Gói 30.000 tỷ, sửa đến bao giờ!?

Gói 30.000 tỷ, sửa đến bao giờ!?

(ĐTCK) Gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã đi được nửa quãng đường, nhưng đến tháng 8/2014 mới giải ngân được khoảng 10%.

Sốt ruột về sự chậm trễ này, trong phiên họp tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02 theo hướng mở rộng đối tượng, điều kiện cho vay để đẩy nhanh việc giải ngân gói tín dụng kể trên.

Nhưng xem ra, sự quyết liệt chỉ đến từ cấp cao, còn các đơn vị thừa hành vẫn đủng đỉnh. Sau 2 tháng Nghị quyết 61 được ban hành, cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra được dự thảo lần 2 của thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 61 về giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Còn lãnh đạo Bộ Xây dựng thì cho biết, cũng mới đang xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 07 và Thông tư 18 về thủ tục cho vay gói tín dụng này.

Trở lại thời điểm đầu năm 2013, thị trường bất động sản vô cùng háo hức khi đón nhận thông tin về gói 30.000 tỷ đồng. Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng, gói tín dụng này như vị cứu tinh xuất hiện nhằm cứu vớt thị trường bất động sản vốn “đóng băng” trong một thời gian dài và chôn vùi hàng trăm ngàn tỷ đồng của xã hội.

Thế nhưng, sau 1 năm triển khai, đến đầu năm 2014, gói tín dụng trên mới giải ngân được khoảng 3%, quá chậm so với kỳ vọng. Nhìn nhận kết quả thực hiện gói hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, mặc dù lãi suất cho vay ưu đãi đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1/2014, song vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Cùng với đó, thời hạn cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ.

Bên cạnh đó, khó khăn vẫn nằm ở vấn đề thủ tục của ngân hàng, bởi các đơn vị này có quá nhiều yêu cầu, quá nhiều thủ tục ràng buộc. Hơn nữa, cách xác nhận của mỗi địa phương một khác, không thống nhất khiến cho người dân ngao ngán rồi bỏ cuộc. Ngoài ra, một khách hàng muốn vay tiền thì phải chứng minh thu nhập bằng tiền mặt, mà với những người thu nhập thấp thì đây lại là chuyện không phải ai cũng có thể làm được…

Về phía các chủ đầu tư, nhiều đơn vị cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chưa giấy phép xây dựng, báo cáo tài chính không đáp ứng điều kiện để được vay vốn.

Những vướng mắc trên cho đến thời điểm này về cơ bản đã được tháo gỡ bằng những văn bản của các bộ, ngành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, căn nguyên làm chậm tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng không chỉ riêng từ lĩnh vực ngân hàng, mà còn do thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã từng chia sẻ rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng thì phải có nguồn cung nhà xã hội hoặc nhà ở thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2/căn hộ.

Ngày 21/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014 nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ. Theo đó, thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân sẽ được kéo dài lên 15 năm, thay vì 10 năm theo Nghị quyết 02 trước đó.

Nghị quyết còn mở rộng đối tượng cho vay là các cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp và khó khăn về nhà ở. Nếu mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán dưới 1,05 tỷ đồng cũng sẽ được vay ưu đãi theo gói 30.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước một số quy định có thể cản đường tiếp cận vốn vay hơn. Chẳng hạn, tại Điều 1 dự thảo nêu rõ: Ngân hàng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng thông qua việc phân tích dòng tiền của DN hoặc thu nhập của cá nhân, hộ gia đình để thỏa thuận mức cho vay, thời hạn cho vay và kỳ hạn trả nợ phù hợp đối với khách hàng. Có thể thấy, hướng dẫn này hoàn toàn mang tính định tính và mỗi tổ chức cho vay có thể diễn giải theo những cách khác nhau, có lợi cho đơn vị mình!

Ngoài ra, thị trường cũng phải tiếp tục chờ thông tư sửa đổi Thông tư 07 và Thông tư 18 của Bộ Xây dựng nhằm thống nhất giữa hướng dẫn mới của hai đầu mối này với nhau.

Như vậy, có thể nhìn thấy tương lai gói 30.000 tỷ đồng vẫn sẽ… “chậm dài dài”! 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản:Phía Bắc: Anh Trọng Hiếu (0904.405.665). Phía Nam: Anh Tăng Triển (0989.108.610). Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Phát hành

Hà Nội: 47 Quán Thánh, Ba Đình - ĐT: 04 38450537/Fax: 04 38235281
TP. HCM: 178 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3- ĐT: 08 39305311 - 08 39305316/Fax: 08 39305317 - 08 39305318

Tin bài liên quan