Nhịp điều chỉnh trong tháng 5 của thị trường chứng khoán đã mang lại không ít cơ hội đầu tư

Nhịp điều chỉnh trong tháng 5 của thị trường chứng khoán đã mang lại không ít cơ hội đầu tư

Góc nhìn trái chiều của các quỹ đầu tư đã “thoát hàng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Một số quỹ đầu tư đẩy mạnh việc chốt lời cổ phiếu với đánh giá rủi ro gia tăng và nâng tỷ trọng nắm giữ tiền mặt lên mức kỷ lục, nhưng gần đây có quỹ đã tích cực giải ngân trở lại.

The Ballad Fund tạm rời khỏi thị trường

Quỹ đầu tư thuộc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) là Ballad Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 5/2024, với tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tiếp tục giảm mạnh.

Cụ thể, tính tới ngày 31/5/2024, tỷ trọng phân bổ tài sản vào cổ phiếu của Ballad chỉ còn 21,16%, mức thấp nhất kể từ khi hoạt động vào tháng 11/2021. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, quỹ đầu tư này bán mạnh cổ phiếu trong danh mục. Trước đó, trong quý đầu năm 2024, tỷ trọng cổ phiếu thường xuyên duy trì quanh mức 80 - 90% danh mục.

Ballad bán mạnh cổ phiếu kể từ tháng 3/2024. Quỹ đã bán hết các cổ phiếu thuộc nhóm tài chính như VCB, VIB, TPB, CTG, MSB, BVH, chỉ giữ lại cổ phiếu ACB, đồng thời bán hết cổ phiếu MSN, ACV và GAS. Riêng trong tháng 5 vừa qua, Ballad bán toàn bộ cổ phiếu QTP và VTO, 2 cổ phiếu từng nắm giữ từ lâu.

Trong 6 tháng tính đến hết tháng 5/2024, hiệu suất đầu tư của Ballad là 18,71%, trong khi chỉ số VN-Index tăng 11,6%.

Theo SGI Capital, các dữ liệu vĩ mô tháng 5/2024 cho thấy, kinh tế tiếp tục phục hồi nhẹ ở cả lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng. Điểm tích cực là lãi suất vẫn đang ở mức thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như giúp giữ chân dòng tiền ở lại thị trường chứng khoán. Tuy vậy, thị trường chứng khoán tháng 5 chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục 19.000 tỷ đồng, nâng mức bán ròng kể từ đầu năm nay lên hơn 40.000 tỷ đồng. Lý do của việc thoái vốn ồ ạt này có thể kể đến lo ngại rủi ro tỷ giá khi nền lãi suất VND hạ thấp so với thế giới, thoái vốn một số nhóm cổ phiếu có rủi ro cục bộ cao và ảnh hưởng từ xu hướng rút ròng chung khỏi nhóm các thị trường mới nổi.

“Chúng tôi chưa thấy các xu hướng này kết thúc hoặc đảo chiều”, SGI Capital chia sẻ.

Kể từ tháng 1/2020 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 110.000 tỷ đồng cổ phiếu, trong khi các doanh nghiệp phát hành cho cổ đông hiện hữu 160.000 tỷ đồng cổ phiếu và cổ đông nội bộ/cổ đông lớn bán ra 30.000 tỷ đồng. Tổng cộng hơn 300.000 tỷ đồng nguồn cung này được hấp thụ bởi nhà đầu tư nội thông qua một nửa là tiền nộp mới và một nửa là dư nợ vay ký quỹ (margin) tăng thêm. Hệ quả là mức margin/vốn hoá tăng lên mức kỷ lục 3,7% tính trên vốn hoá HOSE vào cuối quý I/2024.

Trong bối cảnh áp lực bán ròng kỷ lục của khối ngoại, các đợt phát hành tăng vốn mới tăng tốc và cổ đông nội bộ bán ra, thị trường cần dòng tiền nộp mới để duy trì xu hướng tích cực. Nhưng thanh khoản trên thị trường lại giảm đi trong thời gian gần đây, dòng tiền nội đã không tăng đủ mạnh và tỷ lệ margin ở mức cao hơn.

Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn 20.000 tỷ đồng trong tháng 6/2024 và 33.000 tỷ đồng trong quý III/2024. Áp lực từ trái phiếu và nợ tới hạn vẫn là một rủi ro trực tiếp với những doanh nghiệp phát hành (bao gồm một số tập đoàn lớn đang niêm yết) nói riêng, ngành bất động sản nói chung và có thể ảnh hưởng tới ngành ngân hàng.

“Trong báo cáo tháng 10/2023, chúng tôi đã có cái nhìn tích cực hơn về thị trường chung và ngành ngân hàng, với kỳ vọng lãi suất hạ sẽ giúp nợ xấu được kiểm soát và xử lý hiệu quả, tín dụng tăng trưởng trở lại giúp nền kinh tế và ngành ngân hàng phục hồi. Tuy nhiên, những diễn biến thực tế thời gian qua đang cho thấy quá trình này sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn khi kinh tế thực phục hồi chậm và nhiều khách hàng vay nợ đang ở tình trạng thanh khoản khó khăn hơn cả giai đoạn 2022 - 2023, trong khi nền lãi suất bắt đầu tăng trở lại”, SGI Capital đánh giá.

Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5/2024 mới đạt 2,41%. Ngành ngân hàng đang trải qua giai đoạn tăng trưởng tín dụng thấp, biên lợi nhuận giảm, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng khiến nhu cầu trích lập dự phòng tăng theo. Những ngành nhạy với lãi suất là chứng khoán và bất động sản sẽ gặp khó về tăng trưởng trong năm nay. Bởi vậy, SGI Capital cho rằng, dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường ở mức 15% cho năm 2024 không dễ đạt được. Đồng thời, với các kế hoạch phát hành cổ phiếu sắp tới, tăng trưởng tính trên EPS sẽ còn thấp hơn.

“Chúng tôi thấy việc tìm kiếm các cơ hội đủ hấp dẫn đang trở nên khó khăn và dòng tiền bộc lộ tính đầu cơ chấp nhận rủi ro cao khi xuất hiện không ít trường hợp giá vượt xa hoặc bỏ qua các yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Trong môi trường lãi suất thấp, dòng tiền dễ bị cuốn vào các cuộc đầu cơ phi lý kéo dài. Khi nguồn lực của thị trường bị thu hút mạnh vào các cuộc đầu cơ, kết cục sau cùng thường không tốt đẹp cho cả những người đầu cơ và thị trường nói chung”, SGI Capital cho biết.

Quỹ NTPPF dần “nhập hàng” trở lại

Ngày 26/4/2024, tỷ trọng tiền mặt của Quỹ NTPPF ở mức 97,2%, nhưng đến cuối tháng 5, tỷ trọng này chỉ còn khoảng 12%, do Quỹ tích cực giải ngân trở lại vào cổ phiếu.

Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng NTP (NTPPF) của Công ty cổ phần Quản lý quỹ NTP (NTP AM) cũng thoát hàng quyết liệt, nhưng ở thời điểm sớm hơn.

Thời điểm tháng 1/2024, danh mục đầu tư của NTPPF tập trung vào các cổ phiếu vốn hoá lớn như FPT, VCB, MBB, ACB… Theo NTP AM, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được phân bổ tỷ trọng cao nhờ triển vọng tích cực của ngành này trong các tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, đứng đầu danh mục, chiếm 11,4% tổng tài sản đầu tư của NTPPF là cổ phiếu FPT trong lĩnh vực công nghệ. Tính chung, cổ phiếu chiếm 80,6%, còn tiền mặt chiếm 19,4% tổng tài sản của Quỹ. Nhưng tới cuối tháng 2/2024, NTPPF nhanh chóng chốt lời các cổ phiếu trong danh mục, đưa tỷ lệ tiền mặt lên 98%.

Lý giải động thái này, NTPPF cho biết, trong tháng 2/2024, danh mục đầu tư của Quỹ tăng 1,7%, thấp hơn 4,9% so với mức tăng của VN-Index. Chuỗi tăng điểm liên tiếp của chỉ số chung đã đưa định giá P/E 4 quý gần nhất dần tiệm cận 15 lần, mức định giá phản ánh tương đối nhiều kỳ vọng của thị trường trong trung hạn. Vì vậy, Quỹ đã tiến hành hiện thực hóa lợi nhuận, tăng tỷ trọng tiền mặt lên mức cao và chờ đợi cơ hội tiếp theo với mức chiết khấu hấp dẫn hơn.

Báo cáo tháng 5/2024 (cập nhật hoạt động đến ngày 26/4/2024) của NTPPF cho thấy, tỷ trọng tiền mặt của Quỹ ở mức 97,2%. Danh mục 10 khoản đầu tư lớn chiếm tỷ trọng không đáng kể, trong đó cổ phiếu HCM đứng đầu danh mục với tỷ trọng 1%.

NTP AM cho hay, song song với việc tiếp tục theo dõi các biến động của chính sách điều hành vĩ mô và các chỉ số, NTPPF đã chuẩn bị sẵn danh mục giải ngân khi thị trường và các cổ phiếu nằm trong danh mục dự kiến điều chỉnh về các vùng giá có mức chiết khấu hợp lý.

“Chúng tôi đánh giá, đợt tăng giá đầu tiên trong năm 2024 của thị trường chứng khoán đã kết thúc. Chúng tôi chờ đợi cơ hội giải ngân trong các nhịp điều chỉnh của thị trường để nâng tỷ trọng vào các cổ phiếu tiềm năng tại mức chiết khấu hợp lý thuộc các nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính, bất động sản, công nghệ, tài nguyên cơ bản, hóa chất, bán lẻ, hàng tiêu dùng”, NTP AM chia sẻ.

Thực tế, từ thời điểm cuối tháng 2/2024, khi NTPPF chốt lời “non” danh mục đầu tư cho tới đầu tháng 6 vừa qua, các cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư lớn của Quỹ đều duy trì tăng trưởng tích cực, trong đó mã FPT tăng hơn 45%, mã ACB tăng 13%, mã MBB tăng 5,7%, mã GMD tăng 24%, mã HPG tăng 15%, mã NLG tăng 18%.

Cập nhật mới nhất tại báo cáo tháng 6/2024 (dữ liệu đến 31/5/2024) của NTP AM cho thấy, NTPPF bắt đầu giải ngân trở lại, nâng cao tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ.

Cụ thể, trong tháng 5/2024, NTPPF tận dụng cơ hội trong các phiên điều chỉnh mạnh của thị trường để thực hiện giải ngân, dần nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên xấp xỉ 88%. Trong đó, ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Quỹ vẫn là ngân hàng.

Tin bài liên quan