Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những cổ phiếu được kỳ vọng tạo sóng kết quả kinh doanh quý I

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những cổ phiếu được kỳ vọng tạo sóng kết quả kinh doanh quý I

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quý đầu tiên của năm 2021 chuẩn bị đi qua, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nào được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt và cổ phiếu sẽ tạo sóng kết quả kinh doanh quý I? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán.

Thị trường trải qua một tuần giao dịch với tâm lý lưỡng lự, thận trọng của nhiều nhà đầu tư. Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận tăng 13 điểm trong tuần, vượt qua ngưỡng 1.180 điểm. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng tuần tới?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS

Dù thị trường tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp, nhưng vẫn trong xu hướng dao động đi ngang và kéo dài sang phiên thứ 16. Phiên giảm nhẹ cuối tuần là kết quả khi thị trường thử thách cận trên của vùng dao động. Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và nhóm cổ phiếu bluechips cũng kém tích cực so với phiên trước đó.

Kịch bản để thị trường bứt phá khỏi vùng dao động tích lũy lúc này đang gặp khó khi dòng tiền vào thị trường bị giới hạn. Mặc dù chứng khoán thế giới vượt đỉnh, khối ngoại giảm bán ròng, cho đến các giải pháp khắc phục việc nghẽn hệ thống đang có triển vọng…, thì việc thị trường vượt đỉnh để bước vào sóng tăng mới cũng là phù hợp, tuy vậy cho đến khi các giải pháp xóa nghẽn hệ thống đi vào thực tiễn thì kịch bản dao dộng trong vùng tích lũy để tạo đà vượt đỉnh cũng là diễn biến tích cực cho thị trường trong tuần tới.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tuần trước tôi dự báo tăng và tuần tới vẫn vậy. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được thông tin về vắc xin, cũng như diễn biến giá chứng khoán thế giới hỗ trợ, tuy nhiên tuần qua VN-Index có vẻ như bị dẫn dắt, bị đè liên quan đến câu chuyện nghẽn lệnh tại HOSE. Một khi đã có cách xử lý, thì VN-Index sẽ chạy thôi.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Xu hướng vẫn rất là khó ở vùng kháng cự 1.200 điểm, thậm chí hơn mức đó một chút dù thị trường có vượt 1.180 điểm cũng không có ý nghĩa nhiều, vì vùng 1.200 này quá mạnh.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Trong lịch sử có 3 lần giá tiếp cận vùng này là 2007, 2018 và 2021 nhưng chỉ có 1 lần 2018 vượt được một chút rồi lại rớt. Do đó, nếu giá vẫn nằm dưới vùng này khả năng sẽ đến một lúc thị trường tiêu cực hơn do tâm lý nhà đầu tư xấu đi trong bối cảnh nhà đầu tư F0 vẫn đang là chủ đạo trên thị trường chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì bán ròng.

Với dòng tiền yếu hơn hẳn giai đoạn đầu năm thì khó kỳ vọng thị trường vượt được vùng kháng cự này trong thời gian ngắn sắp tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Trái ngược với một số quan điểm tiêu cực nhận định về diễn biến sụt giảm bất ngờ của thị trường, quan điểm xuyên suốt của tôi đó là thị trường đang tích lũy tích cực, vận động biên độ hẹp và để cuối cùng sẽ tăng điểm vượt đỉnh 1.200 điểm.

Có lẽ điểm "bùng phát" có thể sắp đến gần khi dòng tiền vẫn đang khá mạnh mẽ trong bối cảnh khối ngoại bán ròng. Dù thế nào đi nữa, tuần tới vẫn là tuần giao dịch đầy hứng khởi của thị trường.

Thị trường nếu chưa tăng vượt đỉnh ngay thì đâu đó vẫn là nhiều nhóm cổ phiếu, những cổ phiếu đang có những lợi thế, triển vọng doanh thu, lợi nhuận quý I/2021 tốt.

Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ lạm phát chung của thị trường thế giới có tác động nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam, khi giá nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS

Sự gia tăng hàng hóa cơ bản cùng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ làm dấy lên mối lo lạm phát, tuy vậy điều đáng chú ý là các ngân hàng trung ương đến thời điểm này vẫn còn lạc quan hơn thị trường về vấn đề lạm phát.

Bên cạnh đó, dù thị trường hàng hóa đang có xu hướng tăng, nhưng các thị trường chứng khoán thế giới cũng đang vượt các đỉnh cao mới, điều đó cho thấy nhà đầu tư nhìn nhận việc gia tăng hàng hóa cơ bản phản ánh kỳ vọng kinh tế phục hồi, tuy nhiên nhu cầu vẫn chưa trở lại mức bình thường như thời kỳ trước đại dịch.

Thị trường trong nước thời gian vừa qua mặc dù trong xu hướng đi ngang tích lũy, nhưng nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có mức tăng tốt như cổ phiếu thép, dầu khí, cao su…

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ là có, nhưng nó chưa đến ngay. Báo cáo tài chính quý I năm nay của các doanh nghiệp có lẽ vẫn tích cực nhờ mặt bằng năm ngoái thấp, cũng như triển vọng tích cực của 2 tháng đầu năm. Yếu tố lạm phát, hay đúng hơn là giá cả nguyên vật liệu tăng trên thế giới có lẽ sẽ tác động mạnh hơn vào quý II.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Xu hướng này chỉ mới bắt đầu nên nếu kinh tế tăng trưởng tốt và chính sách kiểm soát tốt thì không đáng lo, thậm chí là tích cực nếu thu nhập trong nền kinh tế tăng lên.

Tuy nhiên, nếu dòng tiền vẫn tập trung nhiều ở các tài sản đầu cơ và nền kinh tế nhận được ít lợi ích thì cần chính sách mạnh hơn và điều này có thể làm ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán khi mà các dòng tiền chảy vào thị trường sẽ bị hạn chế.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Câu chuyện lạm phát vẫn luôn là nguyên nhân tác động đến mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Nhưng chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ vẫn bị ảnh hưởng nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng lạm phát.

Trong những năm gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc hay ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục kéo dài hay chưa kể việc thay đổi chính sách tiền tệ của các nước lớn như Mỹ, Nhật, ECB...

Chúng ta vẫn phải nhìn vào thực tế là thị trường chứng khoán vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều thông tin tiêu cực, tích cực và cũng khó có thể đo lường mức độ ảnh hưởng như thế nào. Nếu những điều mà các nhà đầu tư lo ngại như câu chuyện lạm chung của nền kinh tế thế giới đang có xu hướng gia tăng thì cũng dễ hiểu.

Việc thị trường chưa thể vượt đỉnh cũng như tâm lý nhà đầu tư vẫn khá dao động chưa thực sự quyết tâm hoặc lo ngại việc thị trường điều chỉnh sâu cũng đã dẫn đến động thái đợi chờ tín hiệu từ sự bứt phá của thị trường. Như vậy, có quá nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến diễn biến tăng giảm của thị trường chứng khoán.

Dù sao, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh cũng tác động không nhỏ đến thị trường tài chính, kinh tế toàn cầu. Có đáng lo ngại việc các tổ chức rút vốn tại các thị trường chứng khoán, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS

Trong ngắn hạn, giá hàng hóa đang có dấu hiệu tăng cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, điều này làm chi phí vay dài hạn cao hơn và làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu, làm suy yếu dòng vốn vào các thị trường Emerging.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại trong năm 2021, trong đó tăng trưởng quý I/2021 có thể vượt cả những kỳ vọng lạc quan nhất cũng có thể là yếu tố làm dòng vốn quay trở lại Mỹ.

Nhìn về dài hạn, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sự phục hồi kinh tế của châu Á được dự đoán sẽ vượt xa Mỹ vì các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của khu vực châu Á có thể tăng trưởng hơn 8% vào năm 2021, nhanh gần gấp đôi so với các quốc gia phát triển bao gồm cả Mỹ.

Thị trường khu vực châu Á vốn tập trung nhiều các cổ phiếu mang tính chu kỳ, qua đó sẽ được hưởng lợi từ sự tăng tốc phục hồi toàn cầu và sẽ thu hút được dòng vốn ngoại quay lại thị trường.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Câu chuyện lợi suất trái phiếu tăng, vốn đã gây ra 1 cú sụt lớn ở các chỉ số chứng khoán Mỹ cuối tháng 2, nhưng rồi chứng khoán họ vẫn tăng tiếp đó thôi. Trong ngắn hạn, tôi nghĩ chưa phải lo, nhưng qua quý II thì có.

Ông Hoàng Thạch Lân

Ông Hoàng Thạch Lân

Thực tế, câu chuyện đó phản ánh một yếu tố, gọi là nhà giàu chạy trước, tức là những nhà đầu tư chuyên nghiệp thường nhìn xa hơn cá nhân và biết rút dần vốn một khi rủi ro tăng lên. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đang bị "chiếm đóng" bởi nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, F0..., nhưng được tập hợp lại, đoàn kết với nhau và liên tục đẩy giá cổ phiếu tăng. chỉ là kiểu đoàn kết này không biết bền được tới bao lâu nữa.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Điều này là hiện hữu không chỉ riêng vấn đề này, bởi vì dòng tiền cũng đang bị thu hút bởi các kênh khác trên trên giới như bất động sản, hàng hóa năng lượng như dầu khí, phát triển doanh nghiệp, và cả tiền mã hóa sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền hút vào thị trường chứng khoán bên cạnh yếu tố lợi suất trái phiếu chính phủ đang tăng.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Việc các tổ chức rút vốn, khối ngoại bán ròng rõ ràng là tín hiệu không tốt. Khối nội đang "cân cả bản đồ" dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán cũng không phải là hiện tượng mới mẻ.

Dù sao thị trường có vượt đỉnh để lên các điểm cao mới không cũng phụ thuộc phần nhiều vào diễn biến giao dịch mua ròng của các nhà đầu tư tổ chức. Có lẽ chúng ta cần thêm thời gian để chứng kiến điều mà chúng ta luôn tin tưởng.

Thị trường luôn diễn ra sự phân hóa và sự phân hóa càng tăng tại các thời điểm các doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý, năm… Nếu kỳ vọng sóng cổ phiếu lợi nhuận quý I/2021 tốt, thì đâu là những cái tên sáng giá, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS

Nhà đầu tư đang duy trì mua những cổ phiếu được cho sẽ hưởng lợi nhiều từ nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ khi mở cửa trở lại, cùng với xu hướng tăng của giá hàng hóa cơ bản.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVS, BSR), nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính (ngân hàng, chứng khoán), nhóm cổ phiếu thép (HPG, NKG, SMC), nhóm cổ phiếu cao su (DRI…), nhóm cổ phiếu hàng không, du lịch, khách sạn (VJC, SKG…), bán lẻ (MWG, PNJ…)…

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Theo tôi là các ngành năng lượng, công nghê, vận tải, du lịch, khách sạn sẽ phục hồi mạnh hơn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Các cổ phiếu hàng đầu nhóm ngành ngân hành, hóa chất, thép, dịch vụ chứng khoán, dầu khí, bất động sản... luôn là những cổ phiếu nhận được sự quan tâm lớn từ phía các nhà đầu tư có thể lấy ví dụ như các cổ phiếu như: FPT, CTR, HPG, HSG, VPB, TCB, CTD, NVL, GAS, PVS, CII...

Tin bài liên quan