“Một ngày, ông làm việc mấy giờ?”
Năm 2012, giữa thời kỳ đỉnh cao trong hoạt động của một tập đoàn tư nhân tại Việt Nam, một quỹ đầu tư nước ngoài có quy mô tài sản ròng lên tới hàng tỷ USD đến từ Mỹ xin gặp ông chủ để tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Câu hỏi đầu tiên mà đại diện quỹ dành cho vị lãnh đạo này không phải là Tập đoàn đang đầu tư những gì? Kỳ vọng lợi nhuận ra sao?... Những điều mà vị chủ tịch Hội đồng quản trị đã quá quen khi làm việc với các nhà đầu tư tài chính.
“Dĩ nhiên tôi làm việc rồi” là câu trả lời của ông cho câu hỏi có vẻ quá ngớ ngẩn của vị đại diện quỹ. Nhưng làm việc là làm gì? Quỹ muốn hiểu rõ hơn về công việc hàng ngày của ông chủ.
Cả buổi làm việc, phần lớn câu chuyện xoay quanh những công việc mà ông chủ này thực hiện trong ngày.
Kết thúc buổi gặp gỡ, trong báo cáo đánh giá về tập đoàn này, vị đại diện quỹ nhận xét đại ý rằng: ông chủ của Tập đoàn, cũng giống như hầu hết các vị đại gia mới nổi khác ở Đông Nam Á, thành công nhờ ăn may và các mối quan hệ. Việc tập trung quá nhiều cho những câu chuyện tiểu tiết trong kinh doanh và các mối quan hệ với cơ quan quản lý, thay vì nghiên cứu định hướng, chiến lược phát triển cho Tập đoàn là một rủi ro.
“Trong quá khứ, những mối quan hệ mạnh có thể sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng đó là những câu chuyện mang tính may rủi. Một doanh nghiệp phát triển lớn mạnh đòi hỏi phải có một quy trình chuẩn mực, phân biệc rõ ràng và đặc biệt, người lãnh đạo phải tập trung nhiều thời gian cho xây dựng chiến lược và các định hướng lớn. Doanh nghiệp này có thể sẽ sụp đổ, dù không biết là khi nào”, đại diện quỹ này nhận xét.
Tất nhiên, để đi đến kết luận này, những câu chuyện giữa vị lãnh đạo tập đoàn nọ với đại diện quỹ không chỉ có một vài câu hỏi trên. Nhưng thực tế là, quyết định không hợp tác của quỹ với Tập đoàn trên đến thời điểm này đã phần nào chứng tỏ sự đúng đắn.
“Ông có mua bằng tiến sỹ?”
Một câu chuyện khác, được kể lại bởi nhân viên một công ty chứng khoán cũng khá thú vị, liên quan đến một nhân vật nổi tiếng, chủ tịch HĐQT công ty, từng được coi là rất thành công tại Việt Nam.
Đây là nội dung được tóm tắt lại mở đầu cuộc trao đổi giữa vị chủ tịch và nhà đầu tư ngoại.
- Tôi được biết ông có bằng tiến sỹ của trường X, ông mua bằng này à?
Ông chủ tịch HĐQT doanh nghiệp sau một thoáng bị choáng với câu hỏi đầy tính khiêu khích này, đã trả lời rằng: “Không, tôi học để lấy bằng”.
- Vậy ông có tin rằng trình độ của mình phù hợp với bằng tiến sỹ?
“Đương nhiên là như vậy” - vị chủ tịch đã có phần nổi cáu và không giữ được kiểm soát.
Cuộc nói chuyện tiếp tục với diễn biến hết sức căng thẳng, khi cả 2 bên to tiếng bởi những câu hỏi có phần “khiêu khích” của nhà đầu tư. Sau buổi làm việc, nhà đầu tư ngoại này nhận xét: ông chủ tịch HĐQT không trung thực, dễ mất kiểm soát, ảo tưởng về trình độ của mình sau những thành công có tính may mắn và nhờ mối quan hệ… nên có thể sẽ dễ dẫn đến những sai lầm lớn trong tương lai, có thể gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp.
Cần phải chú thích rằng, bằng tiến sỹ của vị chủ tịch này được cấp bởi một trường có quốc tịch Mỹ, nơi đại diện nhà đầu tư nước ngoài biết rõ hơn cả, nên đủ hiểu đây có thể là một “ngôi trường ma”. Chưa kể một điều không kém phần quan trọng, vị chủ tịch HĐQT nói trên không biết tiếng Anh! Thử độ trung thực, kiểm tra khả năng kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ để đánh giá khả năng chèo lái vượt qua khó khăn có thể có của doanh nghiệp… là điều mà vị chủ tịch HĐQT nói trên đã không vượt qua trong bài kiểm tra của nhà đầu tư lão luyện.
Đầu tư vào doanh nghiệp, con số thôi không đủ
Phải nói ngay rằng, cả hai doanh nghiệp nói trên đều từng là hiện tượng “hot” của Việt Nam mấy năm trước và đây là lý do các nhà đầu tư ngoại lặn lội tới Việt Nam với hy vọng tìm được cơ hội đầu tư hấp dẫn. Thế nhưng, những vấn đề tưởng chừng rất không liên quan đến tài chính, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, lại là thứ kéo nhà đầu tư ra xa doanh nghiệp.
Vẫn có nhiều quỹ đầu tư ngoại chuyên lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu đang niêm yết trên thị trường. Hoặc trong nhiều trường hợp, đó là các doanh nghiệp đang ở vùng đáy khủng hoảng, hay mới giai đoạn khởi đầu. Trong những tình huống này, thứ mạnh nhất hấp dẫn nhà đầu tư chính là con đường mà doanh nghiệp lựa chọn và tố chất, tâm huyết của người lãnh đạo.
Có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng trong cả 2 tình huống doanh nghiệp giấu tên nói trên, nhà đầu tư ngoại đều đúng đến “đau đớn”. Cách phát triển không dựa vào một nền tảng kinh doanh bền vững, không xây dựng được một bộ máy hoạt động tốt mà phụ thuộc hoàn toàn vào người đứng đầu đã đẩy doanh nghiệp phải chịu rủi ro kép so với những công ty hoạt động cùng ngành khác có hệ thống quản trị tốt, bởi nó phụ thuộc vào sinh mệnh của người đứng đầu, hoặc các mối quan hệ mà họ có được. Hệ thống các doanh nghiệp trong Ocean Group như cái bóng sau sự cố của ông Hà Văn Thắm là một ví dụ như thế, dù nói về tài sản, Ocean Group từng sở hữu rất nhiều và có giá trị lớn.
Bên cạnh đó, câu chuyện phụ thuộc vào cá nhân, với các mối quan hệ tốt như trên còn dẫn đến một hệ lụy, là khi người lãnh đạo gặp sai lầm, cả hệ thống doanh nghiệp sẽ có nguy cơ sụp đổ, vì tính độc đoán quá lớn, không có phản biện nội bộ.
Một lần vấp ngã, doanh nghiệp có thể được cứu bởi những người bạn lớn, những mối quan hệ chất lượng. Nhưng khi vấp ngã liên tục, ngày một nặng hơn, thì mối quan hệ nào đủ khả năng hỗ trợ? Lúc này, những chỉ tiêu tài chính đẹp mà doanh nghiệp đã có được trước đó sẽ nhanh chóng bay đi, nhường chỗ cho hàng loạt các vấn đề mà trước đó chưa xuất hiện, hoặc được giấu kỹ.
Để ra quyết định đầu tư vào doanh nghiệp, nhất là những công ty đại chúng, thông tin tài chính là thứ đơn giản nhất, bởi có thể dễ dàng thấy được từ những tài liệu được công bố công khai. Chỉ những thông tin mềm liên quan đến chính ban lãnh đạo, quản trị, văn hóa doanh nghiệp… thậm chí là thói quen hành xử trong quá khứ, đặc biệt là giữ chữ tín, mới là những thứ không báo cáo nào viết, nhưng lại đặc biệt quan trọng liên quan đến quá trình ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư.
Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trong phần thông tin tìm hiểu về doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đưa ra, ngoài câu chuyện về sức mạnh tài chính, vị thế ngành, một số nội dung hay được hỏi là: nguồn gốc tiền đầu tư của doanh nghiệp, doanh nghiệp đã từng vướng kiện tụng hay các vấn đề pháp lý chưa? Mối quan hệ với các cấp quản lý, ngân hàng, đối tác như thế nào?
Có một câu chuyện kể rằng, cổ đông lớn của một doanh nghiệp niêm yết đã thoát được nguy cơ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp sau khi… bội tín với trái chủ (đã mua trái phiếu chuyển đổi nhưng doanh nghiệp không chịu thực hiện các nghĩa vụ như cam kết trong hợp đồng phát hành trái phiếu). Thế nhưng, sau sự kiện đó, không có đối tác lớn nào dám làm việc với doanh nghiệp trên, vì sợ sẽ bị “nuốt lời” như trái chủ kia.
Rõ ràng, nhà đầu tư nước ngoài có lý khi đánh giá cao những yếu tố mềm. Và đây có lẽ cũng là bài học cho các nhà đầu tư, bởi vấn đề không phải chỉ là thay đổi để thuận lợi hơn trong thu hút vốn ngoại, mà chính bởi sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp.