Gói hỗ trợ lãi suất 2% bị “ế”: Nên điều chuyển sang gói hỗ trợ khác?

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp khát vốn, trong khi gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân rất chậm. Mặc dù Chính phủ đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp đánh giá, sửa đổi để thúc đẩy giải ngân, song nhiều chuyên gia cho rằng, nên điều chỉnh vốn của gói này sang chương trình khác để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khát vốn, song khá hờ hững với gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp khát vốn, song khá hờ hững với gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Đức Thanh

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2022, tức sau hơn nửa năm thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách (hơn 40.000 tỷ đồng năm 2022 và 2023), các ngân hàng thương mại mới giải ngân được dư nợ gần 21.000 tỷ đồng, số tiền thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 45 tỷ đồng. Trước đó, ngành ngân hàng dự kiến dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay chỉ riêng trong năm 2022, với số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng.

Như vậy, sau nửa năm triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân hầu như không đáng kể. Cảnh “cá treo, mèo nhịn đói” khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, cần xem lại việc thiết kế của gói chính sách hỗ trợ này.

“Chúng ta cần phải xem lại gói hỗ trợ lãi suất 2% thiết kế chính sách đã hợp lý và phù hợp chưa. Thực tế là giữa doanh nghiệp và gói hỗ trợ này có sự lệch pha, không đến được với nhau”, ông Kỳ nhận xét.

Theo giải thích của ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), điều kiện tiên quyết của Nghị định 31/2022/NĐ-CP là để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy vậy, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lúng túng khi triển khai. Thêm vào đó, khách hàng còn có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên cũng không mấy hào hứng.

Trước đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thanh minh không phải ngân hàng “làm khó” giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà là do quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP khá khắt khe, đối tượng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định khá hẹp và nhiều quy định chưa rõ, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề khó chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp thừa nhận, mặc dù nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%, song doanh nghiệp này vẫn không nộp đơn xin hỗ trợ với lý do là sợ khâu “hậu kiểm” sau khi được hỗ trợ, chưa kể thủ tục để được hỗ trợ cũng khá rườm rà.

Nên điều chuyển nguồn để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp

Đoàn công tác liên bộ do ngân hàng Nhà nước chủ trì đã đi thực tế các địa phương và tiến hành khảo sát các doanh nghiệp nằm trong đối tượng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Kết quả cho thấy, có tới 67% doanh nghiệp không muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất. Con số này cho thấy, Nghị định 31 cần sửa đổi cho phù hợp hơn.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước)

Trong Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 vừa được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp.

Chính phủ đề nghị, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.

Theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% sử dụng ngân sách, nên sự chặt chẽ, thận trọng về mặt quy định là dễ hiểu. Tuy vậy, sự thiếu linh hoạt sẽ khiến gói hỗ trợ này khó giải ngân. Việc sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP dự kiến cũng mất nhiều thời gian và chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên điều chuyển nguồn sang gói hỗ trợ khác.

Ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nên trình Quốc hội chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, không chỉ gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà nhiều gói giải ngân của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (350.000 tỷ đồng) cũng giải ngân chậm. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình mới đạt hơn 71.500 tỷ đồng.

Để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp - bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất 2% - sang các gói hỗ trợ khác khả thi hơn.

Tin bài liên quan