Tuần qua, thị trường thường lặp đi lặp lại diễn biến kéo lên trong phiên và giảm trong những phút cuối trước khi đóng cửa. Có thể giải mã như thế nào với hiện tượng này, theo các ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi thấy có hiện tượng xả cổ phiếu vào đợt ATC, tức là khối lượng bên bán bỗng nhiên tăng mạnh ngay từ khi ATC bắt đầu. Diễn biến này giống như những đợt tái cơ cấu ETF, nhưng khác biệt là sau đó khối lượng bên mua không tăng, tăng một phần nhưng chủ yếu là gom ở mức giá thấp. Như vậy, có thể hiểu là đang có tay to bán ra.
Ngoài ra, hiện tượng này diễn ra ở nhiều mã vốn hóa lớn nên có lẽ lý do bán là yếu tố thị trường chung, hơn là đến từ bản thân những doanh nghiệp đó.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Có thể nói tâm lý của nhà đầu tư giai đoạn này thực sự không tích cực bởi họ lo ngại rủi ro và biến động xấu từ thị trường chứng khoán thế giới. Vì thế, dòng tiền không quay lại với thị trường đẩy thanh khoản xuống mức rất thấp.
Với mức thanh khoản như hiện nay, đối với một số nhà tạo lập vẫn có thể kiếm được tiền từ thị trường cơ sở cũng như phái sinh nếu họ sử dụng công cụ cổ phiếu lớn hiệu quả. Chỉ với 1 lượng cổ phiếu nhỏ của nhóm largeCap như VIC, VHM, VNM, SAB... đủ khiến thị trường từ xanh sang đỏ và ngược lại.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK MBS
Có thể giải thích diễn biến của các phiên như trên theo 3 cách: Thứ nhất, dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật thì đó là hiện tượng tái phân phối sau nhịp giảm của thị trường từ vùng đỉnh trên 992 điểm (2 phiên) về vùng 970 điểm (4 phiên).
Thứ hai, trong tuần vừa qua có đợt cơ cấu của quỹ ETF, lượng hàng bán ra lớn trong khi không có lệnh đỡ đủ tốt đã khiến thị trường rơi vào phút cuối.
Thứ ba, mức dao động như vậy sẽ có lợi cho việc giao dịch phái sinh trong phiên.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đang có hiện tượng phân phối hơn là tích lũy. Quan điểm của ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Ông Hoàng Thạch Lân
Tôi cũng nghĩ vậy. Thế giới biến động theo hướng xấu đi, Việt Nam tích lũy nghe nó không thuận. Các chỉ số lớn ở sàn Mỹ hay các sàn châu Á (trừ Trung Quốc) đều giảm gần 10% trong tháng qua, trong khi mức giảm của VN-Index thì chỉ chừng vài %, nhưng tôi không nghĩ chỉ số nước mình đang tích lũy.
Mấy phiên trước, VN-Index tăng một phần nhờ những thông tin rất lạc quan, rằng Việt Nam được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến Mỹ - Trung, hay Việt Nam sắp trở thành nước xuất siêu lớn vào Mỹ, vượt mặt các ông lớn thuộc khối EU…, nhưng sau đó cũng có không ít ý kiến phản biện, nên nhà đầu tư cũng tỉnh táo hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Thực tế đang có sự phân hóa và tôi cho rằng cổ phiếu nào tăng giá mạnh vừa qua, tức có sự hỗ trợ của dòng tiền đòn bẩy sẽ chịu áp lực bán từ việc chốt lời cho đến việc hạ margin. Những cổ phiếu tôi quan sát thấy có thể kể đến như HVN, ANV, PVS, PHR... Tuy nhiên, những cổ phiếu không mấy nhúc nhích nhịp vừa qua lại ít chịu ảnh hưởng bởi áp lực bán là không nhiều.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK MBS
Như đã phân tích ở trên, thị trường có 4 phiên liên tiếp đóng cửa trên ngưỡng 970 điểm và đó cũng là vùng tái phân phối sau nhịp giảm đầu tiên kể từ vùng đỉnh 992 điểm.
Tuy nhiên, 2 phiên cuối tuần, thị trường đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ này và đã xác nhận ở phiên giảm cuối tuần. Do vậy, nhìn lại dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật thì thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh tiếp theo sau quá trình tái phân phối ở vùng 970 điểm.
Nhìn chung, mức độ biến động thị trường trong tháng 5 vừa rồi là khá nhẹ nhàng và cũng không tạo nên cú sốc nào. Ông bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng thị trường trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tháng 5 vừa qua cũng không hẳn là nhẹ nhàng, vì dải dao động của VN-Index còn lớn hơn so với tháng 4. Tuy nhiên, tháng 5 xém chút nữa được coi là tháng bản lề của 1 con sóng khá lớn, tức VN-Index có thể quay lại trên 1.000 điểm. Tiếc thay, kết quả những phiên cuối tháng lại xấu đi khi cuộc chiến Mỹ - Trung trở nên gay cấn hơn.
Như vậy, đầu tháng 6 có lẽ sức ảnh hưởng của cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ vẫn lớn. Rủi ro VN-Index giảm điểm sẽ còn cao.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Theo kịch bản của tôi thì nhịp tăng vừa qua đủ hấp dẫn để tiến tới vùng 1.000 điểm. Tuy nhiên, TTCK thế giới đang khá xấu và điều này tác động lại với TTCK Việt. Tâm lý nhà đầu tư lại một lần nữa bị lung lay và có thể đầu tháng 6 chúng ta lại chịu thêm áp lực bán.
Có thể thị trường sẽ tiếp tục hứng chịu thêm những thông tin bất lợi đến từ Mỹ hay Trung Quốc do tác động của việc áp thuế lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng VN-Index giảm mạnh hay không là phụ thuộc nhiều vào nhóm cổ phiếu lớn.
Ngoài ra, cũng có một số yếu tố nhà đầu tư nên cho đó là niềm tin vào thị trường như: giá cổ phiếu hiện nay chịu tác động về tâm lý hơn là định giá nên có khá nhiều cổ phiếu rất rẻ;
Nhiều cổ phiếu dường như đã tạo ra vùng đệm hỗ trợ có thể chống chọi lại áp lực bán;
Thanh khoản giảm mạnh và có tín hiệu tăng mạnh ở những phiến giảm mạnh, lực bắt đáy lại xuất hiện;
Khối ngoại quay trở lại mua ròng và tiền có dấu hiệu quay lại các quỹ ETF. Có thể nửa cuối tháng 6 thị trường sẽ được hỗ trợ bởi mùa báo cáo kết quả kinh doanh hơn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK MBS
Tháng 5 đã khép lại với việc lặp lại hiệu ứng “Sell in May” đối với các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, đà giảm trong tháng 5 bị chi phối bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Ông Ngô Quốc Hưng
Chỉ số S&P 500 của thị trường Mỹ giảm 6,6%, chỉ số Shanghai ở thị trường Trung Quốc đại lục giảm 5,84% và chỉ số Stoxx600 của chứng khoán châu Âu cũng giảm 5,7%. Thị trường trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới với mức giảm hơn 2%, khá nhẹ nhàng so với các thị trường trong khu vực và thị trường Mỹ.
Lúc này, yếu tố nội tại không có vấn đề gì lớn nhưng cũng không có động lực để đi lên, trong khi đó, bối cảnh ở bên ngoài lại đang xấu đi.
Về kỹ thuật, so với chỉ số S&P 500 thì chỉ số VN-Index có phần khỏe hơn khi chưa đánh mất ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA200 ngày, tuy vậy, khả năng trong tuần sau thị trường có khả năng gặp khó ở 1,5 đến 2 phiên đầu tuần trước khi bình ổn trở lại. Chỉ số VN-Index có thể kiểm tra lại đáy tháng 5 ở 945 điểm, trong nhịp điều chỉnh mới này khả năng thị trường sẽ xuất hiện các phiên phục hồi kỹ thuật.
Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ nét hơn theo từng dòng cổ phiếu. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường có tạo cơ hội cho các hoạt động mua trading nâng tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn? Đâu là nhóm cổ phiếu được ưu tiên hơn ở thời điểm này, theo các ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Lúc này tôi chưa rõ nhóm ngành nào sẽ đi ngược thị trường, tức là tăng (quan điểm cá nhân tôi là thị trường có thể giảm thêm). Tất nhiên, cổ phiếu đơn lẻ thì luôn có mã tăng, nhưng tìm cả nhóm ngành thì lại khác.
Nhóm cao su có thể là nhóm tiềm năng tăng, bởi giá cao su thế giới trong 2 tháng qua tăng mạnh. Nhiệt điện cũng có thể là nhóm tiềm năng, với thông tin thiếu điện gần đây.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Năm 2019 được nhìn nhận là năm ít biến động, thị trường vận động trong biên khá hẹp. Vì thế, câu chuyện sẽ phụ thuộc vào từng cổ phiếu, và tùy vào khẩu vị giá sẽ tăng.
3 tháng đầu năm chúng ta thấy nhóm cổ phiếu Nhiệt Điện – nước – Thủy sản – Dệt may và khu công nghiệp tăng tích cực. Ở tháng 4-5 vừa qua tôi thấy duy nhất nhóm Dầu khí có ảnh hưởng lớn đến thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ có thể thấy nhiều cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu lớn chuyển sàn sang HOSE và có cơ hội lọt rổ VN30 hay ETF đều tăng tích cực như HVN, VGI, CTR, POW...
Cá nhân tôi cũng cho rằng, dòng tiền vẫn sẽ kiếm tìm cơ hội ở những cổ phiếu có tin tức kiểu như trên. Giai đoạn này, có lẽ chúng ta lại nên chuẩn bị cho mùa báo cáo bán niên và những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực sẽ sớm tăng giá.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Nhìn chung, trong ngắn hạn thật khó lường, tôi đang lo sợ suy nghĩ của nhà đầu tư với kịch bản đồng Nhân dân tệ mất mốc 7 tệ và trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm do lo ngại Trung Quốc bán tháo trái phiếu để cứu đồng nội tệ. Đại loại là những suy nghĩ như vậy có thể nhấn chìm thị trường.
Tuy nhiên, Việt Nam đang có cơ hội lớn hơn bao giờ hết và chúng ta đang tận dụng cơ hội này tốt nhất cơ thể. Do đó, về dài hạn tôi lại thấy đó là cơ hội lớn để mua gom cổ phiếu.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK MBS
Với xu hướng như đã phân tích ở trên thì nhà đầu tư nên thận trọng, không nên mua đuổi trong phiên, có thể cơ cấu và giảm tỷ trọng danh mục ở các nhịp phục hồi kỹ thuật trong phiên.
Tại thời điểm này, các kênh trú ẩn an toàn vẫn đang được các nhà đầu tư trên thị trường ưu ái. Chiến lược định lượng mua những cổ phiếu có Beta thị trường thấp (tức ít nhạy cảm với xu hướng chung của thị trường) và bán cổ phiếu có Beta thị trường cao.
Các nhóm cổ phiếu phòng thủ như: Sản xuất và phân phối điện, nước, thực phẩm, dược phẩm… hoặc nhóm được hưởng lợi từ xuất khẩu như: Thủy sản, dệt may, gỗ, logistics, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không…, sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư ở thời điểm này.