Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Sóng ngân hàng chưa qua

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Sóng ngân hàng chưa qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù hiện giá của các mã ngân hàng đã không còn hấp dẫn nhưng đây có thể vẫn là nhóm cổ phiếu duy trì và đảm bảo cho thị trường ổn định bởi kết quả kinh doanh quý I/2021 dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.

Nỗ lực của dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đã kéo chỉ số VN-Index đạt 1.200,94 điểm trong phiên 18/3, trước khi chỉ số giảm ở phiên cuối tuần. Sự lưỡng lự của thị trường tại mỗi ngưỡng kháng cự có tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Đây là lần thứ 2 trong năm nay Index chạm mốc 1.200 điểm nhưng vẫn chưa thể dứt khoát bứt phá. Tuần tới thị trường đứng vững trên mức này cả tuần thì sẽ có hy vọng lên các mốc 1.250 - 1.300 trong thời gian tới. Ngược lại tình huống có thể phức tạp hơn khi giá có thể thử thách mức hỗ trợ quan trọng 1.150.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần và có thể sớm vượt ngưỡng kháng cự này vào các phiên giao dịch cuối tuần.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Nỗ lực chạm đến 1.200,84 điểm hôm thứ 5 dường như liên quan mật thiết với ngày đáo hạn phái sinh. Theo quan sát lực cầu phiên đó tương đối bất ngờ với những cổ phiếu lớn như VHM, VNM... vào thời điểm chốt phiên. Vì thế tôi không đánh giá quá cao lực cầu vượt đỉnh lần này, có cái gì đó hơi gượng ép.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Có thể nói ở lần tiếp cận 1.200 điểm lần này chỉ số VN-Index đã đi ngang khá lâu nhưng chưa tạo ra cú bứt phá. Nếu muốn bứt phá mạnh nó cần lực cầu rất mạnh hấp thụ hết lực cung, nhưng đáng tiếc việc nghẽn lệnh đã khiến cho điều này trở thành khó. Vì thế với nhịp điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần qua tôi cho rằng việc vượt qua mốc 1.200 điểm dứt khoát hơn vào tuần tới gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã có sự chuyển biến rất tích cực trong tuần vừa qua và một phần cũng nhờ động lực từ phía cổ phiếu ngân hàng mà chỉ số VN-Index mới trở lại mố 1.200 thêm một lần nữa. Dù vậy, có thể thấy rằng, dòng tiền vào thị trường vẫn chưa thể hiện sự đột biến và nhà đầu tư còn tâm lý thận trọng khá cao nên chốt lời khá nhiều ở vùng cản tâm lý này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Thị trường cần vài nhịp trồi sụt để tạo đà tốt hơn trước khi vượt ngưỡng 1.200 sắp tới. Tuần tới, thị trường có thể lạc quan trở lại và lực cầu có thể gia tăng nhờ chỉ số index đã điều chỉnh một phần trước đó.

Xem ra 1.200 điểm vẫn đang là “bức tường thành” mà chỉ số VN-Index khó vượt qua dễ dàng, trong bối cảnh margin tại các CTCK đều ở trạng thái “căng cứng”. Với làn sóng tăng vốn rầm rộ của các công ty chứng khoán, thị trường đang chờ đợi có thêm lực kéo mới khi CTCK phát hành xong. Ông/bà đánh giá như thế nào về khả năng thị trường sẽ thiết lập đỉnh mới trong thời gian tới và động lực đến từ nhóm cổ phiếu nào?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Khả năng này phụ thuộc vào dòng tiền và mức độ bền vững của nó. Nghĩa là dòng tiền cần duy trì tích cực với sự tham gia của nhiều nhóm nhà đầu tư.

Việc thị trường chạm mốc 1.200 nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục bán ròng thậm chí thanh khoản còn sụt giảm vào ngày thị trường chạm mốc này cho thấy thiếu yếu tố bền vững. Do đó muốn bứt phá thì nhóm bluechip, VN30 sẽ phải là chủ đạo, là động lực cho thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Động lực cho đà tăng chưa hẳn đến từ nguồn cho vay margin của các công ty chứng khoán, chưa kể tình trạng margin hiện nay của các công ty chứng khoán không hoàn toàn đến việc căng cứng mà chủ yếu đến từ hoạt động thay đổi tỷ trọng cho vay dạng khách hàng, tức là ưu tiên cho vay ở các nhà đầu tư cá nhân và các cổ phiếu vốn hóa lớn để giảm thiểu rủi ro margin hiện nay.

Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng đang linh động về nguồn vốn cho vay khi tiến hành huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản chứng khoán.

Điểm tích cực là dư địa tăng trưởng margin toàn thị trường có thể sẽ còn nhiều trong giai đoạn tới khi các công ty chứng khoán sẽ tiến hành tăng vốn hoặc các nguồn vốn mới từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Nếu đánh giá việc vượt đỉnh 1.200 điểm thời điểm này để tạo ra bước tiến mới thì nó cần phải có cú Break-out. Có nghĩa là lực cầu mạnh, điểm số tăng mạnh bứt phá qua đỉnh. Để có 2 điều đó thì có thông tin đủ mạnh, đủ hấp dẫn kéo dòng tiền mua đổ vào.

Tuy nhiên, yếu tố thông tin tôi chưa nhìn nhận thấy, có thể là việc trả cổ tức cao bằng cổ phiếu sẽ giúp cho giá hấp dẫn hơn nhưng thông tin này đã lan truyền và không còn là đột biến. Yếu tố dòng tiền lại bị cản trở bởi sự cố nghẽn lệnh. Vì thế có thể khi HSX xử lý được vấn đề này thị trường sẽ có những điều hấp dẫn hơn.

Thực tế dòng tiền vay mượn để mua chứng khoán không chỉ có riêng từ margin của CTCK mà nó còn đến từ các kho hàng. Những kho này thuộc cá nhân nhưng tác động của nó khi thị trường giảm còn lớn hơn nhiều so với Margin do tỷ lệ vay rất cao.

Quan điểm của tôi để vượt đỉnh cần có thêm thời gian, có thêm nguồn hàng và mức giá của Cổ phiếu hấp dẫn hơn nhờ chia tách bằng cổ phiếu. Thời gian sẽ không thể nhanh được và khi đó HSX cũng xử lý xong hệ thống giúp khơi thông dòng tiền.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Việc vượt qua đỉnh 1.200 có thể là nhiệm vụ dễ dàng và khả năng sẽ sớm thành hiện thực ngay trong quý II sắp tới. Điểm nghẽn duy nhất chính là hệ thống giao dịch HOSE chưa thông suốt có thể ảnh hưởng đến tâm lý và dòng tiền vào thị trường.

Năm nay động lực chính đến từ nhóm ngân hàng và có thêm các nhóm ngành chứng khoán, bất động sản, thép và dầu khí thay phiên tạo động lực cho thị trường.

Sau những phiên giao dịch tích cực, áp lực chốt lời đã khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí điều chỉnh giảm. Sóng cổ phiếu nhóm ngân hàng còn kỳ vọng có thể tiếp diễn bởi thông tin một số ngân hàng lên sàn, chuyển sàn (Seabank, Bắc Á Bank...) không, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Trước mắt những thông tin này vẫn hỗ trợ trong ngắn hạn nhưng nhiều cổ phiếu ngân hàng vốn đang ở trên đỉnh và dòng tiền có xu hướng bị hút về các nhóm tiềm năng hoặc ít tăng trong năm 2020 như dầu khí (tăng khá vào đầu 2021) thì thị trường nhiều khả năng được dẫn dắt bởi các nhóm khác như năng lượng nhiều hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng dòng ngân hàng vẫn sẽ là dòng chính dẫn dắt đà tăng của thị trường khi kết quả kinh doanh quý I/2021 dự báo sẽ tăng trưởng mạnh và thậm chí nhiều ngân hàng có thể dự kiến tăng trưởng đột biến từ các khoản thu nhập ngoài lãi.

Đồng thời, các ngân hàng cũng đang lên kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và bằng tiền, điều này cũng là động lực thúc đẩy cho cổ phiếu ngân hàng. Theo quan sát của tôi, dòng tiền trên thị trường đang tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu này.

Dòng dầu khí đang chững lại đà tăng do ảnh hưởng từ gia dầu thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng đà tăng giá dầu chưa thể kết thúc và còn kéo dài đến tháng 4/2021 cho nên dòng dầu khí có thể cũng sẽ sớm quay trở lại đà tăng.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Nếu nhìn vào giá của cổ phiếu ngân hàng lúc này tôi cho rằng không còn hấp dẫn. Vì thế có thể sự hấp dẫn chỉ đến với riêng cổ phiếu mới niêm yết thay vì đồng thuận tất cả. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng có thể vẫn sẽ có thêm cơ hội duy trì và đảm bảo cho thị trường ổn định. Nhưng việc có thêm cổ phiếu ngân hàng lên sàn lúc này lại khiến cho sự cố nghẽn lệnh thêm trầm trọng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm ngân hàng vẫn là nhóm ngành chính giữ nhịp thị trường và thu hút dòng tiền nhiều nhất. Nhà đầu tư quan tâm nhất là những nhân tố mới niêm yết trên sàn và cộng thêm việc nhiều ngân hàng dự kiến tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và cả việc thêm room ngoại ở một số ngân hàng.

Một số ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tăng tốc và giá còn khá hấp dẫn, vì vậy câu chuyện nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn tiếp diễn trong dài hạn năm nay.

Với dự báo thị trường sẽ biến động giằng co cùng trạng thái thận trọng của giới đầu tư, chiến lược nào sẽ phù hợp ở thời điểm này?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Thị trường nếu không đứng vững trên mốc 1.200 trong 1-2 tuần tới nhà đầu tư cần giảm tỷ trọng cổ phiếu thu bớt trở lại tiền mặt, cơ cấu danh mục sang những nhóm hút được dòng tiền như năng lượng hay tiềm năng như vận tải, du lịch... (vốn đang ở mức thấp và kỳ vọng hưởng lợi nhờ sự phục hồi kinh tế). Ngược lại mốc 1.200 được giữ vững thì vẫn duy trì danh mục với mục tiêu tiếp theo là 1.250 - 1.300.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Chiến lược phù hợp trong giai đoạn này là nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu, tập trung lựa chọn đánh giá cổ phiếu hơn là chú ý vào diễn biến của chỉ số.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Quả thực lúc này có khá nhiều yếu tố đan xen cả lo ngại rủi ro lẫn kỳ vọng. Với riêng cá nhân tôi vẫn duy trì quan điểm nếu là đầu tư dài hạn thì đây chưa phải là đích cuối cùng và VN-Index sẽ còn tiến lên vùng xa hơn nữa.

Những cổ phiếu đang có thị giá khá cao sau khi chia tách sẽ lại trở nên hấp dẫn đặc biệt là những doanh nghiệp được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, để có được điều đó có thể sẽ phải đánh đổi thời gian tính theo năm. Còn về mặt ngắn hạn, thống kê của tôi cho thấy diễn biến giá rất nhiều cổ phiếu không tăng trưởng quá 10% trong thời gian vừa qua.

Như vậy, nếu chỉ nhìn vào VN-Index chúng ta thấy có hội vượt đỉnh đã đến nhưng các cổ phiếu không có sự hấp dẫn và bứt phá nữa. Nhà đầu tư ngắn hạn sẽ sớm bán ra nếu như có chút lãi và họ cũng đề phòng hơn khả năng giảm giá. Vì thế, về ngắn hạn tôi không thấy có sự hấp khi biên độ an toàn và khả năng kiếm lời thấp.

Tôi cho rằng hãy nên giữ cho mình lượng tiền và cổ phiếu cân bằng, thực hiện trading nếu có thể với cổ phiếu nắm giữ. Hạn chế những cổ phiếu tăng giá quá cao, quá đắt bởi cơ hội mang lại lợi nhuận thấp hơn rủi ro là khá nhiều. Lượng tiền nên chờ đợi cơ hội khi thị trường điều chỉnh (nếu có).

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường khi đã tiệm cận mốc kháng cự tâm lý quan trọng sẽ có những nhịp rung lắc và xu hướng đi ngang một thời gian trước khi vượt lên. Dòng tiền đang phân hoá vào từng nhóm ngành và cổ phiếu có câu chuyện riêng và kết quả kinh doanh tăng trưởng trong năm, vì vậy nhà đầu tư nên tập trung vào những nhóm cổ phiếu kỳ vọng nhất trong năm và chờ các nhịp điều chỉnh để tăng cường tích luỹ. Năm nay chứng khoán vẫn trong xu hướng tăng trưởng tốt vì vậy nhà đầu tư có thể tham gia nắm giữ và tận dụng các nhịp rung lắc để lướt sóng nhiều hơn.

Tin bài liên quan