Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS
ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 27/11.
CTCK FPT – FPTS
Chốt phiên 26/11, VN-Index tái diễn trạng thái lao dốc cuối phiên, để mất tới 5.3 điểm xuống còn 590.4 điểm. Như vậy, tín hiệu hồi phục của phiên liền trước đã không thể được xác nhận trong phiên này. Trên đồ thị, thân nến của 03 phiên liên tiếp cho thấy VN-Index vẫn đang thực hiện kiểm tra khu vực hỗ trợ 590 điểm. Tuy vậy, tín hiệu sau phiên 26/11 là khá bi quan khi giá đóng cửa là mức thấp nhất trong ngày.
Có thể thấy rằng, tâm lý thị trường chung đang trong trạng thái bất ổn, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu luôn rình rập cơ hội thị trường hồi phục để thoát hàng, trong khi nỗ lực của bên mua không đủ để áp đảo lượng bán ra cuối phiên.
Do đó, việc thanh khoản tăng trở lại trong phiên 26/11 là tín hiệu xấu và cảnh báo về nguy cơ áp lực bán vẫn có thể được tăng cường, gây ảnh hưởng xấu đến vai trò hỗ trợ của khu vực 590 điểm trong phiên cuối tuần.
Trong trường hợp áp lực bán tăng cường thì VN-Index có thể sẽ tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ dưới tạo bởi MA 200 và mức Fibo 50.0% tại 575- 580 điểm. Các chỉ báo xung lực và xu hướng như MACD, OBV, RSI đang vận động theo chiều ủng hộ cho kịch bản này. Theo đó, vùng giá 575 - 580 điểm sẽ được coi là mục tiêu quan sát tiếp theo nếu VN-Index tiếp tục đi xuống.
Ngoài ra, sự đổ vỡ theo chiều xuống của kênh xu hướng giảm đang bao quát dao động của VN-Index từ đầu tháng 11/2015 đến nay cũng sẽ làm tăng độ dốc của xu hướng điều chỉnh, những phiên giảm mạnh đột ngột vì thế có thể sẽ tái diễn kèm theo áp lực giải chấp/bán tháo.
CTCK MB – MBS
Về mặt kỹ thuật, sau phiên giảm điểm 26/11, thị trường tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, các chỉ số quay trở lại kiểm nghiệm các mức hỗ trợ 590 điểm với VN-Index và 81 điểm với HNX-Index. Nhà đầu tư duy trì danh mục hiện tại và theo dõi diễn biến thị trường tại các mốc hỗ trợ để có phản ứng thích hợp.
CTCK BIDV – BSC
Về mặt kĩ thuật, thị trường có thể sẽ có nhịp phục hồi kỹ thuật để kiểm định lại ngưỡng kháng cự 600 điểm. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể cân nhắc mua vào trong các phiên điều chỉnh và chốt lời trong trường hợp VN-Index kiểm định không thành công ngưỡng kháng cự 600 điểm.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
VN-Index điều chỉnh trở lại với mức giảm 0,89% do tác động từ sự suy giảm của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số này về sát mốc 590 điểm, tuy nhiên vẫn đang nằm trên vùng hỗ trợ mạnh gồm cận dưới của kênh giá xuống và vùng đáy cũ của tháng 10/2015 vừa qua. Nếu tiếp tục suy giảm xuống dưới vùng hỗ trợ mạnh này, VN-Index sẽ test lại vùng hỗ trợ thấp hơn tại 580-582 điểm.
HNX-Index cũng điều chỉnh giảm trở lại, test không thành công đường SMA200 và tạo thành một inverted hammer cho thấy áp lực bán tại vùng giá trên xuất hiện khá mạnh. Thanh khoản cũng tăng mạnh so với lượng giao dịch bình quân trong 3 tháng trở lại đây cho thấy áp lực bán thoát hàng diễn ra khá mạnh. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn duy trì trên kênh tăng điểm trung hạn. Nếu giảm xuống dưới kênh này, HNX-Index sẽ sớm test lại mốc 80,5 điểm trong ngắn hạn.
CTCK Bảo Việt – BVSC
VN-Index giảm điểm trở lại với sắc đỏ được duy trì trong suốt phiên giao dịch. Độ rộng thị trường cũng chứng kiến sự áp đảo trở lại của số mã giảm điểm, còn thanh khoản tiếp tục duy trì ở trên mức khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất. Diễn biến này một mặt phản ánh sự chi phối của các mã vốn hóa lớn đến đà sụt giảm của chỉ số, mặt khác cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở lại thận trọng sau phiên tăng điểm có phần hưng phấn quá đà của các mã đầu cơ trong phiên 25/11.
Đường giá hiện đã chớm xuống dưới vùng hỗ trợ được tạo bởi nhóm MA trung hạn (SMA100 và SMA50) trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật (MACD, Momentum và RSI) tiếp tục sụt giảm mạnh, còn đường ADX đang tăng tốc trở lại để hướng về ngưỡng 45 trong sự phân kỳ của 2 đường DI. Thêm vào đó, đường giá cũng đang phải chịu áp lực không nhỏ từ nhóm MA ngắn hạn đang hướng xuống. Điều này có thể khiến động lực giảm điểm của chỉ số gia tăng trong phiên cuối tuần, qua đó đẩy chỉ số về kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ SMA200 trong một vài phiên kế tiếp.
Chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh do sự chi phối của các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng diễn biến thị trường sẽ diễn ra với sự phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm cổ phiếu bluechips và cổ phiếu đầu cơ. Tuy nhiên, việc các chỉ báo dao động (William%R và STO) đã quay trở lại trạng thái quá bán và đang có dấu hiệu tạo đáy thứ 2 tại vùng này, khiến kỳ vọng vào khả năng hồi phục của chỉ số khi tiếp cận vùng hỗ trợ quanh đường SMA200, đặc biệt là khi xu hướng điều chỉnh của đường giá đang có dấu hiệu phân kỳ với sự gia tăng của khối lượng giao dịch.
Vùng hỗ trợ gần của 2 chỉ số được dự báo nằm tại 580-585 điểm với VN-Index, tương ứng 80,5-81 điểm với HNX-Index. Đây được xem là điểm mua trading lại một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn đã hiện thực hóa lợi nhuận trước đó.