Gói hỗ trợ lãi suất lần này được khống chế về quy mô và thời hạn áp dụng. Ảnh: Dũng Minh

Gói hỗ trợ lãi suất lần này được khống chế về quy mô và thời hạn áp dụng. Ảnh: Dũng Minh

Gói hỗ trợ lãi suất: Chuyện cũ khó lặp lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cách thức triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm lần này đã có những tiến bộ trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các quốc gia, cũng như đúc rút bài học thất bại của năm 2009 - 2011 nên khó có thể tạo ra những cú sốc không cần thiết đối với kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước. Ông có so sánh gì về gói hỗ trợ lãi suất này với gói hỗ trợ lãi suất cho vay 4%/năm được triển khai hồi năm 2009?

Có sự khác nhau cơ bản giữa hai gói hỗ trợ lãi suất. Thứ nhất, gói hỗ trợ lần này có hạn mức rõ ràng là 40.000 tỷ đồng và lãi suất được hỗ trợ là 2%/năm. Theo đó, tổng mức tín dụng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vào khoảng 800.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, cả quy mô và số lượng được kiểm soát, khống chế ngay từ đầu. Thời hạn cũng nêu rõ là 2 năm, nghĩa là sau 2 năm, nếu chưa sử dụng hết hạn mức thì cũng phải dừng. Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất lần trước không quy định rõ hạn mức, mà chỉ có tỷ lệ lãi suất được giảm là 4% và không quy định thời hạn rõ ràng nên về sau khó xử lý.

Thứ hai, cách thức hỗ trợ lãi suất lần này là cho các khoản vay đủ tiêu chuẩn của hệ thống ngân hàng và hạch toán phần lãi suất hỗ trợ này qua ngân sách. Nói cách khác, đây là khoản tài trợ trực tiếp từ ngân sách.

Trong khi gói hỗ trợ trước đây tài trợ trực tiếp qua ngân hàng, nghĩa là ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn thị trường 4%/năm, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp làm hồ sơ vay từ ngân hàng rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn để hưởng lợi, khiến quy mô tín dụng lớn và gần như không kiểm soát được. Đặc biệt, dòng tiền không trực tiếp đi vào sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Thứ ba, nhờ cách thức hạch toán tài trợ lãi suất chuyển về cho Bộ Tài chính và có thể thanh toán theo nguyên tắc ngân sách của Bộ Tài chính, nghĩa là có niên hạn tài chính, trong khi các doanh nghiệp đều có tài khoản nộp thuế nên việc hạch toán kế toán sẽ đơn giản hơn. Không có sự lẫn lộn, chồng chéo giữa khoản vay không được tài trợ và khoản vay được tài trợ cùng các khoản vay với mức lãi suất khác nhau.

Hơn thế, do có niên hạn tài chính cố định nên khi thanh toán, quyết toán có thể nhanh so với gói hỗ trợ lần trước - vốn để lẫn trong hệ thống thanh quyết toán của các ngân hàng thương mại nên thậm chí đến hiện tại, vẫn có những khoản vay chưa quyết toán xong.

Thứ tư, nhờ khống chế trước cả khối lượng tín dụng cũng như thời gian thực hiện của gói hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch cụ thể kiểm soát cung tiền và qua đó kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng, đồng thời kiểm soát lạm phát.

Nhìn lại giai đoạn trước đây, vì không khống chế hạn mức hỗ trợ nên tín dụng tăng trưởng rất cao, lên tới 37 - 38%, đẩy lạm phát năm 2011 tăng tới 18%, sau đó mới giảm chút ít. Tôi tin chuyện cũ sẽ khó có thể xảy ra trong hiện tại, cũng như khó có thể tạo ra những cú sốc không cần thiết đối với kinh tế vĩ mô.

Thứ năm, gói hỗ trợ có ưu đãi về lãi suất nhưng không có bất kỳ ưu đãi nào về điều kiện tín dụng. Nghĩa là, các khoản vay được thực hiện trên nguyên tắc trực tiếp phục vụ mục tiêu sản xuất - kinh doanh và theo các quy định về quản lý, xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại, giúp cho hoạt động của hệ thống ngân hàng không bị xáo trộn. Do đó, các ngân hàng thương mại gần như không bị tác động xấu về nền tảng tài chính và đặc biệt vẫn đảm bảo quy trình hoạt động tín dụng, quản lý, thu hồi nợ một cách bình thường.

Rõ ràng, cách thức triển khai gói hỗ trợ lãi suất lần này đã có những tiến bộ trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các quốc gia cũng như đúc rút bài học thất bại của năm 2009 - 2011. Chúng ta có thể hy vọng gói này hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn và không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của ngân hàng, kể cả về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, thanh khoản, quản trị doanh nghiệp…

Các ngân hàng đang đồng loạt xin nới room tín dụng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, ông có nhận xét gì về diễn biến này?

Nới room tín dụng là vấn đề kinh tế vĩ mô mà Ngân hàng Nhà nước cần phải cân nhắc theo mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng là chính, chứ không thể căn cứ vào mục tiêu sinh lời của các ngân hàng thương mại. Tất nhiên, trong giới hạn cho phép nào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng một chút tốc độ tăng trưởng tín dụng nhưng các ngân hàng thương mại không nên kỳ vọng quá lớn vào vấn đề này. Bởi, nếu nới lỏng tín dụng quá mức mà dẫn đến lạm phát thì thiệt hại về tài chính đối với các ngân hàng thương mại sẽ còn lớn hơn.

Các ngân hàng thương mại nên áp dụng các biện pháp kế toán tài chính, quản lý dòng tiền, mở rộng dịch vụ, thu phí… để tăng doanh thu. Tôi muốn chia sẻ là, chỉ với 10% doanh thu đến từ dịch vụ có khả năng tạo ra đến 80% lợi nhuận đến từ hoạt động tín dụng. Ví dụ như mở rộng cho vay tiêu dùng, ngoại hối, bancassurance, đặc biệt là hệ sinh thái số… chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng doanh thu nhưng lại có tỷ trọng khá lớn trong lợi nhuận.

Theo ông, liệu có những rủi ro gì khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%?

Tôi cho rằng có thể sẽ phát sinh rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng khi tăng mặt bằng lãi suất cho vay, rồi sau đó giảm 2% lãi suất làm giảm hiệu lực của chương trình tài trợ. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vốn lưu động của hệ thống ngân hàng nên rủi ro này rất dễ xảy ra và doanh nghiệp buộc phải gánh chịu. Đây là điều mà trước khi Nghị định 31 và Thông tư 03 được ban hành, các doanh nghiệp nghi ngại và không mặn mà với gói hỗ trợ lãi suất này.

Tuy nhiên, với đòn bẩy tài chính (tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu) rất cao như hiện nay, cộng với mức sinh lời vốn bình quân trên thị trường giảm sút do chi phí đầu vào lớn (giá nhiên liệu, vật liệu cơ bản, cước phí vận chuyển tăng), việc có 2% hỗ trợ lãi suất cũng là một nguồn tài chính đáng kể mà doanh nghiệp nên tận dụng nhằm mang lại lợi tức tốt hơn.

Rủi ro trên cũng có thể bị hạn chế một phần từ nguyên tắc đến từ thị trường là ngân hàng nào cho vay cao quá sẽ không cho vay được vì doanh nghiệp có thể so sánh được khoản vay giữa các ngân hàng với nhau. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đều khan hiếm vốn thì đây là điều Cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý, giám sát ngân hàng tăng lãi suất cho vay không bình thường dựa trên hệ số NIM, thanh khoản… để phát hiện ra những ngân hàng có ý đồ trục lợi.

Một rủi ro cũng cần chú ý đó là gói hỗ trợ lãi suất ra đời không còn nhiều dư địa thời gian trong bối cảnh xu thế toàn cầu lạm phát cao, thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tác động trực tiếp đến Việt Nam thông qua các chỉ số kinh tế vĩ mô (lạm phát, tăng trưởng). Việt Nam hiện đang đi ngược xu thế của thế giới nên nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và chẳng những không giảm mà lãi suất phải tăng.

Thực tế, trong cuộc trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp, tôi nhận thấy doanh nghiệp mong muốn được trực tiếp quyết toán lãi suất hỗ trợ 2% với Bộ Tài chính thông qua tài khoản nộp thuế để vấn đề trở nên minh bạch hơn, thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Tin bài liên quan