UBCK vừa cho biết, sẽ mở rộng quyền mua, bán chứng khoán trong ngày theo hướng không hạn chế. Nếu được áp dụng, quy định này sẽ tác động ra sao đến thị trường?
Ông Trần Hoàng Sơn,Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua bán cổ phiếu trên cùng một tài khoản trong phiên giao dịch sẽ giúp cho giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài thuận tiện hơn, tạo động lực gia tăng thanh khoản chung và qua đó tác động tích cực tới thị trường.
Mặc dù chỉ chiếm từ 10 - 15% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, nhưng đa phần nhà đầu tư nước ngoài thường giao dịch các cổ phiếu lớn thuộc nhóm vốn hóa, do đó mức ảnh hưởng đến thị trường là rất đáng kể.
Thêm vào đó, sự thông thoáng này là một trong những nhân tố tích cực thu hút sự quan tâm của khối ngoại tới TTCK Việt Nam. Đây cũng là một tiền để để mở ra cơ hội giao dịch đối với tài khoản của nhà đầu tư trong nước, đẩy mạnh tốc độ giao dịch, cũng như thanh khoản trên thị trường.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Agriseco
Tôi cho rằng, quy định này nếu được thực hiện chỉ mang tính kỹ thuật và chủ yếu tác động tới yếu tố tâm lý, vì thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài (các tổ chức, các quỹ) thông thường không mua bán trong phiên.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược thị trường - VCBS
Tôi đánh giá, thay đổi này, nếu được áp dụng sẽ là tích cực với thị trường. Các nhà đầu tư có thể linh hoạt hơn trong việc mua, bán chứng khoán, từ đó cũng tăng sức hấp dẫn của thị trường. Mặc dù vậy, do đây chỉ là một thay đổi mang tính kỹ thuật, nên tác động của nó nhiều khả năng sẽ chỉ dừng ở việc góp phần tạo điều kiện gia tăng thanh khoản cho thị trường.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS
Việc UBCK dự kiến cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua bán trên cùng một tài khoản trong 1 ngày cũng là 1 trong những biện pháp tạo thanh khoản cho thị trường. Những định hướng trên chắc chắn sẽ khuyến khích không chỉ nhà đầu tư trong nước, mà còn giúp nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mua bán nhiều hơn. Tôi tin, đây cũng là biện pháp tích cực tác động đến TTCK Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Hiện tại, UBCK cũng chưa ban hành quyết định chính thức về vấn đề này, nhưng nếu đúng là nhà đầu tư nước ngoài được vừa mua vừa bán chứng khoán trên cùng 1 tài khoản trong ngày thì đây có lẽ là một trong các giải pháp của các cơ quan quản lý thị trường, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức nước ngoài trong việc nhận ủy thác đầu tư của các nhà đầu tư khác, qua đó thu hút thêm nguồn vốn ngoại vào thị trường. Tuy nhiên, theo tôi, cũng nên cho phép nhà đầu tư trong nước được phép thực hiện hoạt động này để tránh tạo ra sự phân biệt, không bình đẳng trên thị trường.
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BIDV (BSC)
Các chính sách của UBCK đang theo hướng hỗ trợ cho TTCK phát triển và sẽ giúp tăng thanh khoản, thu hút thêm nhà đầu tư. Còn điểm số của thị trường trong trung hạn vẫn sẽ được quyết định bởi sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với các kênh truyền thống tiền gửi, vàng, ngoại tệ và bất động sản.
Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách tư vấn đầu tư CTCK Dầu khí (PSI)
Yếu tố tích cực dễ nhận ra nhất là giải pháp này sẽ tăng rất mạnh tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Từ khi được phép giao dịch mua/bán cùng một mã cổ phiếu trong phiên giao dịch, tôi thấy rằng, các giao dịch ngắn hạn đã tích cực hơn rất nhiều.
Việc kiểm soát rủi ro của mỗi nhà đầu tư cũng được nâng cao hơn, vì họ có thể bán bớt một phần cổ phiếu sẵn có ngay khi vừa mua xong trong cùng một phiên, dù vẫn còn giới hạn là việc mua/bán 2 chiều cần phải có sự kết thúc trạng thái của lệnh ngược chiều trước đó nhưng các tác động đã thấy rõ.
Trong trường hợp này, khi mua bán trong phiên, thì đa phần nhà đầu tư phải theo dõi trạng thái lệnh của mình, chứ không thể đặt chờ cùng một lúc cả lệnh mua và bán.
Trong hơn 1 năm trở lại đây, từ khi kéo dài thời gian giao dịch và nâng biên độ giới hạn trần sàn, tôi quan sát thấy rằng, các biến động trong cùng một phiên giao dịch trở nên nhiều hơn, cường độ mạnh hơn. Do đó, nếu như giải pháp mới được thực hiện tôi cho rằng, sẽ có tác động rất tích cực tới thanh khoản thị trường.
Ông/bà đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường tuần qua, nhất là việc VN-Index bị gãy trend khi thất bại trong việc test lại đỉnh cũ 609 điểm?
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Sau giai đoạn giao dịch với khối lượng lớn từ chân sóng 5/3/2014-25/3/2014 với VN-Index tăng từ mốc 574.94 lên tới mức đỉnh 609,46, thị trường đang tích lũy một vùng khối lượng lớn với mức giá trung bình khá cao. Do đó, đợt sóng phục hồi vừa qua mặc dù VN-Index có tiến sát vùng đỉnh cũ nhưng khối lượng giao dịch lại quá thấp giảm gần 40% so với mức trung bình trước đó cho thấy mức hấp thụ của thị trường giảm mạnh dòng tiền co hẹp do NDT thận trọng mua vào tại vùng đỉnh cũ là nguyên nhân chính khiến VN-Index chưa thể vượt qua được kháng cự ngắn hạn này. Về cơ bản, sau các đợt tạo đỉnh về vùng khối lượng và điểm số, thị trường thông thường diễn ra giai đoạn phân phối và lượng cổ phiếu cũ cần thời gian được hấp thụ hết, tạo ra các vùng tích lũy về khối lượng thì xu hướng mới sẽ có thể được xác lập. Thời gian tích lũy sẽ tùy từng giai đoạn tuy nhiên nếu khối lượng giao dịch hồi phục nhanh trở lại sẽ là một trong những yếu tố minh chứng cho dòng tiền cũng như thời gian điều chỉnh có thể sớm kết thúc.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Agriseco
Chỉ số VN-Index sau khi đạt đỉnh ngắn hạn quanh 609 điểm đã có dấu hiệu điều chỉnh giảm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh vùng 590-595 điểm, theo tôi, đây chỉ là điều chỉnh giảm chứ không thực sự là bị "bẻ gãy".
Nguyên nhân của việc này là do khối ngoại liên tiếp bán ròng và bán mạnh ở những cổ phiếu có sức ảnh hưởng đến chỉ số như DPM và VIC. Cùng với đó, trong những phiên tăng điểm mấy ngày qua, khối lượng giao dịch so với trước giảm đáng kể, vì vậy, nhà đầu tư trong nước rất thận trọng và lo ngại, nên khi chỉ số đạt đỉnh cũ sẽ đồng loạt chốt lời.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược thị trường - VCBS
Trước hết, phải quay trở lại diễn biến của thị trường vào những ngày cuối tháng 3, khi thị trường đã có thời điểm đạt đến mức 609 và quay đầu lao dốc khá sâu trong sau đó. Sự điều chỉnh này được nhìn nhận là do mức tăng của thị trường, tính từ đầu năm, đã có phần rời xa diễn biến thực tế của nền kinh tế.
Bước sang tháng 4, thị trường đã ghi nhận phiên những phiên tăng điểm, nhưng tôi đánh giá đây chỉ là sự phục hồi sau khi thị trường đã giảm sâu, chứ không phải dấu hiệu rõ ràng về một chu kỳ tăng điểm mới.
Trong bối cảnh nền kinh tế chưa chuyển biến tích cực rõ ràng hơn, hay nói cách khác, chưa có thông tin mới mang tính hỗ trợ mạnh và trực tiếp, thì thị trường sẽ khó có thể vượt qua vùng đỉnh cũ 609. Tại vùng giá này, tâm lý chốt lời xuất hiện trong khi cầu vào thị trường cũng trở nên thận trọng, việc giảm điểm vì vậy là khó tránh khỏi.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS
Thông thường, thị trường khi chạm một ngưỡng kháng cự mạnh - điều chỉnh sau đó sẽ phải đi lên test lại 1 lần nữa, võng xuống hoặc sideway đi ngang mấy phiên. Xét về mặt cơ bản, thì hiện nay, chưa có thông tin vĩ mô hỗ trợ mạnh để thu hút dòng tiền lớn đẩy thị trường vượt đỉnh cũ, ngoài tin hỗ trợ về cơ bản doanh nghiệp (tin trả cổ tức, tin dự án...) của các cổ phiếu tốt trên sàn. Mặt khác, việc test lại đỉnh cũ và vượt qua thành công thường xảy ra khi xu hướng thị trường đang ủng hộ.
Thanh khoản ở vùng điều chỉnh thấp có nghĩa là người nắm giữ cổ phiếu không muốn bán ra, người mua vào thận trọng và tiếp tục quan sát. Một khi chỉ số VN-Index leo ngược trở lên và vượt đỉnh cũ, thì lúc đó thanh khoản trên 2 sàn giao dịch sẽ rất lớn.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Trong tuần qua, chỉ số VN-Index đã kiểm định trở lại mốc tâm lý 610 điểm, tuy nhiên chưa thành công.
Nguyên nhân do không có các thông tin vĩ mô hỗ trợ và sự tăng điểm chủ yếu đến từ một số cổ phiếu lớn mang tính chi phối chỉ số, mà không tạo được sự lan tỏa sang thị trường chung. Bên cạnh đó, thanh khoản trong đợt tăng điểm này thấp hơn khá nhiều (khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt 100 triệuu cổ phiếu/phiên) so với giai đoạn trước đó (bình quân 160 triệu cổ phiếu/phiên).
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BIDV (BSC)
Trong cả 2 chỉ số đều có sự hồi phục trong 2 phiên đầu rồi giảm trở lại vào cuối tuần. Xét về điểm số, VN-Index có mức hồi tốt hơn HNX-Index nhờ nhận được sự hỗ trợ bởi các mã vốn hóa lớn (đặc biệt là GAS tăng gần 10% so với tuần trước). Trong tuần, VN-Index đã có lúc kiểm tra lại vùng đỉnh 609 điểm, nhưng không thành công, trong khi đó, HNX-Index hồi yếu và về mặt kỹ thuật có khả năng giảm trở lại vùng đáy 84 điểm.
Lượng cổ phiếu giao dịch mạnh tại vùng đỉnh cách đây 3 tuần là áp lực khiến VN-Index chưa thể vượt qua vùng đỉnh cũ. Khối lượng trên cả 2 sàn cũng không có sự cải thiện mà chỉ duy trì ở mức quanh 110 triệu trên HOSE và 70 triệu trên HNX, cho thấy dòng tiền lớn chưa thực sự quay trở lại.
Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách tư vấn đầu tư CTCK Dầu khí (PSI)
Kháng cự đỉnh cũ là một khái niệm kỹ thuật rất phổ biến, hầu như nhà đầu tư và bất cứ môi giới nào cũng biết về khái niệm này. Vì vậy, khi VN-Index tăng chạm lên đỉnh cũ, tôi cho rằng, nhiều khả năng phản ứng thoái lùi của chỉ số mang sự ảnh hưởng của tâm lý đám đông.
Trên thực tế, diễn biến thị trường trong tuần qua khác với những gì chỉ số VN-Index thể hiện. Nếu sự sự điều chỉnh của thị trường trong tuần cuối tháng 3 diễn ra trên diện rộng, mà ảnh hưởng lớn nhất là nhóm cổ phiếu midcap, thì trong tuần phục hồi này của thị trường, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại là nhóm có sức ảnh hưởng mạnh tới chỉ số. Cụ thể hơn, tôi có thể nêu vài ví dụ như PVD, GAS, VNM… là những cổ phiếu tăng mạnh trong tuần nhờ các tin tức hỗ trợ tích cưc, đặc biệt là tin về cổ tức. Trên thực tế tuần qua, dù chỉ số VN-Index phục hồi trở lại mốc 609 điểm. nhưng nhóm midcap không có nhiều biến động.
Thế còn xu hướng của tuần tới (từ 21-25/4), các ông/bà nhận định như thế nào?
Ông Trần Hoàng Sơn,Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Về xu hướng tuần tới, bỏ qua dao động của điểm số tôi vẫn cho rằng, thị trường sẽ có giao dịch tích cực trong tuần tới với tín hiệu riêng lẻ từ từng nhóm cổ phiếu có yếu tố riêng về mặt thông tin cũng như kết quả kinh doanh.
Dao động của nhóm Bluechips khả năng sẽ yếu, trong đó một phần ảnh hưởng từ việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng các cổ phiếu Bluechips như DPM, MSN, DPR, HAG…liên tục trong 3 tuần gần đây nhất. Do đó, điểm số của VN-Index khả năng sẽ đi ngang quanh dải hẹp từ 590-610 với các phiên tăng giảm đan xen là chủ yếu.
Về mẫu hình, giai đoạn này khá giống với đợt VN-Index kiểm nghiệm kháng cự 500 điểm và tại thời điểm đó sau khi tạo mẫu hình hai đỉnh, thị trường đi ngang gần 3 tuần trước khi bứt phá lên vùng cao hơn. Xu hướng trung và dài hạn, tôi vẫn duy trì quan điểm VN-Index sẽ sớm vượt vùng 635-655 trong thời điểm cuối quý II đầu quý III năm nay.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Agriseco
Vì tuần qua thị trường chưa vượt được mốc kháng cự ngắn hạn, nên khả năng tuần tới, thị trường sẽ đi vào giai đoạn đi ngang và tích lũy lại quanh vùng 590 - 610 điểm đối với VN-Index.
Đối với chỉ số HNX-Index, hiện đang có xu hướng phục hồi sau đợt giảm điểm mạnh trước đó, tuy nhiên, chỉ số đang tiếp cận vùng kháng cự trung bình Bollinger band và với thanh khoản giảm mạnh, thì khả năng chỉ số sẽ quay lại xu hướng đi ngang trong vùng 85 - 90 điểm.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược thị trường - VCBS
Thị trường tuy đã có những chuyển biến tích cực trong phiên cuối tuần trước khi mức đóng cửa vẫn trên mốc 600. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vùng đỉnh cũ 609 vẫn là một ngưỡng cản mạnh và thị trường hiện tại cũng tương đối gần ngưỡng này.
Vì vậy, nếu không có thêm thông tin mới đáng chú ý, nhiều khả năng diễn biến chủ đạo trong tuần tới là giằng co đi ngang hoặc tăng nhẹ với biên độ dao động hẹp. Do đó, việc mua đuổi cần hạn chế tối đa.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC)
Tôi cho rằng, thị trường trong tuần tới sẽ giao dịch quanh mức 600 điểm và cần thời gian tích lũy trước khi vượt ngưỡng kháng cự 610. Với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, thị trường sẽ khó có những phiên bùng nổ về giá trị giao dịch và điểm số, điều này cũng cho thấy việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ khó khăn hơn so với thời gian trước đây. Do vậy, nhà đầu tư không nên mua đuổi giá cao mà chỉ giải ngân ở vùng giá thấp.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS
Thị trường tuần tới với tín hiệu khởi sắc vào cuối phiên thứ Sáu (11/4) sẽ là tuần tăng điểm kèm theo việc chỉ số VN-Index sẽ quay lên và có thể chạm lại ngưỡng 609 - 610 điểm.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Thị trường nhiều khả năng tiếp tục diễn biến theo trạng thái tích lũy thêm một số phiên quanh vùng 610 điểm và nếu có động lực mạnh để vượt qua được mốc cản này, thì mốc điểm tiếp theo của VN-Index sẽ là quanh vùng 630 điểm.
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BIDV (BSC)
Nhiều khả năng VN-Index sẽ vẫn tiếp tục tích lũy quanh 600 điểm trong tuần tới với thanh khoản thấp quanh 100 triệu với quá trình phân hóa vẫn tiếp tục diễn ra. Khả năng tăng qua mốc 610 chỉ diễn ra khi khối lượng được cải thiện đáng kể, hấp thụ hết lượng cổ phiếu giao dịch tại vùng 605 đến 609 điểm.
Trường hợp VN-Index bứt phá dựa vào một vài cổ phiếu chủ chốt và thanh khoản không tăng thì đây là thời điểm tốt để cơ cấu danh mục, chốt lãi các cổ phiếu tăng mạnh và đầu tư lại các cổ phiếu cơ bản chưa tăng giá.
Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách tư vấn đầu tư CTCK Dầu khí (PSI)
Trong xu hướng tuần tới, tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ còn ảnh hưởng mạnh tới chỉ số VN-Index. Với chỉ số HNX-Index, dấu hiệu kỹ thuật cho thấy khả năng sẽ có sự giằng co mạnh trong vùng 83 - 89 điểm. Tuy nhiên, về sự bứt phá tăng mạnh trở lại, tôi cho rằng, khó xảy ra, do thiếu yếu tố hỗ trợ và dòng tiền ngắn hạn chưa phục hồi, thể hiện qua thanh khoản khớp lệnh ở mức thấp hơn bình quân 1 tháng gần nhất.
Thêm một câu hỏi quen thuộc, theo các ông/bà, nhóm cổ phiếu nào đáng quan tâm trong tuần tới?
Ông Trần Hoàng Sơn,Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Đối với thị trường giai đoạn này, tôi cho rằng, dòng tiền đầu cơ sẽ là dòng tiền chủ lực chi phối xu hướng giao dịch trên thị trường. Trong đó các cổ phiếu thị giá thấp, thanh khoản cao có kết quả kinh doanh khả quan thuộc ngành chứng khoán (SHS, APS, KLS…), bất động sản, xây dựng (DLG, QCG, SD9, ASM, CII…) sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.
Cổ phiếu tôi giới thiệu quần trước là DLG đã có tín hiệu bứt phá về giá khá tốt cùng với kỳ vọng khả quan về kết quả kinh doanh trong năm nay với mức giá ngắn hạn kỳ vọng là 14-15, do đó biên tăng giá còn khá lớn.
Tuần này, tôi giới thiệu một cơ hội khác, đã tích lũy đủ dài trong vùng giá 17 trong thời gian gần đây với kỳ triển vọng cũng khá lạc quan về hoạt động kinh doanh, là cổ phiếu SD9. Tôi dự phóng doanh thu của SD9 năm nay đạt khoảng 1.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của SD9 trong năm 2014 sẽ khoảng 129 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ vào khoảng 99 tỷ đồng. EPS dự phóng thận trọng trong năm 2014 sẽ vào khoảng 3.200 đồng/cp. Với sự kỳ vọng cho mức độ hồi phục nhanh về hoạt động sản xuất kinh doanh, mức PE kỳ vọng cho SD9 từ 8 đến 10 (PE thị trường là 14,4 lần) là hợp lý, giá hợp lý của SD9 là 24.000 đồng/CP - 32.000 đồng/CP.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Agriseco
Nhóm cổ phiếu đáng quan tâm trong tuần tới vẫn là nhóm cổ phiếu dòng bất động sản, vì các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trườn bất động sản đang được thực thi và dần có kết quả. Ngoài ra, với nhiều thông tin hỗ trợ về kỹ thuật, kết quả kinh doanh, cũng như đàm phán TPP, tôi cũng khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm theo dõi thêm cổ phiếu TCM.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược thị trường - VCBS
Các nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc việc tích lũy thêm cổ phiếu tại những nhịp điều chỉnh của thị trường với mục tiêu chọn lựa vẫn nên là midcap hoặc bluechips có yếu tố cơ bản tốt và được hỗ trợ mạnh bởi thông tin thực sự nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo yếu tố sinh lời.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC)
Theo quan sát của tôi, bình diện chung thị trường hiện nay các lớp cổ phiếu không tăng đồng đều như lúc trước, mà có sự phân hóa. Những cổ phiếu có khả năng tăng ngắn hạn là những cổ phiếu có những thông tin tốt về kết quả lợi nhuận quý I như các công ty chứng khoán hoặc các công ty có thông tin về chia cổ tức ấn tượng, hoặc những công ty có dự báo kế hoạch kinh doanh tốt.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS
Dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh vào nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt quý I và những cổ phiếu đang có tình hình kinh doanh sáng sửa hơn. Tất nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ được quan tâm nhất, ngoài ra, nhóm xây dựng hạ tầng, điện cũng sẽ được dòng tiền để ý trong tuần tới.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Trong tuần tới, tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm tới các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, dự báo có kết quả quý I và triển vọng năm 2014 tốt.
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BIDV (BSC)
Như nhận định trong báo cáo tháng 3, tôi vẫn kỳ vọng vào nhóm bluechip, nhóm cổ phiếu có tin tức hỗ trợ từ ĐHCĐ và có kết quả kinh doanh quý I cải thiện. Xét theo nhóm ngành, thì nhà đầu tư cần lưu ý tới nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, thêm vào đó là nhóm cổ phiếu chứng khoán (các mã chưa tăng trong đợt vừa qua).
Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách tư vấn đầu tư CTCK Dầu khí (PSI)
Tôi cho rằng, đến thời điểm hiện tại, báo cáo kết quả kinh doanh quý I sẽ không có nhiều tác động tới biến động giá cổ phiếu. Thay vào đó, phần nào những dự báo hoặc nghiên cứu của nhà đầu tư đã giúp phản ánh một phần thực trạng vào mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại.
Như vậy, với nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I tích cực khả năng sẽ phân bổ chủ yếu ở 2 trạng thái: một là doanh nghiệp rất tốt, hiện hầu như mặt bằng giá cổ phiéu ở mức cao hoặc mới tăng trưởng mạnh, đã phản ánh vào giá cổp hiếu; hai là doanh nghiệp lùi hạch toán một số dự án, hoặc phần doanh thu từ năm 2013 sang quý I/2014. Ở cả hai nhóm này, tôi cho rằng, sẽ khó có đủ sự hấp dẫn với dòng tiền đầu tư.
Nhiều khả năng dòng tiền sẽ tập trung tìm đến kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp trong năm 2014, sẽ có sự thể hiện rõ nét hơn trong mùa đại hội cổ đông này, đồng thời nhóm cổ phiếu có thị giá ở mức vừa phải và có triển vọng lớn trong tương lai khả năng cao vẫn sẽ là điểm đến của dòng tiền bởi tỷ suất kỳ vọng của nhóm này thường vào hơn nhiều so với những cổ phiếu bluechips.
----------------------------------
---------------------------------------
“Xu hướng trung và dài hạn, tôi vẫn duy trì quan điểm VN-Index sẽ sớm vượt vùng 635-655 trong thời điểm cuối quý II đầu quý III năm nay” - ông Trần Hoàng Sơn.
----------------------------------------
---------------------------------------
--------------------------------------------
----------------------------------------
“Đến thời điểm hiện tại, báo cáo kết quả kinh doanh quý I sẽ không có nhiều tác động tới biến động giá cổ phiếu” - ông Đào Hồng Dương.