Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tiếp tục đặt cược vào cổ phiếu thép, dầu khí?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tiếp tục đặt cược vào cổ phiếu thép, dầu khí?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản như thép, dầu khí, phân bón tăng mạnh và thu hút chú ý lớn của thị trường tuần qua khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh. Liệu có nên tiếp tục đặt cược vào các nhóm cổ phiếu này?

Đúng như nhận định của các ông tuần trước, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine không còn phản ánh lên biến động thị trường tuần qua và dòng tiền cũng có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, VN-Index vượt trở lại lên trên mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên, thị trường phái sinh lại đang tạo chênh lệch lớn. Liệu có phải thị trường cơ sở đang tăng trong nghi ngờ?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Thị trường phái sinh thường biến động mạnh hơn so với thị trường cơ sở cả về 2 hướng: Chỉ số VN30 đang diễn biến tiêu cực hơn khi giảm dưới các đường trung bình động - tín hiệu đang cho thấy khả năng điều chỉnh thêm; sự chênh lệnh giữa VN30 và VN30F1M cũng là điều dễ hiểu.

Nhà đầu tư nhìn chung vẫn đang dự báo về kịch bản thị trường có thể điều chỉnh thêm, ít nhất việc dao động đi ngang cũng khiến phe “Short” chiếm ưu thế. VN-Index không diễn biến tệ nhất là đang vận động hồi phục ở các phiên cuối tuần khá tốt nên chênh lệch giữa VN30 và VN30F1M cũng sẽ sớm được thu hẹp.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Theo nhận định của tôi, xu hướng thị trường tuần tới vẫn thiên về hướng đi ngang tích lũy. Vì (1) thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi các sự kiện khủng hoảng địa chính trị toàn cầu, sau đó thị trường sẽ hấp thụ và phục hồi rất nhanh. (2) Việc thiếu sự đồng thuận từ nhóm trụ đang làm chỉ số dậm chân trước vùng cản và chưa thể bứt phá. (3) Dòng tiền xoay vòng nhanh làm đà tăng của một số nhóm cổ phiếu không bền dẫn đến việc khó lan tỏa tích cực cho thị trường chung. Do đó, biên độ dao động của chỉ số có thể vẫn trong vùng từ 1.480 - 1.510 điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, tuần tới vẫn có thể là tuần biến động đi ngang, chỉ số VN-Index có thể sẽ còn giằng co trong vùng 1.470 - 1.512 điểm. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng trong tuần giao dịch tới, nhưng điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu cải thiện tích cực hơn.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục với xu hướng sideway Up (vừa tăng vừa tích lũy hoặc “tăng từ từ”) khi dòng tiền đang tập giao dịch ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là các cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa cơ bản.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Theo thống kê, mức tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu vừa vừa nhỏ đều tăng, nhóm midcap đã tăng từ mức 34% lên gần 39% , trong khi mức tập trung vốn ở nhóm ở nhóm smallcap cũng đã tăng lên 18,6% từ mức 12% trong 4 tuần trở lại đây. Bên cạnh đó, so với cuối tháng 1, trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ 1,78%, thậm chí chỉ số VN30 còn giảm 0,45% thì nhóm midcap và smallcap đã có sự phục hồi ấn tượng, lần lượt tăng 7,55% và 17%.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong những phiên tuần qua diễn biến khá thất thường và gần như không theo xu hướng nào. Việc tăng giảm xen kẽ cho thấy xu hướng bất định trong tâm lý nhà đầu tư gần như thay đổi mỗi ngày theo diễn biến tình hình chiến sự của quốc tế. Có điểm chung là thanh khoản thị trường đang dần cải thiện cho thấy mức độ lướt sóng của dòng tiền gia tăng mạnh hơn.

Về ngắn hạn, vẫn chưa có tín hiệu gì khả quan hơn về tình hình chính trị vì vậy thị trường vẫn còn những rủi ro nhất định. Xu hướng chung thị trường sẽ còn tiếp tục dao động đi ngang, tuy vậy vẫn có những sóng ngắn ở những nhóm cổ phiếu chủ lực và nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được lợi nhuận trong ngắn hạn.

Nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản thu hút chú ý lớn của thị trường tuần qua khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng dữ dội. Tuần trước, các ông cũng khuyến cáo nhà đầu tư quan tâm tới các mã này. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu các nhóm ngành như thép, than, dầu khí, phân bón... đã tăng với biên độ lớn. Liệu có quá muộn và rủi ro cao khi tiếp tục đua giá lúc này?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Mỗi nhóm cổ phiếu tăng mạnh 1 nhịp cũng như sẽ vào 1 giai đoạn điều chỉnh ngắn hoặc kéo dài 3 - 5 phiên cũng là bình thường. Do đó, đa số các trường hợp, giải pháp thận trọng thường sẽ đợi điều chỉnh mới mua mới các cổ phiếu. Tùy từng cổ phiếu như cổ phiếu, thép, phân bón, than… mà kỳ vọng triển vọng cổ phiếu khác nhau và tùy vào danh mục cổ phiếu của từng khách hàng để đưa ra quyết định mua cổ phiếu gì thời điểm nào với tỷ trọng bao nhiêu.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Theo góc nhìn của tôi, ngoài câu chuyện Fed tăng lãi suất đã không còn mới với thị trường, chúng ta cần hết sức quan tâm tới tình hình địa chính trị giữa Nga-Ukraine do mọi dự báo lạm phát từ đầu năm đều không đề cập tới yếu tố này. Tình hình xung đột vũ trang đã đẩy giá dầu tăng mạnh.

Theo tính toán, lạm phát kỳ vọng có thể vượt qua mốc 4% (dự báo) nếu giá dầu tiếp tục neo ở mốc trên 100 USD/thùng như hiện nay. Trường hợp điều đó xảy ra, nó sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, dòng tiền sẽ rút ra rất nhanh, đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu sẽ giảm. Nhưng nếu lạm phát vẫn giữ ở mức dưới 5% thì đây không phải rủi ro chính. Hiện nay, trong 1-2 tháng tới, nếu lạm phát chỉ tăng khoảng 1%/tháng là mức chấp nhận được, không quá tiêu cực.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, yếu tố lạm phát sẽ tác động đến thị trường chứng khoán trong năm 2022, hay nói cách khác, yếu tố rủi ro gia tăng và dòng tiền sẽ thường tìm kiếm đến các tài sản an toàn như tiết kiệm, trái phiếu. Như vậy, kênh đầu tư cổ phiếu có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến thanh khoản của thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tuy nhiên, yếu tố căng thẳng địa chính trị Nga và Ukraine đã khiến thị trường chiết khấu mạnh và như vậy, tác động ngắn hạn từ việc tăng lãi suất của Fed có thể sẽ giảm nhẹ hơn hoặc không còn tác động tiêu cực nhiều.

Đồng thời, Fed sẽ thận trọng trong việc đưa ra tăng lãi suất quá nhanh vì nhiều yếu tố tác động từ chiến tranh, căng thẳng thương mại và tình hình dịch bệnh cho nên mức độ tác động sẽ không quá mạnh như đã từng diễn ra giai đoạn 2018-2019. Ngoài ra, tỷ lệ dự trữ ngoại hối/cung tiền mở rộng khoảng 17,5% cho thấy Việt Nam đủ khả năng duy trì tỷ giá ổn định và thị trường chứng khoán cũng sẽ ít bị tác động từ các làn sóng thoái vốn của nước ngoài.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán MBS

Kể từ đầu năm cho tới nay, chứng khoán Việt Nam cũng như các thị trường trong khu vực Đông Nam Á vẫn ngược dòng so với các thị trường trong khu vực châu Á, cũng như ở thị trường Mỹ và châu Âu.

Theo thống kê, chỉ số chứng khoán toàn cầu đã giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp và rơi vào vùng điều chỉnh khi đã sụt hơn 10% kể từ đầu năm. Chứng khoán khu vực châu Âu, chỉ số STOXX Europe 600 đã giảm 14,7% kể từ đỉnh gần nhất, đây cũng là mức thấp nhất trong 52 tuần của chỉ số này.

Trong khi đó, chứng khoán khu vực châu Á cũng ở mức thấp nhất 16 tháng, giảm 6/9 tuần kể từ đầu năm và ngấp nghé vùng điều chỉnh ở các thị trường lớn như Nhật Bản (-9,7%), Hàn Quốc (-8,9%).

Bên cạnh đó, chứng khoán Hong Kong dù giảm 6,4% nhưng đây cũng là mức thấp nhất trong 1/2 thập kỷ, về gần mức đáy Covid-19 ở tháng 3 năm 2020 và đầu năm 2017. Điều này cho thấy chứng khoán ở khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam ít chịu ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất của Fed cũng như yếu tố lạm phát như các thị trường phát triển.

Dòng tiền đầu tư quốc tế vẫn đang duy trì mua ròng ở các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines… đối với thị trường Việt Nam áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng đã giảm đáng kể sau năm 2021 bán ròng kỷ lục.

Bên cạnh đó, lạm phát ở hầu hết các nước châu Á vẫn thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phương Tây, bao gồm Mỹ, nơi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 tăng 7,5% so với một năm trước đó. Không giống như Mỹ, hầu hết các nền kinh tế châu Á vẫn thừa công suất lao động với nhiều tài xế taxi, nhân viên khách sạn và nhà hàng vẫn chưa tìm được việc làm toàn thời gian sau khi mất việc trong đại dịch.

Nhiều nhà kinh tế vẫn tin rằng châu Á sẽ có thể kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tiêu dùng yếu đang kéo dài ở nhiều nước trong khu vực. Những cú sốc về nguồn cung, bao gồm tình trạng tắc nghẽn cảng và chi phí vận chuyển tăng vọt tiếp tục ám ảnh hầu hết các nền kinh tế phát triển ở phương Tây nhưng lại không ảnh hưởng nhiều đến châu Á.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Xung đột vũ trang Nga - Ukriane kéo dài sẽ càng gây áp lực nguồn cung hàng hóa mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến lạm phát chung của nền kinh tế. Đó là rủi ro về mặt dài hạn. Chúng ta vẫn kỳ vọng cuộc xung đột sẽ có giới hạn và sớm kết thúc trong ngắn hạn sẽ là lối mở cho rất nhiều nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có thể sẽ chưa phản ánh tiêu cực nhưng nếu kéo dài thì hoạt động doanh nghiệp khó khăn sẽ tác động dần lên thị trường và điều này sẽ thể hiện trong vài tháng tới.

Thị trường bắt đầu có những lo ngại về “bão giá nguyên liệu”, chi phí logistics có thể ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô, chẳng hạn tạo áp lực lạm phát. Nhiều phân tích cũng như quan điểm hồi đầu năm vẫn cho rằng, khả năng kiểm soát lạm phát tại Việt Nam vẫn đạt mục tiêu. Tuy nhiên, đà tăng giá nguyên nhiên vật liệu những tuần qua đã vượt xa dự đoán của bất kỳ ai, nhất là khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine là điều chưa được tính đến trước đó. Theo các ông, những biến số mới này có đủ lớn khiến quan điểm vĩ mô trung và dài hạn thay đổi?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Có lẽ, khi xét toàn cảnh nền kinh tế, đánh giá 13 chỉ tiêu vĩ mô Việt Nam thì nhiều tín hiệu khởi sắc. Các con số lạc quan của 2 tháng đầu năm đang cho thấy các hiệp định thương mại, các số liệu xuất nhập khẩu, FDI tăng tốt cho thấy những dự báo tăng trưởng GDP của năm 2022 không phải là không có cơ sở…

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Những nhóm ngành thép, hóa chất, phân bón, dầu khí với triển vọng kết quả kinh doanh dự báo tích cực đã thu hút dòng tiền tham gia, kể cả câu chuyện lạm phát đang đe đọa sự tăng trưởng kinh tế, thì chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu cũng là chiến lược hợp lý. Dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô năm nay sẽ chú ý nhiều đến hàng hóa nguyên vật liệu tăng, lạm phát tăng, kịch bản tăng trưởng cũng sẽ thay đổi, chưa kể chính sách của Fed tăng lãi suất nhiều đợt trong năm 2022 (tháng 3 chỉ dự kiến tăng 0,25%).

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tôi dự báo giá hàng hóa thế giới thời gian tới vẫn có thể neo ở mức cao do căng thẳng địa chính trị chưa có khả năng dịu bớt. Điều đó sẽ khiến áp lực nguồn cung tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường. Nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản nhờ đó sẽ vẫn được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý không nên mua đuổi nhóm này trong những phiên tăng nóng khi sự hưởng lợi này chỉ tác động tới giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Đà “ăn theo” có thể chững lại và quay đầu khi diễn biến thị trường quốc tế có những chuyển biến mới.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Giá nguyên liệu đã tăng mạnh trong thời gian qua do ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu, điều này đã tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, điều tôi đặc biệt lưu ý là nhóm cổ phiếu dịch vụ dầu khí vì diễn biến nhóm này sẽ chịu tác động chủ yếu từ giá dầu trong bối cảnh là mảng kinh doanh cốt lõi của nhóm dịch vụ dầu khí chưa tích cực trở lại. Còn tôi vẫn đánh giá tích cực lên nhóm cổ phiếu thép, vận tải do nhu cầu có xu hướng gia tăng và tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán MBS

Chỉ số S&P GSCI, một thước đo diễn biến giá nguyên liệu thô toàn cầu, đã tăng 20% trong tuần này và gần 40% kể từ đầu năm, đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Kể từ đầu năm đến nay, phần lớn các nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt đều thuộc nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của thị trường hàng hóa cũng như năng lượng, từ nền kinh tế mở cửa và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu như: dầu khí, thủy sản, dệt may, cảng biển, hóa chất, du lịch…

Bên cạnh đó, một số nhóm cổ phiếu thậm chí đã vượt đỉnh lịch sử. Trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường hàng hóa đang có sự gián đoạn, thúc đẩy giá tăng và khó dự đoán khi nào sẽ trở lại trạng thái như trước.

Một số nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường này cũng đã vượt đỉnh, do vậy về mặt kỹ thuật xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu này có nhiều triển vọng nhất trong thời điểm hiện tại. Do vậy, trong trường hợp thị trường đi ngang hoặc giảm thì nhóm này vẫn có cơ hội tăng trở lại tốt hơn so với các nhóm khác. Thậm chí, khi thị trường điều chỉnh, khả năng ngược dòng ở nhóm cổ phiếu này cũng có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khi giá đầu vào nguyên liệu gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh trong ngày có nhiều cơ hội bán hàng dễ dàng hơn và biên lợi nhuận cũng cao hơn trước đây. Đây là những cơ hội hiếm có của một số ngành nghề hưởng lợi trực tiếp từ cơn khủng hoảng nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp nhờ đó cũng tận dụng được cơ hội cơ cấu lại tài sản và tăng cường mở rộng hoạt động lớn mạnh hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Đặc biệt, những doanh nghiệp có vị thế cao trong ngành sẽ càng có nhiều cơ hội chiếm thị phần tốt hơn so với nhóm doanh nghiệp nhỏ. Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi về ngắn hạn có thể tạo những đợt sóng giá tăng trưởng rất mạnh nhưng nhà đầu tư cũng nên cẩn thận là sau khi cơn khủng hoảng kết thúc thì giá cổ phiếu cũng sẽ dễ dàng trở lại vị trí trước đây do tính hấp dẫn không còn nữa.

Vốn ngoại tuần qua đã lại đảo ngược sang bán ròng sau 2 tuần mua ròng tốt. Những thông tin mới nhất gần như chắc chắn xác nhận Fed sẽ tăng lãi suất, theo các ông, điều này có khiến dòng vốn này tiếp tục bán nhiều hơn hay không?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Số liệu giao dịch của khối ngoại bán ròng trong 2 tháng đầu năm lần lượt là 2.896 tỷ đồng và 520,7 tỷ đồng. Việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất có thể dẫn đến dòng vốn đầu tư có thể chảy từ những thị trường chứng khoán phát triển và mới nổi sang những thị trường chứng khoán cận biên, mới nổi với nền chính trị, kinh tế ổn định như thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến bán ròng có thể vẫn sẽ kéo dài cả tháng 3 trước khi được dự báo đảo chiều ở quý II.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Theo tôi đánh giá, dòng tiền đang xoay vòng rất nhanh giữa các nhóm ngành. Điều này là tín hiệu tích cực khi giúp thị trường tạo sóng và cải thiện thanh khoản. Tuy nhiên, nó cũng gây ra nhiều bất lợi cho nhà đầu tư vì tính đảo chiều nhanh, làm đà tăng cổ phiếu không bền.

Nhiều mã có thể lãi trong T+1, T+2 nhưng đến ngày hàng về thì lại chuyển lỗ. Do đó, việc “lướt sóng” thời điểm hiện tại chỉ thực sự phù hợp với những nhà đầu tư nhạy bén, luôn bám sát thị trường và đã có sẵn lượng hàng trong danh mục.

Với những nhà đầu tư không có nhiều thời gian cho thị trường, tôi khuyến nghị vẫn nên ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu có nền tảng tốt, vốn hóa lớn, cùng câu chuyện hỗ trợ đi kèm và kiên nhẫn chờ đợi thành quả.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, chiến lược ngắn hạn phù hợp giai đoạn này là chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu khi dòng tiền vẫn đang phân hóa. Đồng thời, thị trường vẫn có khả năng biến động mạnh trong ngắn hạn, cho nên các nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin trong giai đoạn này và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu 55-60% danh mục.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán MBS

Nhà đầu tư hạn chế lướt sóng, tập trung vào nhóm cổ phiếu có hoạt động xuất khẩu như: thủy sản, dệt may, logistics…, hoặc các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa và năng lượng như phân bón, cao su tự nhiên, khai thác kim loại, dầu khí…. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xuất khẩu gạo, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công…

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường hiện tại vẫn đang đi ngang nhưng cơ hội kiếm lợi nhuận vẫn có nếu nhà đầu tư chọn đúng ngành đầu tư. Những nhóm ngành đang theo trend ngắn hạn nổi bật như phân bón, thép, dầu khí, vận tải biển, hóa chất… sẽ còn tiếp tục hút dòng tiền và vẫn còn khả năng mang lại lợi nhuận ngắn hạn cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, những nhóm ngành phòng thủ dài hạn hơn như ngân hàng, chứng khoán, dệt may cũng cần lưu ý ưu tiên một phần danh mục tích lũy cũng có thể tạo ra lợi nhuận trong tương lai. Với tình hình chính trị quốc tế chưa ổn định thì việc giữ tỷ lệ tài sản an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu vì nhờ đó nhà đầu tư có thể kịp trở tay nếu thị trường có những diễn biến bất lợi.

Tin bài liên quan