Gói chi tiêu cơ sở hạ tầng được thông qua, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

Gói chi tiêu cơ sở hạ tầng được thông qua, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall nối dài đà tăng ổn định sang đầu tuần mới (8/11) sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng cuối tuần vừa qua.

Cuối tuần trước, Hạ viện Mỹ chính thức thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất, sau khi Thượng viện thông qua hồi tháng 8.

Dự luật về gói chi tiêu đã được Thượng viện thông qua cách đây gần 2 tháng, song bị trì hoãn tại Hạ viện với nhiều cuộc tranh cãi gay gắt khi đảng Dân chủ cố đàm phán thỏa thuận gói kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, một phần quan trọng khác trong chương trình nghị sự của ông Biden. Gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng vốn là một trong những cam kết tranh cử chính của nhà lãnh đạo Mỹ.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và công nghiệp nhảy vọt trong phiên đầu tuần nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ gói chi tiêu. Quỹ ETF phát triển hạ tầng Mỹ Global X tăng gần 1,3% và chạm mức cao mọi thời đại mới vào sáng ngày thứ Hai.

Trong số 11 ngành chính của S&P 500, vật liệu tăng mạnh nhất với 1,2%.

Mặt khác, mùa báo cáo quý III đang đi đến giai đoạn cuối cùng với 445 công ty trong S&P 500 đã công bố báo cáo. Trong số đó, 81% đạt lợi nhuận trên mức kỳ vọng của các nhà phân tích, theo Refinitiv.

Đáng chú ý trong phiên, tiền điện tử và các cổ phiếu liên quan đến blockchain, bao gồm Coinbase Global, Riot Blockchain, Marathon Digital Holdings và MicroStrategy ghi nhận tăng từ 5% đến 18%, khi đồng ether tăng lên mức đỉnh mới và bitcoin gần đạt mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, cổ phiếu Tesla giảm 4,9% sau cuộc thăm dò trên Twitter của CEO Elon Musk về việc liệu ông có nên bán khoảng 10% số cổ phiếu Tesla đang nắm giữ hay không. Cuộc thăm dò đã thu hút được hơn 3,5 triệu phiếu bầu, với 57,9% phiếu bầu là “có”.

Cả ba chỉ số chính trên phố Wall đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đang chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 8/11, chỉ số Dow Jones tăng 104,27 điểm (+0,29%), lên 36.432,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,17 điểm (+0,09%), lên 4.701,7 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 10,77 điểm (+0,07%), lên 15.982,36 điểm.

Chứng khoán châu Âu đi ngang trong phiên giao dịch đầu tuần do thị trường thiếu động lực sau khi trải qua một đợt tăng mạnh.

Một cuộc khảo sát cho thấy, tâm lý của các nhà đầu tư trong khu vực đồng euro đã tăng lên trong tháng 11, lần đầu tiên kể từ tháng 7, với kỳ vọng tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và giá cả tăng cao sẽ chỉ kìm hãm nền kinh tế tạm thời.

Kết thúc phiên 8/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,56 điểm (-0,05%), xuống 7.300,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 7,84 điểm (-0,05%), xuống 16.046,52 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 6,69 điểm (+0,10%), lên 7.047,48 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm trong bối cảnh cổ phiếu xây dựng suy yếu do một số công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý III không được như dự báo của thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu du lịch và năng lượng hồi phục, đồng thời dữ liệu xuất khẩu của nước này trong tháng 10 vượt dự báo.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do các cổ phiếu công nghệ lớn và cổ phiếu chăm sóc sức khỏe kéo lùi.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng do ảnh hưởng bởi đà giảm của cổ phiếu dược phẩm sinh học và các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu lạm phát từ Mỹ và Trung Quốc sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Kết thúc phiên 8/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 104,52 điểm (-0,35%), xuống 29.507,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,06 điểm (+0,20%), lên 3.498,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 106,74 điểm (-0,43%), xuống 24.763,77 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 9,07 điểm (-0,31%), xuống 2.960,20 điểm.

Giá vàng đêm qua tiếp tục đà tăng vững chắc trong bối cảnh nỗi lo lạm phát vẫn ám ảnh thị trường lo, USD suy yếu và lãi suất trái phiếu Mỹ giảm.

Kết thúc phiên 8/11, giá vàng giao ngay tăng 6,00 USD (+0,33%), lên 1.824,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 11,20 USD (+0,62%), lên 1.828,00 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên ngày thứ Hai trước nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế toàn cầu tăng trưởng, hỗ trợ triển vọng nhu cầu năng lượng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/11 hoan nghênh việc Quốc hội nước này thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD vốn bị trì hoãn từ lâu, yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về nhiên liệu.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm hôm thứ Hai cho biết, Washington đang cân nhắc các lựa chọn các phương án để giải quyết tình trạng giá xăng dầu tăng cao sau khi OPEC quyết định không tăng nguồn cung.

Bà Jennifer Granholm không loại trừ việc sử dụng các kho dự trữ chiến lược của Mỹ để ổn định giá xăng dầu nội địa, và lưu ý rằng “đây là một trong những công cụ mà Tổng thống Biden sẵn có” và khẳng định nhà lãnh đạo Mỹ đang xem xét phương án này.

Kết thúc phiên 8/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,68 USD (+0,84%), lên 81,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,71 USD (+0,83%), lên 83,44 USD/thùng.

Tin bài liên quan