Thị trường đã có 4 phiên tăng điểm trong tuần qua với các tín hiệu về tâm lý cũng như thanh khoản dường như đã được cải thiện rõ nét hơn. Liệu xu hướng này có duy trì được bao lâu, theo các ông?
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCK An Bình (ABS)
Theo tôi, xu hướng tăng điểm có tích cực, nhưng không quyết liệt. Sự thận trọng vẫn khá rõ trong giao dịch của các tổ chức. Tôi cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ tăng giảm xen kẽ trong 1-2 tuần tới.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)
Nếu cách đây 1 tuần, khi thị trường giảm điểm mạnh, có lúc chỉ số VN-Index rơi về mốc 528 điểm, đó là lúc đa số nhà đầu tư có tâm lý bi quan. Sau đó, ngay lập tức khi chỉ số VN-Index hồi phục bật nhanh kèm theo thanh khoản tăng khá tốt, phản ánh tâm lý nhà đầu tư được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình tăng điểm liên tiếp vấp phải các ngưỡng cản tâm lý, cụ thể là ngưỡng kháng cự mạnh 570 điểm vào tuần tới.
Ông Lê Đức Khánh
Chắc chắn tuần tới, các phiên điều chỉnh rung lắc sẽ diễn ra đâu đó ở các phiên ngày thứ Ba và thứ Tư, khi VN-Index bật lên chạm ngưỡng 570 điểm, sau đó có thể tăng tiếp chạm ngưỡng 580 điểm rồi mới điều chỉnh mạnh quanh mốc này.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)
Diễn biến bùng nổ mạnh trong tuần qua nhất là sau phiên VN-Index tăng 13,28 điểm đã thay đổi khá lớn về mặt tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Phần lớn đồ thị kỹ thuật cho thấy, giá nhiều cổ phiếu tạo đáy kỹ thuật bứt phá đi lên. Điều này sẽ khiến thị trường khó có kịch bản giảm sâu trở lại do áp lực bán xả giá thấp chấm dứt nhưng lượng cung chốt lời có thể diễn ra trong một vài phiên tới.
Bên cạnh đó, đánh giá từ phân tích kỹ thuật, diễn biến giao dịch tuần này đang khá trùng khớp về mặt chu kỳ của thị trường như chúng tôi đã nhận định.
Với tín hiệu này, thị trường đã xác định đáy kỹ thuật ngắn hạn và đang trong xu hướng chuyển sang một chu kỳ mới về khả năng hồi phục đi lên dần đều trong thời gian tới. Mức độ hồi phục tuần tới có thể sẽ không nhanh mạnh như những phiên vừa qua mà thiên về khả năng vừa tăng có đi kèm các phiên điều chỉnh nhưng xác định giai đoạn mới là có thể sẽ chuyển biến tích cực như kịch bản dự phóng của chúng tôi. Ngắn hạn, thị trường sẽ sideway up trong khoảng 555-575 và khả năng sẽ tích cực nhờ tín hiệu kích hoạt từ dòng vốn ngoại.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC
Dòng tiền vào thị trường khá tích cực. Đặc biệt là khối ngoại tự tin thêm tiền vào thị trường Việt Nam, nhất là khi FED đang bật tín hiệu không tăng lãi suất tháng 6 này. Tuy nhiên, dự báo thị trường có thể điều chỉnh vào tuần tới trước khi tăng lại lên 580 điểm.
Khối ngoại cũng có những liên tiếp mua ròng trong tuần qua trên cả hai sàn, tiếp sức cho sự hứng khởi của thị trường. Tâm lý chung của thị trường có đang bị ảnh hưởng và chi phối nhiều bởi hoạt động của khối ngoại không?
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCK An Bình (ABS)
Ông Nguyễn Thanh Hải
Theo tôi, giao dịch khối ngoại không tạo được vai trò dẫn dắt thị trường, mà đang được coi là yếu tố bổ sung tác động thêm vào quyết định mua bán của nhà đầu tư trong nước.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)
Chỉ số niềm tin nhà đầu tư vẫn có mối tương quan với dòng tiền giải ngân từ phía khối ngoại. Khối ngoại mua vào nhiều thì niềm tin nhà đầu tư càng cao. Do vậy, đâu đó khi thị trường tăng mạnh cũng là lúc khối ngoại mua ròng với giá trị giao dịch lớn dần.
Có thể thể nói rằng, hoạt động giải ngân của khối ngoại vẫn tác động không nhỏ đến dòng tiền tham gia vào thị trường của khối nội.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)
Diễn biến phục hồi trong tuần qua đến từ 2 yếu tố rất rõ nét là hiệu ứng giảm sâu, bật mạnh và nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng.
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng khá mạnh với tổng giá trị ròng lên đến 406 tỷ đồng trên HOSE, đã tạo sức bật rất lớn đối với điểm số và tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.
Đáng chú ý, diễn biến mua ròng của khối ngoại tập trung khá mạnh vào các cổ phiếu như FPT, SSI, VND, HHS, HBC, GAS… Riêng FPT và SSI là cổ phiếu có room ngoại còn không nhiều. Việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tăng mạnh dần đều là một trong những tín hiệu tích cực cho thị trường và đóng vai trò quan trong trong ngắn hạn bởi đây là dòng vốn này mang tích kích hoạt cao trong bối cảnh mặt bằng cổ phiếu đang ở vùng đáy.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC
Rõ ràng động thái mua ròng tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước nhất các cổ phiếu dòng chứng khoán.
Để tăng tính thanh khoản cho chị trường, mới đây đã có đề xuất cho rằng thị trường cần cân nhắc “nới” tỷ lệ cho vay chứng khoán lên 60% - 70% thay vì mức tối đa là 50% như hiện tại. Quan điểm của các ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCK An Bình (ABS)
Tôi cho rằng, áp dụng chung một mức 50:50 sẽ tạo sự an toàn và ổn định nhất định cho công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Tuy nhiên, sẽ cào bằng mức độ rủi ro của các loại cổ phiếu và vô hình trung các nhà đầu tư sẽ không phân biệt rõ chất lượng các công ty niêm yết.
Vì vậy, theo tôi, nới tỷ lệ cho vay margin lên các mức khác nhau tùy theo từng cổ phiếu sẽ tạo được sự phân biệt rõ ràng định hướng cho nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán luôn chịu áp lực cạnh tranh bằng việc cung cấp tỷ lệ đòn bẩy cao để hút khách, nhưng nếu để đòn bẩy cao đồng nghĩa với việc huy động được ít tài sản ròng ký quỹ của khách hàng và công ty chịu rủi ro cao hơn. Tỷ lệ 50:50 về cơ bản là đủ hợp lý. Thanh khoản của thị trường chứng khoán yếu là do 2 yếu tố chính tâm lý yếu và dòng tiền bị hạn chế bởi Thông tư 36.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)
Chắc chắn là tùy từng mã cổ phiếu cộng thêm việc xét trên tính thanh khoản và chất lượng của doanh nghiệp mà chúng ta có thể cho vay 60 hay là 70%, chứ không phải là tất cả. Cho vay chứng khoán tỷ lệ lớn đi kèm với rủi ro tăng lên. Chúng ta vẫn cứ phải xếp hạng tất cả các doanh nghiệp niêm yết trước rồi xét thêm cả thanh khoản để có thể cho vay với tỷ lệ hợp lý.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)
Tôi đồng tình với quan điểm trên, bởi nếu muốn TTCK phát triển phải khơi thông dòng vốn và tạo những điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư tham gia thị trường. Do đó, việc nới tỷ lệ cho vay lên cũng là một trong những yếu tố giúp thị trường có thêm nguồn lực nhất là lúc thị trường vào giai đoạn hồi phục và tăng mạnh trở lại. Tại các thị trường tài chính phát triển, việc sử dụng đòn bẩy tỷ lệ cao là rất bình thường và là một sản phẩm tài chính cốt lõi hỗ trợ cho nhà đầu tư.
Ông Trần Hoàng Sơn
Tuy nhiên, ở Việt Nam việc quản trị rủi ro của nhà đầu tư vẫn còn kém do đó danh sách cổ phiếu cấp hạn mức cao, nên được áp dụng với cổ phiếu thanh khoản cao và có kết quả kinh doanh ổn định, nhằm tránh các rủi ro có thể diễn ra trong trưởng hợp thị trường giảm mạnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát hoạt động và tỷ lệ cho vay tại các công ty chứng khoán nhằm giảm thiểu rủi ro trong các trường hợp lách cho vay quá tỷ lệ quy định.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC
Nới tỷ lệ margin và tăng thêm các công cụ để nhà đầu tư phòng tránh rủi ro như giảm thời gian T+, cho nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán cân bằng trạng thái... Sẽ tác dụng tích cực đến thanh khoản và dòng tiền vào thị trường.
Thị trường tăng điểm, trong đó có sự giúp sức của nhóm ngân hàng, đặc biệt “bộ ba” VCB, BID, CTG. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có những diễn biến tích cực trong tuần qua. Nếu ở góc độ nhà đầu tư, theo các ông, nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu nào?
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCK An Bình (ABS)
Với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện tại, bất kỳ nhóm ngành nào cũng có những doanh nghiệp khỏe và yếu. Khó có cơ hội đầu tư hiệu quả theo một ngành nào đó trong năm nay, mà thay vào đó, nên đầu tư vào cổ phiếu các doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh, nền tảng công nghệ, có lợi thế chi phối thị trường thì hiệu quả và an toàn hơn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)
Tốt nhất là chúng ta nên quan tâm đến từng cổ phiếu riêng lẻ của từng nhóm ngành hơn là quan tâm đến cả nhóm. Nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng tốt, thì câu chuyện là chỉ quan tâm đến cổ phiếu tốt nhất trong nhóm cổ phiếu đó và ở đây là cổ phiếu VCB.
Tuy nhiên, xét về nhóm cổ phiếu đáng quan tâm cần lưu ý trong giai đoạn hiện nay, thì tôi vẫn cho rằng nhóm cổ phiếu bảo hiểm, ngân hàng, dệt may là những cổ phiếu đáng lưu ý nhất.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)
Quan điểm tư vấn xuyên suốt của MBS trong thời gian qua vẫn tập trung vào các nhóm ngành cơ bản tốt như ngân hàng (BID, CTG, MBB…), vật liệu xây dựng (HT1, BCC, CVT…), thủy sản (VHC, FMC…), dệt may (TNG, TCM..), bất động sản, xây dựng (KBC, HLD, HBC, DXG…). Riêng nhóm ngành ô tô có thể trading hoặc nắm giữ, hạn chế mua đuổi giá cao (HHS, SVC, ST8, HTL…) do đã tăng nhiều.
Về cổ phiếu, hiện tôi đang quan tâm đến DAG, đây là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất nhựa, trong năm nay có khả năng mở rộng năng lực sản xuất, tăng sản lượng sản xuất để tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015 và giai đoạn từ 2016 trở đi, thực hiện thành công kế hoạch này thì năm 2015 có thể là năm bản lề của DAG trong định hướng phát triển giai đoạn 2015 - 2020 của doanh nghiệp này.
Trong quý I/2015, doanh thu thuần của DAG đạt 272,66 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2014, lợi nhuận thuần của Công ty tăng mạnh 90% so với cùng kỳ 2014 đạt mức 9,59 tỷ đồng. Với sản lượng hàng năm đạt từ 25.000 - 30.000 tấn/năm, có tiềm năng mở rộng sản lượng thêm 30% khi đưa vào vận hành một số dây chuyền sản xuất thanh profile áp dụng công nghệ mới hiện đại và hiệu suất cao hơn trong quý III/2015.
Chúng tôi nhận thấy, đây có thể là yếu tố giúp DAG hoàn thành vượt mức kế hoạch 36 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2015, dự báo DAG có thể đạt doanh thu 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng trong cả năm 2015, EPS dự kiến ở mức 2.300 - 2.500 đồng/cp. Kể từ năm 2016 sản lượng sản xuất có thể đạt 40.000 - 45.000 tấn/năm, duy trì tốc độ tăng trưởng từ 15 - 20% so với 2015.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, may mặc, có thể được nhiều nhà đầu tư nội quan tâm trong tuần tới.