Thị trường đã có một tuần “test’ cung tương đối thành công khi có vài phiên điều chỉnh đầu tuần và sau đó phục hồi trở lại trong 2 phiên cuối tuần. Điều này cho thấy lực cầu ở vùng giá thấp tương đối tốt, đã hấp thụ hết lượng hàng bắt đáy chốt lời. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng giao dịch của thị trường trong tuần tới?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đã dần cân bằng cung cầu trong tuần giao dịch vừa qua và nhà đầu tư cũng đã giảm bớt áp lực margin sau khi chỉ số VN-Index đã có bước hồi phục đáng kể gần 100 điểm.
Các trạng thái đè sâu của thị trường trong thời gian tới sẽ kích hoạt lực cầu gia tăng bên dưới, vì vậy khả năng thị trường đã vượt qua vùng đáy trung hạn. Vẫn sẽ có vài phiên co giật, nhưng là cơ hội để nhà đầu tư lướt sóng trên nền giá thấp. Thị trường kỳ vọng sẽ giao dịch tích cực hơn và có thể dao động trong vùng 940 - 980 trong tuần giao dịch mới.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Động lượng tăng điểm càng rõ ràng hơn khi kết phiên cuối tuần với mẫu nến marubozu bao trùm tăng với đóng góp từ nhiều nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và thép. Không chỉ trên thị trường cơ sở, đối với hợp đồng tương lai cũng ghi nhận độ chênh lệch (spread) dương thể hiện tâm lý lạc quan hơn.
Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index đã tiến sát lên cạnh trên của hộp Darvas (980 điểm), đây cũng là đường trung bình động MA20 mà thị trường nhiều lần không thử thách thành công. Bối cảnh lần này khác so với những lần áp sát cản trước đây, nhờ sự đồng thuận từ các nhóm ngành dẫn dắt và không có ngành nào là gánh nặng tiêu cực; ngay cả đối với cổ phiếu NVL hay PDR, sau thị giá về mức thấp thì việc cổ phiếu bán sàn không còn tác động nhiều đến vận động chỉ số chung. Dự báo chỉ số sẽ có nhịp hồi phục từ đầu tuần, sau đó dao động dưới biên độ kháng cự 980 - 1.000 điểm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Trong tuần tới và mùa World Cup, theo tôi là thị trường tích cực nhiều hơn và sẽ tốt hơn nữa trong ngắn hạn khi vượt được kháng cự quan trọng 980 điểm. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ tốt từ TTCK thế giới cùng dấu hiệu lạm phát đang lập đỉnh và Fed cũng có khả năng giảm bớt tốc độ tăng lãi suất cũng giúp thị trường trong lúc này.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Quan điểm kỹ thuật, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số có sự cải thiện theo chiều hướng khả quan. Cụ thể, HNX-Index tạm cải thiện tín hiệu lên mức Tích cực, trong khi VN-Index, VN30, VNMidcap và VNSmallcap cải thiện tín hiệu lên mức Trung tính.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh |
Dự báo trong những phiên giao dịch tới, thị trường với đại diện là VN-Index có thể sẽ duy trì quán tính tăng để kiểm định kháng cự MA20 tại 972 điểm và cao hơn là mức đỉnh 3 tuần tại 985 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở các vùng giá cao sau đó. Nếu VN-Index có thể duy trì đóng cửa trên đường MA20, chỉ số sẽ phát ra tín hiệu hình thành một xu hướng tăng điểm ngắn hạn với các mục tiêu tại 1030 điểm (MA50) và 1060 điểm (MA100). Ngược lại, nếu VN-Index đảo chiều giảm đóng cửa dưới MA20, chỉ số có thể sẽ cần thêm sự củng cố tại hỗ trợ 955-960 điểm, nơi có đường MA10 ngày đang hướng lên.
Nhìn về chuyển động của dòng tiền, trái ngược với sự thận trọng từ dòng tiền nội, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh sang tuần thứ 3 liên tiếp sau khi đã mua ròng gần 10.000 tỷ đồng ở 2 tuần trước đó, dòng tiền qua các quỹ ETF cũng rất đáng chú ý trong vài tuần trở lại đây. Những tín hiệu đã có đủ kích thích dòng tiền sôi động hơn ở giai đoạn cuối năm?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Hoạt động giao dịch của khối ngoại không còn là định hướng thị trường trong thời gian gần đây, nhưng động thái mua ròng liên tục trong 2 tuần gần nhất rất đáng chú ý và cũng là nguồn tham khảo hướng đi dòng tiền chung của thị trường trong thời gian tới.
Dòng tiền của khối nội có đặc điểm là quay vòng nhanh và tỷ lệ margin cao, vì vậy thị trường cần có thời gian hấp thụ hết lượng hàng bị kẹt ở vùng giá cao giai đoạn trước đó. Thời gian cuối năm có thể dự báo dòng tiền khối nội sẽ quay vòng nhanh và gia tăng thanh khoản cao hơn, từ đó có thể kỳ vọng thị trường có thể đẩy nhanh giao dịch hơn các tháng trước đó.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Trước hết phải thừa nhận hành động của khối ngoại là hoàn toàn hợp lý, họ đang tận dụng thời điểm dòng tiền trong nước hạn hẹp, để huy động nguồn lực mua gom cổ phiếu giá rẻ. Nhà đầu tư cá nhân trong nước hoàn toàn có thể áp dụng chiến lược đầu tư trên nếu còn lượng tiền mặt lớn trong tài khoản, chờ đợi chốt lời khi dòng tiền trong nước dồi dào hơn (có thể từ đầu năm 2023).
Thứ hai, các cổ phiếu nằm trong rổ VNDiamond mà khối ngoại liên tục mua ròng đều được chúng tôi đánh giá cao về chất lượng doanh nghiệp, cùng độ an toàn để “sống sót” qua chu kỳ kinh tế khó khăn hơn. Và do đó đây là lựa chọn tốt để phòng thủ tài khoản, hoặc nắm giữ trong tầm nhìn trung hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Các tổ chức lớn và dòng tiền lớn thông thường sẽ mất nhiều thời gian do họ cũng khó giải ngân nhanh và quyết liệt như các nhà đầu tư cá nhân được, vì số tiền thường lớn hơn nhiều nhà đầu tư cá nhân, nhất là thanh khoản hiện nay thấp hơn nhiều thời kỳ hoàng kim năm ngoái.
Ông Phan Dũng Khánh |
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhà đầu tư cá nhân vẫn là chủ đạo trên thị trường, do đó khi dòng tiền nhóm này vẫn yếu mà khả năng đó khá cao vì nhiều nhà đầu tư cá nhân kẹp hàng và bị thiệt hại trong năm nay nên sẽ khó hỗ trợ mạnh trong trung hạn được dù ngắn hạn sẽ tích cực hơn.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Tín hiệu tích cực mới đến từ khối ngoại chưa đủ để xác nhận xu hướng và dòng tiền mạnh hơn bởi thanh khoản trung bình thị trường vẫn tiếp tục giảm 12,5% so với tuần trước đó và giảm 5,8% so với trung bình 5 tuần.
Dự báo trong tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục có 1 đợt tăng lãi suất. Tuy vậy, hầu hết các thành viên Fed đều đồng ý sẽ giảm tốc độ lãi suất điều hành trong thời gian tới để đánh giá ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt tới nền kinh tế, nên dự báo Fed chỉ tăng thêm 50 điểm cơ bản. Điều này có tác động đến xu hướng lãi suất trong nước không? TTCK có tiếp tục bị chi phối bởi yếu tố lãi suất?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Việc Fed tăng lãi suất gần như đã được dự báo trước đó và thị trường cũng đã quen với việc đón nhận lãi suất đang gia tăng và tình hình có thể kéo dài qua đến tầm giữa năm 2023. Việc lãi suất cao chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chứng khoán vì sẽ có một lượng lớn dòng tiền tìm kiếm sự an toàn ở kênh tiết kiệm và các kênh lãi suất cao.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán hiện đang ở nền giá thấp, vì vậy vẫn sẽ có một lượng nhất định dòng tiền đầu tư tham gia thị trường để mục tiêu kiếm lợi nhuận ngắn hạn, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường có độ biến động khá cao như hiện tại.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Việc chạy đua lãi suất đi kèm với room tín dụng eo hẹp dĩ nhiên tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK. Trong bối cảnh thị trường còn trong downtrend với chỉ dưới 20% lượng cổ phiếu nằm trên MA50, chắc chắn thiếu hấp dẫn hơn hơn với sản phẩm tiền gửi có lãi suất tới trên 10% cho các kỳ hạn 12-18 tháng.
Dự kiến sức ảnh hưởng tiêu cực này còn kéo dài sang năm 2023. Vào 23/11, biên bản của cuộc họp Fed đầu tháng 11 đã được phát hành. Về mặt lãi suất, hầu hết các thành viên Fed đều đồng ý sẽ giảm tốc độ lãi suất điều hành trong thời gian tới để đánh giá ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt tới nền kinh tế, nhưng vẫn hướng đến mức lãi suất mục tiêu trên 5% cho 2023. Việt Nam nhiều khả năng sẽ có các chính sách đồng pha để đảm bảo ổn định tỷ giá.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Tác động tích cực hơn, nhưng cần lưu ý là lãi suất thế giới vẫn đang xu hướng tăng dù có thể sẽ chậm hơn, nên áp lực đối với nền kinh tế vẫn còn lớn. Do đó, kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mức tăng hoặc ngừng tăng trong thời gian tới. Vì vậy, dù TTCK vẫn còn khó khăn, nhưng mức độ tiêu cực giảm dần theo thời gian.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Điều này vẫn có tác động nhất định đến xu hướng lãi suất trong nước với việc Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái chuẩn bị cho kỳ họp của Fed tháng 12 sắp tới (như xu hướng hút ròng trên thị trường mở, điều tiết lãi suất thị trường 2 cao hơn so với lãi suất USD, lãi suất qua đêm tăng...).
Tương tự vậy, TTCK cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố lãi suất nhưng do đã có dự báo và mức tăng dự kiến thấp hơn nên mức độ sẽ ảnh hưởng không mạnh như trước, tuy nhiên việc tăng này lại diễn ra vào cuối năm trùng hợp với thời điểm cuối năm thanh khoản dòng tiền thường thiếu hụt nên cũng sẽ gây ra mức độ ảnh hưởng không nhỏ đến TTCK.
Nhóm ngân hàng thể hiện trạng thái tích lũy cân bằng bất chấp những biến động điều chỉnh của chỉ số VN-Index trong gần 2 tháng vừa qua. Thông tin về việc cấp hạn mức tín dụng mới hay đánh giá xếp hạng cũng có phần tác động tích cực đến nhóm nhà băng. Nhìn về cơ hội, nhóm ngành nào đang có lợi thế, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhóm ngân hàng nếu so về dài hạn vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn, vì vậy dù một số thông tin ngắn hạn có thể tác động đến yếu tố tâm lý nhà đầu tư nhưng nhìn chung về dài hạn, nhóm ngân hàng vẫn ưu tiên lưu ý và một số ngân hàng có thể nằm trong danh mục đầu tư dài hạn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Về dài hạn ngoài nhóm ngành ngân hàng, thì nhóm ngành chứng khoán, thép, bất động sản khu công nghiệp cũng nên chú ý trong thời gian tới nhờ nhiều cổ phiếu đang ở vùng giá thấp và kỳ vọng phục hồi cao trong nửa đầu năm sau.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC
Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao nhóm ngành ngân hàng với các cổ phiếu đủ tiêu chí về định giá, chỉ số an toàn, bao gồm ACB, CTG và MBB. Ngoài ra, trong trường hợp nhà đầu tư muốn thử dò đáy, hoặc đầu tư giá trị tích sản, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có tỷ lệ nợ thấp, tổng nợ trên tài sản dưới 0,5 (để giảm thiểu áp lực trả nợ trong bối cảnh lãi suất tăng) cũng như dòng tiền sản xuất kinh doanh tốt, dòng tiền sản xuất kinh doanh/doanh thu > 10% (để đảm bảo hoạt động hiệu quả trong môi trường vay vốn khó khăn). Chúng tôi đánh giá những yếu tố trên sẽ giúp doanh nghiệp có sức chống chịu tốt hơn trong giai đoạn khó khăn hơn của chu kỳ kinh tế.
Ông Trương Thái Đạt |
Dựa trên các tiêu chí trên chúng tôi đã lọc ra 6 cổ phiếu như sau:
Lọc dầu - BSR: Sản lượng BSR đáp ứng 35% tổng nhu cầu nội địa, sản lượng bán ra luôn tiêu thụ hết. Doanh thu, lợi nhuận của BSR biến động cùng chiều với giá dầu thô (crack spread tăng). Với dự báo giá dầu neo cao, trong 2023 BSR nhiều khả năng sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh tích cực.
Vận chuyển dầu - PVT: Giá cước vận chuyển các sản phẩm dầu tăng mạnh từ đầu 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do nhu cầu năng lượng thế giới tăng cao. Tận dụng nguồn tiền dồi dào, PVT đã có kế hoạch mở rộng, dự kiến tăng 14 tàu trước 2025 và mở rộng mảng vận chuyển khí tự nhiên (LNG), tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong nhiều năm tới.
Cơ điện - REE: REE có nguồn doanh thu đa dạng tới từ 4 ngành (năng lượng, nước, bất động sản & cho thuê, và cơ điện lạnh). Trong 2023, doanh thu năng lượng REE sẽ khó khăn hơn do La Nina kết thúc. Tuy nhiên, mảng năng lượng tái tạo có thể là động lực phát triển lâu dài cho mảng điện của REE.
Phân đạm/Hóa chất - DGC, DCM, DPM: Bài toán nguồn cung sụt giảm là yếu tố giúp cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam. Giá năng lượng (than, LNG) cao sẽ tiếp tục hỗ trợ giá urea. Các chính sách bảo vệ môi trường, ZeroCovid, hạn chế xuất khẩu phốt pho từ Trung Quốc cũng như Nga có thể là yếu tố trợ giá cho phốt pho trong thời gian tới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Theo quan sát của tôi, nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán), sắt thép, bất động sản, nguyên vật liệu... vẫn còn khó khăn dù mức độ có thể giảm đi. Những ngành nên lưu ý là vận tải (đặc biệt vận tải hàng không), công nghệ, thực phẩm... và các ngành chú trọng sản xuất kinh doanh mang lại sản phẩm thực chất cho nền kinh tế.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Nhóm có lợi thế là những nhóm ngành cổ phiếu phòng thủ như điện, nước, tiêu dùng bán lẻ, công nghệ...
Ngoài nhóm ngành thì nên chú ý chọn các cổ phiếu đầu ngành (có lợi thế nhất định về quy mô và kinh nghiệm) giảm sâu về các ngưỡng kháng cự mạnh trong quá khứ, quản trị dòng tiền tốt, ít nợ vay những nhóm cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt cao...
Về ngắn hạn, có thể tìm kiếm giải ngân ở những cổ phiếu đang có dòng tiền vào mạnh như chứng khoán, thép... Cổ phiếu nhóm ngành bất động sản tuy đã có sự phục hồi nhưng phân hóa và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.