Thanh khoản thị trường đang có dấu hiệu suy giảm, phần nào phản ánh mức độ thận trọng của dòng tiền. Liệu xu hướng phân tán dòng tiền có tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Thị trường liên tục chinh phục các đỉnh cao mới từ đầu năm đến nay, thanh khoản dù có đôi lúc sụt giảm, nhưng xu hướng chung là liên tục tăng.
Khối ngoại cũng liên tiếp duy trì trạng thái mua ròng của mình, nên dòng tiền có thể chuyển đổi giữa các nhóm ngành nghề, các loại cổ phiếu, nhưng vẫn tiếp tục ở lại thị trường nếu không muốn nói có thêm các dòng vốn mới khi thanh khoản vẫn tăng đều từ đầu năm đến nay.
Vì vậy, ít nhất trong ngắn hạn xu thế tích cực của dòng tiền sẽ không bị ảnh hưởng dù có thể có sự phân tán. Bên cạnh đó, các thông tin hỗ trợ dòng tiền như Thủ tướng có chuyến thăm Mỹ đã kêu gọi các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, nhiều công ty Mỹ cũng bày tỏ nguyện vọng trong việc đầu tư vào Việt Nam.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt
Tuần qua chỉ số VNIndex tăng giảm đan xen và giảm nhiều hơn tăng. Thanh khoản đúng là có giảm đi chút ít so với tuần trước nữa. Tuy nhiên, tôi chưa rõ “phân tán dòng tiền” nghĩa là gì. Có lẽ cụm từ này ám chỉ đến việc dòng tiền đang tìm nơi trú ẩn trước rủi ro suy giảm chăng?
Tôi nghĩ còn hơi sớm để lo thị trường suy giảm. Quốc hội đang họp, và NĐT vào nhóm cổ phiếu ngân hàng đang rất hồi hộp với Nghị quyết xử lý nợ xấu.
Ông Hoàng Thạch Lân
Thủ tướng nước ta cũng vừa thăm Mỹ, giúp đem về 15-16 tỷ USD hợp đồng giữa các doanh nghiệp 2 nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết, điều này cũng đem lại kỳ vọng lớn hơn vào tăng trưởng của doanh nghiệp và sức lan tỏa cho cả nhóm ngành lẫn cả thị trường.
TTCK phái sinh tuy không chính thức khai trường vào thứ Sáu vừa qua, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, và đó là lý do vì sao nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giữ được đà tăng.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Sau khi tăng chạm vào vùng kháng cự mạnh tại 745-750 điểm, chỉ số VN-Index đã hình thành cấu trúc đảo chiều, báo hiệu khả năng điều chỉnh giảm ngắn hạn (1-4 tuần) của chỉ số.
Điều này đã khiến tâm lý của nhà đầu tư nói chung trở nên cẩn trọng hơn và là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường suy giảm.
Hiện tại, mặc dù thị trường vẫn còn những tín hiệu tích cực ở một số phân khúc nhất định, nhưng tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu kết thúc quá trình điều chỉnh giảm, do đó, nhiều khả năng trong những phiên tới, khối lượng giao dịch của sàn HOSE cũng sẽ chỉ duy trì ở mức trên dưới 150 triệu cổ phiếu/phiên.
Về mặt vĩ mô, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu giảm tốc ở một số lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất, đã và đang tạo ra thách thức rất lớn cho việc hướng tới mục tiêu GDP 6,7% của năm nay, song đây vẫn là quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Với chỉ số tăng trưởng của GDP trong quý I/2017 là 5,1% thì 3 quý còn lại của năm nay, GDP phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,1%/quý. Theo các ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng từ năm 2010 đến nay, thì việc duy trì tăng trưởng bình quân 7,1% /quý là không dễ, nhưng không phải là không thể một khi Chính phủ quyết tâm và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế mạnh mẽ.
"Hội nghị Diên Hồng" khi Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp vừa qua là một ví dụ. Chính phủ đưa ra các thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt, nên mục tiêu tăng trưởng dù không phải dễ đạt được, nhưng không phải không khả thi.
Trong trường hợp mục tiêu trên đạt được thì là cú hích lớn hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, còn không thì cũng không phải là không tin quá xấu, vì các nhà đầu tư sẽ nhìn vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lẫn nền kinh tế, vì tác động tích cực cũng cần thời gian.
Ngoài yếu tố trên, thì các thông tin khác như việc khối ngoại mua ròng, tâm lý thị trường vẫn tốt cho đến hiện tại, các doanh nghiệp vẫn có báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng, kinh tế quốc tế lẫn thị trường chứng khoán thế giới vẫn duy trì xu hướng tích cực..., thì thị trường chứng khoán vẫn có cơ hội chinh phục các đỉnh cao mới trong năm 2017.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt
Tôi nghĩ rằng việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong 3 quý tới có thể đạt, nếu Chính phủ thật sớm triển khai nhiều biện pháp mà báo chí cũng đã nhiều lần đăng tải.
Tôi nghĩ, TTCK sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn, bởi 1 số biện pháp nói ở trên tác động cả trực tiếp, ví dụ như tín dụng, hay gián tiếp, ví dụ như đầu tư công, đến TTCK.
Tuy nhiên, việcđạt tăng trưởng GDP không hoàn toàn đồng nghĩa với chất lượng nền kinh tế tốt hơn. Kết quả những năm qua cho thấy tăng trưởng GDP cũng dẫn tới tăng lạm phát, tăng nợ công, ảnh hưởng đến tỷ giá hay chất lượng tín dụng… Tức là, tăng GDP không phải là cách tăng trưởng bền vững. Do đó, về dài hạn, vẫn chưa thể nói trước TTCK sẽ tốt hơn hay xấu đi.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Theo chuyên viên vĩ mô của chúng tôi thì nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng trưởng thấp trong quý I/2017 là do lĩnh vực khai khoáng (giảm 10%).
Theo tính toán, thì nếu sản lượng khai khoáng quý I không đổi so với cùng kỳ 2016, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2017 đã cao hơn quý I/2016.
Ông Vũ Minh Đức
Lĩnh vực sản xuất vẫn tăng trưởng cao, mặc dù tốc độ thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp gần đây cải thiện đáng kể và sẽ được phản ánh vào tăng trưởng của khu vực sản xuất trong quý II.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đề xuất một số giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng như: tăng sản lượng dầu thô, đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, hoàn thành các dự án trọng điểm lớn quốc gia như cảng hàng không quốc tế Long Thành hay đường cao tốc Bắc -Nam.
Như vậy, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng không phải là không khả thi, mặc dù còn nhiều yếu tố mà Chính phủ sẽ cần cân đối.
Tình hình kinh tế vĩ mô hiện ổn định với nhiều thông tin tích cực và nếu tăng trưởng đạt quanh mức 6,3%-6,5% thì chúng tôi đánh giá vẫn là không ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của TTCK, nơi mà các nhà đầu tư tham gia thị trường đang kỳ vọng thêm vào nhiều yếu tố khác như là sự phát triển về quy mô, nâng cao tính minh bạch, cơ hội đầu tư từ các đợt IPO lớn cũng như việc nâng hạng thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, tháng 6 này sẽ không có nhiều cơ hội đối với các nhà đầu tư ngắn hạn khi mà chỉ số VN-Index sẽ cần điều chỉnh tích lũy thêm. Thậm chí, nhà đầu tư nên hạ thấp tỷ trọng danh mục nếu thị trường hồi phục nhằm phòng rủi ro thị trường đảo chiều. Còn quan điểm đầu tư của các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Điều này phụ thuộc vào danh mục nhà đầu tư đang nắm giữ. Chẳng hạn như nhiều bluechip, pennies một số mã nhóm khoáng sản, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... đang hút được dòng tiền mạnh, thì hạ thấp lại mất cơ hội đạt lợi nhuận.
Ông Phan Dũng Khánh
Vì vậy, nếu các nhà đầu tư trong danh mục có nhóm này, vẫn đang mang lại lợi nhuận tốt vẫn nên duy trì nắm giữ, thậm chí nên gia tăng tỷ trọng. Trong trường hợp danh mục sụt giảm nhanh chóng hoặc các mã cổ phiếu trong danh mục hiệu quả kém, giá trị sụt giảm, dòng tiền rời bỏ, thì nên cơ cấu lại danh mục của mình.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt
Tôi không nghĩ vậy, bởi đúng là có rất nhiều cổ phiếu tăng phi mã, nhưng chỉ số VNIndex thì không. Tức là chỉ số không tăng nóng như cổ phiếu đơn lẻ.
Ngoài ra, gần đây nhóm midcap và smallcap tăng nhanh hơn largecap, do đó sự điều chỉnh đang đến với 2 nhóm này, còn đa số cổ phiếu largecap thì chưa. Mà chỉ số thì chịu tác động lớn nhất từ largecap.
Bên cạnh đó, tháng 5 tới cũng tức là gần kết thúc quý II, khi đó các công ty lớn làm ăn tốt sẽ sớm được quan tâm trở lại.
Không loại trừ tin đồn sớm kết quả ở 1 số công ty hàng đầu sẽ lại lan trên thị trường. Ở đây, bao gồm cả nhóm ngân hàng. Do đó, tôi vẫn thấy thị trường có nhiều cơ hội.
Rủi ro lớn nhất đối với TTCK là dòng tiền, nhất là dòng tín dụng. Gần đây giá trị giao dịch tuy có giảm đôi chút nhưng vẫn ở mức cao và tôi nghĩ có sự hỗ trợ rất lớn từ margin và tín dụng ngân hàng, ở dưới góc độ bên thứ ba cho vay hay hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, tôi chưa nghĩ rằng dòng tiền này sẽ bị rút ra trong tháng 6.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Như đã nói ở trên, chúng tôi cũng dự báo về một giai đoạn điều chỉnh của thị trường trong tháng 6 sau 5 tháng tăng điểm.
Việc điều chỉnh này là cần thiết và mang tính chất củng cố cho xu hướng tăng trung hạn của VN-Index.
Theo đó, chúng tôi nhìn nhận nhịp điều chỉnh (nếu có) này là cơ hội để nhà đầu tư tái cấu trúc danh mục và tích lũy thêm những cổ phiếu chiến lược cho giai đoạn cuối năm.