Ảnh Internet

Ảnh Internet

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ tới lượt cổ phiếu bất động sản

(ĐTCK) Trong chuyên mục bàn tròn tuần này, câu chuyện trao đổi giữa nhà báo Hải Vân và các chuyên gia chứng khoán vẫn xoay quay Thông tư 36 và các nhóm cổ phiếu. Theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí vẫn tiếp tục sẽ hút dòng tiền trong tuần tới, ngoài ra, nhiều mã thuộc nhóm bất động sản cũng cho dấu hiệu về sự vận động tích cực trở lại của dòng tiền.

Ông/bà nhận định như thế nào trong tuần tới, tuần giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ, có lẽ không có tin trong nước gì nổi bật, ngoại trừ cuộc "tranh cãi" về Thông tư 36 giữa NHNN với các cơ quan quản lý ngành chứng khoán. Hiện Thông tư 36 đã có hiệu lực thực thi, nhưng nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng nó sẽ hoãn lại, hoặc sử đổi 1 nội dung nhỏ. Có lẽ sau Tết, cần có cơ quan quản lý cấp cao hơn đưa ra quyết định cho việc này.

Hiện diễn biến của VN-Index đang chịu tác động lớn nhất từ nhóm ngân hàng. Đơn giản vì nhóm này toàn các mã có giá trị vốn hóa lớn nhất trên 2 sàn, nên khi nhóm này tăng, thì index tăng và ngược lại. Trong tuần tới, kỳ vọng của tôi là nhóm này sẽ tiếp tục tăng.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ tới lượt cổ phiếu bất động sản ảnh 1

 Ông Hoàng Thạch Lân

Ngoài ra, tính đến nay thì dường như các công ty công bố báo cáo tài chính tốt đã biết gần hết, thị trường chuyển sang tiếp đón các công ty công bố tin xấu. Do đó, đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu mà chưa có báo cáo tài chính, nên lưu ý kiểm tra thông tin và giữ liên lạc với tư vấn thường xuyên.

Còn tin thế giới, giá dầu, giá nguyên liệu, kích cầu của ECB hay TTP sẽ vẫn tiếp diễn và ảnh hưởng nhất định đến các nhóm ngành sản xuất kinh doanh trong nước, cái này tôi cũng không thể dự báo được gì. 

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Trong tuần qua (2/2 đến 6/2), VN-Index có 3 phiên cuối tuần tăng điểm liên tiếp, nhưng chưa bù đắp được mức sụt giảm của hai phiên đầu tuần. Thanh khoản trong tuần của thị trường giảm thấp với mức bình quân 76 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng 1.190  tỷ đồng/phiên trên HOSE, chỉ bằng khoảng 80% so với bình quân giao dịch từ đầu năm. Dự báo tuần tới, từ 09-13/02/2015, thanh khoản của thị trường vẫn tiếp tục giao dịch ở mức thấp. VN-Index sẽ gặp áp lực bán mạnh lên ở vùng 580-585.

Với triển vọng kinh tế trong nước tích cực thì thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và xu hướng tăng điểm sẽ vẫn chiếm ưu thế. Trong ngắn hạn dù có những diễn biến không thuận lợi, xuất hiện những phiên bán tháo, nhưng đó cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBSC)

Tuần vừa qua, VN-Index hầu như đi ngang về mặt điểm số, nhưng lại biến động rất mạnh do tác động của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Giao dịch khối ngoại đóng vai trò trọng tâm gây ảnh hưởng lớn đến sự biến động giá nhóm này đặc biệt nhóm 3 cổ phiếu CTG, VCB và BID.

Chính sự biến động khó lường của nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng thời gian cận kề nghỉ lễ đã khiến thị trường trở nên thận trọng hẳn kéo thanh khoản giảm mạnh trong những phiên cuối tuần. Đầu tuần sau, một lượng cổ phiếu về tài khoản sau 3 phiên tăng sẽ có khả năng tạo áp lực chốt lời.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ tới lượt cổ phiếu bất động sản ảnh 2

 Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ngoài ra, việc giá dầu đang có tín hiệu phục hồi rõ rệt là nhân tố đáng quan tâm khi hầu hết nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm khá sâu trong thời gian qua. Tôi cho rằng, thị trường tuần sau không tăng mạnh nhưng mang nhiều yếu tố tích cực và lạc quan hơn.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Chúng tôi đánh giá xu hướng tích cực sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch cuối cùng của năm. Tâm lý nhà đầu tư đã có dấu hiệu ổn định trở lại sau những ảnh hưởng từ việc Thông tư 36 chính thức có hiệu lực.

Dấu ấn của thông tư này trong tuần tới nhiều khả năng sẽ chỉ tiếp tục tác động tới thanh khoản của thị trường chung mà không ảnh hưởng tới diễn biến giá của các cổ phiếu. Nhóm các cổ phiếu bluechips sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền trong các phiên giao dịch tới và sẽ là động lực chính giúp duy trì đà tăng của thị trường trong các phiên giao dịch tới.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Tuần giao dịch vừa qua là tuần đi ngang của chỉ số VN-Index, thanh khoản giảm 31% so với tuần trước đó. Nhóm cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng mạnh nhất đến chỉ số. Tuy nhiên, mức độ lan toả ra các cổ phiếu khác còn yếu. Tuần giao dịch cuối của năm do ảnh hưởng bởi việc nghỉ lễ dài ngày nên giao dịch có thể tiếp tục ở mức thấp.

Các cổ phiếu ngân hàng đã về gần mức đỉnh nên khả năng tăng giá không còn nhiều. Dự báo VN-Index có thể tăng điểm với thanh khoản ở mức thấp.

Trong tuần qua, giá dầu tăng mạnh trở lại đã làm cho nhóm cổ phiếu dầu khí phục hồi, nhưng thanh khoản vẫn ở mức trung bình. Đâu là nhóm cổ phiếu cần quan tâm trong tuần tới?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Nhóm cổ phiếu dầu khí hiện tăng giảm theo biến động giá dầu thế giới hàng ngày, nhưng tôi nghĩ, ngay cả giá dầu còn chưa rõ xu hướng, nên nhà đầu tư cũng chưa tự tin đầu tư. Dù vậy, tôi vẫn kỳ vọng lớn vào tương lai gần cho nhóm này.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Giá dầu WTI đã tăng gần 20% so với mức giá thấp 43,58 USD/thùng được thiết lập 29/01/2015. Giá dầu Brent đã tăng hơn 25% từ mức giá thấp 46,4 USD/thùng thiết lập ngày 13/01/2015. Giá dầu đạt mức cao hồi giữa tháng 6/2014, nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí lập đỉnh vào đầu tháng 9/2014 và mãi đến giữa tháng 11 mới có đợt giảm mạnh. Như vậy, giữa giá dầu và giá cổ phiếu ngành dầu khí cũng có độ trễ nhất định về xu hướng.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ tới lượt cổ phiếu bất động sản ảnh 3

Ông Lê Đắc An 

Giá dầu Brent đã tăng hơn 20% và thoát ra khỏi Bear Market, giá dầu WTI cũng đang vận động theo xu hướng đó. Nếu giá dầu tiếp tục phục hồi tích cực, cổ phiếu ngành dầu khí cũng có triển vọng hồi phục.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng là tâm điểm chú ý của thị trường khi lần đầu tiên kể từ năm 2009, nhóm cổ phiếu này mới có sự tăng điểm đồng loại với mức tăng khá trong thời gian dài (hầu như tăng giá cả tháng 1/2015).

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Nhóm các cổ phiếu dầu khí tiếp tục chịu sự ảnh hưởng từ diễn biến của giá dầu thế giới khi liên tục song hành tăng giảm theo những biến động của giá dầu của tuần qua. Tôi cho rằng, giá dầu chưa có dấu hiệu quay lại đà phục hồi trong ngắn hạn, do vậy không đánh giá cao cơ hội tại nhóm các cổ phiếu dầu khí.

Tuần tới, nhóm các cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền sau hàng loạt các phiên điều chỉnh giảm trước đó. Nhiều mã thuộc nhóm bất động sản cũng cho dấu hiệu về sự vận động tích cực trở lại của dòng tiền cũng thuộc nhóm cổ phiếu quan tâm trong tuần tới của chúng tôi.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng dự báo có thể tăng nhẹ cho tuần tiếp theo đã giảm khá trong tuần và chu kỳ gần Tết.

Cổ phiếu ngân hàng đã có phiên bán tháo rất mạnh trong ngày 3/2, sau đó đã có những phiên hồi trở lại trong tuần. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nhóm cổ phiếu này sẽ vẫn chịu áp lực bán mạnh trong thời gian tới. Quan điểm của ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ, nhóm ngân hàng đang gây chú ý nhiều hiện nay vì 2 lý do là tình hình tài chính đang tốt hơn, theo như những gì đang thể hiện trên bề mặt báo cáo tài chính 2014 và khối ngoại đang mua tỷ lệ lớn (tính theo % trên tổng KLGD hàng hàng) ở 1 số mã như VCB, CTG hay BID.

Tuy nhiên, để nói là ngân hàng đang vững mạnh hơn thì có lẽ tôi cũng chưa thực sự tin, vì quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngân hàng tuy ngắn hạn là tích cực, nhưng tại các điểm kháng cự sẽ còn rung lắc mạnh.

 Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Phiên ngày 3/2/2015, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo do áp lực chốt lời và những thông tin không tích cực liên quan đến vụ việc xử lý Ngân hàng Xây dựng. Cá nhân tôi cho rằng, hoạt động của ngành ngân hàng đang tốt dần lên, triển vọng cũng tốt hơn khi kinh tế tăng trưởng cao dần. Mỗi đợt giảm mạnh như đợt ngày 3/2 vừa qua là cơ hội cho các nhà đầu tư mua vào với mức giá tốt.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Xu hướng tăng điểm của nhóm các cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua xuất phát từ sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN trong việc xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng và đẩy mạnh tốc độ  tăng trưởng tín dụng trong năm mới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ tới lượt cổ phiếu bất động sản ảnh 4

Ông Ngô Thế Hiển 

Mặc dù vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực bán trong tuần tới, nhưng rõ ràng các cổ phiếu ngân hàng cũng đang là nhóm thu hút được dòng tiền tốt nhất hiện tại, do vậy chúng tôi cho rằng khả năng nhóm này vẫn vận động tích cực trong tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Tôi đánh giá, năm 2015, nhóm ngân hàng vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng tín dụng còn thấp, các cổ phiếu lớn có thể giảm hiệu quả khi phải nhập các ngân hàng yếu kém. Do đó, với mức giá hiện tại thì biên đô tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều (cá biệt ở một số ngân hàng như VCB, BID các cổ phiếu này lượng cổ phiếu lưu hành tự do còn rất ít nên mức giá có thể vẫn tăng nếu được nước ngoài mua).

Thực tế thì đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi về Thông tư 36 và TTCK đã chịu tác động mạnh từ năm 2014. Ngay trong tuần đầu tiên áp dụng, NHNN tiếp tục khẳng định, Thông tư 36 không tác động mạnh đến TTCK. Còn thực tế thì sao, theo cảm nhận của ông/ bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ lập luận của NHNN là dựa trên những dự báo mang tính định lượng về dòng tiền, tức là họ nắm rõ hơn ai hết đường đi của dòng tiền vào ra TTCK. Tuy nhiên, TTCK là nơi nhà đầu tư mua bán dựa vào niềm tin hay nỗi lo ngại về những điều có thể xảy ra, chứ không chờ đến khi minh bạch hết rồi mới phản ứng. Hiện nay, hầu như ai cũng tin rằng, nếu Thông tư 36 không hoãn, TTCK sẽ bị rút bớt tiền, mà con số này chắc cũng không hề nhỏ.

Theo TBKTSG, lượng tiền từ ngân hàng vào TTCK phải bao gồm cả những khoản ủy thác đầu tư vào các công ty cổ phần hóa hay cổ phiếu OTC từ những năm 2006-2007 và kẹt cho đến nay, nếu tính tổng cộng phải lên đến 38.000 tỷ đồng. Nếu Thông tư 36 khiến dòng tiền bị rút ra, thì nó sẽ rút ở những nơi có thanh khoản cao nhất trước, tức là cổ phiếu và dịch vụ margin trên sàn. Chỉ cần biết là rút, cho dù chưa rõ là rút nhiều hay ít, TTCK đã và đang có phản ứng tiêu cực rồi. Do đó, những tuyên bố gần đây của các cơ quan quản lý TTCK cũng không phải không có lý.

Đã nói về dòng tiền tín dụng vào TTCK, tôi đã từng nói rằng, không chỉ bây giờ, mà ngay chuyện Chỉ thị 03 hay kích cầu trước đây cũng đã tác động rất lớn đến TTCK. TTCK Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhỏ, nếu xét theo tỷ lệ % trên GDP và so với các TTCK khác trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, lòng tham của nhà đầu tư thì rất lớn, nên cứ khi VN-Index vào trend tăng là margin tăng vọt. Không chỉ thế, nhà đầu tư và công ty chứng khoán còn sẵn sàng làm margin chui qua những cổ phiếu không nằm trong diện được giao dịch ký quỹ chính thức, với tỷ lệ cũng vượt khung. Do đó, tuy TTCK nào cũng cần có đầu cơ để duy trì thanh khoản, nhưng nếu cứ thả lỏng tín dụng như bây giờ, thì TTCK sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ margin call do bất cứ lý do nào, kể cả chả liên quan đến tín dụng, ví dụ như vụ giá dầu. Hiện cũng có ý kiến cho rằng, NHNN nên siết có lộ trình, tuy nhiên, nếu đặt ra lộ trình, thì các công ty chứng khoán sẽ lại rút tiền từ từ, sau này lại xin hoãn tiếp... Tôi nghĩ nó không giải quyết được căn bản vấn đề tín dụng vào TTCK.

Điều cốt lõi, theo tôi nghĩ là 2 cơ quan quản lý tiền tệ và chứng khoán phải ngồi với nhau, cùng xác định vị trí của TTCK trong nền kinh tế và quy mô tín dụng nên là bao nhiêu cho từng thời kỳ phát triển. Tín dụng chỉ nên là hỗ trợ, còn TTCK phải phát triển dựa trên nội lực là chính, bởi vì quy luật căn bản là TTCK phát triển dựa trên lực lượng nhà đầu tư chứ không phải dân đầu cơ.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

Thông tư 36 có tác động đến thị trường chứng khoán là điều chắc chắn mà chúng ta không cần phải tranh luận. Còn mức độ tác động mạnh yếu ra sao cũng khó có thể đánh giá, vì trên thị trường chứng khoán, yếu tố niềm tin và sự kỳ vọng có tác động còn nhiều hơn những con số về dư nợ cho vay hay số tiền giải ngân. Chí ít trong thời điểm này, Thông tư 36 đang khiến cho nhà đầu tư thận trọng hơn. Và theo cá nhân tôi, Thông tư 36 đang tác động trực tiếp đến những nhà đầu tư ngắn hạn, sử dụng đòn bẩy tài chính và mong muốn kiếm tiền nhanh trên thị trường chứng khoán.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Có thể nói, tác động của Thông tư 36 tới thị trường là khá mạnh trong ngắn hạn, mặc dù xét về lâu dài thì những nội dung của thông tư mang tính tích cực. Cho tới giờ thì số liệu về dư nợ cho vay kinh doanh, đầu tư cổ phiếu của các công ty chứng khoán và ngân hàng vẫn là câu hỏi mà nhà đầu tư đang đi tìm câu trả lời (gần đây xuất hiện thông tin số dư nợ lên tới hơn 38.000 tỷ đồng).

Do vậy, phản ứng của nhà đầu tư trong tuần đầu tiên thông tư có hiệu lực là thận trọng, qua đó kéo theo sự sụt giảm thanh khoản của thị trường chung và sự tăng giá của nhóm ngân hàng, dầu khí không tạo ra sự lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác. Theo tôi, sự thận trọng này còn sẽ tiếp tục duy trì trong tuần tới, đặc biệt là khi kỳ nghỉ dài Tết Âm lịch cũng đang đến gần.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Khi Thông tư 36 chính thức hiệu lực, thị trường ngay lập tức giảm điểm. Một số công ty chứng khoán đã dừng các sản phẩm hợp tác cho vay kết hợp với ngân hàng. Tác động của thông tư này khá mạnh đối với thị trường.

Tin bài liên quan