Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ bớt tham lam hơn

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ bớt tham lam hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đã có quá trình tăng rất dài và nhiều mã đang ở mức đỉnh của lịch sử nhưng với việc công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 có sự tăng trưởng tốt hoặc kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong xu hướng đầu cơ.

Phiên đảo chiều mạnh ngày 22/4, nhiều cổ phiếu đồng loạt giảm sàn khiến nhiều nhà đầu tư “xanh mắt mèo”. Với sự hồi phục của thị trường ở phiên cuối tuần, tâm lý chung đã dần lấy lại được sự cân bằng. Xu hướng biến động với biên độ rộng có tiếp tục diễn biến trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Xu thế tích cực rõ ràng đã gặp thách thức rất lớn trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư cũng đã có sự suy yếu đáng kể, niềm tin trong hoạt động lướt sóng cũng gặp nhiều thử thách khi rủi ro đã tăng lên. Do vậy nhiều khả năng các phiên giao dịch có biến động lớn sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn trong ngắn hạn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Thị trường có nhiều sự bất ổn hơn khi gần đây nhiều phiên biến động rất mạnh với biên độ lớn, dù giá trị giao dịch vẫn cao nhưng thanh khoản đang giảm dần đều và lần đầu tiên mất mức hỗ trợ 1.230 kể từ khi lập đỉnh dù điều này chỉ diễn ra trong 1 ngày. Do đó khả năng xu hướng tăng bớt tích cực hơn, những phiên tiếp theo sẽ có nhiều sự biến động mạnh trong bối cảnh sự giằng co giữa các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức bán khá mạnh nhưng lực đỡ vẫn mạnh từ các nhà đầu tư cá nhân, F0.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Sau phiên trao tay kỷ lục với khối lượng hơn 1 tỷ cổ phiếu vào giữa tháng 4, thị trường bước vào giai đoạn giằng co với các phiên tăng giảm xen kẽ. Với việc VN-Index đóng cửa tuần trên mốc 1.230 điểm, tôi cho rằng thị trường có thể sẽ duy trì biến động trong kênh 1.230-1.280 điểm trong tuần tới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Trước đó nhiều phiên thị trường đã tỏ ra suy yếu và bị bán ra nhiều mặc dù chỉ số vẫn tăng điểm. Cũng nhờ phiên giao dịch cuối tuần hồi phục và lấy lại 1/2 điểm số mà thị trường đã giảm bớt áp lực.

Nhờ động lực một số bluechip tuần sau thị trường có thể tiếp tục xu hướng tích cực ở những phiên đầu tuần tuy nhiên mức độ bứt phá có thể sẽ không bằng những tuần trước đó. Thị trường sẽ dần phân hóa và đi ngang nhiều hơn, không loại trừ sẽ còn vài nhịp điều chỉnh ngắn đến khi lượng cung có thể hấp thụ hết.

Chỉ số VN-Index đã ghi nhận tăng khá mạnh trong tháng 4, nhưng cần lưu ý đó là sự góp sức của một số bluechips, đặc biệt VIC nên biến động của chỉ số chưa tương đồng với biến động chung của cổ phiếu. Diễn biến của thị trường trong tháng 5 sẽ theo chiều hướng nào, theo nhìn nhận của ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã xuất hiện khá thường xuyên, điều này đồng nghĩa với việc lướt sóng ngắn hạn trong thời gian qua đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Hiện tại, dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại nhóm cổ phiếu thị trường (Ngân hàng, Chứng khoán..), không chỉ có vậy với việc thanh khoản đang trên đà sụt giảm, nghi vấn dòng tiền ngắn hạn bị rút ra là vấn đề đáng lưu tâm.

Về mặt chỉ số, trạng thái giằng co, tích lũy tạo nền trong biên độ 1.220-1.270 điểm của VN-Index vẫn đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, rủi ro lướt sóng ngắn hạn đã và đang hình thành có thể ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá thực tế của cổ phiếu.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Xu hướng sẽ tiêu cực hơn trong tháng 5 nếu mức 1.230 bị mất một lần nữa khi đó sẽ là "Sell In May". Ngược lại, tình hình vẫn tích cực nhưng sự tích cực cũng sẽ bị ảnh hưởng do lực bán ròng mạnh từ những nhà đầu tư lớn.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Hiện nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên HOSE vẫn diễn biến tích cực hơn phần còn lại. Không chỉ có VIC mà nhiều cổ phiếu khác trong VN30 cũng góp phần điều tiết đà tăng của thị trường như là MSN, MWG, VHM hay các mã ngân hàng. Tôi cho rằng nếu các mã dẫn dắt này tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới thì dòng tiền mới quay trở lại với các cổ phiếu vốn hóa thấp hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nếu tính từ nhịp điều chỉnh từ cuối tháng 1 thì thị trường đã tăng trưởng gần 250 điểm. Chuỗi tăng này khá bền vững và được sự góp sức từ nhiều nhóm cổ phiếu từ ngân hàng, dầu khí, bất động sản, thép và cả các nhóm cổ phiếu penny. Cho đến khi chỉ số VN-Index vượt đỉnh lịch sử và chạm mốc trên 1.250 thì động lực chung của thị trường đang yếu dần. Chỉ số đang tạo đỉnh ngắn hạn và tháng 5 thị trường có thể giao dịch khó khăn hơn là tâm lý lạc quan các tháng vừa qua.

Sau khi các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý I thì sẽ có một giai đoạn thị trường đi vào vùng trũng thông tin và chỉ số có thể sẽ có vài bước điều chỉnh để thiết lập mặt bằng giá mới.

Tuy nhiên tôi cho rằng, các nhịp điều chỉnh này không phá vỡ xu hướng tăng trung hạn của thị trường mà đây lại là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu giá rẻ tốt hơn.

Đúng như dự báo, nhóm cổ phiếu penny sau một chu kỳ “phiên lưu” đã đồng loạt đảo chiều giảm sàn trong tuần qua. Thị trường cũng ghi nhận sự biến động rất lớn giữa các nhóm cổ phiếu. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về sự phân hóa dòng tiền trong thời gian này?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên việc chốt lời tại các nhóm còn lại là dễ hiểu (đặc biệt với nhóm Penny đã tăng rất nóng). Với những rủi ro như đã đánh giá, sự phân hóa chắc chắn sẽ trở nên rõ nét hơn trong thời gian tới khi dòng tiền buộc phải có sự lựa chọn kỹ càng hơn.

Khó để kỳ vọng việc các nhóm cùng đồng loạt tăng do đó chẳng có cách nào khác ngoài việc nhà đầu tư cần xác định nhanh dòng tiền để cơ cấu danh mục sao cho hiệu quả.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Các cổ phiếu penny bị ảnh hưởng mạnh tiêu cực do mức tăng giá cực mạnh trong thời gian qua hầu như đều CE (tăng trần ) hàng loạt trong nhiều phiên nên sẽ có giai đoạn điều chỉnh mạnh như hiện tại. Tuy vậy nếu thị trường sắp tới không giữ được vùng hỗ trợ, khối ngoại vẫn bán ròng, tâm lý thị trường xấu hơn thì dòng tiền có thể sẽ quay lại các cổ phiếu nhỏ để kiếm lợi nhuận và giảm bớt ở những cổ phiếu có mức độ ảnh hưởng lớn tới thị trường như các bluechip.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Mỗi một phân lớp cổ phiếu có một chu kỳ tăng giảm nhất định theo xu hướng đầu cơ của thị trường và giai đoạn gần đây là của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nếu thị trường chưa kết thúc sóng tăng điểm thì khi các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ điều chỉnh đến một điểm hấp dẫn, dòng tiền sẽ quay trở lại.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền trong giai đoạn này sẽ bớt “tham lam” hơn và dĩ nhiên nhà đầu tư sẽ cẩn trọng hơn đối với các nhóm cổ phiếu penny sau cú đập ngược đợt vừa qua. Dòng tiền từ từ sẽ chuyển hướng trọng tâm vào nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan quý I và dự báo tăng trưởng mạnh trong năm.

Trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi tốt như hiện tại thì sẽ xuất hiện nhiều công ty hoạt động hiệu quả trong năm nay và hút tiền nhà đầu tư. Các nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản tiếp tục sẽ thu hút dòng tiền nhà đầu tư nhiều nhất so với các ngành khác.

Trong một diễn biến khác, khối ngoại tham gia tích cực vào cuộc đua gom mạnh cổ phiếu bluechip, trong đó có nhiều cổ phiếu ngân hàng và trở lại mua ròng hơn 350 tỷ đồng trong phiên cuối tuần ngày 23/4. Ông/bà đánh giá như thế nào đối với nhóm cổ phiếu Bank ở thời điểm hiện tại, đặc biệt đối với những mã chưa tăng mạnh trong thời gian qua?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Nếu nhìn rộng ra, khối ngoại đã duy trì trạng thái bán ròng rất mạnh trong thời gian dài, việc mua ròng xen kẽ vẫn thường xảy ra, do vậy động thái này không có nhiều ý nghĩa.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dòng tiền nóng chảy vào nhóm cổ phiếu này lại đang có dấu hiệu suy giảm. Điều quan trọng hơn nhà đầu tư cần lưu ý là diễn biến thị trường chung, do đây đang là thời điểm khá nhạy cảm, nếu thị trường chuyển biến xấu thì nhóm ngân hàng cũng sẽ khó tránh khỏi xu thế sụt giảm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Cổ phiếu ngân hàng dù có lực mua từ khối ngoại trong 1 phiên nhưng chưa phải là 1 xu hướng. Bên cạnh đó việc khối ngoại bán ròng rã suốt 1 năm qua nhưng thị trường vẫn lên cho thấy khối ngoại không phải là động lực chính có thể thay đổi được xu hướng chung của thị trường hoặc ngành. Đặc biệt là khi các cổ phiếu ngân hàng đã có quá trình tăng rất dài và nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở mức đỉnh của lịch sử.

Bên cạnh đó các nhà đầu tư lớn thường mua cổ phiếu nắm giữ chiến lược, nhiều khi mua thêm vì họ đã mua được rất lâu ở vùng giá thấp. Do đó nhà đầu tư nhỏ lẻ đu theo sẽ gặp rủi ro. Vì vậy với nhóm này nhà đầu tư chỉ nên lướt sóng ngắn hạn.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi đánh giá các cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong xu hướng đầu cơ vào nhóm vốn hóa lớn gần đây. Đặc biệt, khá nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 có sự tăng trưởng tốt hoặc kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm nay.

Ngoài ra, một số ngân hàng lại có sự thay đổi mạnh trong cơ cấu cổ đông hoặc có phương án tăng vốn, chia thưởng cổ phiếu. Đó là những xúc tác để thu hút sự quan tâm của thị trường vào cổ phiếu của ngành này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các ngân hàng trong năm nay có hai nhiệm vụ trọng tâm chính là tăng vốn hàng loạt đi cùng với vấn đề xử lý nợ xấu sau đợt dịch Covid năm ngoái. Đi cùng với hoạt động tăng vốn dĩ nhiên hiệu quả kinh doanh phải tăng lên tương xứng vì vậy trong quý đầu tiên xuất hiện nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận rất cao.

Nhóm ngân hàng hiện tại đã hình thành một nhóm ngành lớn trên sàn và tụ họp khá đầy đủ các ngân hàng thương mại cả nước vì vậy thu hút dòng tiền rất lớn của nhà đầu tư.

Nhìn chung nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng thêm trong năm nay đặc biệt là ở nhóm bank đang cơ cấu lại nợ xấu hay đang trong quá trình tăng tốc phát triển nhưng vẫn còn ở vùng định giá hấp dẫn như OCB, CTG, MBB, ABB.

Tin bài liên quan