Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Rủi ro nhiều hơn cơ hội

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Rủi ro nhiều hơn cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, rủi ro nhiều hơn cơ hội, nếu giải ngân, nhà đầu tư nên nhìn trực diện vào tình hình kinh doanh từng doanh nghiệp thay vì tính toán P/E thị trường.

Tuần qua, thị trường hầu như không có gì đột biến, giao dịch vẫn diễn ra khá chậm trong bối cảnh phân hóa và tâm lý thận trọng, thăm dò. Thị trường khả năng sẽ tiếp tục diễn biến giằng co trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Thị trường đang đi vào giai đoạn biến động hẹp cùng với thanh khoản giảm dần, những phiên giao dịch 7.000 - 8.000 tỷ đồng trước đó hầu như không còn xuất hiện.

Đây là giai đoạn trống thông tin khi những bước ngoặt về chính sách kích thích kinh tế cũng không còn dồn dập, cùng với những ước tính ban đầu về thiệt hại từ dịch bệnh đã phản ánh hầu hết sau giai đoạn diễn ra ĐHCĐ các doanh nghiệp.

Dòng tiền vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nhà đầu tư F0, sự xuất hiện trở lại của khối ngoại và nhà đầu tư tổ chức đang chưa thực sự mạnh mẽ. Do đó, tôi cho rằng thị trường có thể tiếp tục duy trì trạng thái như hiện tại, có thể là qua giai đoạn công bố kết quả kinh doanh quý 2, khi các dòng tiền tổ chức bắt đầu có cơ sở để giải ngân trở lại vào thị trường.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tuần qua có 1 số phiên giao dịch khá lạ, nhất là phiên Tư, khi VN-Index phục hồi rất mạnh ngay sau khi sợ hãi 2 phiên trước đó, và phiên thứ Năm, khi diễn biến của VN-Index ngược lại với các chỉ số chứng khoán Á (cùng giờ sáng) hay Âu (cùng giờ chiều). Thậm chí, sáng thứ Sáu cũng vậy.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Rủi ro nhiều hơn cơ hội ảnh 1

Ông Hoàng Thạch Lân

Sau phiên thứ Tư, những người lạc quan thì dự báo chỉ số sẽ phục hồi mạnh theo hình chữ W, nhưng qua thứ Năm và thứ Sáu thì có lẽ sự lac quan đó đã sớm lung lay.

Lúc này nên thận trọng, thậm chí cá nhân tôi cho rằng tháng 7 nên thận trọng. Tuần tới giá cổ phiếu chắc còn giằng co, nhưng tôi nghiêng về dự báo giảm.

Thế giới đang bất ổn khi có cả xung đột Mỹ - Trung, Trung - Ấn và một số nới khác. Covid-19 chưa thuyên giảm ở Mỹ và nhiều nước khác, nên Việt Nam dù được coi là ốc đảo an toàn, nhưng kinh tế không thể tự thân mà hồi phục nhanh và mạnh.

Ở trong nước, các doanh nghiệp đang bắt đầu công bố kết quả kinh doanh lãi lỗ quý 2, khá nhiều công ty đã sớm tiết lộ cho cổ đông qua kỳ ĐHCĐ, nhìn chung tin tốt đã ra, nhưng tin xấu chưa ra. Hơn nữa, bỏ qua vài phiên bất ngờ nói trên, tôi vẫn thấy lúc này dường như nhà đầu tư vừa mua chứng khoán vừa theo dõi chỉ số Mỹ, nếu có động là chạy.

Lúc này tôi nghĩ tâm lý đầu cơ vẫn cao hơn đầu tư, nói cách khác nếu hôm nào VN-Index lại rơi thì giá cổ phiếu tốt cũng sẽ giảm mạnh, giống hôm thứ Ba vừa rồi.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Không hẳn diễn biến tuần qua chậm, mà giao dịch thận trọng, giằng co chủ yếu diễn ra trong 2 phiên cuối tuần sau khi thị trường đã bước vào nhịp hồi phục. Sự hồi phục này không bất ngờ khi VN-Index đã giảm 6 phiên liên tiếp và chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 825 điểm.

Thanh khoản tiếp tục là vấn đề rất đáng lo ngại khi vẫn trên đà sụt giảm, đặc biệt tại các thời điểm chỉ số tăng điểm, phản ánh sự thiếu thuyết phục của nhịp hồi phục hiện tại. Do vậy, chưa thể khẳng định xu thế giảm điểm đã kết thúc, các phiên tăng/giảm đan xen biên độ hẹp có thể tiếp diễn trước khi có biến động trở lại (tôi vẫn nghiêng về kịch bản quay lại xu thế giảm).

Mức P/E bình quân khi kinh tế và TTCK rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật thì vùng hỗ trợ P/E là 10 lần và khá sát với vùng đáy của chỉ số VN-Index trong thời điểm cuối tháng 3 vừa qua ở ngưỡng 650 điểm. Còn ở thời điểm hiện tại, khi P/E của thị trường đang ở mức 12,5, tương ứng với chỉ số VN-Index dao động xoay quanh vùng cân bằng xoay quanh 780 điểm. Như vậy, nhịp điều chỉnh ngắn hạn hiện tại có là vùng mua tiềm năng cho nhịp phục hồi sắp tới, khi các rủi ro về dịch bệnh giảm bớt và các nền kinh tế dần lấy lại đà hồi phục, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

P/E thị trường hiện tại không còn là công cụ xác đáng để đánh giá VN-Index. Lý do là vì kết quả kinh doanh chung của các doanh nghiệp niêm yết đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên nếu sử dụng chỉ số P/E forward cho thị trường thì sẽ cao hơn rất nhiều so với P/E trailing theo thống kê.

Tuy nhiên, ngay cả chỉ số này cũng khó có thể áp dụng trong đánh giá thị trường do là năm EPS biến động bất thường. Vì vậy, nếu xét về cơ hội giải ngân thì nên nhìn trực diện vào tình hình kinh doanh từng doanh nghiệp riêng biệt thay vì tính toán P/E thị trường trong năm đặc thù như 2020.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

"Country P/E" của Việt Nam là 1 con số tương đối, cào bằng và trong lúc này có tính ru ngủ cao. Ngoài chuyện so sánh giữa hiên tại và quá khứ, tôi còn thấy có quan điểm cho rằng thị trường Việt Nam đang rất hấp dẫn để đầu tư, khi P/E chỉ tầm 13-14 lần, trong khi các quốc gia Đông Nam Á khác thì trên 15 lần (số liệu so sánh lấy từ Bloomberg).

Tuy nhiên, khi đầu tư thì phải xem P/E của các doanh nghiệp cụ thể, và nên nhìn số dự báo 2020 (forward) hơn là số hiên tại (trailing). Có không ít mã vốn hóa lớn trên HOSE đang có trailing dưới 10, nhưng forward lại lớn hơn 10, do dự báo EPS cả năm 2020 giảm. Lưu ý số forward này là thống kê từ những con số dự phóng của các công ty chứng khoán hàng đầu, họ đưa lên Bloomberg cho các tổ chức nước ngoài tham khảo, nên tôi nghĩ độ thận trọng và tin cậy khá cao.

Cho nên, tôi nghĩ rằng việc so sánh các con số P/E bình quân của cả TTCK Việt Nam tại những thời điểm khác nhau, rồi từ đó suy ra điểm số của VN-Index lúc này là đắt hay rẻ, chỉ mang ý nghĩa tương đối. Hơn nữa, dù là 12,5 lần, nhưng đắt hay rẻ còn tùy vào triển vọng của cả kinh tế thế giới lẫn Việt Nam. Nó rất rẻ khi kinh tế lúc này được dự báo tăng trưởng tích cực, nhưng sẽ là đắt khi kinh tế dự báo suy giảm.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Như đã nói trước đây, tôi đánh giá nhịp tăng vừa qua của thị trường đã mang tính “đánh bạc nặng”, vượt xa mọi quy luật về kinh tế. Với việc dòng tiền nóng đã và đang rút ra, không dễ để thị trường có thể quay lại những tuần “trăng mật” trước đó.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Rủi ro nhiều hơn cơ hội ảnh 2

Ông Dương Hoàng Linh

Dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt tuy nhiên diễn biến trên toàn cầu vẫn rất phức tạp và là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Rất nhiều các ngành nghề trong nước bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, điều này có thể thấy rõ qua các số liệu kinh tế-xã hội cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, và được dự báo khó khăn còn kéo dài.

Ở góc độ đầu tư, tôi cho rằng hiện nay rủi ro nhiều hơn cơ hội và chưa phải thời điểm thích hợp, tiềm năng để giải ngân.

Thị trường đã có dấu hiệu phân hóa dù chưa phải thời gian cao điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 và báo cáo bán niên, một số cổ phiếu đã được phản ánh vào giá dựa trên kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh tốt. Theo các ông/bà, khi các doanh nghiệp công bố chính thức, sự phân hóa sẽ tiếp diễn theo chiều hướng như thế nào? Nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng sẽ được hưởng lợi/bất lợi từ thông tin này?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Rủi ro nhiều hơn cơ hội ảnh 3

Ông Nguyễn Anh Khoa

Hiện tại, dòng tiền F0 đang là chủ đạo nâng đỡ thị trường. Tuy nhiên, khi báo cáo bán niên được công bố thì diễn biến thị trường sẽ có nhiều chiều hướng thay đổi.

Số liệu thực tế sẽ cho thấy ảnh hưởng của dịch bệnh lên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Khi đó, những nhà đầu tư tổ chức có nhiều căn cứ mang tính định lượng để tham gia vào các cổ phiếu của các doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh hơn hẳn mặt bằng chung và ước lượng ban đầu.

Chiều hướng ngược lại sẽ xảy ra đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng thực tế trầm trọng hơn. Do sự tham gia mạnh mẽ hơn từ nhóm nhà đầu tư này nên nhiều khả năng thị trường sẽ phân hóa sâu sau cột mốc quan trọng này.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Đã có khá nhiều công ty sớm ước tính doanh thu và lợi nhuân quý 2 hay bán niên và đã tiết lộ cho cổ đông tại ĐHCĐ, như vậy đối với nhiều nhà đầu tư, thế là đủ. Họ không cần chờ đến khi có báo cáo tài chính chi tiết như những chuyên gia phân tích chuyên nghiệp (cần đọc báo cáo tài chính để đánh giá chất lượng của con số lợi nhuận).

Hơn nữa, theo báo cáo tổng hợp kinh tế vĩ mô 6 tháng từ Tổng cục Thống kê, một số ngành đã có kết quả tăng trưởng tích cực như điên nước, bảo hiểm, dược, dịch vụ viễn thông...

Đối với những công ty sớm biết kết quả tốt, tôi không nghĩ đến khi công ty ra báo cáo tài chính chính thức thì sẽ tạo ra sự bất ngờ trong xu hướng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, điều ai cũng thấy rõ ràng là, quý 2 năm nay là quý chịu tác động mạnh từ Covid-19, nhất là đối với nhiều nhóm ngành như thương mại, dịch vụ bán lẻ, du lịch và giải trí, vân tải, xăng dầu... hay các ngành liên quan đến xuất khẩu (đúng hơn là các doanh nghiệp có doanh thu phần lớn là xuất khẩu sang các quốc gia đến giờ vẫn còn Covid-19).

Nói chung là phân hóa rất rõ trong mùa báo cáo tài chính quý 2 này. Tuy nhiên, như đã nói bên trên, tâm lý nhà đầu tư lúc này là đầu cơ nhiều hơn đầu tư, nên tôi nghĩ giá cổ phiếu sẽ bị chi phối bởi các yếu tố thị trường nhiều hơn là tài chính doanh nghiệp. Nói cách khác, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu vẫn có thể tăng dù lợi nhuận doanh nghiệp đi lùi, hoặc giá cổ phiếu giảm nhưng cũng không thể khẳng định là do lợi nhuận đi lùi.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Dịch bệnh bùng phát khiến việc giao thương giữa các nước bị đình trệ, đi lại hạn chế giữa các nước, chuỗi cung ứng hàng hóa bị tắc nghẽn... dẫn đến việc tác động mạnh đến các nhóm ngành và mức độ khác nhau do đó dẫn tới việc phân hóa rất rõ nét.

Các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực nhất gồm du lịch, bất động sản, dịch vụ hàng không, dầu khí, doanh nghiệp xuất nhập khẩu... Ngược lại, các ngành ít bị ảnh hưởng thậm chí vẫn duy trì được đà tăng trưởng như chứng khoán, phân đạm, thép, cao su thành phẩm, chăn nuôi... Tuy nhiên cần lưu ý, số lượng ngành nghề, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bất lợi là cao hơn nhiều so với nhóm được hưởng lợi.

Tin bài liên quan