Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi bàn tròn với nhà báo Hải Vân, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, tuần tới, kết quả kinh doanh quý II sẽ dần được hé mở và sự phân hóa sẽ diễn ra. Các nhóm cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm là dầu khí, chứng khoán, dệt may…

Thị trường đã có những phản ứng mạnh trong đầu phiên ngày 19/6 sau thông tin tăng tỷ giá và diễn biến mới về tình hình biển Đông. Các ông/bà đánh giá tình hình Biển Đông sẽ tác động ra sao đến TTCK trong ngắn hạn?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới khối khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect

Phiên giao dịch ngày 19/6 là câu trả lời rõ nhất cho điều này, khi thị trường chỉ hoảng loạn một cách có trật tự trong phiên và có những dấu hiệu hồi phục tốt về cuối phiên khi lực cầu canh mua quanh vùng 560 điểm khá tốt.

Ngoài ra, thị trường vẫn chứng kiến sự phân hóa ở nhiều cổ phiếu ngay cả những lúc giảm sâu nhất trong phiên. Điều này cho thấy, những tác động tới TTCK của sự kiện biển Đông hiện không quá tiêu cực và các nhà đầu tư đã bình tĩnh suy xét hơn, bởi họ chứng kiến sự thiệt hại của những người quá hoảng loạn bán ra trong vụ giàn khoan trước đó

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

Trong tuần vừa qua, TTCK đi ngang và giảm nhẹ. Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá lên 1% và tình hình mới trên biển Đông khi Trung Quốc dự định kéo tiếp giàn khoan thứ 2 vào biển Đông, thì phiên ngày 19/6 thị trường đã có phản ứng mạnh, đặc biệt là đầu phiên sáng. Theo tôi, việc này chứng tỏ thị trường khá mong manh và nhạy cảm với những tin tức về biển Đông. Tuy nhiên, nếu tình hình biển Đông vẫn chỉ diễn biến như thời gian qua, thì TTCK sẽ không còn bị tác động nhiều. Trước những phản ứng tiêu cực của một số nhà đầu tư, thì dòng tiền của các tổ chức lớn vẫn chủ động được rót vào.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Chúng tôi cho rằng, những biến động mạnh của TTCK trong phiên ngày 19/6 ngoài chịu tác động từ tin điều chỉnh tỷ giá, thì yếu tố lớn hơn đến từ thông tin mới từ biển Đông. Sự sụt giảm mạnh của chỉ số đầu phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá nhạy cảm với những thông tin liên quan tới tình hình biển Đông. Tuy nhiên, sự hồi  phục vào cuối phiên lại cho thấy, một bộ phận các nhà đầu tư lại cho rằng, đây là cơ hội để mua vào cổ phiếu.

Diễn biến này cho thấy, nhà đầu tư đã có những đánh giá, nhìn nhận khác nhau về thông tin nói trên và đây là điểm khác biệt so với thời điểm giữa tháng 5. Tôi cho rằng, nếu không có những diễn biến “xấu” diễn ra trong những ngày tới, thì trong ngắn hạn, thông tin biển Đông sẽ không còn tác động mạnh tới thị trường chứng khoán.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)

Tuần qua, chúng ta lại chứng kiến thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan thứ 2 vào biển Đông. Tuy nhiên, phản ứng của giới đầu tư trong thời điểm này đã bình tĩnh hơn rất nhiều so với thời điểm tháng 5, trong đó đáng chú ý là áp lực bán do tâm lý giảm nhiều cùng với lực cầu bắt đáy lớn đã giữ thị trường khá ổn định trở lại.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, nhà đầu tư sẽ dần quen với những thông tin như thế này và phản ứng sẽ không thái quá như trước. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, đây là những thông tin không tích cực và là rào cản tâm lý khá lớn đối với nhà đầu tư trong ngắn hạn. Do vậy, thị trường khả năng sẽ khó có thể tăng/giảm mạnh, mà nghiêng về kịch bản lình xình đi ngang trước khi thông tin về kết quả kinh doanh quý II hé lộ và tác động tới thị trường.

Ồng Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, thị trường có phản ứng tức thời khá tiêu cực sau những thông tin này, nhưng nhà đầu tư rõ ràng đã “bình tĩnh” hơn rất nhiều khi thị trường giảm khá mạnh vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Năm, nhưng vào cuối phiên giá phục hồi lại đáng kể nhờ lực bắt đáy và dòng tiền mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài cũng không bỏ qua dịp này khi trong phiên giao dịch này đã mua ròng nhiều nhất kể từ đầu tháng 6.

Bởi thế, theo tôi, nếu tình hình biển Đông không diễn biến xấu hơn nữa, thì thị trường sẽ không phản ứng quá tiêu cực như đợt điều chỉnh mạnh hồi tháng 5, mà xu hướng mang tính chất tích lũy trong biên độ hẹp rồi dần đi lên nhiều hơn như chúng ta thấy từ đợt giảm mạnh tính từ cuối tháng 3, thì thị trường đã phục hồi được hơn 60%.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

Thông tin Trung Quốc tiếp tục đặt dàn khoan thứ 2 vào biển Đông đã gây tác động đáng kể đến diễn biến thị trường ngày 19/6. Chỉ số VN-Index đôi lúc giảm điểm rất mạnh về quanh mốc 560 điểm, rồi lực cầu bắt điều chỉnh mạnh được đưa vào dẫn đến chỉ số chứng khoán hồi mục lại gần mốc 570 điểm.

Như vậy, diễn biến biển Đông vẫn là điều mà nhà đầu tư cần lưu ý để có chiến lược mua bán, nắm giữ cho phù hợp nhất là trong giai đoạn tháng 6. Tâm lý nhà đầu tư hiện nay mặc dù có ổn định hơn, nhưng rõ ràng, dòng tiền duy trì ở mức trung bình và thậm chí thấp ở nhiều phiên phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Thị trường sẽ vẫn tạo nền tảng giá ở quanh ngưỡng 565 - 575 điểm một thời gian trước khi bật tăng vượt qua các ngưỡng này vào giữa quý III/2014.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Sau khi xuất hiện thông tin tiêu cực về việc Trung Quốc tiếp tục đưa tiếp dàn khoan thứ 2 vào biển Đông, VN-Index đã sụt giảm mạnh trong nửa đầu phiên giao dịch ngày 19/6. Tuy nhiên, khác với tác động của vụ việc giàn khoan HD-981 lần trước, nhà đầu tư đã dần quen với các sự việc tương tự, nên dòng tiền bắt đáy đã sớm xuất hiện trở lại vào cuối phiên. Tôi cho rằng, ảnh hưởng của diễn biến biển Đông lần này không gây ra tác động mạnh và kéo dài nếu không có thông tin xấu hơn.

Theo các ông/bà, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1% thì khối ngành nào sẽ chịu tác động mạnh nhất?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới khối khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect

Tỷ giá được điều chỉnh ở mức hiện tại giúp giải tỏa tâm lý trông ngóng và găm giữ, đầu cơ USD trong thời gian qua. Ngoài ra, nó cũng giúp cung cầu thực về ngoại tệ có cơ hội gặp nhau. Mức điều chỉnh 1% là khá hợp lý và tôi cho rằng, các doanh nghiệp, các ngành có doanh thu chính từ xuất khẩu sẽ được hưởng lợi tương đối như thủy sản, dệt may, gỗ, cao su... Tuy nhiên, ngược lại những doanh nghiệp có dư nợ lớn bằng USD và các doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu đầu vào nhiều bằng đồng tiền này sẽ ảnh hưởng tiêu cực theo chiều hướng giảm doanh thu, lợi nhuận nếu không gia tăng được giá đầu ra tương ứng

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

Trong tuần vừa qua, TTCK cũng đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 1%. Thực ra, việc điều chỉnh tỷ giá đã có trong lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, vì vậy, hầu như các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, mỗi thời điểm công bố tỷ giá tăng sẽ có một số ngành bị tác động theo hướng tích cực và tiêu cực. Với những ngành xuất khẩu mà chủ động được nguồn nguyên liệu như ngành cá, nông sản sẽ được hưởng lợi. Với những ngành nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên, sau đó có sự chuyển giá, nên mức độ ảnh hưởng là không lớn. Ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là sản xuất xi măng vì nguyên liệu hầu hết đều nhập khẩu.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Tôi cho rằng, mức điều chỉnh 1% là thấp và vẫn nằm trong giới hạn 2% đã được Ngân hàng Nhà nước công bố từ đầu năm. Nhìn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, thủy sản sẽ được hưởng lợi, trong khi những ngành phải nhập khẩu nguyên, vật liệu nhiều như sắt thép, nhựa, thức ăn chăn nuôi... có thể sẽ chịu tác động. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không lớn và cũng khác nhau về mức độ với từng doanh nghiệp trong ngành.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)

Tôi cho rằng, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá ngắn hạn đối với các doanh nghiệp niêm yết là không lớn. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu về cơ bản sẽ được hưởng lợi từ việc này. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu, nhất là phục vụ cho tiêu dùng nội địa sẽ ảnh hưởng khi chi phí đầu vào tăng lên khiến biên lợi nhuận có thể bị sụt giảm nhẹ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có các khoản nợ vay bằng ngoại tệ với lượng lớn sẽ bị ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh này.

Ồng Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, hầu như các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tùy vào mức độ ít hay nhiều. Tuy nhiên, những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh có yếu tố nước ngoài, nguyên vật liệu là những nhóm ngành chịu tác động mạnh hơn. Bởi vì tỷ giá là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

Việc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng nói chung là điều cần thiết. Thứ nhất, nó sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu; thứ hai, với mục tiêu xa hơn là đảm bảo mục tiêu về dự trữ ngoại hối của Chính phủ. Nói chung, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ hỗ trợ cho các ngành có thiên hướng xuất khẩu như dầu khí, thủy sản và dệt may…

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Đợt điều chỉnh tỷ giá lần này xảy ra không quá bất ngờ khi Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phát đi thông điệp về khả năng điều chỉnh tỷ giá, cùng với những tín hiệu biến động tỷ giá USD trong hệ thống ngân hàng trong 1-2 tuần trở lại đây. Vì thế, khi thông tin này được công bố đã không gây ra nhiều tác động đến diễn biến của thị trường, mặt khác lại phần nào giúp xóa bỏ tâm lý đầu cơ của người dân.

Về mặt cơ bản, điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có những tác động trực tiếp đến 2 nhóm doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành như dầu khí, dệt may, thủy sản - thuộc nhóm được hưởng lợi từ cả việc tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm đầu ra cũng như gia tăng phần doanh thu bằng USD khi quy đổi ra VND. Ngược lại, các doanh nghiệp hiện đang có các khoản nợ ngoại tệ lớn hoặc phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ có phần bị ảnh hưởng.

Như thường lệ, diễn biến thị trường trong tuần tới (23/6 đến 27/6) sẽ theo xu hướng nào?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới khối khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect

Những phiên giao dịch trong tuần qua chịu những áp lực tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi trông ngóng các phiên chốt điều chỉnh danh mục của các quỹ ETFs, cũng như ảnh hưởng của mùa World Cup. Thanh khoản thị trường nhìn chung vẫn ở mức tốt, kể cả khi ngoại trừ những tác động thanh khoản do đảo danh mục của các ETFs tạo ra.

Tuy nhiên, hiện tại, thị trường vẫn đang thiếu vắng các thông tin hỗ trợ và dòng tiền, cũng như tâm lý chưa đủ mạnh để bứt phá qua các kháng cự quan trọng. Do đó, trong tuần tới, nhiều khả năng, thị trường chung, cũng như đa số các cổ phiếu vẫn theo chiều hướng sideway và sự phân hóa tăng điểm có thể diễn ra ở những cổ phiếu nhỏ hoặc những cổ phiếu có lực đỡ từ việc chốt NAV quý II của các tổ chức.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

Chỉ số VN-Index đã có dấu hiệu điều chỉnh sau khi thiết lập đỉnh ngắn hạn quanh mức 575-580 điểm, thanh khoản toàn thị trường tiếp tục được cải thiện trong tuần qua. Vùng hỗ trợ hiện nay của VN-Index quanh mức 560 điểm và vùng kháng cự quanh mức 580 điểm. Trong tuần tới, nhiều khả năng thị trường sẽ tăng điểm nhẹ và dao động trong khoảng 555-585 điểm đối với VN-Index và 77-80 điểm đối với HN-Index.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Kể từ sau đợt sụt giảm mạnh và hồi phục trở lại trong tháng 5, kể từ đầu tháng 6 trở lại đây, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường đang trong giai đoạn tích  lũy. Về mặt chỉ số, tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục diễn biến đi ngang quanh vùng 560 điểm, trong trường hợp chỉ số giảm qua mức này, thì khả năng cao mức đáy của vùng tích lũy sẽ nằm quanh 550 điểm.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)

Ngắn hạn, tâm lý thị trường có thể có đôi chút ảnh hưởng, tuy nhiên, đánh giá lực cầu thị trường hiện, tại chúng tôi nhận thấy dòng tiền vẫn duy trì khá tốt, nhất là tại các vùng giá thấp.

Về xu hướng, VN-Index đã tạo một đỉnh ngắn hạn trong tuần này và giảm liền 5 phiên liên tiếp trở lại về sát các ngưỡng hỗ trợ mạnh gần nhất tại MA20/MA50, tương ứng vùng 560 +/-. Trong đó, VN-Index đang bị kẹt giữa các vùng hỗ trợ và kháng cự mạnh do đó xu hướng chính của chỉ số sẽ nghiêng về khả năng lình lình đi ngang trong dải hẹp từ 555 - 575 trong thời gian tới.

Ồng Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, xu hướng vẫn sẽ là tích lũy đi ngang trong biên độ 555-575 điểm khi thị trường chưa có nhiều thông tin mới tích cực. Thông tin biển Đông vẫn còn ảnh hưởng phần nào, World Cup vẫn đang nhộn nhịp thu hút sự chú ý của nhiều người, giảm bớt sức hút từ TTCK. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền vẫn rất tích cực, đặc biệt canh mua ở vùng giá thấp sẽ giúp thị trường khó có cơ hội giảm sâu, nhưng cũng khó có thể tăng đột biến.

Ngoài ra, theo thống kê từ năm 2006 đến nay, nửa cuối tháng 6 (từ 15 đến 30) thì HNX-Index chưa bao giờ tăng điểm (đến hết tuần trước điều này vẫn đúng), nên đây cũng là yếu tố cho thấy, thị trường khó tăng điểm mạnh được trong ngắn hạn. Việc tham gia trở lại vào thị trường đối với các nhà đầu tư thận trọng có thể cần phải bước sang tháng 7.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

Nếu thị trường tuần qua với xu hướng điều chỉnh là chủ đạo, thì tuần tới sẽ là tuần tăng điểm. Qua phân tích sóng Elliot thì thị trường còn nhịp tăng lên vùng kháng cự mạnh 580 - 585 điểm. Và tôi cho rằng, tuần tới có thể có 1, 2 phiên tăng giật mạnh sát cứ điểm mạnh này trước khi đi vào điều chỉnh sâu hơn.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Sau kỳ review danh mục của 2 quỹ ETFs đã hoàn tất trong tuần vừa qua, diễn biến của thị trường trong tuần tới sẽ chịu chi phối chính bởi yếu tố triển vọng kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, đây không được xem là yếu tố có thể gây ra những tác động mang tính đột biến đến xu hướng thị trường, bởi phần nào đã được phản ánh dần vào diễn biến giá cổ phiếu và trên thực tế cũng mang tính phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp.

Trên phương diện kỹ thuật, sau một nhịp tăng điểm kéo dài 4 tuần trước đó, VN-Index đã tiếp cận vùng kháng cự 575-580 điểm. Đây được xem là một vùng kháng cự mạnh được kiểm định nhiều lần trong quá khứ, đồng thời, cũng là vùng ranh giới quyết định khả năng chỉ số có thể quay lại xu hướng tăng trung hạn ngay trong nhịp này hay không. Do đó, tôi nghiêng về kịch bản điều chỉnh của thị trường trong tuần tới với vùng hỗ trợ gần nhất đặt tại 545-550 điểm.

Và câu hỏi được nhiều nhà đầu tư chờ đợi. Đâu là nhóm cổ phiếu cần quan tâm trong tuần tới? 

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới khối khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect

Theo tôi, nhóm các cổ phiếu tăng giá do được các ETFs gia tăng mạnh tỷ trọng như STB, HVG, DPM... sẽ có xu hướng giảm nhẹ,trong các phiên tuần tới để trả lại mặt bàng giá thực tế. Ngược lại, các nhóm cổ phiếu bị các ETFs bán ra nhiều sẽ có cơ hội hồi phục lại do thực tế nội tại các doanh nghiệp này đa số vẫn đang chuyển biến theo hướng tích cực. Ngoài ra, trong một thị trường sideway chưa xuất hiện những rủi ro lớn như hiện tại và dòng tiền vẫn được duy trì tương đối thì thông thường các cổ phiếu pennies sẽ có các cơ hội để tăng giá.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

Trong tuần tới, một số kết quả kinh doanh sẽ được các chuyên gia dự báo, nên sẽ có một số ngành hay cổ phiếu sẽ bất phá hơn so với thị trường. Nhà đầu tư vẫn tiếp tục có thể theo dõi và tham gia vào một số cổ phiếu ngành dầu khí và chứng khoán.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Hiện đã gần tới mùa công bố báo cáo tài chính bán niên, do vậy, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn tới các doanh nghiệp cơ bản tốt trong các ngành dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý II và 6 tháng như săm lốp, vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng), cơ khí và chế tạo thuộc ngành dầu khí, tiêu dùng, dệt may, nông nghiệp…

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)

Trong tuần tới, với bối cảnh thông tin và giao dịch chưa mấy khả quan, khả năng dòng tiền sẽ tập trung vào 2 nhóm chính: (1) Dự phóng kết quả kinh doanh quý II khả quan, (2) cổ phiếu đầu cơ thanh khoản cao, tái cơ cấu, chuyển biến tốt. Trong đó, theo dự phóng của chúng tôi, các doanh nghiệp đầu ngành vẫn sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tích cực và khả quan trong quý II như SSI, HCM, PVD, HAG, DCL, HPG, PXS, TTF…

Về cơ bản, nhiều cổ phiếu đã trải qua 2 tuần tích lũy, do đó khả năng giảm sâu là khó, nhất là cổ phiếu được dự phóng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II. Do đó, chúng tôi cho rằng, chiến lược ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 40/60 với chiến lược có thể xem xét gom mua cổ phiếu đầu tư trong các phiên giảm. Nếu trading có thể xem xét mua thấp, bán cao với các cổ phiếu mang tính định hướng và thanh khoản tốt như SSI, HCM, HAG, PGS, REE...

Ồng Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Tuần này, tôi thấy cơ hội cho các nhà đầu tư trung hạn cầm tiền đang lớn khi cơ hội để giải ngân vào các nhóm ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu, vận tải và năng lượng.

Các nhà đầu tư ngắn hạn lướt sóng vẫn có cơ hội lớn với các cổ phiếu thuộc nhóm pennies, các nhà đầu tư lưu ý, các mã pennies có biên độ biến động lớn, có “lịch sử” tăng giảm mạnh. Dĩ nhiên, các nhà đầu tư thuộc nhóm này cần phải có mức chịu đựng rủi ro cao, tuân thủ chặt chẽ kỷ luật mới có thể đầu tư thành công với những nhóm cổ phiếu này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

Chắc chắn vẫn là nhóm cổ phiếu bluechips, midcap cơ bản thuộc một số ngành nghề như dệt may, dầu khí và xây dựng hạ tầng sẽ là tâm điểm của thị trường trong tuần tới. Một số cổ phiếu đáng chú ý là PVS, TCM, FCN…

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Như đã đề cập, tuần cuối tháng 6 là thời điểm thông tin về triển vọng kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ. Thông thường, những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan sẽ có xu hướng công bố kết quả kinh doanh dự kiến sớm hơn các nhóm khác. Vì vậy, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II khả quan như dệt may, dầu khí, chứng khoán, dược phẩm, hàng tiêu dùng... sẽ được chú ý và là tâm điểm thu hút dòng tiền.

Ngoài ra, tín hiệu ấm lên của thị trường bất động sản cùng với các thông tin về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và thông tin về việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho người nước ngoài cũng sẽ có những tác động tích cực nhất định đến nhóm cổ phiếu bất động sản, qua đó tiếp tục giúp nhóm cổ phiếu này thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

-------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền ảnh 1
“Tuần tới, thị trường chung, cũng như đa số các cổ phiếu vẫn theo chiều hướng sideway và sự phân hóa tăng điểm có thể diễn ra ở những cổ phiếu nhỏ hoặc những cổ phiếu có lực đỡ từ việc chốt NAV quý II của các tổ chức” - ông Nguyễn Trung Du.

------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền ảnh 2
“Nhà đầu tư vẫn tiếp tục có thể theo dõi và tham gia vào một số cổ phiếu ngành dầu khí và chứng khoán” - bà Nguyễn Ngọc Lan.

------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền ảnh 3
“Nếu không có những diễn biến “xấu” diễn ra trong những ngày tới, thì trong ngắn hạn, thông tin biển Đông sẽ không còn tác động mạnh tới thị trường chứng khoán” - ông Ngô Thế Hiển.

------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền ảnh 4
“Thị trường khả năng sẽ khó có thể tăng/giảm mạnh, mà nghiêng về kịch bản lình xình đi ngang trước khi thông tin về kết quả kinh doanh quý II hé lộ và tác động tới thị trường” - ông Trần Hoàng Sơn.

------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền ảnh 5
“Cơ hội cho các nhà đầu tư trung hạn cầm tiền đang lớn khi cơ hội để giải ngân vào các nhóm ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu, vận tải và năng lượng” - ông Phan Dũng Khánh.

------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền ảnh 6
“Tuần tới có thể có 1, 2 phiên tăng giật mạnh sát cứ điểm 580-585 trước khi đi vào điều chỉnh sâu hơn” - ông Lê Đức Khánh.

------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, dệt may sẽ hút tiền ảnh 7
“Cổ phiếu thuộc các nhóm ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II khả quan như dệt may, dầu khí, chứng khoán, dược phẩm, hàng tiêu dùng... sẽ được chú ý và là tâm điểm thu hút dòng tiền” - ông Trần Xuâ Bách.
Tin bài liên quan