Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS
ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 26/8.
CTCK FPT – FPTS
Nỗ lực tăng giá trong phiên 25/8 là rất đáng ghi nhận sau chuỗi 04 phiên liên tiếp giảm điểm. Tâm lý thị trường đã phần nào được cải thiện nhờ tín hiệu hồi phục ngày 25/8. Như đã lưu ý ở báo cáo trước, các chỉ báo nhanh tỏ ra khá nhạy khi cảnh báo về khả năng xuất hiện phiên hồi phục kỹ thuật. Do đó, phiên tăng điểm 25/8 không thực sự quá bất ngờ.
Đánh giá qua mô hình nến cho thấy, phần thân nến tăng giá ngày 25/8 không thực sự đủ lớn so với chiều dài thân nến liền trước, trong khi quá nửa thân nến ngày 25/8 nằm sâu phía dưới và đặc biệt là xuyên qua mức hỗ trợ 520 điểm (tạo bởi kênh xu hướng nối giữa các đáy lịch sử lần lượt vào Tháng 5/2014 và Tháng 12/2014). Kết hợp với mức thấp nhất đạt được trong phiên 25/8 tại 511 điểm, có thể chỉ ra rằng khoảng điểm 500-520 có tồn tại khu vực hỗ trợ mạnh.
Tuy nhiên, sau phiên hồi phục này, chỉ báo có độ tin cậy cao như RSI và MACD chưa cho thấy sự thay đổi tích cực, trong đó MACD vẫn giữ mức phân kỳ âm với đường tín hiệu, thậm chí còn gia tăng theo hướng tiêu cực. Đối với các chỉ báo nhanh như CCI, ROC, Wm%R và Stoch vẫn tiếp tục đi sâu vào khu vực cho tín hiệu có khả năng hồi phục kỹ thuật trong ngắn hạn.
Với các phân tích trên, các tín hiệu xác lập đáy và sự xuất hiện chân sóng mới là chưa đủ tin cậy sau phiên 25/8. Do đó, phiên giao dịch 26/8 sẽ có vai trò hết sức quan trọng với mục tiêu trụ vững trên mức hỗ trợ 510 điểm trong các phiên tới. Nếu yếu tố này được thiết lập, đây sẽ là cơ sở cho một nhịp hồi phục ngắn. Cụ thể, ở chiều kháng cự đang tồn tại 02 “khoảng trống cần bù lấp - GAP” được liên tiếp tạo ra trước đó tại 550 và 560 điểm sẽ là những khu vực gây cản trở đầu tiên trong trường hợp chỉ số có các nhịp tăng trở lại.
CTCK MB – MBS
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số đã có phiên hồi phục cần thiết sau liên tiếp các phiên giảm mạnh, điều này giúp tâm lý nhà đầu tư thoát khỏi trạng thái hoảng loạn, diễn biến giao dịch trên thi trường trở lại giằng co với thanh khoản vẫn duy trì ở mức khá.
Ngắn hạn, các chỉ số có thể tiếp tục hồi phục trong các phiên tới, tuy nhiên, diễn biến trên các thị trường chứng khoán thế giới vẫn là yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước bởi các tác động này có thể ảnh hưởng tới giao dịch của khối ngoại tại thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư duy trì danh mục hiện tại, quan sát kỹ các diễn biến thị trường để có hành động phù hợp
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
Vùng đáy cũ của VN-Index tháng 5/2015 (vùng 527-535 điểm) vẫn chưa bị phá vỡ. Chỉ số tỏ ra phản ứng khá tích cực tại vùng giá này. Nếu vùng đáy này tiếp tục duy trì và trạng thái thị trường dần cân bằng trở lại, khả năng phục hồi trở lại sẽ là khá cao. Đường stochastic trong trạng thái đi ngang và có dấu hiệu hồi phục trở lại từ vùng quá bán. Đường RSI cũng giảm bớt áp lực điều chỉnh cho thấy áp lực bán phần nào đã suy yếu.
Đồ thị HNX-Index phá vỡ đáy cũ được thiết lập từ tháng 5/2015 (tương đương vùng 76.5-77.5 điểm) sau phiên giảm mạnh trước đó. Vùng này sẽ trở thành vùng kháng cự nếu HNX-Index tiếp tục xu hướng hồi phục trong các phiên tới. Mốc 72 điểm sẽ là mốc hỗ trợ trong ngắn hạn đối với chỉ số này. Các chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu tích cực trở lại khi RSI tăng từ vùng quá bán, trong khi stochastic cũng dần tăng trở lại sau giai đoạn đi ngang tại vùng quá bán.
CTCK Bản Việt - VCSC
Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục nhịp hồi phục kỹ thuật trong phiên tới với các vùng kháng cự gần nhất là 560 – 567 của VN-Index và 79.5 của HNXIndex. Đồng thời, vẫn đánh giá đây là nhịp hồi phục kỹ thuật và các mô hình phân kỳ tăng giá vẫn chưa hình thành rõ ràng, cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần tiết chế hưng phấn trong các nhịp hồi phục.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và hạ mức kháng cự của hệ thống xuống mức 565.22 của VN-Index và 80.40 của HNX-Index. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mở vị thế mua và ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong nhịp hồi phục nếu danh mục vẫn còn chịu áp lực margin.