Sau một thời gian tăng khá nóng, áp lực điều chỉnh đang tập trung vào nhóm cổ phiếu mang tính thị trường như DLG, HQC, ITA, LDG, MCG… Nhiều dự báo cho thấy, rủi ro đảo chiều đối với nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp diễn. Quan điểm của ông/bà?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Đúng là thời gian qua dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp, cổ phiếu đầu cơ khiến cho nhiều mã tăng khá nóng, có mã tăng 50 - 100%. Thông thường sau một giai đoạn tăng nóng thì việc hiện thực hóa lợi nhuận của nhà đầu tư tại các mã này tất nhiên sẽ diễn ra.
Chúng tôi nhận thấy trong một số phiên gần đây, áp lực bán tại nhóm cổ phiếu này đang tăng dần đặc biệt là trong phiên cuối tuần, thị trường chứng kiến dòng tiền đang có xu hướng chảy mạnh sang các cổ phiếu vốn hóa lớn, sau đó là nhóm midcap và smallcap, điều này sẽ làm cho rủi ro điều chỉnh tại các mã penny sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch tới.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Nhóm cổ phiếu đầu cơ đã tăng khá mạnh trong giai đoạn trước, ban đầu chỉ xuất phát từ một số cổ phiếu có nền tăng cơ bản tốt, hoặc có kế hoạch chuyển nhượng dự án để tái cấu trúc như DXG, VPH, PDR, QCG..., sau đó lan tỏa mạnh sang các cổ phiếu khác có nền tảng cơ bản yếu hơn hoặc không có thông tin hỗ trợ.
Khi sự hưng phấn lên cao thì đồng nghĩa với việc vùng đỉnh đã đến khá gần. Tuy vậy, tôi cho rằng các cổ phiếu này sẽ không đảo chiều giảm ngay, thay vào đó sẽ bước vào giai đoạn phân phối chậm.
Ông Trần Đức Anh, Phòng phân tích, CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chỉ số Vn-Index trải qua giai đoạn tăng điểm khá tốt từ đầu năm đến nay, tuy nhiên nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ như DLG, HQC, ITA, MCG... mới tăng điểm trong giai đoạn 1, 2 tháng trở lại đây với biên độ tăng khá đột biến trong thời gian ngắn.
Lý giải cho hiện tượng trên, tôi cho rằng, sau giai đoạn tăng điểm kéo dài của chỉ số VN-Index (hơn 5 tháng liên tiếp), nhóm các cổ phiếu cơ bản tốt đã tăng lên vùng giá cao và trở nên kém hấp dẫn.
Ông Trần Đức Anh
Dòng tiền tím đến nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ, chưa tăng giá, đặc biệt các mã có lịch sử giá biến động mạnh nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Mặc dù trong số này vẫn có những mã cổ phiếu thực sự có chuyển biến tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, tuy nhiên phần đông tăng giá là do phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại và đà tăng khó có thể bền vững và kéo dài.
Nhìn chung, tôi cho rằng, rủi ro đảo chiều giảm điểm ở nhóm cổ phiếu này là hiện hữu và nhà đầu tư không nên thực hiện hoạt động mua vào ở vùng giá cao, trừ khi nắm được các thông tin tích cực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Nhóm vốn hóa lớn vẫn đang đóng vai trò nâng đỡ thị trường và thu hút dòng tiền. Nhưng xét về tổng thể, thị trường chung có thể còn tiếp tục biến động và khả năng test lại ngưỡng hỗ trợ 725 điểm khá cao. Trong ngắn hạn, đâu là chiến lược đầu tư phù hợp để giảm rủi ro, theo các ông/bà?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Trên góc nhìn kỹ thuật, với việc VN-Index tăng điểm liên tiếp 4 tuần gần đây với mức tăng sau các tuần có xu hướng mạnh dần lên. Thanh khoản trên thị trường cũng có xu hướng được cải thiện và duy trì ở mức cao với trung bình khớp lệnh hơn 200 triệu cổ phiếu trong 2 tuần trở lại đây. Đây là những tín hiệu tích cực đối với xu hướng của thị trường chung.
Với phiên giao dịch cuối tuần qua (19/5), VN-Index tăng mạnh lên mức 733,82 điểm, mức cao nhất phiên, đồng thời chỉ số hiện đã vượt mức đỉnh cũ tại 732,87 điểm lập được vào phiên giao dịch 12/4/2017. Do đó, ngưỡng tâm lý 730 điểm đã trở thành ngưỡng hỗ trợ gần nhất của chỉ số và xa hơn là vùng hỗ trợ 725-728 điểm.
Tôi cho rằng khả năng VN-Index quay đầu trở lại để test ngưỡng hỗ trợ 725 điểm không cao, nhất là trong tuần giao dịch tiếp theo. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể điều chỉnh nhẹ về mốc hỗ trợ gần nhất 730 điểm trước khi tiếp tục tăng điểm, do vậy nhà đầu tư có thể xem xét mua vào cổ phiếu trong các phiên này, ưu tiên các cổ phiếu bluechips.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Dòng tiền trong mấy phiên gần đây có dấu hiệu rút ra khỏi các cổ phiếu đầu cơ và quay trở lại nhóm cổ phiếu dẫn dắt (PLX, VNM, GAS, VCB...) hay cơ bản (GMD, REE, SSI, HCM, HT1...), đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các chỉ số chứng khoán vượt đỉnh thành công.
Ông Vũ Minh Đức
Chỉ số VN-Index sau một vài phiên tích lũy khối lượng dưới ngưỡng 730 điểm đã có dấu hiệu bứt ra khỏi vùng đỉnh tháng Tư này. Chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục hỗ trợ chỉ số sàn HSX tiến lên vùng 750 điểm trong một vài tuần tới.
Ông Trần Đức Anh, Phòng phân tích, CTCK Bảo Việt (BVSC)
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các ngành tiêu dùng, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, dầu khí... luân phiên tăng điểm giúp duy trì đà tăng của chỉ số VN-Index trong vài tuần gần đây.
Điểm tích cực đáng ghi nhận là tăng trưởng ở nhóm cổ phiếu này được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp trong quý 1 năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành như VNM, VIC, GAS, VCB, MWG, HPG...
Điều này là cơ sở cho thấy đà tăng của thị trường trong giai đoạn này là tương đối bền vững. Tương ứng, tôi cho rằng, kịch bản thị trường điều chỉnh sâu sẽ khó xảy ra ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, nhiều khả năng vẫn sẽ có các nhịp thị trường điều chỉnh ngắn hạn khi mà nhu cầu chốt lời xuất hiện, gây áp lực lên đà tăng của chỉ số Vnindex, đặc biệt sau các phiên tăng điểm nóng gần đây.
Qua đó, tôi cho rằng chiến lược đầu tư phù hợp ở thời điểm hiện tại là duy trì tỷ trọng trên mức trung bình với danh mục trung, dài hạn, tập trung ở nhóm cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng mạnh và bền vững.
Đồng thời, kết hợp hoạt động trading với tỷ trọng vừa phải cho phần danh mục ngắn hạn trong những phiên thị trường điều chỉnh. Hoạt động bán giảm tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn trong danh mục nên được cân nhắc khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự mạnh quanh 740 điểm.
Cuối tuần sau (ngày 26/5), 2 quỹ (ETF FTSE và ETF VNM) sẽ chốt dữ liệu cho đợt tái cơ cấu danh mục kỳ 2/2017 trước khi hai quỹ công bố danh mục cổ phiếu. Ông/bà dự báo như thế nào về nhóm cổ phiếu sẽ được thêm/bớt trong kỳ đảo danh mục này cũng dự biến động của thị trường của nhóm cổ phiếu này trong những phiên tới?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Theo tôi, trong kỳ review danh mục quý II, quỹ FTSE Vietnam Index ETF nhiều khả năng sẽ thêm mới 2 cổ phiếu là NVL, STB và loại NT2 do thanh khoản không đạt, bên cạnh đó trường hợp của BVH cũng chưa rõ ràng mặc dù cũng đang vi phạm điều kiện về thanh khoản.
Ông Ngô Thế Hiển
Đối với quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF , một số cổ phiếu đạt điều kiện để thêm vào gồm ROS, HBC, CII tuy nhiên với thực tế diễn ra tại kỳ tái cơ cấu lần trước thì việc dự đoán cổ phiếu được thêm vào của quỹ VNM trong lần này sẽ rất khó khăn. Ở chiều ngược lại, quỹ VNM nhiều khả năng sẽ không loại cổ phiếu nào ra khỏi rổ.
Đối với các cổ phiếu có khả năng được thêm vào, diễn biến nhìn chung sẽ tích cực trong những phiên tới. Còn đối với các cổ phiếu có thể bị loại thì do hiện tại nhà đầu tư đã khá quen với hoạt động mua/bán của các quỹ trong các kỳ review và dòng tiền đang vận động tốt, tác động của việc tái cơ cấu tới giá cổ phiếu sẽ không quá mạnh.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Theo số liệu tạm tính cho đến ngày hôm nay thì ROS có thể được Vaneck bổ sung vào danh mục và chỉ số này có thể loại ra PVD và PVS.
Trong khi đó, FTSE Vietnam Index có thể thêm vào NVL, STB và loại NT2. Có một số ứng viên có thể được xem xét, nhưng chưa chắc chắn được bổ sung vào rổ ETF là PLX, DCM, HCM, HBC do các cổ phiếu này vẫn còn chưa đáp ứng được các yêu cầu hoặc về vốn hóa, hoặc về thanh khoản, hoặc về free-float.
Ông Trần Đức Anh, Phòng phân tích, CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trong báo cáo mới được công bố “DỰ BÁO KỲ REVIEW DANH MỤC QUÝ II/2017 CỦA HAI QUỸ ETFs”, chúng tôi đã đưa ra dự báo cụ thể về động thái của từng quỹ, cùng với đó là chi tiết về giao dịch của các quỹ trong các kịch bản khác nhau.
Đối với danh mục ETF VNM, có 3 cổ phiếu là ROS, HBC và KBC đã thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí đề ra của quỹ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khả năng cao nhất chỉ có HBC là có thể sẽ được quỹ VNM ETF thêm mới vào danh mục trong kỳ review lần này (xác suất 70/30 nếu không có trường hợp ngoại lệ nào được thêm vào).
Đối với trường hợp của ROS, chúng tôi thiên về khả năng cổ phiếu này chưa được VNM ETF thêm vào danh mục do các tiêu chí định tính.
Đối với KBC, giá trị vốn hóa tính theo lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của cổ phiếu này đang thấp nhất trong số những cổ phiếu trong danh mục (đây cũng là lý do mà cổ phiếu này đã bị loại khỏi danh mục của VNM trong kỳ review cuối năm ngoái) nên chúng tôi cho rằng xác suất để quỹ này thêm lại KBC là khá thấp.
Đối với danh mục ETF FTSE, chúng tôi hiện thiên về khả năng NT2 và ITA sẽ bị loại ra khỏi danh mục trong kỳ review lần này. Trong khi NT2 vi phạm tiêu chí về thanh khoản, thì ITA lại vi phạm tiêu chí vốn hóa có thể đầu tư.
Riêng đối với trường hợp của GTN và BVH, 2 cổ phiếu này đang tạm thời chưa đáp ứng đủ tiêu chí thanh khoản. Tuy nhiên, nếu có sự cải thiện mạnh mẽ về mặt thanh khoản trong thời gian còn lại của tháng 05 thì 2 cổ phiếu này có thể sẽ kịp thời đáp ứng được tiêu chí thanh khoản và không bị loại khỏi danh mục.
Ở chiều thêm vào, 2 cổ phiếu NVL và STB nhiều khả năng sẽ được thêm mới vào danh mục của quỹ trong kỳ “review” lần này do đã thỏa mãn tất cả các tiêu chí đề ra của quỹ.
Nhìn chung, các mã nhiều khả năng được mua vào nhiều nhất trong kỳ review lần này gồm có HBC, NVL và STB. Đây là thông tin có thể hỗ trợ diễn biến giá của nhóm cổ phiếu này trong các phiên sắp tới.
Mặc dù vậy, dư địa tăng điểm là không lớn khi mà dữ liệu lịch sử cho thấy cổ phiếu được thêm vào rổ ETFs trong giai đoạn gần đây thường không có nhiều đột biến về giá (ngoại trừ các trường hợp nằm ngoài kỳ vọng của thị trường).
Ngược lại, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào ở những mã bị loại hoặc giảm tỷ trọng ngay trong các phiên ETFs tái cơ cấu và chờ nhịp hồi phục sau đó.