Xu hướng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế trong nước liên tục tăng mạnh.

Xu hướng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế trong nước liên tục tăng mạnh.

Gọi dòng vốn mới, tạo sức bật mới cho nền kinh tế

(ĐTCK) “Quan trọng là cho tôi biết ai sẵn lòng vào Việt Nam để biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực”. Câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc trao đổi với 40 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Mỹ cho thấy, Việt Nam luôn mở cửa đón chào và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành công. 

Tiếp Chủ tịch Quỹ Harbinger, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Chủ tịch Quỹ Warburg Pincus; gặp gỡ, tọa đàm với nhiều tập đoàn lớn như GE, Walmart, Amazon, HSBC, Metlife, Medtronic, Gilead Sciences…, các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuần qua bên lề chuyến công tác Đại hội đồng Liên hợp quốc được giới kinh doanh đánh giá là những hoạt động xúc tiến đầu tư quan trọng để giới kinh doanh quốc tế hiểu hơn và có niềm tin hơn vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Với nhiều doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam không còn xa lạ, nhưng vẫn có những “sếu lớn” chưa bay tới. Việt Nam gần đây trong mắt các nhà đầu tư là thị trường năng động với nhiều tiềm năng.

Nhà đầu tư quan tâm đến chính sách của Chính phủ trong việc kêu gọi đầu tư và quan tâm đến các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, năng lượng, dược phẩm, giao dịch điện tử, dịch vụ, khởi nghiệp…

Ông Bill Ruh, Giám đốc Chuyển đổi số của GE mong muốn Việt Nam có những chương trình, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số.

“Nhiều quốc gia nhận ra rằng những chính sách và chương trình kỹ thuật số vững mạnh là vô cùng cần thiết để nền kinh tế của họ cạnh tranh và phát triển mạnh trong tương lai. Đức có nền công nghiệp 4.0, Trung Quốc có Internet+. Việt Nam có những chính sách, chương trình tương tự như vậy không”, ông Bill Ruh đặt câu hỏi.

Bắt tay với các tập đoàn nước ngoài đang là xu hướng và là phương thức mở rộng không gian tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Vingroup, Vietjet, Techcombank, Massan có sự lớn mạnh và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả cũng một phần nhờ được “tiếp sức” từ các dòng vốn ngoại.

Theo luật sư Trần Anh Hùng, Giám đốc điều hành Bross&Partners, trước đây có sự phân biệt khá rõ nét về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư gián tiếp thông qua con đường mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Với Luật Đầu tư 2014, khái niệm đầu tư trực tiếp và gián tiếp không còn, thay vào đó, Luật quy định hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua các hình thức:

Đầu tư dự án thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác công tư (PPP) hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).

Những năm gần đây, xu hướng góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào các tổ chức kinh tế liên tục tăng trưởng mạnh.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện hơn 5.000 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỷ USD và tăng 45,1% so với năm 2016.

“Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong các năm tiếp theo”, luật sư Hùng nhận định.

Cũng đã có những bước tiến lớn trong việc mở rộng cánh cửa thông tin đối với các nhà đầu tư ngoại.

Đơn cử, Quyết định 58/2016/QĐ-TTg đã liệt kê tên của các doanh nghiệp nhà nước cần được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020 và tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước còn lại sau khi cổ phần hóa.

Quyết định 1232/2017-QĐ-TTg liệt kê tên của các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, trong đó nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi quyền sở hữu trong giai đoạn 2017-2020 và tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước còn lại, nếu có, sau khi thoái vốn.

Dưới con mắt của những nhà đầu tư ngoại có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam như ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, động thái này mở ra nhiều cơ hội hơn, giúp các nhà đầu tư lên kế hoạch và chắt lọc các thương vụ tiềm năng dễ dàng hơn.

Nhiều thương vụ nổi bật trong 2 năm trở lại đây cũng đã đưa tên tuổi Việt Nam nổi danh trong bản đồ M&A khu vực và thế giới, điển hình như thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco năm 2017 trị giá gần 5 tỷ USD;

Thương vụ thoái vốn thành công 3,33% số cổ phần tại Vinamilk với mức giá bình quân 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần, thu về 8.990 tỷ đồng, chênh lệch trên 8.700 tỷ đồng hay vào tháng 3/2018, Nhà nước đã bán vốn thành công tại CTCP Nhựa Bình Minh thu về 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ đồng, chênh lệch 2.185 tỷ đồng... 

Tin bài liên quan