Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó tạo “sóng”?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó tạo “sóng”?

(ĐTCK) Tháng 7 là mùa cao điểm báo cáo tài chính bán niên. Nhà đầu tư thì cũng có tâm lý chờ đợi và ra quyết định dựa vào những thông báo về sức khỏe doanh nghiệp trong giai đoạn nửa đầu năm. Liệu “sóng” kết quả bán niên của doanh nghiệp niêm yết có diễn ra trong một vài tuần tới?

Thị trường đã có một tuần giao dịch “không tồi”, khi VN-Index ghi nhận mức tăng chung hơn 16 điểm. Xu hướng tích cực này có tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Tôi đang thấy tâm lý lạc quan và sự kỳ vọng của nhà đầu tư sau một thời gian dài lình xình của thị trường.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó tạo “sóng”? ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Bình

Những bước tăng mạnh gần đây đang cho thấy nhà đầu tư ỳ vọng về một nhịp tăng mới khi mà có nhiều yếu tố đang ủng hộ thị trường như: Chiến tranh thương mại đã có lối thoát; TTCK toàn cầu tăng điểm trong đó TTCK Mỹ vượt đỉnh ... Nhìn về giao dịch tôi cũng thấy thanh khoản có tín hiệu tăng lên và đó là tín hiệu của dòng tiền.

 Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Thị trường đang phải đối diện với kháng cự khá mạnh đầu tiên là mốc 980 điểm. Thị trường cần phải đứng vững trên mức này thì mốc 1.000 điểm quan trọng mới có khả năng vượt qua.

Khả năng thị trường duy trì trạng thái tích cực trong tuần mới là vẫn còn nhưng việc vượt kháng cự quan trọng chỉ trong 1 tuần là khó. Do đó nhiều khả năng xu hướng tuần tới sẽ biến động bớt tích cực hơn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI)

Xu hướng tích cực vẫn có thể tiếp tục trong tuần tới, tất nhiên nhà đầu tư ngắn hạn cũng như các hoạt động đầu cơ cổ phiếu phải lưu ý diễn biến rung lắc tại khu vực 980-985 điểm, vùng nhiều khả năng sẽ diễn ra các phiên điều chỉnh ngắn hoặc biến động mạnh xuất phát từ hoạt động chốt lời. Nhìn chung vẫn là tuần tăng và điều chỉnh ở vùng quanh ngưỡng 980 điểm.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Thị trường đã bứt phá khỏi vùng tích lũy kéo dài hơn 1 tháng qua, lần lượt vượt các ngưỡng cản quan trọng như MA50, MA100 và vượt qua đường xu hướng giảm giá kéo dài từ tháng 4/2018.

Xu hướng ngắn hạn vẫn là tăng điểm, trong quá trình đi lên các nhịp rung lắc hoặc tăng/giảm đan xen vẫn thường xảy ra do VN-Index vừa thoát khỏi vùng tích lũy, phía trước là đỉnh ngắn hạn tháng 5, khu vực gần đó là vùng tâm lý 1.000-1.014 điểm.

Nhìn lại thời điểm đầu tháng 7/2018 cho thấy, thị trường cũng tạo đáy quanh vùng 890 điểm sau đó hồi phục mạnh cho đến vùng 1.000 điểm. Điều này có lặp lại trong năm nay?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Thật khó để so sánh theo kiểu như vậy bởi năm nay tôi thấy sự khác lạ rất lớn. Dòng tiền trên thị trường rất yếu, thị trường lệch pha hẳn so với thế giới khi mà họ tăng mình giảm, họ giảm mình cũng giảm.

Có thể việc hạn chế tín dụng ngay đầu năm của NHNN đã khiến cho một lượng tiền lớn dịch chuyển kênh đầu tư trong đó đáng kể là Trái phiếu. Tâm lý nhà đầu tư không còn kỳ vọng quá lớn với TTCK cho dù tình hình kinh tế vẫn rất ổn định và có lợi thế.

Xét theo thời gian, nếu tính nhịp tăng hồi đầu năm thì đến nay là 3 tháng thị trường lình xình. Thời gian này đủ để thị trường tạo ra một bước tăng mới đặc biệt khi có khá nhiều cổ phiếu đã giảm rất mạnh. Cá nhân tôi cũng đang tin tưởng là thị trường sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Hoàn toàn có khả năng đó, nhưng vấn đề được quan tâm hơn là sự vững chắc, vì như hồi tháng 3 thị trường dù có vượt qua mốc này nhưng lực bán dồn lên trong khi lực mua yếu đã đẩy thị trường đi xuống trở lại.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó tạo “sóng”? ảnh 2

Ông Phan Dũng Khánh

Do đó, dòng tiền cần phải duy trì như mức hiện tại và gia tăng trong những tuần tới thì khả năng này mới trở nên bền vững được. Điều đó cần thêm sự hỗ trợ từ các thông tin quốc tế nhiều hơn tin trong nước (thị trường hiện quan tâm các thông tin về thương chiến, chính sách tiền tệ như của FED nhiều hơn).

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI)

Tôi cho rằng diễn biến tháng 7 năm nay khá tương đồng với thời điểm tháng 7 năm ngoái. Giai đoạn hồi phục, tăng điểm của nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau.

Nhóm ngân hàng, dầu khí, xây dựng, dịch vụ tài chính, dệt may... đang thu hút dòng tiền khá tốt. VN-Index vẫn sẽ hướng tới mốc 1.000 điểm trong năm nay.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, bộ phận chiến lược thị trường – MBS

Ở thời điểm đầu tháng 7/2018, thị trường tạo đáy và phục phồi sau nhịp giảm khá mạnh, mức P/E vào khoảng 15 lần thu nhập. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng dồi dào hơn hiện nay và tác động từ bên ngoài chưa rõ nét.

Năm nay thị trường có diễn biến khác hơn, dòng tiền nhỏ và khá nhạy cảm với những thông tin bên ngoài.

Tuy vậy cơ hội để quay lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm không phải là không có, các tín hiệu kỹ thuật ngắn và trung hạn đang ủng hộ xu hướng tăng, nền vĩ mô trong nước khá tích cực sẽ là động lực nâng đỡ thị trường.

Ở bình diện thế giới ,chứng khoán Mỹ đã lập đỉnh cao mọi thời đại, thị trường trong nước hiện đang lỡ nhịp tăng vừa qua nên dư địa để quay lại vùng đỉnh cũ là rất lớn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó tạo “sóng”? ảnh 3

Ông Ngô Quốc Hưng

Lúc này, giới đầu tư dõi theo cuộc họp ngày 30-31/7 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ bàn luận xem nền kinh tế có cần tới một đợt “hạ lãi suất mang tính phòng ngừa” giữa lúc xuất hiện tín hiệu nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, xung đột thương mại và lạm phát thấp.

Một kết quả đáp ứng kỳ vọng của thị trường từ cuộc họp này sẽ là lực đẩy giúp thị trường có thể lặp lại kịch bản như đã xảy ra ở thời điểm này năm ngoái.

Tháng 7 là mùa cao điểm báo cáo tài chính bán niên của doanh nghiệp niêm yết. Nhà đầu tư thì cũng có tâm lý chờ đợi và ra quyết định dựa vào những thông báo về sức khỏe doanh nghiệp trong giai đoạn nửa đầu năm. Liệu “sóng” kết quả bán niên của doanh nghiệp niêm yết có diễn ra trong một vài tuần tới?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Có thể nói đây là thời điểm hội tụ mọi điều kiện thuận lợi cho một nhịp tăng. Tuy nhiên việc thị trường có tăng được hay không thì lại là câu chuyện bởi dòng tiền rất yếu.

Tuy nhiên, tôi vẫn đang tin rằng những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực thì giá cổ phiếu sẽ tăng. Đây là giai đoạn mà dòng tiền sẽ xoay chuyển nhanh để tìm kiếm cơ hội.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Theo tôi thông tin này sẽ không ảnh hưởng nhiều, bởi lý do thị trường đang quan tâm các tin tức từ quốc tế nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều dự báo cũng cho rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khó có sự đột phá nào quá tích cực do kinh tế đang chững lại nếu không muốn nói có thể có nhiều báo cáo xấu có thể còn kéo tụt thị trường. 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI)

Nhiều tin tức vĩ mô đang ủng hộ (thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt, FED có thể giảm lãi suất trong tháng 7, phố Wall vượt đỉnh lịch sử, giá dầu hồi phục trong quý III...). tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện rất nhiều và tất nhiên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quý II cũng một phần ảnh hưởng đến các quyết định giải ngân của các nhà đầu tư.

Rõ ràng đang có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt kể từ đầu năm và vẫn đang là tâm điểm của dòng tiền như PPC, PHR, DHG, DHC, PVS... thì giá cổ phiếu vẫn sẽ tiếp tục sẽ tăng mạnh trong năm nay chứ không chỉ riêng trong quý III này.

Ông Ngô Quốc Hưng - chuyên viên nghiên cứu cao cấp, bộ phận chiến lược thị trường – MBS

Mùa báo cáo kết quả bán niên năm nay khó tạo “sóng”, thị trường vẫn hướng vào những mã cụ thể hoặc các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ xuất khẩu thì tin tốt cũng đã phản ánh vào giá.

Do vậy, mức độ phân hóa ở mặt bằng cổ phiếu sẽ tăng dần và diễn ra rõ nét hơn, dòng tiền sẽ tìm các địa chỉ có câu chuyện đủ hấp dẫn liên quan đến tình hình kinh doanh giữa năm.

Trong bối cảnh sự phân hóa cổ phiếu đang tăng dần, đâu là nhóm cổ phiếu được ưu tiên hơn ở thời điểm này, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Thống kê của tôi cho thấy có rất nhiều cổ phiếu giảm thủng đáy 1-2 năm kể cả cổ phiếu lớn thuộc ngành Ngân hàng. Thế nhưng VN-Index so với đầu nă vẫn tăng nhẹ 8-9% thì rõ ràng những cổ phiếu lớn như VIC, VHM, SAB ... đã trợ giúp rất lớn. Nhiều cổ phiếu LargeCap đã ở mức giá rất cao như VIC thfi thật khó kỳ vọng giá tăng tiếp.

Vì thế, để có thể kéo VNI thì nhóm Ngân hàng sẽ có nhiều ưu thế để tăng. nhà đầu tư có thể lưu ý đến nhóm đath Basel 2 khi kết quả kinh doanh bán niên sẽ tích cực cùng với kỳ vọng về việc được nới room tín dụng.

Tính từ đầu năm đến nay, thị trường cũng có khá nhiều ngành tăng mạnh như bất động sản khu công nghiệp, dệt may, điện nước... nên rõ ràng cơ hội là có. Với kỳ vọng mới thì nhóm Ngân hàng đã nằm im khá lâu, nhiều cổ phiếu có tín hiệu tạo đáy và đó có lẽ là cơ hội.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Theo tôi thấy các cổ phiếu được lựa chọn phát hành CW đang được chú ý nên nhiều khả năng nhóm trên được hỗ trợ nhiều cũng như thu hút được các dòng tiền ngắn hạn.

Bên cạnh đó nhóm ngân hàng, hàng không, và một số cổ phiếu bất động sản cũng hút được dòng tiền. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đây chỉ là xu hướng ngắn hạn, không nên đầu tư thành một xu thế trung hạn và trong thời điểm hiện nay xu hướng biến động khó lường và dòng tiền ngắn có thể chuyển sang các nhóm khác hoặc các lĩnh vực khác rất nhanh.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI)

Tôi đánh giá cao ở các cơ hội đặc biệt ở từng nhóm ngành hơn là quan tâm đến cả nhóm cổ phiếu. Đôi khi cổ phiếu hấp dẫn lại đến từ những nhóm ngành không được thị trường để ý.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó tạo “sóng”? ảnh 4

Ông Lê Đức Khánh

Tuy nhiên, nếu nói về những ngành nghề được hưởng lợi hoặc thu hút dòng tiền năm nay thì đó chính là nhóm tiện ích, nhóm cổ phiếu phòng thủ như, điện, nước (PPC, TDM, BWE...) hoặc các nhóm tăng trưởng như công nghệ thông tin FPT, CMG, ITD hoặc các nhóm có thiên hướng xuất khẩu dệt may, thủy sản (TNG, TCM, ANV, FMC...)

Ông Ngô Quốc Hưng - chuyên viên nghiên cứu cao cấp, bộ phận chiến lược thị trường – MBS

Với thanh khoản như nửa đầu năm nay thì dòng tiền chỉ hướng đến những cơ hội cụ thể chứ không lan tỏa theo dòng. Xét theo tỷ trọng phân bổ danh mục thì nhóm ngân hàng mặc dù không còn được như năm ngoái nhưng vẫn có những mã còn dư địa tăng trưởng.

Tiếp theo là các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại như: Dệt may, thủy sản, logistics,….bên cạnh đó nhóm các cổ phiếu về sản xuất và kinh doanh điện, Vingroup, dịch vụ, bất động sản khu công nghiệp,….

Tin bài liên quan