Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS
ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/9.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
Sau 3 phiên đi ngang liên tiếp tạo thành các Doji, VN-Index xuất hiện một Marubozu cho thấy lực cầu xuất hiện tích cực trở lại. Tuy vậy, chỉ số này đang phải test lại channel giảm điểm ngắn hạn, đồng thời phía bên trên là vùng cản tạo bởi các đường SMA trung và dài hạn tương ứng các vùng 575 – 580 điểm. Vùng 550 – 555 điểm là vùng hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực khi đều trong trạng thái tăng điểm.
HNX-Index sau 03 phiên liên tiếp giảm điểm đã hồi phục tích cực trở lại. Tuy vậy, thanh khoản không có nhiều cải thiện cho thấy tình hình thị trường chưa thu hút được nhà đầu tư. Đà điều chỉnh thời gian qua của đường giá cũng không quá mạnh và hồi phục tích cực trong phiên 8/9 cho dấu hiệu về sự suy giảm mạnh sẽ không diễn ra. Vùng 76.5-77.5 điểm đóng vai trò hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số này. Tương tự VN-Index, các tín hiệu kỹ thuật của HNX-Index cũng đang có sự cải thiện tích cực khi đồng loạt tăng sau giai đoạn đi ngang.
CTCK MB – MBS
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số vượt qua mức kháng cự 560 điểm với VN-Index và 76,5 với HNX-Index. Thị trường đang có tín hiệu tích cực sau các phiên giao dịch trầm lắng, VN-Index sẽ kiểm nghiệm các mức kháng cự 570 điểm và với và HNX-Index là 78 điểm tương ứng với đường trung bình động 20 ngày. Nhà đầu tư duy trì danh mục hiện tại nhằm tận dụng nhịp hồi phục của thị trường và có thể xem xét giải ngân nếu thị trường vượt qua các ngưỡng kháng cự trên với thanh khoản được cải thiện.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS
CTCK FPT – FPTS
Sau tín hiệu kém tích cực của hai phiên liền trước, VN-Index đã bất ngờ hồi phục mạnh mẽ tại phiên 8/9 với mức tăng 11,79 điểm lên đứng ở mốc 566,72 điểm. Đáng chú ý là kịch bản tích cực đã được kích hoạt khi khối lượng giao dịch cũng có sự cải thiện mạnh theo chiều giá lên và đạt gần gấp 2 lần so với mức trung bình khối lượng của 5 phiên gần nhất. Ngoài ra, triển vọng tăng giá ngắn hạn cũng được củng cố do khung giao dịch 560-570 của chỉ số đã được tái lập.
Trên đồ thị, thân nến tăng của phiên 8/9 đã giúp VN-Index lấy lại phần lớn số điểm để mất trong nhịp điều chỉnh. Việc chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên cho thấy vai trò chi phối của bên mua trong phiên buổi chiều. Theo đó, diễn biến VN-Index trong phiên kế tiếp sẽ giữ vai trò chỉ báo quan trọng về khả năng hình thành sóng tăng kế tiếp.
Cụ thể, chỉ số đang tạm dừng tại khu vực cận trên của kênh hồi quy giá xuống 1 tháng. Do đó, trước khi xu hướng tăng giá được xác nhận thì VN-Index sẽ cần phải vượt qua khu vực kháng cự tại 570-580 điểm, tương đương MA 200 dài hạn.
Về chỉ báo, dựa trên đánh giá các chỉ báo xung lực và xu hướng, VN-Index có cơ hội hồi phục khi các chỉ báo đang tạo được nền tảng tốt cho một phiên breakout.
Cụ thể, chỉ báo MACD đang mở rộng phân kỳ dương báo hiệu sức mạnh tăng giá đang được nâng lên. Chỉ báo RSI cũng hình thành xu hướng tăng, trong khi nhóm chỉ báo nhanh Stoch và Wm%R cũng gia tăng, tiến gần hơn đến ngưỡng báo hiệu quá mua.
Như vậy diễn biến chính của chỉ số trong các phiên kế tiếp sẽ tập trung vào quá trình kiểm tra lại các mức kháng cự 570 và cao hơn là 580 điểm. Nếu kịch bản tích cực tiếp tục được duy trì thuận lợi, một xu hướng tăng ngắn hạn sẽ sớm được xác nhận và chỉ số sẽ có khả năng hướng đến mốc 590 điểm, tương đương Fibo 61,8 % (nhịp giảm 640-510).
CTCP Chứng Khoán Bản Việt - VCSC
Hai chỉ số có thể sẽ vượt được đường trung bình SMA20, tức là mức 567.20 của VN-Index và 78.11 của HNX-Index. Đồng thời, nhận thấy lực cầu ngắn hạn đã có dấu hiệu cải thiện và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp, cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở vùng giá này.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 539.73 với VN-Index và 73.16 với HNX-Index. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục tận dụng nhịp rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.