Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ có một đợt sóng đầu cơ

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ có một đợt sóng đầu cơ

(ĐTCK) Trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, trong ngắn hạn, sẽ có một đợt sóng đầu cơ với sự hỗ trợ từ các nhóm nhà tạo lập thị trường tự phát.

Thị trường có phản ứng khá tích cực với thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD lên thêm 1%. Việc tỷ giá tăng có tác động nhiều đến hoạt động của khối ngoại khi đầu tư vào TTCK Việt Nam không?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

Quyết định tăng tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước lên thêm 1%, ngoại trừ làm giảm tổng tài sản nói chung của khối ngoại khoảng 2.600 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD) tính đến phiên giao dịch cuối tuần qua, còn lại không tác động nhiều đến động thái mua/bán ròng của khối ngoại.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ có một đợt sóng đầu cơ ảnh 1

 Ông Lê Đức Khánh

Từ khi thông tin điều chỉnh tỷ giá được công bố ngày 7/5 vừa qua, thì khối ngoại vẫn không giảm, thậm chí gia tăng việc mua ròng ở nhiều mã cổ phiếu lớn, cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu blue chips đầu ngành như VCB, CTG, MSN, DPM...

Ông Lương Biện Nhân Quyền, CTCK ACBS

Có 3 yếu tố quyết định đến đầu tư của khối ngoại của giai đoạn hiện nay là tỷ giá, chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm của các quỹ và triển vọng thị trường.

Với việc khối ngoại đã liên tiếp mua ròng kể từ ngày 9/4/2015 đến nay, bất chấp tỷ giá căng thẳng trong thời gian gần đây cho thấy, vấn đề tỷ giá không đóng vai trò quá quan trọng trong quyết định đầu tư của khối ngoại. Vì vậy, việc NHNN tăng tỷ giá VND thêm 1% tạm thời giúp khối này giảm đi một gánh nặng.

Trong khi 2 yếu tố còn lại vẫn đang đóng vai trò tiên quyết. Việc quý I/2015, TTCK trong nước đã tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với 2 quý cùng kỳ năm trước khiến chỉ tiêu tăng trưởng của các quỹ trong các quý còn lại của năm sẽ trở nên nặng nề hơn. Ngoài ra, việc triển vọng của TTCK trong nước đang khá tốt khi mà PE của TTCK Việt Nam vẫn đang rẻ hơn tương đối một số nước sẽ là những yếu tố quyết định khiến khối ngoại sẽ tiếp tục xu hướng mua ròng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

Việc tăng tỷ giá diễn ra hơi sớm so với dự đoán, nhưng đã nằm trong tiên liệu của nhà đầu tư và giới phân tích trên thị trường tài chính, nên không ảnh hưởng nhiều đến thị trường khi thông tin được công bố.

Nguyên nhân do tỷ giá VND/USD liên tục chạm trần trong thời gian qua, cùng với thâm hụt thương mại 4 tháng đầu năm đạt 3,1 tỷ USD. Việc tăng tỷ giá VND/USD trong bối cảnh lạm phát lạm phát trong nước ở mức thấp là một biện pháp giúp thu hẹp thâm hụt thương mại.

Đề cập đến tác động của tỷ giá tăng tới hoạt động đầu tư của khối ngoại tại TTCK Việt Nam, theo tôi, mặc dù tỷ giá tăng phần nào tác động đến tâm lý của khối ngoại do danh mục hiện tại của họ bị lỗ đi một khoản tương ứng. Tuy nhiên, theo lịch sử thì giao dịch của khối ngoại không bị ảnh hưởng nhiều, mà chủ yếu vẫn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chung và kỳ vọng thị trường cuối năm.

Một minh chứng nữa là trong những phiên gần đây, mặc dù tỷ giá VND/USD liên tục tăng trước và sau khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá, thì khối ngoại cũng đã không bán ra.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI)

Thị trường phản ứng tích cực khi thông tin điều chỉnh tỷ giá được NHNN công bố chưa hẳn là do tin này tác động tốt, mà là có thể là do ít nhất diễn biến khó lường về tỷ giá đã nhận được thông điệp phản hồi.

Chúng ta đều thấy tỷ giá liên ngân hàng trong thời gian gần đây luôn ở mức cao, sát trần biên độ. Khi các đồng tiền khác trên thế giời đều giảm giá mạnh so với USD và VND vẫn được neo với USD thì các hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh do giá xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ tăng lên do tỷ giá quy đổi.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ có một đợt sóng đầu cơ ảnh 2

 Ông Lê Đắc An

Tỷ giá chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động của khối ngoại và yếu tố tác động chính sẽ không phải là việc tăng tỷ giá lần này mà là diễn biến tỷ giá trong thời gian sắp tới. Khi các động tiền khác đều mất giá hơn 10% so với USD, khi USD vẫn còn khả năng tăng giá tiếp nếu FED tăng lãi suất, khi nhập siêu của Việt Nam trong những tháng sắp tới vẫn có thể tiếp tục diễn ra thì tỷ giá VND/USD vẫn còn là rủi ro không lường trước. Chính sự không lường trước được này sẽ hạn chế dòng vốn ngoại đổ thêm vào thị trường Việt Nam.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)

Tỷ giá đồng Việt Nam được neo theo USD, trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, USD tăng giá rất mạnh và so với đỉnh đồng USD tăng tới 11%, so với mức hiện tại đồng USD tăng 5% so với đầu năm. Theo số liệu của Bloomberg, việc đồng USD tăng giá đã ảnh hưởng đến rất nhiều ngoại tệ khác, trong đó có VND. Tính theo giao dịch spot kể từ đầu năm đến nay, VND mất giá cỡ khoảng 1,35% so với USD. Bên cạnh đó, tỷ giá USD cũng đã có tín hiệu căng thẳng kể từ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố gói QE trị giá 1.100 tỷ euro. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN cũng là hợp lý hóa so với giao dịch thực tế trên thị trường.

Việc tỷ giá sớm tăng thêm 1% sẽ có những tác động nhất định tới nền kinh tế:

+ Mặt tích cực: hỗ trợ xuất khẩu làm hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, giữ được thị trường xuất khẩu chủ đạo và tiềm năng. Giảm thâm hụt thương mại, tạo biên độ phù hợp với diễn biến thị trường tránh tâm lý đầu cơ.

+ Mặt tiêu cực: Có thể tạo áp lực tăng lạm phát, tăng nợ công, tăng chi phí đầu vào của một bộ phận doanh nghiệp nhập khẩu, giảm sức hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài...

Biến động điều chỉnh tỷ giá trong năm nay theo dự phóng của chúng tôi sẽ không quá 3%, do đó về cơ bản điều đó không tác động quá lớn đến diễn biến chung của dòng tiền NĐT nước ngoài vào thị trường chứng khoán, nhưng sức hấp dẫn cũng giảm đi. Bởi thực tế, trong nửa đầu năm nay, biến động khó lường từ sự tăng giá của USD và giảm mạnh của Eur cũng khiến dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam giảm đi đáng kể, chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ.

Giá xăng cũng vừa tiếp tục tăng thêm gần 2.000 đồng/lít, lê 19.230 đồng/lít. Điều này tác động ra sao đến TTCK? Ở góc độ phân tích ngành, đâu là những DN được hưởng lợi và nhóm DN nào bị ảnh hưởng bởi giá xăng, theo các ông?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

Việc tăng giá xăng trở lại sau một thời gian điều chỉnh giảm kể từ quý III/2014 rõ rằng không phải tin tức tốt đối với TTCK. Ở Việt Nam, chúng ta hàng năm cũng phải nhập khẩu gần 70% xăng dầu cho mục đích tiêu dùng trong nước.

Việc giá xăng tăng cũng sẽ tác động ít nhiều đến các DN có yếu tố đầu vào sử dụng nguyên liệu xăng/dầu, như ngành vận tải biển, phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản... Còn ngược lại, những DN hưởng lợi từ việc tăng giá này cũng không nhiều, trong đó có thể kể đến các DN kinh doanh hoặc trong dây chuyền kinh doanh xăng dầu.

Ông Lương Biện Nhân Quyền, CTCK ACBS

Các công ty lớn thuộc nhóm ngành xăng dầu có khả năng tác động đến TTCK trong nước như GAS và PVD thì không chịu ảnh hưởng nhiều từ giá xăng dầu trong nước mà chịu ảnh hưởng từ giá dầu thế giới. Vì vậy, giá tăng tăng thêm gần 2.000 đồng/lít sẽ không ảnh hưởng nhiều đến TTCK trong nước, mà chỉ tác động đến từng nhóm ngành riêng lẻ.

 Ông Lương Biện Nhân Quyền

Việc tăng giá xăng, nhưng vẫn giữ nguyên giá dầu diesel cho thấy chi phí đầu vào ở các doanh nghiệp sản xuất không tăng, nên sẽ không ảnh hưởng đến nhóm này. Tuy nhiên, nhóm vận tải, mà đặc biệt nhóm kinh doanh vận tải nhẹ sẽ gặp những khó khăn ngắn hạn do chi phí đầu vào tăng nhưng giá cước sẽ không thể tăng ngay.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

Xăng dầu là yếu tố quan trọng trong ngành sản xuất, việc tăng giá xăng dầu đồng nghĩa chi phí đầu vào của một số ngành tăng cao, đẩy giá thành lên, qua đó tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát hiện tại đang ở mức thấp nên tăng giá xăng ở thời điểm này không gây biến động quá lớn tới vĩ mô.

Giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh trong thời gian qua cũng phần nào khiến giới đầu tư dự phòng trước khả năng sớm tăng giá xăng dầu trong nước. Do đó, ở phiên giao dịch 6/5 thị trường không phản ứng quá mạnh với thông tin này mà chỉ giảm nhẹ. Ở góc độ phân tích ngành, việc giá xăng tăng tác động tích cực đến nhóm dầu khí khi GAS, PVD, PVG, PGS, trong khi nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực là nhóm sử dụng xăng dầu là nguyên liệu đầu vào như phân đạm, vận tải.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI)

Giá xăng tăng thêm là một thông tin không tích cực tối với thị trường do làm tăng chi phí đầu vào của tất cả các doanh nghiệp. Nhưng chí ít thì trong ngắn hạn thị trường chứng khoán sẽ không chịu rủi ro từ thông tin tăng giá xăng nữa, nhờ vậy, dòng tiền đầu cơ có thể chủ động hơn trong việc tham gia thị trường, tránh được rủi ro từ chính sách.

Xăng là nhiên liệu đầu vào trực tiếp cho nhiều ngành kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của tất cả các ngành chính, vì vậy tăng giá xăng sẽ không giúp doanh nghiệp nào hưởng lợi ngoài việc tăng thu ngân sách bù vào thâm hụt đang tăng nhanh. Nhìn chung, về dài hạn, giá xăng cao sẽ làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)

Theo quan sát của chúng tôi, việc giá xăng tăng sẽ tạo áp lực lạm phát tăng trở lại trong những tháng tới. Cùng với đó, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến lãi suất có thể sẽ không giảm được hơn nữa mà sẽ nghiêng về khả năng tạo đáy và đi lên nhiều hơn. Diễn biến này sẽ tác động không mấy tích cực tới TTCK nhất là sẽ làm gia tăng chi phí cho nhiều doanh nghiệp trên sàn niêm yết. Trên thực tế, thông tin tăng giá xăng và tỷ giá có vẻ như phản ánh sớm vào thị trường tạo nên phiên giảm mạnh vào ngày 4/5 vừa qua.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ có một đợt sóng đầu cơ ảnh 4

 Ông Trần Hoàng Sơn

Xét ở góc độ ngành, việc giá xăng dầu tăng trở lại có tác động tiêu cực bởi làm gia tăng chi phí trực tiếp tới đa số các doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu cho hoạt động vận tải, vận hành nhà máy và gián tiếp ngay tới các lĩnh vực dịch vụ liên quan. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi gần như là rất ít và chủ yếu là liên quan đến kinh doanh xăng dầu mà thôi.

Một số CTCK đưa ra kịch bản, trong ngắn hạn, TTCK sẽ dao động trong biên độ hẹp 540-560 với động lực xoay quanh nhóm dầu khí, ngân hàng và một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Vậy trong ngắn hạn, đâu là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên quan tâm?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

Thị trường hiệu nay vẫn đang biến động quanh mốc 555 điểm với thanh khoản thấp. Mặc dù có những phiên phục hồi tốt ở tuần qua, nhưng dường như thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro khi việc có thể sụt giảm tiếp về mốc thấp hơn (thanh khoản ở các phiên tăng điểm không cao mà giảm đi), do vậy, mặc dù vẫn như phải thời điểm giải ngân của các nhà đầu cơ ngắn hạn, nhưng cũng là lúc chúng ta khoanh vùng và lọc ra các cổ phiếu tốt để chuẩn bị giải ngân mạnh khi mà thị trường có tín hiệu đảo chiều.

 Một số nhóm cổ phiếu đáng lưu ý là các bluechips giảm mạnh trong thời gian qua và đang có dấu hiệu phục hồi trở lại như BVH, DPM..., hoặc nhóm cổ phiếu ngân hàng khi đang diễn biến giá tốt, kèm theo động thái giải ngân mạnh từ phía khối ngoại. Bên cạnh đó là một nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản, xây dựng hạ tầng hoặc dệt may cũng là những cổ phiếu nhà đầu tư nên lưu ý.

Ông Lương Biện Nhân Quyền, CTCK ACBS

Hiện tại, tôi vẫn cho rằng, thị trường sẽ đi ngang trong vùng từ 545 - 585 điểm cho đến cuối quý II với động lực là nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ. Trong giai đoạn đi lên vùng kháng cự 585 điểm, TTCK trong nước cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định khi gặp vùng kháng cự 517-573 điểm.

Trong giai đoạn giá dầu (Brent) hồi phục từ mức 53 USD/thùng đến 70 USD/thùng, nhóm cổ phiếu dầu khí mà dẫn đầu là GAS và PVD đã hồi phục khá mạnh và dẫn dắt giai đoạn tăng trên VN-Index từ 537 - 572 điểm. Hiện tại, giá dầu thế giới  đã điều chỉnh giảm từ mức kháng cự mạnh 70 USD/thùng, nhiều khả năng giá dầu thế giới sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới với các mục tiêu nằm tại 60 USD/thùng và 53USD/thùng.

Trong trường hợp giá dầu phá mức hỗ trợ 53 USD/thùng sẽ cho thấy giá dầu đã quay trở lại xu hướng giảm và nhiều khả năng sẽ tiếp tục rớt xuống dưới 45 USD/thùng (mức thấp nhất của năm 2014). Vì vậy, nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ khó có thể tiếp tục đi lên trong thời gian tới, mà ngược lại, sẽ có những đợt điều chỉnh sâu.

Đợt phục hồi từ 553 lên vùng 580-585 sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu trung bình và nhỏ và sẽ đi kèm với nhiều rủi ro. Nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng với thị trường có độ rủi ro cao ở thời điểm hiện tại mà tốt nhất là không nên sử dụng đòn bẩy. Ngoài ra, thanh khoản của thị trường đang nằm ở mức khá thấp, vì vậy, một phiên có thanh khoản cao đột biến (dù thị trường có tăng hay giảm) cũng là chỉ báo cho thấy lực bán đang gia tăng, khi đó cũng là lúc nhà đầu tư nên thoát ra khỏi thị trường.

So sánh giữa các nhóm vốn hoá trong tuần

Chỉ số

% Tăng/Giảm

VNINDEX

-1,41

VN30

-1,73

VNMidcap

-2,09

VNSmallcap

-3,29

So sánh giữa các nhóm vốn hoá trong phiên cuối tuần 

Chỉ số

% Tăng/Giảm

VNSmallcap

1,15

VNINDEX

0,28

VNMidcap

0,25

VN30

0,09

Diễn biến của các nhóm vốn hoá trong thời gian gần đây cho thấy thị trường đang dịch chuyển từ tính dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn sang nhóm cổ phiếu có vốn hoá nhỏ. Điều này cho thấy, mặc dù thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng vùng đỉnh cũng đang nằm khá gần và đi kèm với rủi ro tăng cao.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

Sau phiên giảm mạnh ngày 4/5 do chủ yếu thông tin Biển Đông và ảnh hưởng của OGC, thị trường đã phục hồi nhẹ trong 4 phiên gần đây, tuy nhiên mức độ phục hồi chưa lấy lại được những gì đã mất trong phiên 4/5.

Nhìn chung, dòng tiền hiện tại đang khá thận trọng, trong bối cảnh quy mô giao dịch của khối ngoại cũng sụt giảm, sự kiện cổ phiếu OGC cũng ảnh hưởng không chỉ tâm lý nhà đầu tư mà còn gây nên tình trạng giải chấp ở nhiều cổ phiếu khác. Do đó, biến động tích cực của VN-Index là giằng co trong biên độ hẹp với ngưỡng kháng cự là 560 điểm và hiện tại kỳ vọng nhóm có giao dịch tích cực là nhóm vốn hóa lớn như dầu khí (ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng).

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Sẽ có một đợt sóng đầu cơ ảnh 5

 Ông Nguyễn Vũ Phong

Do thanh khoản còn ở mức thấp và rủi ro ngắn hạn cao, nên tôi không khuyến nghị mua vào trong giai đoạn này. Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn có quan tâm một mức độ nhất định đến nhóm ngành được hưởng lợi từ điều chỉnh tăng tỷ giá và giá xăng dầu như thủy sản, dầu khí, may mặc; tuy nhiên ảnh hưởng này chỉ tác động ít đến giá do biến động của giá cổ phiếu vẫn phụ thuộc vào xu thế chung của thị trường.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI)

Cá nhân tôi cho rằng, trong ngắn hạn sẽ có một đợt sóng đầu cơ. Nhóm dầu khí sẽ nhận được sự hỗ trợ từ diễn biến giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhận được sự hỗ trợ từ dòng vốn ngoại, còn nhiều cổ phiếu đầu cơ khác sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm Nhà tạo lập thị trường tự phát.

Khi thị trường có sóng thì sẽ có nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư, rủi ro có thể gặp phải là những diễn biến bất ngờ từ phía doanh nghiệp như kết quả kinh doanh không thuận lợi, ban lãnh đạo bán cổ phiếu, vi phạm pháp luật, kiện tụng, tranh chấp...

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)

Về cơ bản, thị trường vẫn đang sideway trong một kênh hẹp quanh vùng 540-560, tuy nhiên lực cầu yếu khả năng thị trường vẫn chưa thể vượt ra ngoài vùng dao động này.

Bên cạnh đó, chúng tôi lo ngại về diễn biến bong bóng chứng khoán tại TTCK Trung Quốc đang có tín hiệu diễn ra trong thời gian gần đây. Trong trường hợp xấu và ảnh hưởng từ diễn biến này lan rộng, có thể sẽ ảnh hưởng đến TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi tạm đưa ra hai kịch bản cho ngắn hạn:

(1) Nếu ảnh hưởng từ TTCK Trung Quốc lan rộng, VN-Index giảm xuống dưới hỗ trợ fibonacci Retracement 38.2% tương ứng 540 điểm thì khả năng áp lực bán sẽ tăng lên và thị trường có thể tiệm cận đáy trung hạn quanh vùng 510+/-. Đây là kịch bản xấu và chúng ta nên dự phòng khả năng này diễn ra trong ngắn hạn.

(2).Trường hợp NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng và hỗ trợ thị trường, có thể xảy ra kịch bản lạc quan hơn đó là sideway hẹp với mức đáy kỹ thuật 540 +/- được xác lập và và hồi phục đi lên dần đều.

Nhóm cổ phiếu nên quan tâm và xem xét mua nếu xuất hiện các phiên giảm mạnh gồm ngân hàng (BID, CTG, MBB…), ôtô phụ tùng (HHS, SVC, ST8, HTL…), vật liệu xây dựng (HT1, BCC, CVT…), thủy sản (VHC, FMC…), dệt may (TNG, TCM..), bất động sản, xây dựng (KBC, HLD, HBC…).

Tin bài liên quan