Tuần tới, tâm điểm của thị trường có lẽ sẽ tập trung vào sự kiện Tổng thống Obama thăm Việt Nam? Thông tin này đã ít nhiều tác động theo chiều hướng tích cực đến thị trường chứng khoán trong thời gian gần và liệu có tiếp tục gây hiệu ứng trong tuần tới, theo các ông, bà?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Chuyến thăm của Tổng thống Obama tập trung vào vấn đề chính là Hiệp định TPP và hợp tác an ninh khu vực. Trong thời gian gần đây, nhà đầu tư khá lo ngại khi xuất hiện các trở ngại cho việc thông qua Hiệp định TPP tại Quốc hội Mỹ.
Do đó, thông điệp cam kết của Tổng thống Mỹ Obama về việc Hiệp định TPP sẽ là nhân tố tích cực cho thị trường trong tuần tới.
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Việc Tổng thống Obama đến Việt Nam đánh dấu quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước và mở ra triển vọng tăng trưởng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Điều này có thể tạo tâm lý hứng khởi cho thị trường trong tuần tới. Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều thông tin mới tác động đến thị trường chứng khoán.
"Sự kỳ vọng thị trường lên đỉnh cũ 1.179 là khó, nhưng kỳ vọng Index có thể vượt mốc 650 điểm mà trong 16 năm lịch sử thị trường chỉ vượt được 1 lần duy nhất vào năm 2006 cũng cùng thời điểm Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam là được kỳ vọng nhiều hơn" - Ông Phan Dũng Khánh.
Việc thúc đẩy thông qua Hiệp định TPP tại Việt Nam là không cần thiết, vì gần như chắc chắn Việt Nam sẽ thông qua TPP trong thời gian ngắn nhất, trong khi việc thông qua TPP tại Mỹ còn cần thêm khá nhiều thời gian và không phụ thuộc vào chuyến thăm này.
Việc bỏ hạn chế bán vũ khí cho Việt Nam là tâm điểm của chuyến đi này thì lại không có tác động tích cực đến thị trường. Như vậy, tác động tâm lý từ chuyến thăm sẽ là tích cực, nhưng tác động tới thị trường sẽ không quá mạnh.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng
Theo tôi, đây là thông tin tích cực nhất ở thời điểm hiện tại và lấn át cả những tin tốt khác trong lúc này, đồng thời giúp nhà đầu tư tạm quên những thông tin xấu, như tình hình nợ công, nợ xấu, giá xăng tăng liên tiếp...
Ông Phan Dũng Khánh
Chỉ tính yếu tố lịch sử khi Tổng thống Mỹ qua thăm Việt Nam 2 lần trước đó đều có hiệu ứng vô cùng tích cực đến thị trường chứng khoán, thậm chí còn tăng nhiều tháng sau đó. Điều đặc biệt, chỉ số chứng khoán Việt Nam sau thời điểm Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam đều liên tục lập các mức đỉnh mới và sau khoảng 6 tháng của cả 2 lần thăm Việt Nam trước đó, thị trường chứng khoán đều đạt mức cao nhất trong lịch sử của mình. Lần thứ nhất là 571 điểm và lần hai là 1.179 điểm.
Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử của các lần có nhiều sự khác biệt, nhất là lần gần nhất cũng đã cách nhau đến 10 năm, với sự thay đổi quá lớn của thị trường chứng khoán, khi số lượng cổ phiếu niêm yết bây giờ tăng hàng trăm lần cách đây 10 năm, margin trên thị trường bây giờ cũng quá nhiều, khác với thời điểm năm 2006, khi đó khái niệm này còn rất xa lạ.
Mặc dù vậy, sự kỳ vọng thị trường lên đỉnh cũ 1.179 là khó, nhưng kỳ vọng Index có thể vượt mốc 650 điểm mà trong 16 năm lịch sử thị trường chỉ vượt được 1 lần duy nhất vào năm 2006 cũng cùng thời điểm Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam là được kỳ vọng nhiều hơn, đồng thời được các nhà đầu tư nhắc nhiều trong những ngày gần đây.
Mặc dù vậy, thị trường đang được dự báo sẽ có một đợt điều chỉnh giảm sâu trong vài ba tuần tới. Quan điểm của các ông/bà và các ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng thị trường trong tháng 6?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Xác suất cho việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng cao, dẫn tới thị trường chứng khoán thế giới đang có điều chỉnh. Dòng tiền nước ngoài cũng đang có dấu hiệu tiêu cực hơn trong ngắn hạn.
Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đang nằm ở vùng hỗ trợ 614 điểm, do đó nếu VN-Index thủng ngưỡng 614 điểm, nhà đầu tư có thể xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
VN-Index chỉ còn cách đỉnh 8 năm của mình hơn 20 điểm và suốt 8 năm qua, VN-Index chưa từng vượt qua mức 645, dù đã nhiều lần tiệm cận ngưỡng này. Như vậy, đây là kháng cự quan trọng của VN-Index và rủi ro điều chỉnh khi chạm vùng giá này là khá cao. Đặc biệt, lần này VN-Index chạm vùng giá này trong tháng 5 và chịu ảnh hưởng bởi tâm lý “bán tháng 5”, khiến áp lực chốt lời gần vùng giá này khá lớn. Trong 2 phiên cuối tuần qua, khối ngoại trở lại bán ròng và gây lo ngại về đợt rút vốn mới.
Bà Lê Nguyệt Ánh: "Tôi đánh giá, triển vọng thị trường trường tháng 6 vẫn khá tích cực"
Tuy nhiên, từ phương diện phân tích cơ bản, lãi suất ngắn hạn đang giảm khá nhanh trong thời gian qua cho thấy, dòng tiền (cả trong và ngoài nước) đang khá ổn định ở thời điểm hiện tại. Hơn nữa, giá hàng hóa (giá dầu, thép và nhiều loại hàng hóa khác) phục hồi nhanh trong giai đoạn vừa qua sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi nhuận khá tốt trong quý II, trong khi lợi nhuận của cổ phiếu ngân hàng và bất động sản cũng dự kiến khá tốt trong quý này.
Ngoài ra, tỷ giá và lãi suất cho vay cũng đang hỗ trợ đà phục hồi của thị trường. Như vậy, tôi đánh giá, triển vọng thị trường trường tháng 6 vẫn khá tích cực. Câu hỏi chỉ là đợt điều chỉnh hiện tại sẽ kéo dài tới đâu?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng
Thị trường có thể có những phiên điều chỉnh, hoặc điều chỉnh những đợt ngắn, chứ sẽ khó có giảm sâu. Ngoài tác động tích cực từ thông tin Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, thì các thông tin khác như quyết tâm của Chính phủ khi liên tục có những chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, giá dầu tăng trở lại hỗ trợ mạnh cho nhóm dầu khí, nhóm ngân hàng cũng đang khởi sắc, trong khi 2 nhóm này ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường.
Ngoài ra, khối ngoại liên tục mua ròng thời gian gần đây, các cổ phiếu bluechips hút được dòng tiền là những yếu tố khiến thị trường khó mà giảm sâu. Hơn nữa, "sell in May” đã không thể diễn ra trong tháng 5, thì tháng 6 có thể bớt tích cực hơn, nhưng cũng sẽ khó mà tiêu cực được.
Cổ phiếu HAG sau một chu kỳ rớt giá thảm vì các khoản nợ, đã có sự bật tăng trở lại sau khi có tin được “cứu”, nhưng không trụ vững được lâu. Từ trường hợp HAG, ông/bà đánh giá như thế nào về nhóm cổ phiếu có tình trạng vay nợ cao trên thị trường hiện nay?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Chưa hẳn các công ty có chỉ số tỷ lệ vay nợ trên vốn cao là rủi ro, mà còn phụ thuộc lớn vào chất lượng của các khoản nợ như dòng tiền trả nợ, tài sản đảm bảo...
Ông Nguyễn Nhật Cường: "Nếu VN-Index thủng ngưỡng 614 điểm, nhà đầu tư có thể xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu"
Trong bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi suất không ở mức quá cao và khá ổn định, do đó các công ty có tỷ lệ vay nợ/vốn cao nhưng đầu ra vẫn đảm bảo, tăng trưởng như cổ phiếu ngành bất động sản, nguyên vật liệu…, vẫn có thể xem xét để đầu tư.
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
HAG đã tăng trần 2 phiên liên tiếp sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho các ngân hàng không chuyển nhóm nợ, giãn nợ và giảm/miễn lãi suất cho công ty này. Tuy nhiên, trong 2 phiên cuối tuần, cổ phiếu này đã giảm trở lại dưới áp lực chốt lời.
Cổ phiếu HAG (và cả HNG) được nhiều nhà đầu tư lướt sóng yêu thích, vì thanh khoản cao, nhưng rủi ro khi đầu tư cổ phiếu này khá lớn khi mà xu hướng giảm của cổ phiếu này đã kéo dài suốt nhiều năm qua, kể từ khi áp lực trả nợ trở thành vấn đề nhức nhối của doanh nghiệp này.
Theo quan điểm của tôi, việc các chủ nợ hoãn nợ/giãn nợ với HAG không giải quyết được vấn đề cốt lõi của đơn vị này, khi mà hoạt động kinh doanh chính vẫn khó khăn và việc thu hồi nợ từ các đơn vị liên quan chưa có chuyển biến.
Nói rộng hơn, với các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý dòng tiền của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của ban điều hành. Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, nhưng dòng tiền tư hoạt động kinh doanh chính ổn định và ban điều hành tập trung xử lý khó khăn, thì rủi ro của doanh nghiệp không quá lớn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã có tỷ lệ vay nợ cao, việc mở rộng đầu tư và lỏng lẻo trong quản lý dòng tiền như HAG trong giai đoạn vừa qua khiến doanh nghiệp và cổ đông đối mặt với rủi ro lớn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng
Hiện nay chữ "NỢ" là chữ mà các nhà đầu tư và thị trường rất ngại nghe. Ta có thể thấy rất rõ điều này trong khoảng 4 tháng gần đây, khi những mã cổ phiếu có cơ bản tốt, doanh nghiệp không có nợ xấu đều thu hút được dòng tiền và gia tăng ấn tượng như CTD, VNM, PTB, AAA... giúp thị trường tăng điểm mạnh.
Qua giai đoạn các mã cổ phiếu pennies lên ngôi, hàng đầu cơ làm mưa làm gió, dù rằng thị trường vẫn luôn luôn có, nhưng dòng tiền lớn vẫn được hút về các cổ phiếu cơ bản nhiều hơn, ít nhất là trong giai đoạn này.
Đồng ý rằng, việc vay nợ luôn là cần thiết, nhưng đối với các doanh nghiệp, sử dụng nợ để kinh doanh kém hiệu quả, không trả được nợ đúng hạn là bị dòng tiền rút dần ngay. Vì thế, tôi thấy trong thời gian tới nhóm cổ phiếu có tình trạng vay nợ lớn, nhưng hoạt động kém hiệu quả sẽ khó thu hút dòng tiền, kể cả các dòng tiền đầu cơ.