Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 27/12.
CTCK Bảo Việt – BVSC
VN-Index đóng cửa giảm nhẹ và tiếp tục quá trình dao động quanh đường SMA20. Đường giá đang phải chịu sức ép ngày một lớn dần từ các đường SMA100 và SMA50 đang án ngữ phía trên. Thanh khoản giảm nhẹ và tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn tương đối so với mức trung bình 10 phiên, còn chỉ báo MFI đã vượt qua ngưỡng 60. Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn đang tìm kiếm cơ hội để thực hiện giải ngân, bất chấp tâm lý nghỉ lễ đang bao trùm thị trường.
Độ rộng thị trường nghiêng đôi chút về phía các mã giảm điểm, tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự tăng giảm khá cân bằng. Điều này đã phần nào giúp tạo ra tương quan cân bằng cho thị trường.
Ngắn hạn, trạng thái dao động của chỉ số chưa được tích cực do đang nằm dưới các đường MA trung hạn. Dù vậy, chuyển động của nhóm MA ngắn hạn vẫn đang nằm ngang, trong bối cảnh dải BB tiếp tục được thắt hẹp, còn đường ADX đang giảm về gần gưỡng 20.
Như vậy, chỉ số có thể sẽ tiếp tục trạng thái dao động sideway trong biên độ hẹp quanh đường SMA20 trong những phiên còn lại của tuần. Tuy nhiên, lưu ý rằng, chỉ số cần phải sớm thoát khỏi trạng thái này, bởi sức ép từ các đường MA ngắn và trung hạn sẽ tăng mạnh nếu các đường này gập xuống trong thời gian tới.
Trên khung thời gian intraday, đường giá hiện đang bị kép trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng 668-670 điểm và cận dưới là 655-660 điểm. Vùng dao động này cũng là vùng dao động của các đường MA ngắn và trung hạn. Do đó, đường giá sẽ tạm thời bị giữ lại trong vùng điểm này trong một vài phiên kế tiếp, ít nhất cho đến khi cận trên hoặc cận dưới bị phá vỡ.
Vùng kháng cự gần nằm tại 670-675 điểm, VN-Index cần vượt lên trên vùng cản này để tạo ra trạng thái dao động tích cực hơn trong ngắn hạn. Vùng hỗ trợ gần nằm tại 650-655 điểm.
CTCK BIDV – BSC
Về khía cạnh kỹ thuật, VN-Index vẫn duy trì vận động trong vùng kẹp giữa trung bình ngắn hạn và trung hạn, MA(15) và MA(45), thanh khoản ổn định. Thị trường vận động trong vùng an toàn hơn, hiện ngưỡng hỗ trợ 662 vẫn là ngưỡng hỗ trợ tin cậy. Hiện tại, VN-Index đang hình thành một nền tảng tích lũy giá 5 phiên sau thời điểm không thể chinh phục lại ngưỡng kháng cự 680 và mất mốc hỗ trợ 675 điểm đầu tuần trước.
Nhà đầu tư kiên nhẫn quan sát thị trường trong thời kỳ vận động chưa rõ xu hướng.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
VN-Index giảm điểm nhẹ, nên tín hiệu trong ngắn hạn duy trì ở mức tiêu cực, với vùng kháng cự trong khoảng 664-666 điểm (MA5-10). Tín hiệu trong trung hạn chuyển từ trung tính về tiêu cực, với kháng cự gần nhất tại 663 điểm (MA20). Xu hướng dài hạn vẫn ở mức trung tính, với kháng cự tại 670 điểm (MA100) và hỗ trợ tại 642 điểm (MA200). Trong phiên 27/12, VN-Index sẽ tăng điểm để hướng về vùng kháng cự gần nhất tại 663-666 điểm (MA10-20), nếu thất bại, mức hỗ trợ gần nhất tại 659 điểm (đáy phiên 23/12).
Trong khi đó, HNX-Index tăng điểm nhẹ, nhưng tín hiệu ngắn hạn vẫn ở mức tiêu cực, với vùng kháng cự trong khoảng 79,3-79,6 điểm (MA5-10). Tín hiệu trong trung hạn vẫn ở mức tiêu cực, với kháng cự gần nhất tại 79,7 điểm (MA20). HNX-Index tiếp tục nằm trong thị trường giá xuống (bear market), với kháng cự tạo ra bởi đường MA200 ở mức 82,4 điểm. Trong phiên 27/12, HNX-Index sẽ tiếp tục tăng điểm hướng về vùng kháng cự 79,3-79,6 điểm, nếu điều chỉnh xảy ra,hỗ trợ gần nhất tại 77,5 điểm (đáy phiên 14/12).
CTCK FPT – FPTS
Chốt phiên 26/12, VN-Index giảm nhẹ 1,92 điểm, xuống 662,45 điểm. Với biên dao động được xác định trong phạm vi 662-665 điểm, đồ thị nến VN-Index là một nến giảm, với phần thân khá hẹp, phản ánh cung-cầu vẫn đang giằng co mạnh phía trên mốc 660 điểm.
Bất chấp dấu hiệu gia tăng của giao dịch thỏa thuận, khối lượng khớp lệnh trên HOSE tiếp tục chiều hướng sụt giảm dần về mức rất thấp. Điều này hàm ý về tâm lý do dự vẫn chi phối biến động giá và khả năng sụt giảm sâu qua mốc 660 điểm là thấp. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc kỳ vọng xu hướng ngắn hạn chưa được xác định và triển vọng hồi phục cũng bị hạn chế.
Về chỉ báo, do Bollinger bands đang thu hẹp, nên nhiều khả năng trạng thái đi ngang, giằng co sẽ tiếp tục là xu hướng theo tuần của sàn HOSE. Đường MACD đang thu hẹp phân kỳ dương cho thấy, rủi ro đang tăng trở lại. Các chỉ báo quan trọng khác như RSI, MFI tiếp tục cho tín hiệu trung lập.
Như vậy, mốc 660 điểm sẽ tiếp tục là mục tiêu thử thách của VN-Index trong các phiên tới. Tín hiệu được chờ đợi lúc này là một phiên giao dịch giúp phá vỡ trạng thái giảm dần của khối lượng khớp lệnh và chiều biến động tăng/giảm của VN-Index trong phiên có thanh khoản cải thiện có thể sẽ là tín hiệu dự báo cho xu hướng kế tiếp.
CTCK MB – MBS
Về mặt kỹ thuật, áp lực cung gia tăng khiến các chỉ số đồng loạt giảm điểm trong tuần qua, VN-Index giảm tiệm cận đường MA20 ngày, tương ứng ngưỡng 663 điểm, trong khi HNX-Index lùi xuống dưới đường MA20 ngày. Khối lượng giao dịch trung bình phiên giảm mạnh so với tuần giao dịch trước cho thấy, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước xu hướng chưa thực sự rõ ràng của thị trường.
Trong tuần này, nhiều khả năng 2 chỉ số sẽ có những diễn biến tích lũy đi ngang trong vùng 660-670 điểm với VN-Index và 79-81 điểm với HNX-Index. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại, đồng thời quan sát diễn biến thị trường trong tuần để có hành động phù hợp.
CTCK Phú Hưng - PHS
VN-Index có phiên giảm điểm trở lại, khối lượng giao dịch giảm xuống mức dưới bình quân 10 và 20 phiên cho thấy, dòng tiền có dấu hiệu đứng ngoài thị trường. Không những vậy, chỉ số đi xuống đóng cửa dưới MA 20, kèm theo, chỉ báo ADX đang nằm trên vùng 23 và đường +DI nằm dưới –DI cho thấy, áp lực điều chỉnh đang mạnh lên. Tuy nhiên, chỉ số liên tục phát đi tín hiệu giao cắt so với đường MA 20, đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật khác như RSI và MACD đang cho tín hiệu trái chiều hàm ý xu hướng hiện tại là chưa rõ ràng và khó xác định, do đó, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát.