Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Chờ đợi gì từ ETF nội?

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Chờ đợi gì từ ETF nội?

(ĐTCK) Trong tháng 9, quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam sẽ chính thức niêm yết và hiện quỹ này đang thực hiện IPO. Việc góp vốn được thực hiện bằng chứng khoán cơ cấu, do đó, một số cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ hút dòng tiền. Tuy nhiên, trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn trong tuần này, các chuyên gia chứng khoán không đánh giá cao tác động của quỹ này tới thị trường trong ngắn hạn, bởi quy mô của Quỹ quá nhỏ.

Dự kiến trong tháng 9, ETF VFMVN30 (quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam) sẽ chính thức niêm yết. Theo các ông/bà, điều này sẽ tác động đến thị trường như thế nào?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

ETF VFMVN30 là quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam và được xây dựng mô phỏng theo chỉ số VN30 với sự kỳ vọng chỉ số VN30 có sự vận động tích cực. Trên thế giới, các quỹ chỉ số ETF rất phát triển.

Mặc dù dự kiến tháng 9 tới đây ETF VFMVN30 mới niêm yết, nhưng ngay trong tháng 8 này, hoạt động IPO của quỹ đã được thực hiện. Việc góp vốn được thực hiện bằng chứng khoán cơ cấu, do vậy, các tổ chức đăng ký tham gia IPO phải chuẩn bị bằng việc mua vào các chứng khoán trong danh mục VN30 để sẵn sàng góp vốn trước 14h30 ngày 20/8.

Trên thế giới, trong thời gian gần đây, ETF và các sản phẩm liên quan phát triển nhanh cả về số lượng và tài sản. Trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng tiền đầu tư vào ETF mỗi năm khoảng 200 tỷ USD. Với triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam và dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán thì quỹ ETF kỳ vọng sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

 Ông Lê Đắc An

ETF VFMVN30 mô phỏng chỉ số VN30, do vậy khi ETF này được niêm yết cũng chỉ có thể tác động tới thị trường như tác động của một chứng khoán mới được lên niêm yết. Nhà đầu tư có thể sẽ quan tâm hơn đôi chút vì đây là một loại chứng khoán đặc biệt. Một số nhà đầu tư suy luận rằng, ETF VFMVN30 sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì họ tránh được hạn chế tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm này, vì nếu mua ETF VFMVN30 thì chi phí, rủi ro phát sinh sẽ lớn hơn và khó kiểm soát.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Quỹ ETF VFMVN30 là quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam do Công ty VFM quản lý và phát hành ra công chúng với vốn huy động tối thiểu lần đầu là 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, vốn huy động đã lớn hơn con số này, điều đó chứng tỏ mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến quỹ ETF vì tính chất linh hoạt của nó (nhà đầu tư có thể tham gia mua, bán trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp), cũng như NAV được cập nhật liên tục và danh mục đầu tư công khai.

Ngoài ra, quỹ ETFVFMVN30 cũng có sức lan tỏa nhất định nhờ hiệu ứng giao dịch ấn tượng của 2 quỹ ETF nước ngoài là Market Vectors Vietnam ETF và DB FTSE Vietnam ETF trong thời gian vừa qua, do vậy, nhà đầu tư chú ý hơn về quỹ ETF và tìm hiểu về quỹ.

Mục tiêu của Quỹ ETF VFMVN30 là mô phỏng gần nhất có thể về biến động (performance) của chỉ số tham chiếu VN30 và sử dụng chiến lược đầu tư thụ động để thực hiện mục tiêu đầu tư đã định trước. Do vậy, biến động của quỹ khá sát theo thị trường và việc mua vào, bán ra của quỹ sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thị trường trong các kỳ review danh mục.

Tuy nhiên, đối với các quỹ ETF nước ngoài là 1 quý/lần, thì quỹ ETF VFMVN30 là 6 tháng/lần, với số vốn tương đối nhỏ và danh mục phân bổ 30 công ty, do vậy, việc ảnh hưởng đến giao dịch của thị trường trong thời gian đầu là không lớn.

Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

ETF VFMVN30 là một sản phẩm mới được đánh giá khá tích cực. Đây cũng là sản phẩm được dự báo thu hút được nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các cổ phiếu hàng đầu trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ ban đầu (50 tỷ đồng), Quỹ sẽ chưa tác động mạnh ngay vào thị trường, mà cần có thời gian tích lũy tăng lượng chứng chỉ quỹ phát hành thêm.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới Khách hàng các nhân, CTCK VNDirect

Theo tôi, thị trường sẽ có thêm lực đỡ khi dòng tiền này giải ngân, nhưng tùy thuộc vào quy mô huy động của quỹ sau này mới đánh giá được mức độ tác động tới thị trường.

 Ông Nguyễn Trung Du

Dù sao, đây cũng là yếu tố tích cực, bởi sẽ có thêm dòng tiền cho thị trường và thêm lựa chọn cho nhà đầu tư. Xu hướng thị trường sẽ đi theo những câu chuyện lớn hơn từ góc độ vĩ mô.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank (SeAs)

ETF VFMVN30 là quỹ đầu tư chỉ số đầu tiên được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng.

Mục tiêu của ETF VFMVN30 là mô phỏng gần nhất có thể về biến động của chỉ số tham chiếu VN30. Thời gian huy động dự kiến kết thúc ngày 20/8. Do đó, quy mô của quỹ vẫn là dấu hỏi.

Sản phẩm này có thể hấp dẫn nhà đầu tư hơn quỹ đóng và quỹ mở với ưu điểm  tính manh bạch cao, chi phí thấp và có thể giao dịch hoán đổi. Nhà đầu tư có sự lựa chọn đa dạng hơn và tôi kỳ vọng về tác động tích cực của sản phẩm này đối với thị trường.

Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Nhìn chung tôi cho rằng quỹ, ETF VFMVN30 chính thức niêm yết sẽ không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán chung về mặt thanh khoản hay điểm số, do quy mô của quỹ còn nhỏ và nhiều nhà đầu tư Việt Nam vẫn con khá xa lạ với mô hình đầu tư mới này.

Tuy nhiên, việc này sẽ có tác động tích cực cho thị trường trong tương lai khi các nhà đầu tư dần làm quen với mô hình này thông qua việc niêm yết của, ETF VFMVN30. 

Đây chính là tiền đề để trong tương lai có nhiều quỹ đầu tư ETF ra đời qua đó thu hút thêm nguồn vốn cho TTCK.

Mặc dù đang là tháng Ngâu, nhưng thị trường đã có những diễn biến rất khả quan và đã thiết lập đỉnh mới của năm trong tuần qua (610 điểm). Các ông/bà đánh giá thế nào diễn biến này của thị trường?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Dù là tháng Ngâu và thiếu các thông tin hỗ trợ, nhưng thị trường vẫn vận động khá tích cực khi thiết lập đỉnh mới ngắn hạn, điều này phản ánh sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với dòng tiền đầu tư. Trong khi các kênh đầu tư khác đều bế tắc, thì kênh chứng khoán lại cho thấy sự hiệu quả và tính hấp dẫn của nó.

Tuy vậy, khi thiếu thông tin hỗ trợ, thị trường sẽ khó có sự bứt phá, triển vọng tăng điểm vẫn còn, nhưng rủi ro cũng tăng lên khi diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi khiến cho xu hướng bán ròng của khối ngoại tăng mạnh.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Tháng 7 tiếp tục đánh dấu sự ổn định của giá cả và đồng nội tệ trong hơn 2 năm qua. Ngoài ra, một vài chỉ báo tiêu dùng và sản xuất cũng ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất trong vòng 2 năm. Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi nhờ niềm tin của người tiêu dùng đã tăng trở lại, doanh số tiêu thụ ô tô và căn hộ đang có xu hướng tăng, trong khi đó mức thặng dư thương mại 1,3 tỷ USD cho thấy cầu xuất khẩu tăng mạnh.

Cuối tháng 7 vừa qua, nhằm xác nhận sự hồi phục và ổn định của nền kinh tế Việt Nam, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã nâng một bậc xếp hạng tín dụng đối với trái phiếu phát hành không có đảm bảo được ưu tiên của Việt Nam từ B2 lên B1.

Đó chính là những thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong tuần qua. Tuy nhiên, sau khi lên các mức kháng cự mạnh, thị trường đã điều chỉnh trở lại vào cuối tuần.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Tôi cho rằng, 2 chỉ số có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc trong các phiên đầu tuần tới và áp lực bán chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Large cap. Nếu chỉ số VN-Index không xuyên thủng dưới mức 603,5 thì chỉ số này có thể sẽ sớm quay lại xu hướng tăng điểm về các mức cao hơn và có thể bứt phá mức kháng cự 609 một lần nữa.

Các chỉ báo xung lượng ngắn hạn vẫn giao dịch gần vùng quá mua cho thấy áp lực bán vẫn còn rất lớn và nhà đầu tư chỉ mua vào tại vùng giá thấp khi nhịp điều chỉnh mạnh. Các nhà đầu tư có thể ưu tiên cho nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps.

Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thị trường tăng vừa qua có tác động mạnh bởi cổ phiếu như GAS, PVD. HNX-Index cũng chỉ mới tiếp cận trở lại đỉnh gần nhất 81 điểm.

Điểm tích cực là dòng tiền nội đã tham gia khá tích cực, tuy nhiên, nước ngoài lại có xu hướng rút ròng. Áp lực bán cổ phiếu tập trung vào một số cổ phiếu như HAG, MSN, VIC... Đây là các cổ phiếu tiếp cận vùng hỗ trợ tốt nên khó giảm mạnh. Do đó, thị trường có thể sideway quanh 605 điểm.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới Khách hàng các nhân, CTCK VNDirect

Trong tuần qua, thị trường có sức bật tốt khi vượt đỉnh ngắn hạn quanh 605 ngày 25/07 và quay lại được vùng đỉnh giá cũ của tháng 3/2014 quanh 610 điểm.

Điều này là khá bất ngờ khi thị trường chứng khoán Việt Nam gần như miễn nhiễm và ngược dòng với việc suy giảm mạnh của chứng khoán thế giới trong tuần qua.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là động lực làm thị trường tăng điểm và dấu hiệu tích cực hơn là dòng tiền có xu hướng chuyển sang các cổ phiếu đầu cơ nhưng chưa đủ mạnh để xác nhận việc vượt khỏi đỉnh và thiết lập xu hướng tăng giá mới.

Rủi ro hiện tại là áp lực giảm của TTCK thế giới và việc khối ngoại bán ròng tương đối mạnh nhất là ở các Bluechips.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank (SeAs)

Trong tuần qua, sự hoạt động tích cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong 2 phiên đầu tuần là động lực chính kéo chỉ số và tạo được hiệu ứng lan tỏa nhất định cho thị trường. Ở 3 phiên còn lại, nhóm này điều chỉnh giảm do áp lực bán ra của khối ngoại, tuy nhiên, thị trường không bị giảm sâu mà biến động giằng co quanh vùng 605 điểm đối với VN-Index.

Tuần qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 577 tỷ đồng và là tuần bán ròng thứ 2 liên tiếp của khối ngoại. Trong đó, tập trung bán mạnh cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, ở những phiên cuối tuần ghi nhận sự tích cực của nhóm cổ phiếu midcap và penny với đà tăng khá tốt, trong khi nhóm dầu khí lại bị điều chỉnh sau giai đoạn tăng vừa qua.

Ông Nguyễn Vũ Phong

Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn đang hoạt động tích cực và vẫn đang có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Điểm tích cực của tuần qua là thanh khoản liên tục được cải thiện mặc dù áp lực bán ròng của khối ngoại mạnh.

Điểm số của VN-Index chịu ảnh hưởng rất lớn từ các cổ phiếu bluechips, do đó, hoạt động  khối ngoại cần đáng lưu tâm trong tuần tới, vì mỗi lần thị trường cần có sự bứt phá khỏi vùng kháng cự quan trọng, thì nhóm vốn hóa lớn luôn là động lực chính.

Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Hiện tại, có một điểm đáng chú ý đó là chỉ số Dow Jones của Mỹ đã giảm xuyên qua hỗ trợ MA20, tiệm cận MA200 và test lại vùng này lần thứ 3 trong năm. Do đó, nếu thủng vùng 16.300, khả năng TTCK Mỹ sẽ tạo đỉnh và bước vào đợt điều chỉnh giảm kéo dài tính theo đơn vị tháng. Do đó, có thể tác động phần nào tới TTCK toàn cầu trong đó có Việt Nam, nhất là khi VN-Index đang dao động trong vùng kháng cự mạnh.

Trong nước, áp lực chốt lời tiếp tục diễn ra trước vùng cản mạnh 610 điểm với tín hiệu phân hóa vẫn rất rõ nét. Việc nhóm cổ phiếu trụ cột như GAS, MSN, VIC, VNM...thay nhau tăng đóng vai trò điều tiết chỉ số rất rõ trong ngắn hạn, còn về xu hướng chung của đa số cổ phiếu vẫn đang nghiêng về trạng thái giảm nhẹ.

Mặc dù lực bán tăng. nhưng tín hiệu giảm là chưa nhiều cùng với khối lượng giao dịch vẫn giữ ở mức khá cho thấy, thị trường vẫn đang ở mức khá cân bằng.

Dòng tiền giai đoạn này phần lớn là đầu cơ ngắn chạy lòng vòng sang nhóm cổ phiếu  penny như DLG, FLC, PVE, PVT,SHI, VIP… Do đó, tín hiệu ngắn hạn vẫn chưa xấu khi các cổ phiếu đầu cơ này vẫn trụ được.

Trong tuần tới (11/8 đến 15/8), thị trường sẽ theo xu hướng nào và theo các ông/bà, đâu là đích mới trong tầm ngắm của VN-Index?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Trong tuần 11/8 - 15/8, phiên đầu tuần, thị trường sẽ kiểm tra lại các mốc hỗ trợ và áp lực bán. Trong trường hợp các mốc hỗ trợ được giữ vững và áp lực bán không quá lớn, thị trường sẽ tiếp tục vận động theo xu hướng tăng.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Theo đồ thị tuần, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng trung hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ lên mức 561,5 của chỉ số VN-Index và 74,3 của chỉ số HNX-Index. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn có thể tận dụng nhịp giảm ngắn hạn hoặc điều chỉnh trung hạn để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới Khách hàng các nhân, CTCK VNDirect

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì trong tuần tới, nếu VN-Index không bị thoái lui quá mức hỗ trợ quanh 595 điểm thì xu hướng vẫn được bảo toàn và sư chuyển hướng của dòng tiền sẽ giúp các cổ phiếu đầu cơ có cơ hội tăng giá.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank (SeAs)

Yếu tố thanh khoản cho tín hiệu tích cực đối với thị trường, tuy nhiên, các tín hiệu kỹ thuật thì không thực sự ủng hộ xu thế. Sự không đồng thuận này thể hiện xu thế tăng yếu của thị trường, do đó nhà đầu tư vẫn nên có một sự thận trọng nhất định và ở mỗi ngưỡng hỗ trợ hiện tại luôn là ngưỡng nhà đầu tư có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu khi đóng cửa đường giá để mất ngưỡng hỗ trợ. Đối với VN-Index là 605 điểm và HNX-Index là ngưỡng 78 điểm là ngưỡng hỗ trợ gần nhất.

Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Với khối lượng giao dịch vẫn giữ ở mức khá, nên khá năng thị trường sẽ tiếp tục dao động hẹp trong những phiên tới đủ tạo cơ hội cho các cổ phiếu đầu cơ có game có thể tiếp tục tăng tiếp. Tuy nhiên, nếu không tạo một vùng khối lượng lớn hơn hiện tại và thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt, thì thị trường khó có yếu tố bứt phá.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 246 tỷ trong phiên cuối tuần, trong đó cả tuần qua lượng bán róng đạt 573,83 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào nhóm VN30(MSN, KDC, HAG, VIC, HPG...) đang cho thấy thị trường thiếu động lực để tăng mạnh trong ngắn hạn.

 Ông Trần Hoàng Sơn

Thị trường đang kiểm nghiệm kháng cự trong kênh khá hẹp từ 590-610, do đó hành động hiện tại nên bán ở cận trên và chặn mua ở cận dưới đối với nhà đầu tư ưa thích trading liên tục. Còn đối với nhà đầu tư chấp nhận mức rủi ro thấp, nên hạn chế mua vào tại thời điểm hiện tại, mà chờ tín hiệu củng cố breakout về xu hướng rõ ràng mới nên tham gia, nếu cổ phiếu đang lỗ có thể chờ các phiên hồi phục và bán ra trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu nào sẽ tạo sức hút đối với thị trường và việc đón sóng kết quả kinh doanh quý III hiện nay có sớm đối với nhà đầu tư không?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Hiện là quá sớm để nói đến kết quả kinh doanh quý III, tuy vậy, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 6 tháng khả quan, kinh doanh theo mùa vụ hoặc phát triển sản phẩm mới, mặt hàng mới có thể mang lại cho nhà đầu tư những kỳ vọng về kết quả kinh doanh tích cực trong quý III. Trong giai đoạn này, sự tăng điểm của cổ phiếu chủ yếu đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Nhiều cổ phiếu ngành dầu khí có diễn biến ấn tượng nhờ có kết quả lợi nhuận nửa đầu năm tốt nhờ hiệu ứng lan tỏa từ việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động trở lại và hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí được phục hồi.

Các mã cổ phiếu dầu khí đã tăng ấn tượng như PVD tăng 15%, PVS tăng 14,7% và PVC tăng 19,6%. Tôi cho rằng, kết quả lợi nhuận quý III của các công ty dầu khí vẫn có diễn biến tốt.

Bất động sản là ngành có diễn biến tốt thứ nhì, tăng khoảng 8% so với tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng 8% của ngành này trong tháng 7 phần lớn là nhờ mã vốn hóa lớn VIC tăng 15,6% sau khi công bố thông tin chi trả cổ tức bằng tiền mặt 2.149 đồng/cổ phiếu (tương đương lợi suất cổ tức 3% theo mức giá vào ngày công bố thông tin) và cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1.000:487.

Hồi đầu tháng 7, một vài cổ phiếu của các công ty bất động sản hoạt động tại phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp đã tăng điểm, do nhà đầu tư kỳ vọng rằng, những thay đổi về điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng theo chiều hướng có lợi sẽ đẩy nhanh tốc độ giải ngân và thúc đẩy giao dịch tại các dự án của các chủ đầu tư này. Tuy vậy, cuối cùng các cổ phiếu này đã không thể giữ được số điểm đã tăng được trước đó. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể xem xét 1 số mã ngành bất động sản nhưng có chọn lọc.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư lướt sóng T+ nên chú ý và thận trọng hơn, việc đón sóng kết quả kinh doanh quý III vẫn còn khá sớm trong thời điểm hiện nay. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn thì có thể chọn lọc mua vào cổ phiếu tốt và dự đoán có kết quả kinh doanh tốt ở những vùng giá thấp .

Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng Phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thị trường vẫn có những cổ phiếu tăng trần nhiều phiên như SHI, DLG... Nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý II tốt vẫn được nhà đầu tư mua nhiều.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới Khách hàng các nhân, CTCK VNDirect

Dấu hiệu tích cực của thị trường trong tuần qua là sự luân chuyển của dòng tiền từ các cổ phiếu cơ bản đã tăng tốt trước đó sang các cổ phiếu đầu cơ.

Điều này giúp thị trường lan tỏa rộng và thu hút được nhiều dòng tiền tham gia hơn, bởi cách tăng giá chỉ ở số ít cổ phiếu cơ bản như trước sẽ khó thu thút được dòng tiền đầu cơ gia nhập thị trường.

Sau đợt tăng lệch pha trước đó, khi cổ phiếu cơ bản tăng và cổ phiếu đầu cơ giảm thì hiện thị trường đang có dấu hiệu lệch pha ngược lại. Nhóm cổ phiếu cơ bản sẽ áp lực tiếp tục sideway hoặc giảm, nhưng các cổ phiếu đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, vận tải biển… các cổ phiếu dự báo vào ETF quý này như HT1, IJC vẫn đang thu hút dòng tiền và tiềm ẩn cơ hội tăng giá.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank (SeAs)

Trong tuần tới, có thể nhóm midcap và penny vẫn được dòng tiền quan tâm. Tuy nhiên, như phân tích trên, việc kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này rất khó vì xu thế tăng của thị trường khá yếu nên cần có chiến lược đầu tư thận trọng mới đạt được hiệu quả.

Ơ thời điểm này còn quá sớm để đề cập đến câu chuyện đón sóng kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên, do thiếu vắng thông tin vĩ mô hỗ trợ, nên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quý III là thông tin hỗ trợ trước mắt với nhà đầu tư. Đây sẽ là giai đoạn nghe ngóng và dè chừng.

Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Tôi cho rằng, còn quá sớm để nói đến sóng kết quả kinh doanh quý III đối với các nhà đầu tư ngắn hạn do phải đến cuối tháng 10  thì mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III mới bắt đầu. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, thì việc tìm kiếm các công ty có triển vọng tốt trong 6 tháng đầu năm sẽ là hết sức cần thiết tại thời điểm này.

Tôi cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng sẽ có lợi thế khi cuối năm thường là mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá cao ngành sản xuất săm lốp và xuất khẩu tôm.

Tin bài liên quan