Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán có giữ phong độ?

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán có giữ phong độ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý III rất khả quan đã giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng có chuỗi tăng mạnh. Liệu các nhóm cổ phiếu này còn duy trì được “phong độ” trong ngắn hạn?

Thanh khoản của thị trường trong tuần qua tiếp tục tăng mạnh, nhất là phiên cuối tuần cho thấy nhà đầu tư trong nước đặt kỳ vọng rất lớn vào thị trường. Điều này cũng giúp VN-Index lên mức đỉnh 9 tháng bất chấp nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng với giá trị lớn. Theo các ông/bà, sự hưng phấn này sẽ duy trì trong bao lâu?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Sự hưng phấn này đã liên tục 7 tháng qua nên điều này cũng không còn là mới nữa, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cũng liên tục từ đầu năm (nếu loại bỏ các giao dịch thỏa thuận), do đó các nhà đầu tư nội không có quá quan tâm cũng như ảnh hưởng đến thị trường chung.

Đặc biệt, Covid-19 khiến cho cách ly xã hội và dù đã nới lỏng trở lại nhưng thói quen của nhà đầu tư đã khác xưa khi mà các nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường đã kiếm được lợi nhuận rất tốt trong bối cảnh chính sách nới lỏng tiền tệ để kích cầu kinh tế diễn ra ở mọi nơi trên thế giới và dĩ nhiên Việt Nam không phải ngoại lệ đã thúc đẩy TTCK.

Bên cạnh đó các kênh đầu tư khác như vàng khá yếu 3 tháng vừa qua, còn bất động sản giao dịch kém sôi động hơn trước cũng như việc các thị trường trên cần phải giao dịch vật chất là chủ yếu chứ không giao dịch online được, trong khi kênh đầu tư FX với nhà đầu tư cá nhân là không hợp pháp tại Việt Nam nên TTCK nổi lên là kênh đầu tư phù hợp nhất.

Một khi xu hướng này vẫn còn thì thị trường vẫn còn được hỗ trợ. Tuy nhiên nếu điều này xoay chiều, ví dụ như chính sách nới lỏng tiền tệ thay đổi (rất khó trong ngắn hạn) hay như vàng quay trở lại đường đua thì sự quan tâm đến chứng khoán sẽ giảm đi hay kinh tế phục hồi dưới mức kỳ vọng (điều này vốn cũng không diễn ra ngắn hạn) hoặc các chính sách kinh tế thay đổi thì những điều trên xảy ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK tùy thuộc vào thời gian ngắn hạn hay dài nếu các yếu tố đó đảo chiều.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong tuần qua đã có 1 phiên làm thay đổi cục diện xu hướng sau khi thông tin thị trường Việt Nam có thể được gia tăng tỷ trọng sau khi Kuwait được nâng hạng. Nhờ thông tin đó mà dòng tiền vào thị trường đã gia tăng trở lại trong 2 phiên cuối.

Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng, quá trình này cũng diễn ra trong thời gian dài và chưa kể trong lúc ấy có nhiều thay đổi trong qua trình chu chuyển các dòng vốn quốc tế khó định lượng trước. Các thông tin dạng này chỉ mang tính hỗ trợ nhất thời ngắn hạn trong khi nhà đầu tư vẫn hướng trọng tâm vào hoạt động kinh doanh nội tại doanh nghiệp và diễn biến vĩ mô.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Hiện tại, các báo cáo kinh doanh quý III quan trọng của nhiều doanh nghiệp lớn đã công bố gần hết vì vậy đã không còn nhiều yếu tố bất ngờ. Thị trường được kéo mạnh trong tuần không thể không nhắc đến nhóm cổ phiếu trụ lớn nhưng đặc điểm của nhóm này thường không kéo dài.

Áp lực bán cũng tăng dần khi chỉ số vượt quá kỳ vọng đi vào vùng quá mua như hiện nay do đó trạng thái hưng phấn chung sẽ sớm hạ nhiệt và chỉ số chung sẽ di chuyển chậm lại trong tuần sau.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Chỉ số VN-Index tăng 1,2% trong phiên hôm thứ Sau và đạt mức cao kỷ lục tính từ ngày 22/01 nhờ diễn biến mạnh mẽ của các mã cổ phiếu bluechip. Đáng chú ý, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ngày 23/10 đạt 961,26 điểm, đã vượt mức đóng cửa của năm 2019. Ngoài ra, chỉ số VN-Index tăng 1,9% tính chung cả tuần, ghi nhận tuần tăng điểm thứ Sáu liên tiếp.

Quan điểm kỹ thuật: Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VNSmallcap được cải thiện lên mức Trung tính, tương đồng với tín hiệu của VNMidcap. Trong khi đó, tín hiệu của VN-Index, VN30 và HNX-Index vẫn duy trì trạng thái Tích cực.

Dự báo trong tuần tới, thị trường vẫn tiếp tục xu hướng tăng điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền, kéo VN-Index lên kháng cự đỉnh của năm 2020 tại 993 điểm còn VN30 lên kháng cự đỉnh của năm 2019 tại 950 điểm.

Nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý III rất khả quan, đặc biệt là nhóm chứng khoán, ngân hàng... Thực tế, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng đã có chuỗi tăng mạnh trước đó. Nhóm cổ phiếu này còn duy trì được “phong độ” trong ngắn hạn, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

TTCK tăng mạnh nên nhóm chứng khoán có kết quả khả quan không quá ngạc nhiên, nhưng nhóm ngân hàng thì tùy ngân hàng chứ không phải ngân hàng nào cũng có kết quả vượt kỳ vọng.

Ngoài ra, nhóm này cũng đã tăng kha khá trong một khoảng thời gian tương đối dài do đó khả năng kéo dài chu kỳ này trong khi năm 2020 là năm dòng tiền chảy vào các nhóm ngành khá nhanh là liên tục. Vì thế có thể dòng tiền sẽ chuyển sang các nhóm khác còn tiềm năng hơn các nhóm đã có thời gian tăng dài và mạnh.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm ngân hàng hấp dẫn nhờ câu chuyện tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu và đặc biệt nhiều ngân hàng niêm yết mới và chuyển sàn trong các tháng cuối năm. Những cổ phiếu này đã được giao dịch rất sôi động khi còn ở OTC vì vậy không ngạc nhiên luôn tạo sóng lớn khi niêm yết trên sàn.

Nhóm chứng khoán thu hút dòng tiền nhờ hoạt động chứng khoán gia tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Công ty chứng khoán kỳ vọng thu lợi nhuận lớn không những nhờ phí giao dịch mà còn đến từ hoạt động tự doanh.

Tuy nhiên nhóm cổ phiếu thường nhạy cảm với diễn biến ngắn hạn của thị trường. Chỉ cần có sự rung lắc nhẹ hay thanh khoản giảm vài phiên thì nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Trong ngắn hạn, thị trường đã có một bước tiến khá dài và có thể cần vài nhịp điều chỉnh nhưng nhìn về dài hạn hơn thì từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn còn nhiều hấp dẫn nhà đầu tư nhờ câu chuyện dẫn vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Vì cổ phiếu ngân hàng vẫn là trụ trong chỉ số VN-Index cũng như 1 số mã ngân hàng có mặt trong rổ MSCI, do vậy một số cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì được phong độ trong ngắn hạn.

Ngoài ra một số mã ngân hàng có nền tảng tốt mà chưa tăng hoặc tăng nhẹ trong thời gian qua sẽ tăng tiếp, một số cổ phiếu ngân hàng đã tăng nóng sẽ có xu hướng chậm lại vì nhà đầu tư chốt lời.

Tuần qua, trái với sự hồ hởi của khối nội, khối ngoại đã ghi nhận bán ròng tới gần 2.500 tỷ đồng với việc tập trung xả các cổ phiếu lớn. Có thể lý giải sự lệch pha này như thế nào, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Sự lệch pha này đã diễn ra ngay từ đầu năm, thậm chí là từ năm ngoái nhưng TTCK vẫn tăng tốt nhờ các nhà đầu tư F0 là chủ đạo với sự gia tăng mạnh mẽ ở số tài khoản chứng khoán được mở trong năm nay và thanh khoản tăng vọt (dù nhà đầu tư nước ngoài bán ra) cho thấy chủ yếu chỉ có các nhà đầu tư trong nước mua vào.

Bên cạnh đó năm nay cũng là năm mà trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp được mùa khi mà thanh khoản tăng vọt, tỷ lệ thành công rất cao, số lượng đặt mua nhiều đợt phát hành cao gấp vài lần số lượng chào bán (điều hiếm khi xảy ra ở các năm trước) dù rằng lãi suất liên tục hạ, mà mua trái phiếu thường chỉ có các nhà đầu tư lớn mới tham gia cho thấy trên thị trường cổ phiếu chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư F0.

Còn nhà đầu tư nước ngoài theo tôi việc họ bán ra không phải do lo ngại về kinh tế hay TTCK Việt Nam mà quan điểm đầu tư của họ chuyển từ nhóm mạo hiểm như cổ phiếu sang các nhóm an toàn như trái phiếu...

Ngoài ra, có khả năng các khách hàng của họ gặp khó khăn ở nước ngoài mà rút vốn nên các tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam buộc phải bán bớt danh mục đầu tư của mình.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Từ đầu tháng 10 đến nay khối ngoại đã bán ròng hơn 5 ngàn tỷ đồng và đây là con số bán ròng cao nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay. Một số blue chip bán ròng nhiều nhất nằm ở nhóm MSN, CTG, VNM, VHM, VRE, BID... Chủ yếu do các quỹ đảo cơ cấu danh mục. Điều này cũng hợp lý khi nhiều cổ phiếu đã có mức tăng vượt kỳ vọng như trường hợp VNM, MSN hay CTG trong khi thời gian trước đó đi ngang rất lâu.

Dù bán ròng liên tục nhưng áp lực bán của khối ngoại không gây trở ngại cho hoạt động giao dịch mà ngược lại dòng tiền nội khối cân lại đầy đủ. Nhà đầu tư cũng không còn quá quan tâm việc khối ngoại bán ròng do việc bán ra không còn ảnh hưởng nhiều đến xu hướng giá cổ phiếu.

Một yếu tố khác là các thống kê mua bán ròng từ tài khoản nước ngoài hiện tại cũng không thể hiện đầy đủ ý nghĩa thực tế mua bán có phải hoàn toàn từ nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ ngoại hay không. Nhà đầu tư hiện tại cũng không còn quá quan tâm các hoạt động mua bán ròng từng cổ phiếu mà hướng trọng tâm lên toàn bộ giao dịch nhiều hơn.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Dường như việc tìm kiếm cơ hội càng khó khăn hơn khi thị trường đã trải qua một nhịp tăng và áp lực chốt lãi dẫn luôn hiện hữu. Chọn chiến lược đầu tư nào cho phù hợp, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường Việt Nam hiện tại có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng trong đó đáng kể nhất là tình hình kinh tế đang ổn định so với các nước khác. Một yếu tố cộng thêm là dòng tiền đang tìm điểm đầu tư ở chứng khoán mang lại lợi nhuận tốt trong khi các kênh khác như đất đai, vàng, ngoại tệ đều chững lại. Nhờ những kỳ vọng đó mà chứng khoán đã có sự tăng trưởng vượt kỳ vọng như thời gian vừa qua.

Thị trường vẫn trong giai đoạn tăng trưởng vì vậy nhà đầu tư vẫn duy trì trạng thái nắm giữ cổ phiếu và ưu tiến vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng bền vững. Dĩ nhiên khi dòng tiền đổ vào quá lớn sẽ đến lúc bị bão hòa và cần thời gian để điều chỉnh.

Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại mức định giá thị trường đang ở trạng thái quá mua và sẽ có vài phiên áp lực bán sẽ đè nén thị trường. Đây sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư tích lũy mua nắm giữ thêm.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Các cổ phiếu được quan tâm nhiều khả năng sẽ là các mã tỷ trọng lớn trong rổ MSCI và các mã ngân hàng. Ngoài ra, lực cầu sẽ dành một sự quan tâm nhất định tới một số mã vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu kỹ thuật tốt và/hoặc có sự gia tăng của khối lượng giao dịch.

Tin bài liên quan