Theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông không có lý do nào để hủy bỏ kết quả Đại hội đồng cổ đông sau 12 năm

Theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông không có lý do nào để hủy bỏ kết quả Đại hội đồng cổ đông sau 12 năm

Góc nhìn pháp lý vụ cổ phần hóa Hacinco

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán đã có loạt bài viết phản ánh vụ việc cổ phần hóa tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) dai dẳng gần 12 năm chưa được xử lý dứt điểm. 

Nhiều nhà đầu tư trên thị trường thắc mắc, tại sao ở các doanh nghiệp khác vẫn cho phép chuyển nợ thành vốn góp, pháp luật quy định như thế nào về việc này?

Như đã phân tích ở các số báo trước (xem thêm báo Báo Đầu tư Chứng khoán số 51, hoặc www.dtck.vn), Hacinco bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2004. Như vậy, việc cổ phần hóa của Hacinco chịu sự điều chỉnh của Nghị định 187/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ.

Theo phương án cổ phần hóa, Hacinco tiến hành bán đấu giá cổ phần tại Trung tâm GDCK Hà Nội (nay là Sở GDCK Hà Nội – HNX), thu được 37 tỷ đồng (tương đương 3.702.200 cổ phiếu). Ngày 1 và 2/12/2005, Hacinco tổ chức Đại hội đồng cổ đông phiên thành lập Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hacinco.

Đại hội đã thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án sản xuất - kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập, bầu ra HĐQT, Ban Kiểm soát. Đại hội có sự tham gia của Sở Tài chính Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico).

Hacinco sau đó đã có tờ trình gửi UBND TP.Hà Nội và Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Thành phố báo cáo kết quả Đại hội đồng cổ đông và đề nghị UBND Thành phố ra quyết định chuyển thành công ty cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã duyệt, kết thúc quá trình cổ phần hóa theo quy định của pháp luật.

Sau đó, nhóm nhà đầu tư gồm 5 người (chiếm 34% vốn điều lệ của Hacinco) đã có đơn khiếu kiện Hacinco có nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa như chuyển nợ thành vốn góp và tính trùng năm công tác mua cổ phần ưu đãi của người lao động. Sở Tài chính Hà Nội nhiều lần kiến nghị hủy bỏ kết quả Đại hội đồng cổ đông.

Thanh tra Chính phủ sau đó đã ra kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 1/9/2009 nêu rõ hướng xử lý: “Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là: 47.168.600.000 đồng; chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ, công nhân viên khi cổ phần hóa Khách sạn Hacinco năm 1998); công nhận kết quả Đại hội đồng cổ đông lần đầu ngày 2/12/2005 của Hacinco”.

Ngày 22/9/2009, Văn phòng Chính  phủ có văn bản số 6561/VPCP-KNTN  thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Đồng ý nội dung kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra số 2125/KL-TTCP và giao chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ”. Gần đây, UBND TP.Hà Nội đã vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt xử lý vụ việc theo hướng trên.

Tuy nhiên, Công ty Luật Đông Hà Nội, đại diện ủy quyền của nhóm nhà đầu tư trên cho rằng, theo Khoản 5, Điều 31, Nghị định 187/2004/NĐ-CP, toàn bộ số cổ phần được chào bán sai quy định pháp luật, gồm số cổ phần  thanh toán bù trừ từ công nợ và số cổ phần người lao động mua ưu đãi do tính trùng năm công ty, được coi là bán chưa hết. Việc xử lý theo hướng điều chỉnh giảm vốn điều lệ công ty.

Khá nhiều độc giả khó hiểu và đặt câu hỏi, tại sao sự bất thường của Hacinco lại cứ loanh quanh tìm cách giảm vốn doanh nghiệp? Uẩn khúc nào cần được làm sáng tỏ cho dư luận rõ để thêm tin vào chủ trương và biện pháp quyết liệt thúc đẩy doanh nghiệp của Chính Phủ?

Kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội tại văn bản số 490/KL-TTTP (P2) ngày 22/3/2007 (văn bản số 490) đã nêu rõ: “Những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa Hacinco không ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của 2 bên là nhà đầu tư và doanh nghiệp cổ phần hóa. Do đó, việc Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội kiến nghị không công nhận số tiền mua 841.278 cổ phần và thu hồi tiền đặt cọc của một số nhà đầu tư mua cổ phần là chưa hợp lý”.

Sau đó, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo số 126/TB-UBND ngày 07/6/2006 giao Sở Tài chính chủ trì phố hợp với Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và các ngành có liên quan chỉ đạo Hacinco triển khai ngay biện pháp xử lý và khắc phục sai phạm để hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định và tiến độ.

"Mặc dù Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội đã có các văn bản đề nghị, đề xuất hướng giải quyết, nhưng Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Đó là nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa của Hacinco", văn bản số 490 kết luận.

Phân tích sâu hơn có thể thấy, với phương án giảm vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu của nhóm 5 nhà đầu tư trên sẽ là 52% vốn điều lệ của Hacinco, thay vì 34% như hiện tại. Đây là mức sở hữu đủ để chi phối hoạt động của doanh nghiệp.

Theo dõi vụ việc này, nhiều nhà đầu tư trên thị trường muốn được làm rõ, có hay không căn cứ pháp lý để Hacinco thực hiện việc thanh toán bù trừ tiền mua cổ phần trúng đấu giá? Đồng thời, đã hơn 10 năm trôi qua, tiền mua cổ phần của các nhà đầu tư đã được Hacinco sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, như vậy, quyền sở hữu tài sản đối với cổ phiếu Hacinco của nhà đầu tư đã được xác lập?

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, pháp luật cho phép việc đối trừ nợ của công ty thành tiền mua cổ phần theo giá trúng đấu giá. Khoản 1, Điều 12, Nghị định 187/2004-NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp phải huy động các nguồn để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả trước khi cổ phần hóa hoặc thỏa thuận với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần. Việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần được xác định thông qua kết quả đấu giá bán cổ phần hoặc do doanh nghiệp và chủ nợ thỏa thuận để xác định giá tham gia đấu giá”.

Trong trường hợp của Hacinco, quá trình thực hiện phương thức thanh toán bù trừ đối với nhà đầu tư có cam kết chuyển nợ thành vốn góp, Công ty đã xin ý kiến Trung tâm GDCK Hà Nội và có công văn chấp thuận của cơ quan này. Hacinco cũng đã thông báo sự việc với Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội.

Một chi tiết nữa cần lưu ý, trước khi Hacinco tiến hành Đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 về việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của Hacinco, xác định vốn nhà nước chiếm 9,65%, tương ứng 4.553.600.000 đồng; vốn cổ đông trong doanh nghiệp được mua theo giá ưu đãi 11,65%, tương ứng 5.590.000.000 đồng; vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn 78,5%, tương ứng 37.025.000.000 đồng. Theo Công ty Luật Khai Phong, như vậy, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt, công nhận tư cách cổ đông sở hữu cổ phần, công nhận quyền sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư theo kết quả đấu giá.

Mặt khác, theo Điều 170 - 247 Bộ luật Dân sự 2005: “Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp; thu hoa lợi, lợi tức; chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật, nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp người chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật".

Điều này còn được quy định tại Điều 4, Luật Doanh nghiệp 1999; Điều 5, Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 5, Luật Doanh nghiệp 2014 về bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và người sở hữu doanh nghiệp. Theo đó, "Nhà nước thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh; Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp; Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính".

Theo các nhà đầu tư đã chuyển nợ thành vốn góp vào Hacinco và người lao động mua cổ phần ưu đãi tính trùng năm công tác, số tiền họ đã thanh toán mua cổ phần, Hacinco đã sử dụng vào hoạt động kinh doanh, hình thành nguồn vốn và tài sản tích lũy, giá trị của công ty từ năm 2005 đến nay. Như vậy, nếu các cơ quan quản lý xử lý vụ việc theo phương án điều chỉnh giảm vốn điều lệ của Hacinco là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư bằng quyết định hành chính.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh) cho rằng, về mặt lý thuyết và quy định pháp luật, hoán nợ thành vốn góp là được phép, nếu các bên có sự đồng thuận. Còn trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận, cổ đông sẽ có muôn vàn lý do liên quan đến quyền lợi để kiện tụng, tranh chấp. 

Tin bài liên quan