỉ số giá tiêu dùng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. |
Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định sử dụng gói tài khóa, tiền tệ lớn chưa từng thấy, trị giá tới 350.000 tỷ đồng. Nhìn thoáng qua, có cảm tưởng lượng cung tiền ào ạt đổ vào nền kinh tế sẽ gây ra lạm phát, nhưng thực ra không phải vậy.
Trong các gói hỗ trợ trên, gói tài khóa chiếm 83%, trị giá 291.000 tỷ đồng; gói tiền tệ chỉ chiếm 14%; còn lại 3% là các gói hỗ trợ khác. Trong gói tiền tệ thì gói giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% trị giá 49.400 tỷ đồng không hề bơm một đồng nào ra lưu thông. Gói cấp bù lãi suất 2%/năm trị giá 40.000 tỷ đồng cũng không chuyển trực tiếp cho doanh nghiệp và bơm tiền ra thị trường.
Ngoài ra, gói tăng hạn mức bảo lãnh đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội 38.400 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập... và gói 46.000 tỷ đồng để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cũng không bơm tiền ra thị trường.
Không hề bơm “tiền tươi, thóc thật” ra thị trường, vậy những gói hỗ trợ kể trên hiệu quả thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, đây là những chính sách rất hay, được “thiết kế tinh tế”, phản ánh năng lực xây dựng chính sách tốt của một số bộ, ngành.
Đơn cử, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích cầu tiêu dùng và đầu tư, không chỉ tạo động lực tăng trưởng kinh tế, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 GDP bình quân tăng 6,5 - 7%/năm, mà còn góp phần giảm áp lực lạm phát. Vì nếu không giảm thuế, người tiêu dùng bỏ 110.000 đồng mua một món hàng hóa hay sử dụng dịch vụ nào đó, thì giờ chỉ phải bỏ ra 108.000 đồng vì được giảm 2% thuế.
Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vay để họ có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn, tức là nguồn cung tăng lên thì giảm áp lực lạm phát. Tôi cho rằng, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu kỹ, thận trọng, đúng liều lượng cả về quy mô, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ khi đưa ra gói giải pháp này.
Ngay cả gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm bắt đầu được thực hiện cũng không gây áp lực lên lạm phát. Lý do là thu nhập của người lao động đã bị giảm 2 năm liên tiếp do dịch bệnh, giờ được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí thuê nhà trọ, thì cũng chỉ giảm bớt khó khăn cho người lao động và giá cả thuê nhà trọ cũng không vì người lao động được hỗ trợ mà tăng lên được.
Vậy gói nào trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có khả năng gây áp lực lên lạm phát?
Chỉ có gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trị giá 113.550 tỷ đồng có khả năng gây áp lực lên lạm phát. Nhưng nguyên nhân không bắt nguồn từ tiền tệ, mà do tăng đầu tư khiến nhu cầu nhiên liệu, vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, sắt thép và các loại vật tư, thiết bị, nguyên liệu khác phục vụ công trình xây dựng tăng, kéo theo giá cả những mặt hàng này đã tăng rất mạnh trong năm 2021 sẽ tăng theo, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới đang bị gián đoạn và chao đảo do cuộc chiến ở Ukraine.
Để hạn chế tối thiểu tác động của gói đầu tư phát triển tạo áp lực đẩy lạm phát tăng, thì cần có các giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung, đặc biệt không để đứt gãy nguồn cung trong bối cảnh chiến sự ở Đông Âu chưa có hồi kết.
Khi đưa ra gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trị giá 113.550 tỷ đồng, thị trường nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới vẫn bình thường, nhưng kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, mọi thứ đã đảo lộn. Ông có nghĩ rằng, cần phải điều chỉnh gói đầu tư này?
Cũng như các gói tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tôi cho rằng, gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thực thi ở thời điểm này là phù hợp. Phát triển hạ tầng sẽ tạo sự liên kết vùng miền, khơi thông các nguồn vốn ngoài nhà nước, tạo động lực cho các ngành và các địa phương phát triển, giúp kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với kinh tế thế giới và khu vực.
Năm 2021, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chung của thế giới là 5,5%, thì Việt Nam chỉ tăng 2,58% là chúng ta đã bị lỡ nhịp. Việc GDP năm 2021 tăng rất thấp so với mục tiêu (tăng khoảng 6%) và chưa bằng nửa mức tăng bình quân của thế giới là do khách quan.
Cụ thể, từ đầu năm 2021, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại do kiểm soát được dịch bệnh và độ phủ vắc-xin rất cao, thì ở nước ta, từ nửa cuối tháng 4/2021, làn sóng đại dịch lần thứ tư bùng
phát và hoành hành cho đến hết quý III, do chưa mua được vắc-xin để tiêm cho toàn dân.
Năm 2021, Việt Nam đã lỡ nhịp phục hồi kinh tế, nên không thể để lỡ thêm một nhịp nữa, Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện gói đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng. Đầu tư công tăng không chỉ góp phần làm tăng trưởng kinh tế ngay trong năm nay, mà còn là động lực và nền tảng để nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng năm 2023 và những năm tiếp theo.
Để giảm áp lực lạm phát, kể từ ngày 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giảm 50%. Ông đánh giá thế nào về chính sách này?
Xăng dầu tác động đến hầu hết các ngành kinh tế, cũng như đời sống, mưu sinh của người dân, đặc biệt là giao thông, đánh bắt hải sản, khai thác than. Năm 2021, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân chỉ mất khoảng 10 triệu đồng tiền xăng dầu cho mỗi tàu, nhưng giờ mất 14-15 triệu đồng. Nếu khai thác hải sản bị lỗ, chắc chắn ngư dân phải nằm bờ. Đứng trước tình thế này, việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ góp phần làm giảm nhiệt đôi chút lạm phát.
Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức tài chính dự báo, giữ được giá xăng dầu ổn định ở mức cao như hiện nay đã là khó, chứ đừng mong gì giảm xuống. Thậm chí, các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây đang áp cho Liên bang Nga không giảm nhiệt, thì nhiều dự báo cho rằng, giá dầu thô có thể lên đến 180 USD, thậm chí 250-300 USD/thùng.
Trong bối cảnh này, cần phải nghiên cứu hạ các loại thuế khác đang đánh vào xăng dầu (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng) như nhiều nước đang áp dụng. Tôi cho rằng, các loại thuế áp cho mặt hàng xăng dầu phải tính đến bài toán dài hơi hơn, để bảo đảm giá xăng dầu không quá cao nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho sản xuất, thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng, kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó ngân sách sẽ tăng thu bù lại cho phần giảm thuế.