Thông điệp từ Việt Nam gieo một ấn tượng đẹp với nhà đầu tư Mỹ

Thông điệp từ Việt Nam gieo một ấn tượng đẹp với nhà đầu tư Mỹ

Gọi dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam

(ĐTCK) Xuất hiện trên Diễn đàn đối thoại với nhà đầu tư Mỹ cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là nhiều nhà quản lý chia sẻ thông điệp cụ thể cho từng mảng việc, giúp nhà đầu tư nắm bắt cụ thể hơn những cơ hội từ Việt Nam.

"Cơ hội lớn cho nhà đầu tư có tiềm lực lớn"

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ

Tính đến tháng 6/2015, Việt Nam đã cổ phần hóa 4.200 DNNN, trong đó có 50 tổng công ty quy mô lớn và 4 ngân hàng thương mại, còn lại đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Từ nay đến hết năm 2015, theo kế hoạch Việt Nam sẽ cổ phần hóa 289 DNNN nữa, trong đó có 35 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn trong các lĩnh vực xây dựng, hạ tầng giao thông, chế biến, dược, sản xuất điện…

Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình cổ phần hóa trong 5 năm tiếp theo, từ 2015 - 2020, trong đó Nhà nước sẽ chỉ giữ cổ phần chi phối ở 3 lĩnh vực là các doanh nghiệp sản xuất phục vụ an ninh, quốc phòng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên nhà nước (truyền tải điện, sổ xố, in đúc tiền…); các doanh nghiệp trong lĩnh vực có suất đầu tư lớn, hiệu quả không cao, khối doanh nghiệp tư nhân khó tham gia được.

Với kế hoạch này, từ năm 2016 - 2020, Việt Nam sẽ cổ phần hóa thêm khoảng 400 DNNN nữa, ngoài 289 doanh nghiệp sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa năm 2015. Trong số đó có 22 tập đoàn, tổng công ty rất lớn thuộc những ngành đáng quan tâm như sản xuất thuốc lá, cafe, cao su, giấy, xi măng, điện lực, dầu khí…

Chẳng hạn, Tập đoàn Dầu khí có quy mô vốn tạm tính khoảng 300.000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực khoảng 100.000 tỷ đồng… Đây là những doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. 

"Khuyến khích vốn ngoại chảy mạnh vào TTCK"

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Từ nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam đang phục hồi, trở lại đà tăng trưởng cao, quyết định nới room của Chính phủ và các bước tiến trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội tốt, khuyến khích vốn ngoại vào Việt Nam.

Trên TTCK, khởi đầu với quy mô 0,2% GDP, sau 15 năm, TTCK Việt Nam có quy mô trên 30% GDP với triển vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong 5 năm tới, 2016 - 2020 khi nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn cổ phần hóa và niêm yết.

Trong nội tại TTCK, chúng tôi đã và sẽ thực hiện tái cấu trúc để thị trường hoạt động hiệu quả hơn, cùng với đó đang lấy ý kiến thành viên thị trường về các giải pháp hỗ trợ, như rút ngắn thời gian thanh toán, cho phép giao dịch trong ngành, cho phép đăng ký trading code qua Online để giảm thời gian, thủ tục mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Cuối năm 2016, TTCK phái sinh sẽ mở cửa hoạt động cũng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

UBCK đã và sẽ tiếp tục dành nhiều nỗ lực thúc đẩy sự minh bạch, thúc đẩy các DN quản trị công ty tốt hơn, tăng chất lượng hàng hóa…, để góp sức nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi.

Việc nâng hạng TTCK không chỉ làm tăng sức hấp dẫn của TTCK, mà còn tạo áp lực buộc các chủ thể trên thị trường phải liên tục đổi mới để nâng hạng chính mình.

"Việt Nam có chính sách thuế hấp dẫn"

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử về chính sách thuế giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư tổ chức hiện diện tại Việt Nam chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 22% và được miễn thuế cổ tức.

Nếu không hiện diện tại Việt Nam, nhà đầu tư đóng thuế chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 0,1% tính trên giá trị chuyển nhượng.

Với nhà đầu tư cá nhân, nếu hiện diện tại Việt Nam sẽ chịu thuế cổ tức 5% và được miễn thuế trái tức. Nếu không hiện diện tại Việt Nam thì chịu thuế 0,1% tính trên giá trị chuyển nhượng. Kể từ 1/1/2016, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ giảm từ 22% xuống còn 20%.

Cùng với đó, với các hoạt động đầu tư trực tiếp, Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015 quy định nhà đầu tư nước ngoài được hưởng nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế với thời gian ân hạn có thể đến 30 năm nếu đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang cần phát triển như giáo dục, dạy nghề, môi trường…

Với chính sách thuế này, Việt Nam hiện là quốc gia có mức thuế thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với mức thuế tại Đức, Pháp khi họ đang áp thuế từ 35 - 40%.

"Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế thường xuyên hơn"

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính

Năm 2005, Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên huy động vốn trên thị trường trái phiếu quốc tế với lãi suất 6,8%/năm. 5 năm sau đó, vào năm 2010, lần thứ hai Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế ở mức lãi suất 6,7%/năm.

Đến năm 2014, Chính phủ huy động thành công 1 tỷ USD trái phiếu trên thị trường Mỹ, với lãi suất chỉ còn 4,8%/năm. Điều đặc biệt là lượng trái phiếu đặt mua lớn gấp 10 lần lượng đặt bán cho thấy, nhu cầu đầu tư trái phiếu Việt Nam rất cao trên thị trường này.

Tính đến cuối năm 2014, nợ công Việt Nam bằng 59,6% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 47,7% GDP. Trong khoản nợ của Chính phủ, nợ trong nước khoảng 54% GDP, nợ nước ngoài 46% GDP. 94% là các khoản vay ưu đãi từ các chủ nợ song phương và đa phương với lãi suất cố định dưới 3%, đóng góp vào tính bền vững của các khoản vay nước ngoài của Chính phủ, hiện trạng nợ công Việt Nam rất an toàn.

Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất lớn. Cùng với đó, Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc nợ công, bởi từ năm 2017, nguồn vốn ODA sẽ giảm mạnh.

Bộ Tài chính đang xây dựng đề án phát hành trái phiếu trong trung hạn với kế hoạch tiếp cận thị trường vốn quốc tế thường xuyên hơn. Khi kế hoạch này được triển khai, sẽ góp phần hình thành đường cong lãi suất trên thị trường trái phiếu quốc tế, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài định giá và đầu tư vào Việt Nam.

Tin bài liên quan