Tuần qua, chỉ số VN-Index đã xuống ngưỡng dưới 900 điểm. Diễn biến trong tuần tới có bớt tiêu cực hơn không, theo ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Ngay trong nhóm chuyên gia của tôi cũng chia làm 2 phe, 1 bên cho rằng thị trường sẽ còn xấu đi nhiều và phe kia thì bảo thủ, cho rằng vẫn còn sớm để dự báo xấu, rằng phải chờ VN-Index chọc thủng 885 điểm.
Tôi thuộc phe thứ hai, thậm chí còn dự báo VN-Index quay lại trên 905 điểm, nhưng cũng xin nói rõ rằng, giảm điểm là “kế hoạch B” của tôi.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Cá nhân tôi có cái nhìn tích cực hơn với thị trường ở giai đoạn hiện tại khi các lo ngại về rủi ro thị trường tài chính quốc tế trong thời gian qua đang hơi quá đà và khiến nhiều cổ phiếu giảm sâu so với nội tại cơ bản của doanh nghiệp tạo ra sự hấp dẫn nhất định cho dòng tiền.
Ở bức tranh lớn thị trường vẫn khá tiêu cực trong bối cảnh bất ổn khó đoán định từ thị trường tài chính thế giới và sự mạnh lên dài hạn của đồng USD gây tác động tiêu cực tới bối cảnh vĩ mô các quốc gia khác, gây áp lực giảm định giá cho thị trường cổ phiếu cũng như tăng chi phí rủi ro với các quỹ khi đầu tư ra ngoài nước Mỹ.
Hơn nữa, tính từ tháng 4/2018 đến nay thị trường vẫn nằm trong xu hướng giảm và các đợt hồi phục thường đến sau các đợt giảm sâu. Do đó, ở góc độ ngắn hạn tôi cho rằng thị trường đang có cơ hội hồi phục tích cực trở lại khi dòng tiền nhận thấy các cổ phiếu đang trở lên hấp dẫn đáng kể và các lo ngại là hơi quá đà so với bối cảnh ngắn hạn.
Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Đây là thời điểm thị trường thiếu những thông tin hỗ trợ trong khi vẫn còn chịu nhiều tác động khá tiêu cực, một phần cộng hưởng từ những diễn biến không thuận lợi từ thị trường tài chính thế giới, nên tôi đánh giá xu hướng chủ đạo trong ngắn hạn cũng như trong tuần tiếp theo vẫn khá tiêu cực, đặc biệt về mặt chỉ số khi đã xuất hiện luân phiên nhiều cổ phiếu trụ cột tỷ trọng ảnh hưởng cao tới VN-Index có dấu hiệu liên tục tạo lập đáy ngắn hạn mới (VIC, HPG..), đây sẽ là yếu tố cản trở lớn tới sự hồi phục (nếu có) của chỉ số.
Ông Dương Hoàng Linh
Tuy nhiên, quan sát những phiên gần đây, cung cầu tại nhiều cổ phiếu sau khi chiết khấu về mức hấp dẫn đã đạt sự cân bằng nhất định trong ngắn hạn ngay cả khi chỉ số suy giảm (một số thời điểm số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn giảm giá dù VN-Index giảm). Điều này gợi mở khả năng hồi phục trong ngắn hạn với nhiều cổ phiếu.
Nếu lo ngại thị trường tạo lập đáy mới từ nay đến cuối năm thì có cơ sở không?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
VN-Index hiện đã thấp hơn điểm số đầu năm và cũng chỉ cao hơn đáy của năm nay vài điểm lẻ. Hay nói cách khác, đang có khả năng tạo đáy mới.
Cho dù tôi không bi quan, nhưng trên cái thị trường này, không gì là không thể, nhất là khi VN-Index chỉ cần giảm vài điểm là lập đáy mới.
Như đã nói ở trên, tôi thuộc phe “kiên nhẫn” chờ VN-Index thủng thêm chút xíu nữa mới nói xấu. Tức là tôi vẫn kỳ vọng thị trường đang ở vùng đáy năm nay, dù điểm số VN-Index có thể giảm về 880.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Xét ở khía cạnh các biến động lớn khi thị trường tài chính thế giới tiếp tục bất ổn hơn nữa thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, chính tâm lý lo ngại xảy ra khủng hoảng cũng đang khiến thị trường chịu những đợt bán tháo mạnh của dòng tiền lớn vốn ngại rủi ro và lui về phòng vệ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, các lo ngại về sự tăng giá và lãi suất tăng của đồng USD cũng đã phản ánh vào các đợt giảm giá thời gian qua khi kế hoạch tăng lãi suất thêm lần nữa trong kỳ họp tháng 12/2018 là khá rõ ràng nên sẽ không tạo ra điều gì bất ngờ và đương nhiên khi ai cũng dự phòng cho điều xấu nhất sắp xảy ra thì khi xảy ra nó không còn tác động xấu nữa.
Trong khi đó, mặt bằng định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở lên hấp dẫn hơn đáng kể so với kết quả kinh doanh 2018 và hấp dẫn hơn nữa khi so với triển vọng tăng trưởng 2019 vẫn tích cực sẽ là động lực giúp các chỉ số hồi phục lại trong các tháng tới và tôi kỳ vọng VN-Index sẽ theo hướng hồi phục trở lại hay nói cách khác là không có đáy mới trong thời gian còn lại của năm nay.
Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Những nhịp hồi phục gần đây diễn ra với sức bật yếu dần cùng thời gian kết thúc ngắn hơn, thể hiện xu hướng tiêu cực như trong thời gian qua ngày càng rõ nét.
Kỳ kết quả kinh doanh quý III/2018 đã kết thúc và chưa thể tạo động lực hỗ trợ thị trường. Quốc hội cũng vừa công bố các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2019 với các mục tiêu khá thận trọng. Do vậy, nền tảng vĩ mô hiện tại chưa có các yếu tố đáng chú ý, hay mang tính thúc đẩy.
Hiện tại, tôi chưa thấy xuất hiện bất kỳ tín hiệu vững chắc nào cho việc chuyển biến tích cực trở lại. Do vậy, việc thị trường tạo những đáy mới trong ngắn hạn cũng là điều dễ xảy ra, nhà đầu tư cần xác định tâm lý trước cho kịch bản này.
Các nhà phân tích cũng hay “đổ lỗi” cho biến động tiêu cực của chứng khoán Việt Nam là do ảnh hưởng từ TTCK thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Ở phiên cuối tuần qua, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 200 điểm, nhưng thị trường Việt Nam vẫn chưa thể lấy lại mốc 900 điểm. Vậy thị trường đang phụ thuộc bởi yếu tố nào, theo các ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Nói đổ lỗi cũng đúng một phần. Nói vui rằng, khi các chỉ số sàn Mỹ giảm mạnh, VN-Index, chạy theo. Khi các chỉ số sàn Mỹ quay lên, VN-Index không dám theo. Tuy nhiên, nghiêm túc mà nói, luôn có 2 thứ chi phối đến thị trường, đó là thông tin và tâm lý.
Về thông tin, có cả tốt xấu đan xen, ví dụ như tin tốt là CPTPP, tin xấu là mối đe dọa từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn đó.
Ông Hoàng Thạch Lân
Về tâm lý, khi index cứ giảm do large cap giảm, thanh khoản thì thấp, khối ngoại cứ bán ròng… rõ ràng đây là các chỉ báo kỹ thuật xấu, khiến người cầm thì chỉ muốn bán để giảm lỗ (nhất là những ai còn margin), người mua cũng muốn chờ thêm.
Ngoài ra, báo chí thì thống kê theo kiểu ám ảnh “tháng 11 thường là tháng index giảm”, dù giá cổ phiếu và chỉ số không hề có tính lặp chu kỳ hàng tháng trong năm, bảo sao người chơi e ngại đổ tiền vào. Về tổng thể vào lúc này, tôi nghĩ tâm lý đang là yếu tố chính chi phối tiêu cực lên thị trường.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Nếu theo dõi sát từng phiên thì chúng ta có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây diễn biến vừa phụ thuộc lại vừa yếu hơn các thị trường chứng khoán quốc tế khi chịu ảnh hưởng giảm cùng nhưng không hồi phục cùng chiều.
Thông thường, các diễn biến tăng giảm của thị trường các quốc gia không hẳn cùng chiều với nhau khi mỗi quốc gia có tăng trưởng, lãi suất, thay đổi tỷ giá, mức độ rủi ro... khác nhau. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các rủi ro hệ thống từ sự tăng giá của đồng USD và lo ngại khủng hoảng quay lại khiến các thị trường có mức độ tương quan với nhau là hoàn toàn bình thường.
Nếu xét trên góc độ xu hướng và bỏ qua các diễn biến từng phiên thì xu hướng điều chỉnh chung tính từ tháng 4/2018 tới nay thì thị trường Việt Nam vẫn khớp với diễn biến giảm của các thị trường chứng khoán thế giới, ngoại trừ các thị trường mạnh như Nhật và Mỹ.
Mối tương quan giữa các thị trường ngày càng lớn hơn bởi giờ đây các quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ ETFs vốn tác động lớn tới chỉ số hoạt động trên nhiều thị trường cùng lúc và họ hành xử tương đối giống nhau khi thị trường tài chính thế giới chao đảo vì các biến cố vĩ mô chung. Tôi cho rằng, các thị trường chứng khoán lớn đang ổn định và tạo đáy ngắn hạn trở lại nên thị trường chứng khoán Việt nam có thể yếu hơn và tạo đáy chậm hơn nhưng xu hướng và mức độ hồi phục vẫn có thể tương đồng nhau trong thời gian tới.
Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Tôi đã lo ngại về khả năng chuyển biến tiêu cực của thị trường từ khá lâu, đồng thời đánh giá những diễn biến này đến chủ yếu từ nội tại, còn ảnh hưởng của TTCK thế giới chỉ đơn giản là một sự cộng hưởng.
Điều tôi lo ngại nhất chính là niềm tin của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường vẫn đang ngày một suy yếu. Niềm tin của nhà đầu tư thực chất đã bắt đầu bị bào mòn từ cách đây 1 năm, giai đoạn chỉ số liên tục vượt đỉnh nhưng tôi đã quan sát thực tế việc lướt sóng khó kiếm lợi nhuận với nhiều phiên giao dịch “xanh vỏ, đỏ lòng”.
Ngay ở thời điểm hiện tại, rất nhiều cổ phiếu đang giao dịch ở vùng giá tương đương giai đoạn chỉ số VN-Index chỉ 5-600 điểm! Còn dòng tiền trên thị trường vốn đã cạn kiệt dần nhưng lại gặp thêm áp lực bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài nhiều tháng trở lại đây.
Trong bối cảnh bên bán vẫn đang tỏ ra chủ động, nhất là khi có thêm sự hỗ trợ lớn từ áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại, vậy nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu nào sẽ hạn chế được rủi ro?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Rủi ro mất giá cổ phiếu lúc này gần như là một loại rủi ro hệ thống, tức là kiếm cổ phiếu đi ngược là khá hên xui. Cầm hàng cơ bản tốt có khi lỗ, nhưng hàng tin đồn có khi “ăn”.
Mấy phiên qua thống kê cho thấy, ai cầm bluechip vẫn lỗ, nhưng chơi midcap lại lời, dù thực tế cũng chỉ lời trong vài mid cap. Hàng thanh khoản thì có khi lỗ, nhưng hàng mất thanh khoản lại giữ được giá. Diễn biến giao dịch của khối ngoại cũng khó phân tích và dự đoán. Lấy ví dụ như trường hợp HPG, thực sự tôi cũng rất tò mò muốn biết nhà đầu tư nước ngoài nào đang xả cổ phiếu này và vì lý do gì.
Như vậy, không có nhóm cổ phiếu hạn chế rủi ro, mà vấn đề là mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư. Như tôi cầm cổ phiếu cơ bản, vẫn lỗ nhưng không margin, nên chấp nhận lỗ và kỳ vọng lời vào đầu năm sau. Còn ai vẫn có tâm lý lướt sóng và dùng đòn bẩy thì nên quyết đoán cắt.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Tôi cho rằng, các nhóm ngành như ngân hàng, dầu khí, bất động sản, chứng khoán vẫn là động lực chính cho các chỉ số mỗi khi hồi phục do đó nếu tin tưởng vào đợt hồi phục của thị trường thì việc chọn lựa các cổ phiếu trong những ngành trên sẽ bám theo được sự hồi phục của các chỉ số.
Ông Nguyễn Trung Du
Ngoài ra, các cổ phiếu cơ bản vốn kín room khối ngoại và vẫn đang được định giá rất hấp dẫn như FPT, REE, MWG, PNJ sẽ không có áp lực nào từ hoạt động bán của khối ngoại bởi luôn có các quỹ ngoại khác để trao tay mỗi khi các quỹ ngoại nào đó cần bán ra. Do đó, việc chọn lọc mua vào trong các phiên điều chỉnh là hợp lý trong bối cảnh thị trường sẽ hồi phục chậm đan xen các phiên tăng giảm trong thời gian tới.
Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Thực ra, lực cung ở thời điểm hiện nay không phải quá mạnh, nếu không muốn nói đã vãn đi khá nhiều so với thời điểm vài tuần trước. Tuy nhiên như tôi đã nói, sự chán nản, mất niềm tin và lực cầu vào thị trường mới là yếu tố chủ đạo.
Điều này khiến chúng ta cần phải quên đi những mục tiêu ngắn hạn khi tham gia thị trường tại thời điểm này. Tầm nhìn dài hạn ở những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, duy trì được đà tăng trưởng trong kết quả kinh doanh 1-2 năm qua, những doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt đều đặn, hay một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ EVFTA, CPTPP... sẽ là lựa chọn an toàn. Ngoài ra, tôi tin trong ngắn hạn các cổ phiếu này sẽ phục hồi nhanh hơn mặt bằng chung khi thị trường khởi sắc trở lại.