Bản thân tôi từng là một trader, giao dịch khá đa dạng các công cụ và trong thời gian khá dài, nhưng không có hiệu quả. Sau khi từ bỏ việc đầu cơ và chuyển sang đầu tư giá trị, tôi thấy trường phái này phù hợp với mình hơn và gặt hái được nhiều thành công hơn.
Là nhà đầu tư chứng khoán, chắc hẳn mọi người đều biết sức mạnh của "lãi kép" và để phát huy sức mạnh này cần một khoảng thời gian đủ dài. Warren Buffett từng khiêm tốn tự nhận xét bản thân mình có lợi thế là sinh ra đúng thời điểm, có khả năng phân bổ tiền hiệu quả vào các tài sản và sống lâu. Song dù là đầu tư hay đầu cơ, chúng ta đều mong đợi một mức sinh lời bền vững và đặc biệt là phải tốt hơn thị trường chung.
Nhắc tới đầu cơ, mọi người đều biết tới phân tích kỹ thuật, cha đẻ của phương pháp này chính là Charles H. Dow. Mục đích ban đầu khi ông đặt ra các giả thuyết là để dự đoán xu hướng thị trường và sau này, các nhà đầu cơ bắt đầu phát triển các công cụ thể hiện trên đồ thị rất đa dạng nhằm cố gắng đưa ra được nhận định mua/bán thiết thực hơn. Một số trader còn đưa ra các công cụ dự đoán trước, hoặc lượng hóa các yếu tố cơ bản xung quanh hoạt động của một doanh nghiệp nhằm đưa ra quyết định hiệu quả hơn.
Thực tế, chỉ các quỹ định lượng mới đủ nguồn lực và chuyên môn để nghiên cứu định lượng, còn các cá nhân chủ yếu sử dụng phân tích kỹ thuật. Điều tôi muốn nhắn nhủ là khi dùng bất kỳ một công cụ đầu tư nào cần ghi nhớ 2 vấn đề, đó là bạn có tin vào công cụ đó và phải hiểu thật rõ thì mới sử dụng.
Tôi thấy rằng, phân tích kỹ thuật rất hữu ích, dễ dàng để hiểu và sử dụng, nhưng phương pháp này không phù hợp với tính cách của bản thân. Sự thất bại của hầu hết trader tới từ việc thiếu kỷ luật và bị chi phối bởi quá nhiều nguồn thông tin bên ngoài. Phương pháp này dựa trên giá và khối lượng để phát triển các công cụ đầu tư, với niềm tin rằng giá phản ánh tất cả, tức là các thông tin xung quanh hoạt động của doanh nghiệp, tâm lý con người thì không thay đổi và không ai có thể chi phối được thị trường…
Còn rất nhiều điều mang tính nền tảng trong lý thuyết Dow mà chúng ta chắc chắn phải tin mới sử dụng được các công cụ kỹ thuật.
Điều cần lưu ý ở đây là các nền tảng đều mang tính “quá trình”, tức là cần có thời gian để giá cổ phiếu thể hiện được xu hướng một cách chắc chắn. Một vài ví dụ để làm rõ điều này: Thị trường hay giá cổ phiếu trong ngắn hạn hoàn toàn có thể bị chi phối bởi các bàn tay hữu hình và thời gian càng ngắn, tâm lý con người sẽ càng trở nên bức xúc, thậm chí điên cuồng; một biến số quan trọng liên quan tới doanh nghiệp chính là lợi nhuận sau thuế, trong một số thời điểm trước và sau khi công bố thông tin lợi nhuận giá cổ phiếu không hề biến động.
Để giải quyết bài toán trên, các trader sẽ chọn khung thời gian dài hơn, cố gắng theo xu hướng của thị trường. Nếu là nhà giao dịch, chắn hẳn bạn biết đến Adam Khoo, vốn là một bậc thầy trong giao dịch các tài sản tài chính.
Ông thường chỉ ưu tiên giao dịch trong thị trường giá lên, tức "bull market". Mọi người có thể dễ dàng thấy đa phần giá cổ phiếu đơn lẻ diễn biến theo thị trường chung, chỉ có một số nhỏ là đi ngược lại.
Thị trường lên được ví như câu "nước lên, thuyền lên", kéo theo các thứ trôi nổi khác cũng lên theo. Adam Khoo nhìn việc giao dịch dưới góc độ xác suất, tựa như việc bạn vào casino để chơi trò Roullete, có tổng cộng 37 ô trong trò chơi này với 18 ô xanh, 18 ô đỏ và 1 ô không màu. Xác suất thắng về lâu dài sẽ luôn nghiêng về “nhà cái” với tỷ lệ 19/37.
Nhìn sang thị trường chứng khoán, với nguyên tắc nền tảng xu hướng là một quá trình, giá đang ở trong xu hướng nào thì sẽ tiếp tục trong xu hướng đó cho tới khi bị phá vỡ.
Trong thị trường giá lên, xác suất bạn chọn đúng cổ phiếu tăng sẽ cao hơn, bài toán đơn giản được đưa về công thức mức sinh lời kỳ vọng trung bình: ER(Expected Return) = Xác suất lời x %lời - Xác suất lỗ x %lỗ.
Giả sử, bạn thực hiện 10 giao dịch, xác suất lời là 40%, xác suất lỗ là 60%, các giao dịch lời là 20% và các giao dịch lỗ là 10%, thì tổng lại lợi nhuận kỳ vọng vẫn là 2%. Tức là trong thị trường giá lên, khi bạn thực hiện nhiều giao dịch lỗ hơn thì khả sinh lời vẫn sẽ có. Trong trường hợp này, nếu xác suất lời giảm xuống 30%, với mỗi giao dịch thắng bạn cần thắng 30% thì tổng danh mục mới lời trung bình 20% sau 10 lần giao dịch.
Giả định này chưa bao gồm phí giao dịch và các biến số khác tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Vì vậy, khuyến nghị của Adam Khoo đối với nhà giao dịch không chuyên nghiệp là chỉ nên tham gia khi thị trường trong giai đoạn giá lên.
Tỉnh táo trước tin đồn
Các biến số khác có thể tác động tới quyết định của trader mà chính tôi cũng đã từng trải qua là các tin đồn, lời khuyên từ bạn bè, môi giới và các mối quan hệ khác. Đây là một phần không thể thiếu của cả nhà giao dịch và nhà đầu tư. Tôi không phủ nhận vai trò của họ, nhưng bạn cần suy nghĩ và tỉnh táo trong mọi trường hợp, quan trọng nhất là phải giữ chừng mực.
Lấy một ví dụ về tin đồn tác động tới quyết định đầu tư của bạn: Trong quá trình nắm giữ cổ phiếu sau khi tín hiệu từ hệ thống của bạn cho mua, có một tin đồn khá xấu liên quan tới một thương vụ, hoặc tình hình doanh nghiệp có thể xấu đi trong ngắn hạn. Bạn cần tỉnh táo suy nghĩ rằng, nếu ra quyết định ngay theo tin đồn đó thì bạn sẽ gặp rủi ro ở cả 2 đầu.
Một là chất lượng nguồn tin đầu vào, hai là diễn biến giá thị trường không như bạn mong đợi, như tôi đã đề cập phía trên (lợi nhuận tăng, nhưng chưa chắc giá cổ phiếu sẽ tăng trong ngắn hạn).
Nếu giá phản ánh tất cả thì thời điểm nào sẽ phản ánh, mức độ phản ánh như thế nào? Đây là một tình huống "lose to lose", một nhà kinh doanh thông minh sẽ không bao giờ ra quyết định dựa trên các tin đồn thiếu cơ sở này.
Ken Griffin khuyên các nhà đầu tư nhỏ lẻ như sau: "Một trong những cách làm mất tiền trên thị trường chứng khoán là chỉ chăm chăm nghe ngóng những tin đồn, một vài nguồn tin không chính thống, sau đó không kiểm tra kỹ những tin đồn đó mà lại vội vã đưa ra quyết định của bản thân... là cách nhanh nhất khiến nhà đầu tư đi tới thất bại. Để thành công, cần bỏ qua tất cả các ý kiến bên ngoài và các dự đoán. Sau đó, cố gắng thực hiện theo chiến lược đã được hoạch định sẵn của bản thân”.
Việc ra quyết định vội vàng thể hiện lập trường bạn chưa vững, chưa tuân thủ chiến lược đầu tư và sai về mặt phương pháp “mua theo kỹ thuật, bán theo cơ bản hoặc tin đồn”. Bạn cũng nên nhớ, là một nhà giao dịch thì bạn phải thực hiện rất nhiều giao dịch và phải nhanh chóng quên đi cảm giác đau buồn từ thua lỗ để tập trung thực hiện một giao dịch khác tốt hơn.
Chọn trường phái đầu tư hay đầu cơ lại tùy thuộc vào tính cách của bản thân, riêng bản thân tôi sau khi trải nghiệm và ngẫm lại, tôi có niềm tin hơn ở phương pháp đầu tư giá trị vì tính nền tảng: Chỉ tập trung vào các hoạt động kinh doanh, sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Việc phân tích đầu tư cẩn thận và chi tiết mang đến một giấc ngủ ngon cho nhà đầu tư và đó không phải là một trò chơi có tổng bằng 0.
Mỗi trường phái đều có sự thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng trong qua trình giao dịch, tôi thấy được sự phá vỡ nguyên tắc nhiều hơn là kỷ luật đầu tư. Vì niềm tin vào doanh nghiệp không phải là thứ dễ dàng có được như các chỉ báo mua/bán. Nguyên nhân chủ yếu của sự phá vỡ là nỗi sợ hãi “mất tiền”, sức “chịu lời” luôn thấp hơn “chịu lỗ”. Thực thế cho thấy, nhà giao dịch có thể để danh mục lỗ nhiều, nhưng khi chỉ lời vài phần trăm là họ đã bán với một lý do “chốt lời không bao giờ sai”.
Một vài tuần hay một vài tháng giao dịch không thành công sẽ xáo trộn cuộc sống của một nhà đầu tư theo trường phái giao dịch liên tục, bởi khó có thể ngủ ngon khi tài khoản đang lỗ nặng.
Với nhà đầu tư mua tích trữ cổ phiếu, việc tập trung để hiểu về doanh nghiệp và ngành nghề mà doanh nghiệp đó hoạt động đem lại cảm giác yên tâm, bởi họ chỉ mua khi giá cổ phiếu nằm trong biên độ an toàn. Có rất nhiều thứ cần phải tìm hiểu về doanh nghiệp, chứ không đơn thuần dựa vào báo cáo tài chính, sau đó ra quyết định đầu tư và ngồi chờ.
Theo quan điểm cá nhân, việc giao dịch liên tục chỉ phù hợp với những ai nhạy cảm với thị trường, thường xuyên theo dõi và không ngừng cập nhật hệ thống của mình. Ngoài chiến đấu với thị trường, trong trường hợp này, bản thân nhà giao dịch sẽ là trở ngại lớn nhất.
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đa phần là nhà đầu tư cá nhân với trình độ chuyên môn không đồng đều, trong khi một số tổ chức giao dịch có hệ thống, tin tức nội bộ.
Việc tạo ra lợi thế cạnh tranh sẽ ngày càng khó khăn hơn vì khái niệm "tâm lý đám đông" vẫn luôn tồn tại, cách duy nhất để chiến thắng là ra quyết định độc lập và tuân thủ hệ thống mình đang sử dụng dựa trên nguyên tắc "tin và hiểu thì mới dùng".
Đối với đầu tư, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một cộng đồng chuyên nghiệp, tư duy đúng đắn ngay từ đầu. Trên cơ sở đó, các quyết định đầu tư sẽ ngày càng đúng đắn, có cơ sở hơn và quá trình tự nghiên cứu sẽ dễ dàng hơn.