Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS
ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/3.
CTCK FPT – FPTS
Ngưỡng 580 điểm tiếp tục chứng minh khả năng kháng cự khó có thể vượt qua đối với diễn biến của VN-Index. Chốt phiên 8/3, VN-Index đảo chiều giảm nhẹ 0.51 điểm xuống mức 575.69 điểm. Như vậy, chuỗi phiên tăng liên tiếp đã tạm thời chững lại và biến động giá cũng ghi nhận những tín hiệu về khả năng hiệu chỉnh xảy ra trong vùng giá hiện tại.
Trên đồ thị, thân nến giảm của phiên 8/3 tiếp tục xuất hiện bóng trên dài hàm ý về cung-cầu khá giằng co trên vùng kháng cự và ưu thế đang nghiêng về phía người bán. Tuy nhiên, diễn biến điều chỉnh này của VN-Index không tạo ra sự bất ngờ bởi những dấu hiệu đảo chiều đã được nhận diện từ phiên đầu tuần thông qua “khoảng trống cần bù lấp” và tương quan giữa khối lượng giao dịch với biên độ giá.
Điểm tích cực là khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao và biến động cùng chiều với điểm số, đây là cơ sở để nhận định trạng thái giảm của VN-Index mang tính kỹ thuật là chủ đạo.
Như đã đề cập, khi chỉ số chạm 580 điểm cũng là thời điểm xảy ra sự tiếp xúc với cận trên với dải Bollinger và kết thúc giảm cuối phiên là tất yếu mang yếu tố kỹ thuật lớn. Với các tín hiệu tổng hợp từ các chỉ báo, xu hướng tăng vẫn đang được bảo lưu bởi MACD và ADX, trong khi rủi ro mới xuất hiện từ 02 chỉ báo nhanh là CCI và Mm%R. Do đó, các phiên giảm đầu tuần vẫn được bảo lưu đánh giá là nhịp hiệu chỉnh tích cực, giúp giảm tải các áp lực chốt lời và tạo nền tảng tốt cho các cú nảy lên kế tiếp.
Trong phiên tiếp theo, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục hiệu chỉnh với mục tiêu kiểm tra lại cận dưới của kênh xu thế tăng ngắn hạn bắt đầu từ phiên 22/1 đến nay. Theo đó, nếu khu vực 570-575 phát huy vai trò đỡ giá giúp chỉ số hồi phục trở lại, có thể kỳ vọng một breakout sớm lên khỏi kháng cự 580 điểm và VN-Index sẽ tiếp tục tăng dọc theo kênh giá nói trên.
CTCK MB – MBS
Về mặt kỹ thuật, thị trường điều chỉnh giảm trở lại dưới ngưỡng 575 điểm với VN-Index và vùng 79 điểm với HNX-Index. Các chỉ số có thể quay lại vùng dao động cũ và kiểm nghiệm lại ngưỡng hỗ trợ 565 điểm với VN-Index và 77-79 điểm với HNX-Index. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì danh mục với tỷ lệ cổ phiếu là 70%, có thể xem xét chốt lời các cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong các phiên vừa qua và theo dõi diễn biến thị trường tại các ngưỡng hỗ trợ trên để có phản ứng phù hợp.
CTCK Bản Việt – VCSC
Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục nhịp điều chỉnh trong phiên tới và vùng hỗ trợ gần nhất là mức 560 của VN-Index và 78.0 của HNX-Index. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo xung lượng ngắn hạn và chỉ báo dòng tiền, rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng gia tăng và dòng tiền đang có hiện tượng rút ra các cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 563.45 với VN-Index và 78.04 với HNX-Index. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua mới và canh hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
Áp lực chốt lời tiếp tục diễn ra khiến VN-Index quay đầu giảm điểm. Thanh khoản duy trì ở mức khá cao, gần tương đương với phiên giao dịch trước. Một số chỉ báo như RSI, Stochastic Oscillators hiện đã ở trong vùng quá mua khá lâu và rủi ro điều chỉnh thêm có thể xuất hiện. Theo đó, VN-Index có thể tích lũy quanh vùng này với thanh khoản giảm đôi chút trước khi chinh phục lại ngưỡng cản trên 580-581 điểm. Vùng hỗ trợ gần tiếp tục được đặt trong khoảng 568-573 điểm.
HNX-Index điều chỉnh giảm trước áp lực bán từ nhiều nhà đầu tư ngắn hạn. Một số chỉ báo như RSI, Stochastic Oscillators cũng có xu hướng điều chỉnh nhẹ khi rơi khỏi vùng overbought. Tuy nhiên, nếu như vùng 78-79 điểm tiếp tục được giữ vững, HNX-Index sẽ nhanh chóng tăng điểm trở lại và tiếp tục xu hướng tích cực trong ngắn hạn.
CTCK Bảo Việt – BVSC
VN-Index gặp phải áp lực chốt lời mạnh hơn và quay đầu giảm điểm về cuối phiên khi quay lại thử thách đường kháng cự SMA200 một lần nữa. Thanh khoản giảm nhẹ, nhưng vẫn đứng trên mức khối lượng khớp lệnh trung bình 20 phiên gần nhất, còn độ rộng thị trường chứng kiến sự lấn át của số mã giảm điểm. Diễn biến này cho thấy, áp lực cung chốt lời tại vùng cản quanh 580 điểm vẫn còn tương đối mạnh.
Tâm lý nhà đầu tư đã bắt đầu có đôi chút lo lắng về khả năng tạo đỉnh ngắn hạn của chỉ số. Điều này sẽ làm áp lực bán có thể gia tăng mạnh hơn, qua đó khiến chỉ số gặp phải áp lực rung lắc mạnh trong một vài phiên kế tiếp. Đường SMA100 và nhóm MA ngắn hạn đang hướng lên sẽ là bệ đỡ cho đường giá nếu nhịp điều chỉnh xuất hiện trong những phiên còn lại của tuần.
Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, đường MFI đang đứng ở mức cao gần ngưỡng 90 cho thấy, dòng tiền vẫn đang chảy vào thị trường. Các chỉ báo dao động (RSI, STO) vẫn đang hướng về vùng quá mua, còn đường ADX cũng đang tiến về ngưỡng 40 trong sự phân kỳ mở rộng của 2 đường DI, bên cạnh đó là những diễn biến tích cực của các chỉ báo kỹ thuật trên khung thời gian tuần. Những tín hiệu trên được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp chỉ số sớm bứt phá khỏi vùng kháng cự mạnh được tạo bởi đường SMA200 và ngưỡng Fibonacci Retracement 61,8% (được tạo thành trong sóng giảm kéo dài từ đầu tháng 11/2015 đến giữa tháng 01/2016) trong ngắn hạn.
Quan sát trạng thái đồ thị của chỉ số thì nghiêng về khả năng đường giá sẽ hình thành các nhịp tăng giảm đan xen với biên độ 565-580 điểm theo các mẫu hình tam giác hoặc hình bình hành trong ngắn hạn, trước khi được kỳ vọng sẽ quay lại xu hướng tăng điểm trong những tuần tiếp theo. Vùng kháng cự gần của 2 chỉ số nằm tại quanh 580 điểm đối với VN-Index và 80.5-81 điểm đối với HNX-Index. Đây được xem là điểm bán trading giảm tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn đang nắm giữ về mức an toàn.