Tuần qua, chỉ số VN-Index thêm một lần nữa giảm dưới mốc 900 điểm cùng với thanh khoản sụt giảm mạnh khiến nhà đầu tư không khỏi sốt ruột. Sự bật tăng trở lại ở phiên cuối tuần có giúp thị trường hy vọng về xu hướng tích cực trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS
Đa phần nhà đầu tư theo dõi 2 phiên cuối tuần đều sẽ có cảm giác rất lạc quan về thị trường và đều cho rằng thị trường đã tạo đáy thành công khi nhóm cổ phiếu ngân hàng bật tăng trở lại sau một thời gian dài giảm sâu.
Cũng không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, mà tôi còn nhận thấy rất nhiều chuyên gia đều cho rằng các điều kiện thị trường tạo đáy đang được hình thành và khá lạc quan cho tuần tới.
Bản thân tôi, khi theo dõi thị trường 2 phiên cuối tuần cũng có chung một cảm giác đó, đó là cảm giác của một trader khi theo dõi thị trường thường xuyên do bị bảng điện chi phối cảm xúc. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng cả về kỹ thuật và cơ bản thì tôi lại rất nghi ngờ về sự hồi phục này và cho rằng đây chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật T+ đơn thuần và khó có khả năng tăng trưởng bền vững.
Tôi dự báo, trường hợp lạc quan nhất là VN-Index sẽ chỉ tăng lên tiếp được 929 trong 2 phiên đầu tuần rồi sau đó sẽ lại quay trở lại trạng thái sideway và khi VNI thủng 884 thì downtrend sẽ lại tiếp diễn.
Trong giai đoạn này, yếu tố vĩ mô tác động trực tiếp ngay tới TTCK đó là tỷ giá. Những nhà đầu tư trải qua giai đoạn 2008 và 2010 đều đã được trải qua những thời khắc khó có thể quên rằng: bất cứ lúc nào tỷ giá tăng thì thị trường đều tụt giảm mạnh và sẽ chứng kiến hiện tượng bán mạnh của khối ngoại.
Nếu hiện tượng này không diễn ra trong tuần sau thì thị trường sẽ rất tích cực và ngược lại.
Tôi sẽ chuyển trạng thái thận trọng sang tích cực khi VN-Index vượt thành công 930 (tính theo giá đóng cửa). Nếu VN-Index vượt 930 thì sẽ hướng tới 1050. Tuy nhiên, tôi cho rằng kịch bản này xác suất xẩy ra là thấp bởi cuối tuần qua tỷ giá đang tăng khá mạnh.
Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Nhịp bật tăng cuối tuần vừa qua là điều hoàn toàn bình thường, nó vốn thường diễn ra xen kẽ trong mọi nhịp đi xuống của TTCK, phản ánh sự bật lại sau một quá trình dồn nén mạnh cùng tâm lý chán nản đã lan tỏa rộng khắp.
Do vậy, nếu chỉ nhìn vào việc tăng lại của phiên cuối tuần thì khó để hy vọng vào một xu hướng tích cực trong tuần tới đươc, mới chỉ có thể hy vọng xuất hiện 1 nhịp hồi phục ngắn. Bởi trên nền tảng chung, các yếu tố cơ bản (dòng tiền, vĩ mô, thế giới, khối ngoại..) chưa có tín hiệu cải thiện.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Chỉ số VN-Index có phiên tăng thứ 2 liên tiếp vào cuối tuần qua, chốt phiên tăng 1,3%. Dù đã có 2 phiên tăng gần nhất, tính chung cả tuần chỉ số vẫn giảm 0,9% và đây là tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp của chỉ số.
Giá trị giao dịch sàn HOSE tiếp tục ở mức thấp, chỉ đạt 125 triệu USD. Các mã ngân hàng dẫn dắt thị trường tăng điểm, trong đó có VCB (+4,6%), CTG (+3,7%), BID (+2,2%), VPB (+4,0%) và MBB (+3,0%).
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh
Quan điểm kỹ thuật, chỉ số chứng khoán hai sàn có phiên tăng điểm mạnh kèm theo sự cải thiện về thanh khoản. Khối lượng giao dịch của sàn HOSE quay trở lại phía trên mức bình quân 5 phiên gần nhất, cho thấy sức mua khá tốt. Tuy vậy, VN-Index vẫn chưa đóng cửa phía trên ngưỡng kháng cự 912 điểm, tạo bởi đường MA10 ngày và Gap giảm giá để xác nhận kịch bản tăng điểm.
Lực cầu sẽ cần phải tiếp tục thể hiện trong những phiên giao dịch đầu tuần tới và trong trường hợp VN-Index đóng cửa phía trên mốc 912, chỉ số này sẽ có cơ hội kiểm định mốc 930 và xa hơn là 960 điểm.
Về mặt cung cầu thị trường, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng tuy ít hơn trước, còn lực cầu của nhà đầu tư trong nước đã bắt đầu giải ngân tuy nhiên ở mức độ chậm và quan sát là chính, một số nhà đâu tư vẫn còn tâm lý e ngại và bất ổn. Tâm lý nhà đầu tư trong nước dễ bị tổn thương khi bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài như điểm số của các thị trường khu vực, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khủng hoảng toàn cầu...
Với những diễn biến khó lường từ thị trường tiền tệ và chứng khoán thế giới giai đoạn hiện tại, liệu sự hồi phục ngắn hạn có là cơ hội để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư không và đâu là nhóm cổ phiếu có nhiều triển vọng, theo ông, bà?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS
Như nhận định ở trên, tôi cho rằng, với những bất ổn như hiện nay như FED tăng lãi suất, chiến tranh thương mại chưa có hồi kết, lạm phát đang có dấu hiệu quay trở lại, tỷ giá tăng cao thì tôi đang thiên về kịch bản thận trọng và do đó bất kể lúc nào thị trường tăng thì cũng là cơ hội tốt để cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỷ lệ tiền mặt và hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Tuy nhiên nếu VN-Index mà vượt thành công 930 thì có nghĩa là thị trường đang đánh giá những yếu tố trên đã phản ánh hết vào giá và thị trường sẽ hồi phục lên mức cao hơn.
Nếu kịch bản này xẩy ra thì tôi cho rằng những cổ phiếu giảm sâu và thanh khoản cao sẽ là nhóm có sự hồi phục mạnh mẽ nhất mà không phân biệt nhóm ngành nào bởi đây là đặc trưng sóng hồi trong 1 downtrend.
Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Trong mỗi kỳ báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư đều cần phải tính toán, rà soát lại danh mục đầu tư của mình và việc tái cơ cấu danh mục là việc nên làm bất cứ thời điểm nào nếu như chúng ta nhận thấy những cơ hội tốt hơn chứ không cứ trong giai đoạn này.
Nhóm cổ phiếu có nhiều triển vọng là nhóm cổ phiếu midcap có nền tảng cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng mà tôi cho rằng hiện nay vẫn chưa thu hút được sự quan tâm nhiều của số đông.
Dù vậy, với những diễn biến không tích cực hiện tại, cơ hội này chỉ dành cho nhà đầu tư dài hạn chân chính, chưa phù hợp với hoạt động đầu tư ngắn hạn hay đầu cơ.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Sự phục hồi ngắn hạn là cơ hội để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư. Nhà đầu tư cần chú ý đến những cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh 6 tháng sáng sủa, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là 1 trong những nhóm cổ phiếu có nhiều triển vọng vì một số ngân hàng đã bắt đầu tiết lộ những con số lợi nhuận khổng lồ (như VCB, OCB, VIB, Nam A...) và tiếp tực chờ những tín hiệu bùng nổ của các ngân hàng lớn tiếp theo.
Trong giai đoạn này, nhà đầu tư được khuyến nghị nên giữ tỷ trọng margin thấp, dù nhà đầu tư có quan điểm cổ phiếu giảm mạnh cũng là cơ hội bắt đáy. Quan điểm của các ông/bà?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS
Do có cách nhìn thận trọng về thị trường nên kể từ đầu tháng 4 đến nay nên tôi đều khuyến nghị nhà đầu tư cầm tiền mặt là chủ yếu và ít khi khuyến nghị mua vào cổ phiếu chứ chưa nói đến việc sử dụng margin.
Ông Dương Văn Chung
Nếu VN-Index vượt 930 thành công thì tôi cũng khuyến nghị nhà đầu tư chỉ mua một phần danh mục trên cơ sở và không sử dụng margin vì rủi ro là rất cao. Nếu nhà đầu tư muốn đòn bẩy cao để gia tăng lợi nhuận thì nên tham gia thị trường phái sinh.
Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Khi thị trường được đánh giá là nhiều rủi ro, thì việc bảo toàn vốn là quan trọng nhất chứ không phải việc tìm kiếm cơ hội.
Do đó, quan điểm của tôi lúc này là nên nắm giữ tiền mặt, đồng nghĩa với việc giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và càng không nên sử dụng dịch vụ margin. Việc thay đổi kế hoạch chỉ được cân nhắc nếu như các yếu tố nền tảng cơ bản (dòng tiền, vĩ mô..) có dấu hiệu được cải thiện.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Tôi cùng quan điểm tiếp tục nên giữ tỷ trọng margin thấp bởi việc sử dụng vốn vay trong bối cảnh thị trường đang trend xuống cũng như có nhiều bất ổn từ yếu tố bên ngoài.
Nếu nhà đầu tư còn tiền mặt hoặc tỷ trọng margin thấp có thể bắt đáy , tuy nhiên nên chọn những mã cổ phiếu có sẵn trong danh mục để dễ dàng lướt sóng.