Nhận định chung của các chuyên gia tại Tọa đàm là cần chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19
Bối cảnh bất thường cần biện pháp đặc biệt
Việt Nam đã chuyển từ vị trí một ngôi sao xuống dưới mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc lại nhận định này của Ngân hàng Thế giới (WB) khi phát biểu kết thúc cuộc tọa đàm nói trên.
Ông Vương Đình Huệ cũng nêu 5 nguyên nhân của việc chuyển vị trí được đại diện WB và một số diễn giả khác đúc kết. Đó là tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm, ngay cả khi đã được tăng tốc; hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; các chương trình trợ giúp xã hội rụt rè, hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm rằng, một trong các nguyên nhân khiến "sức khỏe" của cả người dân và doanh nghiệp từ năm 2000 đến nay đều đã suy giảm đáng kể là hỗ trợ qua chính sách tiền tệ thì ở mức trung bình thấp, hỗ trợ qua chính sách tài khóa thì khiêm tốn, chủ yếu là giãn, hoãn thuế.
Đại diện UNDP nhận xét, ứng phó tài khóa của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng là nhỏ so với các nước láng giềng. Lý do là cần phải kiềm chế bội chi ngân sách của Chính phủ để ngăn tỷ lệ nợ/GDP tăng lên có khả năng gây ra lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán. “Mặc dù logic này có giá trị trong những giai đoạn bình thường, nhưng cần phải thừa nhận rằng, giãn cách xã hội và phong tỏa là một tình huống rất bất thường, đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt”, đại diện UNDP nhấn mạnh.
Bối cảnh bất thường cần giải pháp khác thường cũng là quan điểm được nhiều chuyên gia trong nước đề cập.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, chính sách hỗ trợ mới thực hiện theo hướng giảm thu của Nhà nước, chứ chưa tăng chi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; một số số chính sách có tính ngắn hạn, chỉ thực hiện đến cuối năm nay, trong khi dịch bệnh còn kéo dài.
Ông Tuấn cũng nêu một vấn đề được khá nhiều chuyên gia quan tâm, đó là sự thiếu đồng bộ, thiếu linh hoạt trong áp dụng các chính sách chống dịch, khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó.
“Tư duy cấm cản đang trở lại ở một số địa phương. Có nơi, một giám đốc sở cũng có thể ra lệnh ngừng hoạt động một doanh nghiệp có tới 5.000 - 6.000 công nhân”, ông Tuấn phản ánh thực tế.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, các địa phương chưa cân nhắc hài hòa, đồng bộ các quy trình, biện pháp liên quan để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế còn khó khăn.
Thực hiện nhất quán chương trình phục hồi kinh tế
Nhận định chung của nhiều ý kiến là Covid-19 có thể kéo dài, nên không thể kéo dài mô hình “zero Covid”, mà cần chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, cần một khung chiến lược phát triển kinh tế mới, một chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.
Đề xuất của CIEM được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại. Đó là cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19, gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn I (đến quý I/2022): Ưu tiên phòng chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Giai đoạn II (đến hết năm 2023): Sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.
Giai đoạn III (sau năm 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM, có 3 vấn đề lớn mà Chính phủ cần lưu ý trong quá trình phục hồi kinh tế. Đó là khung, hướng dẫn mô hình phòng chống dịch Covid-19; lao động gắn với sự dịch chuyển; dòng tiền, tài chính.
Ông Thành khuyến nghị, các gói hỗ trợ cho chương trình phục hồi 2 năm tới cần phải bắt nhịp được đà phục hồi với các nước trong khu vực, các đối tác chiến lược của Việt Nam, cũng như bắt nhịp xu thế lớn của thế giới như tiêu dùng, lối sống, cách mạng công nghệ, năng lượng gắn với quản trị rủi ro...
Cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế phải bao gồm cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, đầu tư, hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, lao động, chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng... , chuyên gia Võ Trí Thành đề nghị Chính phủ và Quốc hội khi ban hành nghị quyết thì đưa luôn giải pháp, thay vì phân cấp việc đưa ra giải pháp cho các bộ, ngành theo thời hạn như hiện nay.
Xây dựng khung chiến lược phát triển kinh tế mới cũng là vấn đề được TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đề cập. Yêu cầu đặt ra ở chiến lược này là cần nhận dạng các động lực phát triển mới, từ đó định hình lại cơ cấu kinh tế, giải các bài toán lớn về thể chế và quản trị; tài chính công; phân cấp; vai trò của khu vực tư nhân và xã hội…
Theo chuyên gia Fulbright, nếu chúng ta không mở cửa bán tự động nền kinh tế cho phép giao thương và đi lại, thì nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, sụp đổ là rất lớn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nhận định, tăng trưởng GDP quý III/2021 có thể âm 2% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng quý IV sẽ phục hồi. Mức tăng trở lại của GDP trong quý IV phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vắc-xin, cũng như việc cho phép mở cửa nền kinh tế và chống dịch theo mô hình mới thực thi như thế nào.
Với TS. Bùi Quang Tuấn (Viện Kinh tế Việt Nam), việc duy trì được cho doanh nghiệp sống sót, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh ở mức tối thiểu là yêu cầu đầu tiên. Ông Tuấn đề nghị Chính phủ nên xem xét giải cứu tất cả doanh nghiệp gặp khó khăn, vì các doanh nghiệp đến thời điểm này đều đã yếu đi rất nhiều, nhiều doanh nghiệp đã và đang bên bờ vực phá sản. Do vậy, việc cứu trợ là cấp thiết hơn bao giờ hết và không nên phân biệt.
Còn trong tình huống bắt buộc phải lựa chọn một số đối tượng để giải cứu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm do nguồn lực có hạn, theo ông Tuấn, cần có các tiêu chí phù hợp, như doanh nghiệp có triển vọng phục hồi tốt, có năng lực cạnh tranh và chống chịu, thuộc ngành hàng ưu tiên hay thiết yếu, các doanh nghiệp lớn có đóng góp và có ảnh hưởng lớn ở thị trường...
Quốc hội phải bảo đảm trách nhiệm giải trình
Trước những hệ lụy không nhỏ của một số chính sách trong quá trình chống dịch Covid-19, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Quốc hội nên tham gia tích cực hơn trong quá trình quản trị quốc gia. Lý do là, Quốc hội mỗi năm chỉ họp 2 kỳ, nhưng có những chính sách lại cần điều chỉnh rất gấp, nên cần đẩy mạnh hoạt động giải trình tại các ủy ban của Quốc hội.
Theo ông Dũng, vừa qua, những chính sách được ban hành, nhưng không được giải trình, chưa thể giải trình với công chúng, thì hãy giải trình với Quốc hội và Quốc hội phải bảo đảm trách nhiệm giải trình, giải trình được mới minh bạch. Đây là điều rất quan trọng để chúng ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay.