Không nằm ngoài dự đoán, thị trường đã điều chỉnh trong tuần qua. Đặc biệt, trong 3 phiên đầu tuần đã chứng kiến lượng bán mạnh trên diện rộng. Với phiên hồi phục trở lại cuối tuần có tạo động lực cho thị trường chuyển hướng tích cực hơn trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường đã xác lập xu hướng giảm ngắn hạn, nên thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi phục rất ngắn. Đồng thời, tuần tới là tuần công bố kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, điều này có thể sẽ ảnh hưởng lên diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam, diễn biến của thị trường cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả bầu cử này.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Diễn biến phiên cuối tuần qua cho thấy áp lực bán giá thấp phần nào đã được giải tỏa, để ngỏ cơ hội hồi phục của thị trường tuần tới.
Ông Lê Anh Tùng |
Trong kịch bản thị trường chuyển biến tích cực, tôi cho rằng, nhà đầu tư cần lưu ý vùng cản mạnh quanh mốc 940 (+/-5), điểm quyết định đến khả năng quay lại xu hướng tăng của thị trường.
Bên cạnh đó, tuần sau cũng diễn ra sự kiện ngoại biên quan trọng là bầu cử Tổng thống Mỹ, khiến thị trường tiềm ẩn nhiều biến động mạnh khó lường.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Nhịp điều chỉnh của thị trường có thể còn tiếp diễn trong các phiên sắp tới và đó cũng là điều cần thiết, giúp loại bỏ lượng hàng lỏng lẻo trong quá trình đi lên bền vững của chỉ số.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn và trong sóng tăng luôn có những nhịp điều chỉnh, nhất là khi thị trường đang ở giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, kết quả kinh doanh quý III gần như đã kết thúc, trong khi thị trường thế giới có thể gặp biến động mạnh gần thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thanh khoản vẫn đang duy trì ở mức độ cao, nhất là ở những phiên điều chỉnh. Nhìn vào diễn biến giao dịch của thị trường trong những phiên vừa qua, ông/bà có có cho rằng, thị trường đang ở giai đoạn “phân phối”?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, đây chưa phải là giai đoạn phân phối cả chuỗi tăng điểm trung hạn vừa qua, mà đây chỉ là nhịp giảm ngắn hạn khi mà dư địa tăng trưởng của thị trường trong trung hạn vẫn còn nhiều, đặc biệt các doanh nghiệp cũng đang dần tăng trưởng theo mô hình chữ V trong quý III/2020.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Sau một chuỗi tăng kéo dài, tôi cho rằng, thị trường đang bước vào giai đoạn “phân phối” với nhiều nhịp rung lắc có thể diễn ra. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy tốt sau nhịp sụt giảm mạnh, tôi nghiêng về kịch bản thị trường có thể xuất hiện nhịp hồi, thử thách lại vùng đỉnh cũ trước khi cho diễn biến điều chỉnh rõ nét hơn.
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR)
Hiện tại, thị trường đã tăng 20% từ nhịp đáy gần nhất và 40% từ đáy dịch bệnh Covid-19, nhiều cổ phiếu tăng mạnh, vượt đỉnh thời đại. Với diễn biến của thị trường hiện tại, tôi cho rằng có thể sẽ có 1 nhịp điều chỉnh khi giai đoạn tới sẽ là vùng trũng thông tin, lực chốt lời tăng lên.
Sau 1 đợt dòng tiền nóng tham gia thị trường, nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng có thể sẽ là tâm điểm bị bán, do đó nhà đầu tư cần tỉnh táo và tránh sử dụng margin trong giai đoạn này.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Thị trường đã tăng 6 tuần liên tiếp trong chuỗi tăng trưởng gần 3 tháng qua, động lực chính giúp thị trường leo dốc chủ yếu đến từ dòng tiền nội. Thanh khoản thị trường cũng tăng từ mức 3.700 tỷ đồng tương ứng với thời điểm chỉ số VN-Index ở vùng 850 điểm lên mức bình quân 7.200 tỷ đồng trong 2 tuần vừa qua.
Như vậy, chỉ số đã tăng hơn 100 điểm và thanh khoản thị trường cũng tăng gần gấp đôi. Do vậy, nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận của nhà đầu tư là hoàn hợp lý, nhất là trong bối cảnh thanh khoản đang được duy trì ở mức cao kỷ lục.
Tâm lý thay đổi nhanh khiến thị trường giảm mạnh trong ngắn hạn, tuy nhiên nhiều công ty chứng khoán cho rằng, chưa đủ để bẻ gãy xu hướng dài hạn. Do vậy, nhịp điều chỉnh của thị trường được cho là cần thiết để thị trường lấy lại điểm cân bằng, chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Ở vùng trũng thông tin, tháng 11 của thị trường sẽ không có quá nhiều biến động. Còn dự báo của ông/bà?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Xu hướng dài hạn đang duy trì đà tăng và tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục mở rộng đà tăng trong tháng 11/2020.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Đối với kỳ vọng của thị trường trong thời gian tới, chúng tôi nghiêng về khả năng xu hướng phục hồi của chỉ số vẫn sẽ tiếp diễn với đích kỳ vọng quanh 960 nhưng với nhiều nhịp giằng co đan xen khi mà nền giá hiện tại đã phần nào phản ánh tương đối hợp lý những rủi ro và cơ hội.
Trong vùng trũng thông tin thì rủi ro ngoại biên, đặc biệt là diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 sẽ cần được theo sát kỹ, bởi nó có thể mang tới nhiều thay đổi tới triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR)
Theo tôi, thị trường sau một giai đoạn khá nóng thì sau nhịp điều chỉnh nếu có dòng tiền sẽ tập trung hơn vào các cổ phiếu có triển vọng quý IV và năm sau khả quan. Hiện tại theo tôi, các dòng cổ phiếu có thể hồi phục mạnh trong năm sau như bán lẻ, công nghệ, cá tra, xuất khẩu gỗ, đá... hay nhóm vật liệu hưởng lợi từ đầu tư công sẽ là điểm sáng cần chú ý. Ngoài ra, câu chuyện dòng vốn ngoại, tăng tỷ trọng và nâng hạng của Việt Nam cũng sẽ cần chú ý.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Có thể sau nhịp điều chỉnh trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ là nhịp tăng cuối năm khi nhà đầu tư kỳ vọng rằng sự phục hồi của Việt Nam đang sẵn sàng đạt tốc độ đáng kể trong quý IV, tăng trưởng trong quý IV dường như đang trên đà tăng tốc lên 4,5% -5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,62% trong quý III.
Ông Ngô Quốc Hưng |
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã kiểm soát dịch Covid-19 thành công và đang nỗ lực phục hồi, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến tích cực vào năm 2021. Nhiều nhà đầu tư đang chờ mở cửa trở lại để khơi thông dòng vốn, tạo sự dịch chuyển nguồn cung ứng và dây chuyển sản xuất của nhiều công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang kỳ vọng về vắc-xin điều trị Covid-19 sắp xuất hiện, việc xét nghiệm và điều trị được cải tiến triệt để; giúp cải thiện tình hình thay vì hạn chế tiếp xúc và ban hành các lệnh đóng cửa. Các nhà đầu tư cũng tin rằng, lãi suất vẫn có thể tiếp tục giảm hoặc được giữ ở mức thấp ít nhất thêm 1 năm nữa, điều này làm cho các tài sản rủi ro như cổ phiếu trở nên hấp dẫn.
Điều nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là cơ hội lựa chọn cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng. Đó là nhóm nào, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Minh |
Tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể lựa chọn các nhóm cổ phiếu có thể tăng trưởng như ngân hàng nhờ vào tăng trưởng tín dụng phục hồi, chứng khoán do sự hồi phục của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, sản xuất thực phẩm, bán lẻ và vật liệu xây dựng.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Tôi cho rằng, nhóm ngành ngân hàng và bán lẻ vẫn cho thấy dư địa tăng trưởng hấp dẫn với kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục tốt trong thời gian tới. Trong đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh như vừa qua để có thể mở lại hoặc gia tăng tỷ trọng ở những cổ phiếu trong ngành này.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR)
Chúng ta đang ở trong giai đoạn dân số vàng, vĩ mô ổn định, mức thu nhập đầu người còn thấp và nhiều tiềm năng tăng trưởng thì nhiều ngành trụ cột sẽ có nhiều dư địa lớn. Đơn cử như ngành liên quan mật thiết đến kinh tế tương lai như bán lẻ, thép, công nghệ, hạ tầng...
Về mã cụ thể có thể chọn lựa như: MWG với chiến lược kinh doanh và hệ thống quản lý hoàn chỉnh; FPT- Doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ xu hướng online và chuyển đổi số...
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Thời điểm hiện tại, việc lựa chọn cơ hội đầu tư không dễ dàng sau chuỗi tăng trưởng gần 3 tháng qua của thị trường. Dù thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn nhưng đan xen sẽ là các nhịp điều chỉnh để chỉ số tìm điểm cân bằng trong điều kiện mới.
Do vậy, cơ hội lựa chọn cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng tốt nhất là trong các nhịp điều chỉnh này. Các cổ phiếu đầu ngành hoặc có câu chuyện riêng hoặc được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế và hàng hóa… sẽ là địa chỉ cho dòng tiền thu gom trong giai đoạn cuối năm như: Nhóm ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng, bán lẻ, Vingroup, thực phẩm và đồ uống…