Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dành cơ hội cho nhóm cổ phiếu nào?

(ĐTCK) Sau 3 tuần tăng liên tiếp, VN-Index đã có tuần giảm điểm với phiên lao mạnh cuối tuần qua do áp lực chốt lời. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh 50-60% so với vùng đáy. Trong tuần giao dịch tới, tâm lý nhà đầu tư có bị ảnh hưởng bởi phiên lao dốc cuối tuần qua và nên dành cơ hội giải ngân cho nhóm cổ phiếu nào? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Áp lực chốt lãi trên diện rộng đã khiến chỉ số VN-Index “bay hơi” hơn 15 điểm ở phiên cuối tuần. Liệu điều này có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, cũng như diễn biến giao dịch của thị trường trong tuần tới, theo ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Phiên giao dịch cuối tuần qua đã xóa sạch thành quả sau 3 phiên tăng liên tếp, đồng thời cũng đánh dấu tuần mất điểm đầu tiên của chỉ số VN-Index sau 3 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Tuy để mất 0,9% trong tuần qua, nhưng VN-Index đã thiết lập mức cao nhất trong vòng gần 4 tháng (ở mốc 1.024,68 điểm), đồng thời dòng tiền lớn đã trở lại thị trường, bình quân đạt 4.000 tỷ đồng khớp lệnh/phiên.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng có tuần mua ròng kỷ lục gần nửa tỷ USD, trong đó MSN là nhân tố chính.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang được ủng hộ bởi các yếu tố lạc quan ở nội tại, nhưng lại e ngại đối với các yếu tốt bên ngoài. Kể từ tháng 7 đến nay, chỉ số VN-Index và Dow Jones của thị trường Mỹ có sự tương đồng và tách Top so với chỉ số của các thị trường mới nổi và thị trường cận biên.

 Ông Ngô Quốc Hưng

Chỉ số VN-Index “bay hơi” 15 điểm ở phiên cuối tuần có sự tác động từ sự giảm điểm từ các chỉ số chính của thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có thị trường Mỹ dưới sức ép của lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao. Tuy nhiên, các chỉ số chính của thị trường này cũng bật trở lại từ mức đáy trong phiên trước khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, đó có thể là tín hiệu tích cực.

Tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch sôi động với sự trở lại của dòng tiền lớn. Về yếu tố kỹ thuật, xu hướng tăng điểm vẫn là chủ đạo, kể từ tháng 7 tới nay, thị trường đã có 10 tuần tăng và chỉ có 2 tuần giảm điểm. Tuy nhiên trong tuần tới, khả năng thị trường sẽ có cơ hội kiểm tra lại vùng hỗ trợ trước khi trở lại quỹ đạo tăng trước đó.

Trong kịch bản tích cực với sự duy trì của dòng tiền lớn như hiện nay, nhịp điều chỉnh có thể sớm kết thúc ở mốc tâm lý 1.000 điểm. Trong kịch bản kém tích cực hơn, thị trường có thể về lại vùng hỗ trợ 993 điểm.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Thị trường giảm mạnh là khá bất ngờ nhưng nếu quan sát kỹ những cổ phiếu tác động đến thị trường như VIC, GAS..., thì điều này là bình thường.

Thị trường toàn cầu giảm mạnh trước lo ngại về đồng USD tăng giá và lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, thì điều này chỉ là sự phản ứng tức thời của thị trường.

Thực tế, khi FED tăng lãi suất thì cả hai chỉ số này biến động không quá lớn và thời gian cũng đã trôi qua khá lâu, nên tính tác động lúc này chưa rõ ràng.

Xét về thị trường Việt Nam, tôi cho rằng, những thông tin tiêu cực nhất đã qua đi và giờ là lúc thị trường đang chờ đón mùa báo cáo tài chính. Trong khi đó, việc khối ngoại liên tục mua ròng sẽ là điểm tựa cho thị trường. Vì thế tôi cho rằng, thị trường sẽ sớm tăng trở lại.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ là có. Một cây nến đỏ “trị giá” 15 điểm, thổi bay thành quả leo dốc của không chỉ tuần qua, mà là 2 tuần qua. Ngay chiều thứ Sáu, đã có rất nhiều câu hỏi: Điều gì đang xảy ra? Thị trường đâu có tin xấu đến mức index mất điểm nhiều như thế?

Tôi không nghĩ phiên thứ Sáu là 1 phiên điều chỉnh, dù cũng có ý kiến ở Rồng Việt rằng VN-Index chạm ngưỡng kháng cự 1.025 điểm.

Nếu nhìn biểu đồ VN-Index, có thể thấy chỉ số này 2 tuần qua leo dốc khá nhọc, thậm chí có những lúc “xanh vỏ đỏ lòng”, dù có thông tin tích cực, ví dụ như thông tin nâng hạng FTSE. Đâu có nhiều nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh để chốt lời như dầu khí?

Thậm chí, trong số khoảng 30 mã có vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên, 2/3 số mã có giá đóng cửa (phiên thứ Sáu 5/10) giảm giá so với cuối tuần trước đó, ví dụ như VIC, VJC, VNM, VRE, VHM, PLX, MSN, NVL… Như vậy, lấy cái gì chốt lời và điều chỉnh ở đây?

Nguyên nhân chính lúc này, tôi nghĩ đến từ yếu tố bên ngoài, tức cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có vẻ đang nóng hơn và không chỉ thuần túy là ở việc đánh thuế.

Điều này có lẽ đang dẫn đến giao dịch bán ròng của khối ngoại tuần qua. Khi họ bán ròng trên các mã vốn hóa lớn như VIC, VJC, VCB, PVD, VHM… hay thậm chí cả HPG, vốn được nhiều chuyên gia phân tích công ty chứng khoán lớn dự báo kết quả quý III tích cực, thì tôi nghĩ đến rủi ro từ cuộc chiến Mỹ - Trung “mở rộng” này. Do đó, tuần tới khối ngoại còn có thế bán ròng và thị trường còn có nguy cơ giảm điểm.

Trong một vài tuần tới, dòng tiền được nhận định sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu có lợi nhuận cao trong quý III/2018. Đó là nhóm cổ phiếu nào theo kỳ vọng của ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường tăng điểm trong hơn 3 tháng qua cũng đặt ra mối lo ngại về mức định giá của những cổ phiếu có mức tăng giá mạnh trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang tới gần. Theo đó, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ trong từng nhóm cổ phiếu hoặc đối với các nhóm ngành.

Các nhóm ngành được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền có thể kể đến: Nhóm cổ phiếu chứng khoán, dệt may, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, bản lẻ, nhóm sản xuất và kinh doanh điện…

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Cần lưu ý rằng, thị trường đã tạo đáy từ đầu tháng 7 và từ đó đến nay đã có rất nhiều cổ phiếu tăng rất mạnh. Nhìn về ngành có thể thấy rõ 3 ngành thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư là: Dầu khí, thủy sản và dệt May.

 Ông Nguyễn Hữu Bình

Tất nhiên, ở các ngành khác không nổi trội nhưng giá của nhiều cổ phiếu cũng tăng không hề kém. Rõ ràng, có sự phân hóa lớn ở đây, nên việc cổ phiếu có tăng mạnh nữa hay không tùy thuộc vào nó tăng bao nhiêu.

Tôi cho rằng, những cổ phiếu đã tăng đến 50-60% từ đáy, thì không còn nhiều dư địa, ngược lại cơ hội dành cho những cổ phiếu khác.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Thị trường chứng khoán bắt đầu bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý III và có lẽ nhóm dầu khí đang có kỳ vọng cao nhất. Điều này dễ hiểu, bởi ai cũng thấy giá dầu thế giới tăng mạnh như thế nào. Tôi chỉ xin lưu ý rằng giá dầu tăng thì có những công ty được hưởng lợi trực tiếp và sớm, nhưng cũng có công ty tác có độ trễ về lợi ích.

Tiếp theo là thủy sản, tin tốt đăng trên báo chí rất nhiều. Ngân hàng cũng kỳ vọng tốt dù gần đây có thông tin rằng tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm trước, bởi đơn giản chỉ là tôi thấy lợi nhuận quý 3 năm trước của nhiều ngân hàng vẫn ở mức khá thấp.

Chứng khoán cũng là nhóm nhận được kỳ vọng cao do thanh khoản trên TTCK hồi phục mạnh trong tháng 8 và tháng 9 (so với cùng kỳ năm trước). Hoặc một số nhóm ngành khác có yếu tố mùa vụ cao vào quý III…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hay một số bluechips đầu ngành tỏ ra khá yếu trong những phiên gần đây, nhưng vẫn là nhóm cổ phiếu cần ưu tiên tham gia khi thị trường điều chỉnh. Quan điểm của ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Như đã phân tích ở trên, trong kịch bản lạc quan với sự duy trì của dòng tiền lớn như ở thời điểm hiện tại, thì nhịp điều chỉnh sẽ sớm kết thúc. Theo đó, nhóm cổ phiếu bluechips đầu ngành hay nhóm ngân hàng sẽ là các nhóm dẫn dắt, vì vậy cần ưu tiên tham gia.

Tuy nhiên, nếu thị trường đi vào kịch bản kém lạc quan hơn, thì nhà đầu tư nên ưu tiên vào nhóm có lợi nhuận cao trong quý III như đã nêu ở trên.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Thực ra, thị trường đã phân hóa quá mạnh trong giai đoạn vừa qua. Có mã đã tăng đến 50-60% trong khi nhiều mã vẫn dậm chân tại vùng đáy. Việc đánh giá như trên không thực sự chính xác, bởi những mã tăng mạnh thường chịu áp lực chốt lãi khá lớn.

Cũng cần thấy rằng, thị trường giai đoạn này đã hình thành xu thế tăng, nhưng dòng tiền vẫn yếu nên đồng thuận không cao. Bản chất giai đoạn này vẫn vậy và phía trước còn duy nhất mùa báo cáo quý III.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, báo cáo quý III không để lại nhiều ấn tượng và thị trường tiếp tục phân hóa. Mã nào đã tăng mạnh khó tăng thêm, ngược lại kết quả kinh doanh không như kỳ vọng sẽ khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Có lẽ ý của câu hỏi ở đây là yếu tố dẫn dắt? Nếu nhìn ở góc độ nhóm ngành thì có lẽ vậy. Trên sàn HOSE, ngân hàng hiện đứng thứ 2 sau bất động sản về tỷ trọng đóng góp vào trọng số vốn hóa của chỉ số VN-Index.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dành cơ hội cho nhóm cổ phiếu nào? ảnh 3

 Ông Hoàng Thạch Lân

Như vậy, nếu nhà đầu tư cho rằng thị trường chỉ là đang điều chỉnh, thì khi index phục hồi, tất nhiên không thể thiếu sự thúc đẩy từ nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên, tôi lại nghĩ nếu nhà đầu tư đã phân tích kỹ thuật chỉ số như thế, thì họ cũng nên phân tích kỹ thuật các mã vốn hóa lớn để tìm cơ hội giải ngân. Không nhất thiết phải “bám” vào yếu tố ngành.

Ở giai đoạn này, ông/bà lựa chọn chiến lược đầu tư như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Tôi cho rằng VN-Index tích cực nhất chỉ chạm đến vùng 1.050 - 1.080 điểm nhịp tăng này nhờ sự hậu thuẫn của mùa báo cáo. Tuy nhiên, cần lưu ý mấy điểm sau:

Thứ nhất, không nên quá quan tâm đến những cổ phiếu đã tăng mạnh, bởi dư địa tăng thêm không nhiều mà rủi ro thông tin không tích cực sẽ giảm mạnh. Cổ phiếu VCS là một ví dụ điển hình. Tôi nhìn nhận thấy có khá nhiều cổ phiếu có rủi ro điều chỉnh trong nhóm này, đặc biệt là những cổ phiếu tăng giá vì thông tin ngành thuận lợi, trong khi kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Thứ hai, nên tập trung quan tâm đến những cổ phiếu chưa tăng giá so với vùng đáy. Những cổ phiếu này ngược lại với nhóm tăng, có nghĩa nếu thông tin tích cực xuất hiện dòng tiền sẽ đảy giá tăng mạnh. Ngược lại, giá chỉ điều chỉnh nhẹ quay về đáy, bởi vùng đáy này đã hình thành khoảng thời gian đủ dài.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Lúc này thị trường có độ rủi ro cao hơn, do yếu tố Mỹ - Trung như nói ở trên. Khối ngoại bán ròng có lẽ cũng liên quan đến yếu tố này. Tuy nhiên, đầu tư và nắm giữ vẫn là ưu tiên của tôi.

Thị trường đang bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý III, mà thông lệ thì tin tốt ra trước. Hơn nữa, sau khi được lọt vào mắt xanh FTSE, tôi cho rằng, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội được đưa vào watchlist của MSCI đầu năm tới. Như thế, tôi đang mong chờ động thái giao dịch tích cực hơn từ khối ngoại.

Điều đáng tiếc nhất là họ lại đang bán ròng, 2 phiên gần nhất họ bán ròng đến hơn 800 tỷ đồng trên HOSE. Cố lẽ sự kỳ vọng vào khối ngoại cũng phải chờ lâu hơn, nhưng tất yếu sẽ xảy ra.

Tóm lại, đầu cơ lướt sóng hay đánh phái sinh thì có thể thiên về vị thế bán hoặc rút lui nghe ngóng, còn đầu tư thì vẫn nên cân nhắc mà nắm giữ.

Tin bài liên quan