Trong tuần qua, thông tin xung đột vũ trang Nga – Ukraine khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng, nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh bán giá thấp. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy cũng hoạt động tích cực, hấp thụ lượng lớn lực cung giá thấp. Ông/bà dự báo như thế nào về diễn biến thị trường trong tuần tới?
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Diễn biến xung đột vũ trang Nga – Ukraine thực tế chỉ ảnh hưởng gián tiếp kinh tế đến Việt Nam, với nguy cơ lạm phát năm 2022 cao hơn dự kiến, nhất là khi mức tăng của giá dầu thế giới nhanh hơn rất nhiều so với 2 đợt tăng giá xăng trong nước gần đây.
Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều không phải bạn hàng quan trọng của Việt Nam, chỉ chiếm chưa đến 1,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021. Theo đó, tôi cho rằng, tâm lý nhà đầu tư sẽ dần ổn định trở lại trong tuần tới, VN-Index duy trì xu hướng tích lũy trong vùng 1.475 – 1.515 điểm.
Trong trường hợp diễn biến căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và vượt ra khỏi lãnh thổ Ukraine, thị trường có thể điều chỉnh sâu hơn dự kiến và mất mốc 1.400 điểm.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, CTCK TP. HCM (HSC)
Bối cảnh chung khi bước vào tuần sau:
Tích cực |
Tiêu cực |
· Sự phục hồi của nền kinh tế hậu Covid · Dòng tiền dồi dào từ nhà đầu mới gia nhập thị trường và margin · Nước ngoài trở lại mua ròng |
· Ẩn số từ xung đột chính trị hiện tại ở Ukraine · Ẩn số từ yếu tố liên thị trường trong bối cảnh lạm phát toàn cầu. Thị trường thế giới diễn biến xấu · Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng, chú ý vấn đề thanh khoản hệ thống - Diễn biến dịch trong nước trong giai đoạn rất “căng” |
Trong bối cảnh đó, xung đột vũ trang ở Ukraine là rất khó dự báo diễn biến tiếp theo và sự ảnh hưởng, tuy nhiên, nhiều thị trường lớn, trong đó có Mỹ và châu Âu đồng loạt hồi phục mạnh vào cuối tuần khiến tâm lý lo ngại chung có phần vơi đi.
Thị trường dù không có sự kiện ở Ukraine trước đó cũng đã cho thấy sự suy yếu khi tiệm cận vùng đỉnh 1.520 - 1.530, thanh khoản – lực mua lên rất kém ở vùng giá cao. Mặt khác lực cầu bắt đáy rất ổn ở vùng tích lũy trước Tết quanh 1.480.
Do đó kịch bản khả năng cao trong bối cảnh biến động mạnh, đan xen giữa tin xấu và tốt như hiện tại là trạng thái đi ngang, với những phiên tăng giảm bất ngờ trong khung biến động 1.480-1.520.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Ông Phan Dũng Khánh |
TTCK trong nước chỉ bị ảnh hưởng tiêu cực khá nhẹ so với TTCK quốc tế và các kênh tài chính khác. Ví dụ như chứng khoán Mỹ hay TSS đều giảm mạnh nhưng TTCK trong nước chỉ bị giảm 1 phiên rồi bật tăng lại ngay hôm sau bất chấp chiến sự vẫn đang diễn ra.
Khi Nga và Ukraina leo thang căng thẳng từ cuối năm ngoái thì giá đã phản ánh phần nào từ trước rồi. Mức giảm của ngày giảm điểm trong tuần vừa qua cũng nhẹ hơn rất nhiều so với thị trường các nước khác. Một số ngành nghề, lĩnh vực như năng lượng, tiêu dùng... còn đi ngược lại thị trường.
Nhìn chung tuần qua, TTCK trong nước tích cực hơn nhiều so với quốc tế. Trong tuần tới, nếu không có những thông tin quan trọng khác mà thị trường cũng đang quan tâm như Fed hay chiến sự không có diễn biến đặc biệt thì nhìn chung TTCK sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực do hầu hết thông tin đã được dự báo trước.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Diễn biến điều chỉnh của TTCK hiện nay vẫn cần thận trọng bởi biến động của chỉ số VN-Index ở vùng điểm nhạy cảm 1.500 - 1.520 điểm. Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, các chính sách tiền tệ của FED thay đổi sắp tới cũng là điểm cần lưu ý và cân nhắc.
Cho dù việc khả năng TTCK có thể có dao động khả quan tuần tới vẫn có thể diễn ra. Xu hướng hồi phục tăng điểm của TTCK có thể xảy ra đây không phải giai đoạn quá sợ hãi để bán tháo cổ phiếu cũng như quá tự tin để mua giải ngân nhiều cổ phiếu - giai đoạn này phù hợp với việc sàng lọc các cơ hội đầu tư.
Thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của Fed, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới không, theo các ông/bà?
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Kế hoạch tăng lãi suất của Fed vào tháng 3 có thể mở ra xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là khi tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Tuy vậy, với độ trễ trong việc thực thi chính sách tiền tệ và quyết tâm kiểm soát lạm phát ổn định của Chính phủ, NHNN nhiều khả năng sẽ đứng ngoài xu hướng này. Tác động đến TTCK Việt Nam do vậy sẽ chỉ mang tính ngắn hạn, việc chỉ số VN-Index điều chỉnh nếu xảy ra là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với giá rẻ.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, CTCK TP. HCM (HSC)
Các kỳ họp của Fed tất nhiên luôn gây tác động lớn đến thị trường tài chính toàn cầu. Sẽ rất thú vị trong kỳ họp sắp tới, bởi lẽ ai cũng muốn xem động thái của Fed thế nào khi xung đột vũ trang ở Ukraine ngày càng phức tạp
Tuy nhiên trong thời gian qua, thị trường tài chính thế giới dần phản ứng phần nào trước kỳ vọng tăng lãi suất, do đó nếu không có quan điểm “diều hâu” bất ngờ nào mới nữa, thị trường sẽ không phản ứng quá mạnh.
Thị trường Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Fed, tuy nhiên lạm phát trong nước với bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao sẽ là câu chuyện rất trực tiếp mà thị trường phải đối mặt.
Ông Bùi Văn Huy |
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Chắc chắn là có và đây có thể xem là thông tin mà thị trường quan tâm nhất. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, yếu tố này cũng ảnh hưởng vào giá và VN-Index cũng đã xoay quanh mốc 1.500 suốt 4 tháng qua. Tình huống có thể tiêu cực hơn nếu Fed hành động mạnh tay hơn dự báo hoặc sẽ tích cực nếu Fed không làm gì cả, giữ nguyên chính sách như hiện tại.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Tôi nghĩ rằng là có nhưng mức độ ít nhiều thế nào mà thôi - các ngân hàng trung ương lớn của các nước phát triển cũng hay có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ theo chân của FED - các nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ...
Có lẽ, việc điều chỉnh tăng lãi suất của FED lại là lý do động lực của dòng tiền dịch chuyển từ các TTCK phát triển sang các TTCK cận biên, mới nổi...
Nhóm dầu khí và phân bón có tuần khởi sắc nhờ giá dầu thô Brent tăng mạnh lên trên 100 USD/thùng do căng thẳng địa chính trị. Chuyển động của 2 nhóm cổ phiếu này trong tuần tới cũng nhận được sự quan tâm của thị trường. Ông/bà có những đánh giá như thế nào đối với nhóm cổ phiếu này?
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Việc giá dầu Brent duy trì ở mức cao là xu hướng dài hạn khi nhu cầu sử dụng năng lượng tăng nhờ việc nới lỏng chiến lược phòng chống Covid-19 trên toàn cầu. Tuy vậy, diễn biến ngắn hạn lại khá nhạy cảm khi phụ thuộc vào các diễn biến tại xung đột vũ trang Nga – Ukraine và lượng cung tăng lên khi các thành viên của IEA thống nhất hành động nhằm duy trì an ninh năng lượng toàn cầu.
Nhà đầu tư do vậy có thể cân nhắc tham gia nhóm dầu khí và phân bón với tỷ trọng thấp và chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản trước rủi ro điều chỉnh của thị trường.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, CTCK TP. HCM (HSC)
Đầu tiên cần khẳng định trong thời gian qua, giá hàng hóa neo cao, Fed phát ra tín hiệu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và nếu nhìn góc nhìn kinh tế, điều này không tốt cho thị trường hàng hóa.
Giá dầu, giá khí tăng cao hiện tại chủ yếu xuất phát từ xung đột Nga – Ukraine. Diễn biến xung đột rất khó đoán, do đó diễn biến giá dầu cũng rất khó đoán. Đánh theo giá dầu hiện tại là đánh cược kiểu “lợi nhuận cao – rủi ro cao”.
Cá nhân tôi không thích “rủi ro cao” và những yếu tố mình không kiểm soát được khi đầu tư (như diễn biến chính trị Ukraine hiện tại), do đó không khuyến nghị khách hàng tham gia các nhóm này. Tuy nhiên, không phủ nhận hiện thị trường thế giới và cả trong nước đang sốt với giá dầu. Tóm lại, nếu tham gia cần xác định đây là cuộc chơi rủi ro cao. Về lâu về dài, giá dầu neo cao không tốt cho nền kinh tế toàn cầu.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Khả năng 2 nhóm này vẫn tích cực nhưng mức độ sẽ yếu đi phần nào khi việc sử dụng năng lượng có thể chuyển dần sang các nguồn năng lượng thay thế và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, với thị trường động thái chốt lời cũng như các thông tin ủng hộ giá dầu đã có từ trước cũng sẽ phần nào làm giảm đi sự tích cực của nhóm này trong ngắn hạn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Triển vọng doanh thu, lợi nhuận của các nhóm cổ phiếu này được dự báo là khả quan trong năm 2022. Triển vọng dư địa tăng giá vẫn còn bên cạnh những nhóm triển vọng như cảng biển, tiêu dùng, tiện ích, bán lẻ, dịch vụ tài chính...
Với diễn biến của thị trường như hiện tại, nhà đầu tư nên chọn phương án đầu tư như thế nào để hạn chế rủi ro và có thể tối ưu được lợi nhuận? Nếu nói về cơ hội, đâu là nhóm cổ phiếu cần lưu ý?
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)
Ông Đào Tuấn Trung |
Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền ở mức cân bằng khi thị trường đang đối mặt nhiều yếu tố khó đoán định như căng thẳng Nga-Ukraine và cuộc họp của Fed.
Các nhóm ngành được đánh giá khả quan bao gồm nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may, gỗ…); hưởng lợi từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công (xây dựng hạ tầng, xây dựng dân dụng, bất động sản) và ngành ngân hàng.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, CTCK TP. HCM (HSC)
Với diễn biến hiện tại, chiến lược đầu tư phù hợp:
- Mua thấp – bán cao. Mua trong những phiên thị trường hoảng loạn và giảm về hỗ trợ, bán khi thị trường hưng phấn và áp sát vùng kháng cự (đỉnh cũ). Vùng giao dịch dự kiến là 1.480 - 1.520.
- Quản trị rủi ro thật chặt khi giao dịch trong bối cảnh biến động mạnh.
Về nhóm ngành cần quan tâm, cá nhân tôi cho rằng vẫn duy trì quan điểm xuyên suốt các nhóm ngành cho năm 2022 bao gồm:
- Nhóm bất động sản, xây dựng, hạ tầng… hưởng lợi từ đầu tư công và lãi suất thấp;
- Nhóm ngành Ngân hàng: ngoài những cổ phiếu phân hóa và có câu chuyện riêng thì ngân hàng là tiêu biểu cho chiến lược mua thấp – bán cao ở thời điểm hiện tại;
- Nhóm phục hồi hậu Covid: Bán lẻ, thủy sản, hàng tiêu dùng thiết yếu;
- Các nhóm ngành phòng thủ, bảo vệ danh mục trước rủi ro lạm phát: Tiện ích (điện, nước…), dược phẩm;
- Cổ phiếu dầu khí: nếu chấp nhận rủi ro cao;
- Hạn chế giao dịch cổ phiếu mang tính chu kỳ, đã qua đỉnh một cách rõ rệt.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể lướt sóng những nhóm cổ phiếu đang có trend và hút được dòng tiền nhưng nên chia danh mục ra và bổ sung thêm những cổ phiếu phòng thủ, có yếu tố nền tảng đồng thời hạn chế tối đa việc vay mượn, margin vào lúc này.
Với nhóm nhà đầu tư trung dài hạn thì đây là thời điểm cơ cấu danh mục đầu tư vào những mã có cơ bản tốt để nắm giữ dần. Tuy nhiên, phương pháp nên sử dụng là bình quân giá chi phí đầu tư theo thời gian (DCA) chẳng hạn chứ không nên tất tay kể cả việc không sử dụng đòn bẩy.
Nhà đầu tư cần có 1 “bộ lọc” bằng những đánh giá dựa trên kiến thức của mình, kiến thức đó có thể là các phương pháp như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, phân tích dòng tiền, đầu tư giá trị hay kỹ năng lướt sóng… đều tốt cả nhưng ra chiến trường có vũ khí còn hơn không có gì trong tay thậm chí áo giáp trên người cũng không thì rất nguy hiểm.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Chiến lược giao dịch linh hoạt bao gồm chọn kỹ cổ phiếu ở mức định giá rẻ, hấp dẫn - nắm giữ 1 tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hợp lý.