Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS
ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 7/10.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
VN-Index bật tăng rất mạnh với thanh khoản bùng nổ do dòng tiền đứng ngoài được kích hoạt tham gia mạnh mẽ trở lại vào thị trường. Chỉ số này vọt lên mốc 581 điểm với giá trị giao dịch kỷ lục hơn 3.000 tỷ đồng và độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về phía tăng điểm. Rising window đã xuất hiện, mô hình Asceding triangle cũng đã hình thành với thanh khoản đột biến. Nếu bứt phá khỏi mốc 585, VN-Index sẽ sớm test lại mốc 600 điểm trong ngắn hạn.
HNX-Index cũng có phiên giao dịch đột biến bật tăng lên mốc trên 80 điểm với thanh khoản đạt trên 54 triệu, gấp đôi lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất. Đồ thị chỉ số này cũng tạo thành một nến Marubozu bật tăng khỏi mô hình Asceding triangle và đang hướng tới mốc 82.5 điểm trong ngắn hạn. Mốc 78.7 điểm sẽ là mốc hỗ trợ trong ngắn hạn đối với HNX-Index.
CTCK MB – MBS
Về mặt kỹ thuật, thị trường đã có phiên giao dịch bùng nổ với điểm số tăng mạnh vượt lên khỏi các mức kháng cự 575 điểm với VN-Index và 79 điểm với HNX-Index. Các chỉ số sẽ tiếp tục hướng lên các vùng kháng cự mới là 590-595 điểm với VN-Index và 82 điểm với HNX-Index. Nhà đầu tư duy trì danh mục với tỷ lệ cổ phiếu cao tương ứng mức 80-90% để tận dụng đà tăng của thị trường.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS
CTCK FPT – FPTS
Một phiên tăng giá ấn tượng cả về điểm số và thanh khoản là điều thị trường đã kỳ vọng trong suốt hơn một tháng qua. Phiên giao dịch ngày 6/10, chỉ số đóng của tại 581.29 điểm đánh dấu lần đầu tiên bứt phá thành công khu vực kháng cự ngắn hạn tại 575-580 điểm, tương đương với đường trung bình động dài hạn MA 200. Thanh khoản trong phiên được cải thiện cả về gia tốc tăng cũng như về khối lượng cổ phiếu khớp lệnh là tín hiệu cho thấy dòng tiền đang quay trở lại thị trường.
Với nền tảng tăng giá đã xuất hiện từ phiên 5/10, mô hình nến ngày 6/10 tiếp tục tích cực với sự hình thành một khoảng trống tăng giá mới, có độ dài lớn hơn so với chiều dài thân nến liền trước. Như vậy, chỉ số đang tiếp tục tạo thêm các mức hỗ trợ mới và lần này là khu vực 570-575 điểm.
MACD đang đứng trước khả năng bứt phá qua mốc 0 nếu chỉ số có thể kéo dài chuỗi tăng giá thêm vài phiên nữa. RSI phản ánh tích cực nhất khi vươn lên mức 64. Đây chưa phải là mức quá cao của RSI theo đó hàm ý dự địa tăng của chỉ số vẫn còn khá lớn. Với xung lực tăng giá đang ở mức tích cực, mục tiêu hướng đến đầu tiên cũng là mức kháng cự số 01 sẽ là mức 591 điểm (Fibo 61,8% hoàn bù cho nhịp giảm 640 về 510) và số 02 là mức kháng cự tâm lý tại 600 điểm.
Mặc dù chỉ số đang ở cách khá gần với 02 mức kháng cự này, tuy nhiên, sự bứt phá tại đây cần được đánh giá hết sức thận trọng. Cụ thể, đó chính là yếu tố thanh khoản trong các phiên tới. Nếu khối lượng tiếp tục được duy trì bằng hoặc trên mức ngày 5/10 sẽ là động lực lớn cho chỉ số vươn tới các mục tiêu cao hơn trong đó có đỉnh cũ tại 640 điểm.
CTCK BIDV – BSC
VN-Index đã vượt khỏi kháng cự 575 đi kèm khối lượng lớn cho thấy phiên break 6/10 có độ tin cậy cao. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ tiếp tục tăng đến ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 591 điểm, tương ứng mốc 61.8% của Fibonacci Retracement 511–640 điểm. Vùng điểm 575 bây giờ đã quay lại trở thành ngưỡng hỗ trợ mới của VN-Index.