Cú bật mạnh của TTCK Việt Nam xuất phát từ thông tin FED quyết định giữ nguyên lãi suất, xuất hiện đầu giờ giao dịch. Tâm lý nhà đầu tư, sau thời gian dài bị kìm nén, đã được giải tỏa.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), về mặt kỹ thuật, các chỉ số đã thành công trong việc kiểm nghiệm lại các vùng hỗ trợ quan trọng với VN-Index là 560 điểm và với HNX-Index là 76 điểm và phiên tăng điểm tích cực với thanh khoản tốt cuối tuần mở ra khả năng tiếp tục tăng điểm để kiểm nghiệm lại các ngưỡng kháng cự cao hơn (VN-Index là vùng 575-580 điểm và HNX-Index là vùng 79 điểm).
MBS cho rằng, khi áp lực tâm lý ngắn hạn về động thái của FED đối với nhà đầu tư đã được gỡ bỏ và xu thế tăng trưởng ngắn hạn đang dần được thiết lập, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 80% danh mục, nhằm tận dụng đà hồi phục tích cực của thị trường.
Cũng đánh giá việc FED tiếp tục trì hoãn nâng lãi suất đã giúp các thị trường tài chính trên thế giới và Việt Nam trút được gánh nặng tâm lý, nhưng CTCK Sài Gòn (SSI) lại chia sẻ một góc nhìn thận trọng. Theo SSI, cả thế giới và Việt Nam đón nhận động thái của FED trên theo một cách khá trầm lặng.
Các TTCK châu Á tăng điểm nhẹ ngoại trừ Nhật Bản, trong khi đó các TTCK tại châu Âu phần lớn giảm điểm. Ngay cả TTCK Mỹ cũng không có phản ứng tích cực đối với thông tin giữ nguyên lãi suất.
Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM cho rằng, trong đầu tư, có một nguyên tắc đúng với mọi thị trường là rủi ro tỷ lệ thuận với cơ hội kiếm lợi nhuận.
TTCK Việt Nam, trong đánh giá của nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài, là thị trường non trẻ, nhưng đầy cơ hội. Vấn đề là làm sao để cơ hội đó bật sáng, giúp các DN, TTCK thu hút được dòng vốn giải ngân.
Với nhà đầu tư nội địa, khi nỗi lo FED tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ… vơi đi, CTCK có nhiều việc để làm nhằm thu hút nhà đầu tư trở lại thời kỳ giao dịch sôi động.
Với nhà đầu tư quốc tế, rõ ràng, quyết định tăng lãi suất của FED hay phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không phải là yếu tố chính quyết định khoản đầu tư vào Việt Nam, mà dòng tiền sẽ chảy, nếu sức hấp dẫn từ nội tại Việt Nam đủ lớn.
Nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng, với dự báo khả năng tăng trưởng GDP cuối năm có thể đạt 6,4%, vượt kế hoạch. Trong một nền kinh tế tăng trưởng, TTCK có cơ hội tăng trưởng và các DN có cơ hội hút vốn nếu làm tốt công tác quan hệ nhà đầu tư, “bật sáng” chính mình.