Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đã có thể xuống tiền

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đã có thể xuống tiền

(ĐTCK) Sự lạc quan là xu hướng chủ đạo trong nhận định tuần này của các chuyên gia chứng khoán. Cùng nhà báo Hải Vân trao đổi bàn tròn cuối tuần về các nội dung sự khởi sắc đồng loạt của cổ phiếu bluechips, điều chỉnh danh mục của hai quỹ ETF và câu chuyện nổi bật tuần qua là “làm giá".

Sự khởi sắc đồng loạt ở các cổ phiếu bluechips cộng với giao dịch sôi động ở nhóm ngành Ngân hàng, Vận tải đã giúp thị trường hồi phục tích cực trong phiên vài phiên vừa qua, liệu nhóm cổ phiếu này có giữ được đà tăng trong tuần tới, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng tự doanh CTCK Vietinbank (VietinbankSC):

Chúng tôi đánh giá 2 nhóm cổ phiếu này có thể giữ nhiệt trong các phiên tuần tới do các nhân tố tích cực ảnh hưởng tới 2 nhóm này vẫn duy trì. Chúng tôi đánh giá nhóm cổ phiếu Vận tải có sức bật mạnh mẽ hơn nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm nhiều do đó tăng hiệu quả kinh doanh.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect:

Theo quan điểm của tôi thì nhóm Bluechips đa số đã giảm sâu và về vùng giá hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Do đó, dòng tiền đầu tư đang dần vào thị trường để mua tích lũy các cổ phiếu này. Áp lực giảm điểm thời gian vừa qua không còn nhiều nên trong các tuần tới nhóm này sẽ dao động tích lũy theo hướng tích cực giúp cho thị trường sẽ tiếp tục theo hướng khởi sắc

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank KimEng:

Theo tôi những nhóm này vẫn có khả năng duy trì sự ổn định của mình tuy nhiên nhóm Dầu khí là những mã chứng khoán bluechips nhưng có vốn hóa rất lớn trên thị trường vẫn còn đang nằm trong một xu hướng tiêu cực.

Bên cạnh đó những nhóm Ngân hàng, Vận tải... dù vẫn tích cực trong trung hạn nhưng sau 1 tuần tăng mạnh có thể sẽ điều gặp sự chốt lời ngắn hạn làm nhóm này giảm bớt sự tích cực trong ngắn hạn nên thị trường sau 1 tuần tăng điểm có thể sẽ điều chỉnh một vài phiên.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đã có thể xuống tiền ảnh 1

 Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank KimEng

Ông Phạm Xuân Bình, Phó trưởng phòng phân tích BVSC:

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, diễn biến hồi phục trong tuần qua khá ấn tượng với một số thông tin hỗ trợ và động thái mua ròng khá quyết liệt của khối ngoại. Mặc dù vậy về bức tranh hoạt động chung của cả ngành thì tôi chưa nhận thấy những lý do đủ thuyết phục cho một chu kỳ tăng trưởng kéo dài.

Về phía nhóm ngành vận tải, nhựa, hóa chất… vốn là những ngành được hưởng lợi bởi xu hướng giảm của giá dầu thì tiềm năng tăng trưởng nhiều khả năng sẽ còn duy trì trong trung hạn. Các cổ phiếu nhóm này đã phát đi những tín hiệu điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong những phiên cuối tuần và có thể kéo dài sang một vài phiên đầu tuần tới.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục quay lại xu hướng tăng điểm, cũng như thu hút sự chú ý của dòng tiền trong tuần tới.

Hai quỹ ETFs ngoại đang chuẩn bị công bố danh mục đầu tư mới, tuần này là FTSE ETF còn tuần sau là VNM ETFs. Ông/bà có dự báo gì về nhóm cổ phiếu thay đổi trong lần đảo danh mục này và tác động ra sao tới thị trường?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng tự doanh CTCK Vietinbank (VietinbankSC):

2 quỹ có thể điều chỉnh thêm vào SSI, loại DRC, VSH,.. tuy nhiên tác động của những điều chỉnh này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Do hầu hết các nhà đầu tư đã dự báo được trước và điều chỉnh hoạt động đầu tư.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect:

Trong đợt review lần này thì SSI đang thỏa mãn các tiêu chí để được vào cả 2 quỹ ETFs trong khi đó các cổ phiếu như DRC, VSH, STB đang bị vi phạm yếu tố về thanh khoản nên có thể bị loại.

Tuy nhiên, trong những đợt review gần đây các ETFs thường tạo ra các ngoại lệ khác thường nên với trường hợp của STB đang chiếm tỷ trọng quá lớn cũng có khả năng các quỹ chỉ giảm tỷ trọng đầu tư xuống hoặc nếu có bán ra hết thì cũng luôn có các nhóm tổ chức đầu tư lớn sẵn sàng mua.

Nhóm các cổ phiếu khác theo tính toán sơ bộ của tôi thì việc mua bán không quá lớn. Do đó, nhìn chung đợt review này cũng không nhiều tác động tới thị trường chung và tâm lý của nhà đầu tư có thể sẽ vẫn chờ đợi cho đợt review kết thúc mới tham gia vào thị trường. Trong khi đó nhóm các cổ phiếu BĐS đa số không liên quan tới các ETFs sẽ vẫn tiếp tục diễn biến khả quan kể cả trong đợt review lần này.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đã có thể xuống tiền ảnh 2

 Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank KimEng

Theo tôi, cả 2 quỹ đều sẽ thêm vào SSI. Trong đó đối với Quỹ VNM sẽ không loại bỏ mã nào trong đó FTSE sẽ loại ra STB, DRC, VSH.

Kỳ đảo danh mục lần này của cả 2 Quỹ sẽ không tác động mạnh đến thị trường. Sau một thời gian các NĐT chạy theo xu hướng của ETF dẫn đến việc có ETF nội được thành lập tham gia thêm vào thị trường thì hiện nay sự quan tâm đến các Quỹ ETF đã giảm bớt độ nóng. Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường gần đây được các NĐT quan tâm nhiều là vốn ngoại, kinh tế vĩ mô, chính sách của Nhà nước (như thông tư 36 mới vừa rồi), kinh tế thế giới nhiều hơn là ETF.

Minh chứng rõ nhất là giao dịch của ETF nội trên sàn chứng khoánhiện nay rất "èo uột" hay những lần công bố danh mục của các ETF ngoại gần đây thì những mã được thêm vào hay loại bỏ khỏi danh mục ít có biến động nhiều về giá cho thấy mức độ quan tâm của các NĐT đến ETF bị giảm đi. Như vậy, thị trường sẽ ít có sự biến động ngoại trừ những yếu tố khác ngoài ETF.

Ông Phạm Xuân Bình, Phó trưởng phòng phân tích BVSC:

Theo tính toán của chúng tôi, trong kỳ review lần này SSI là cổ phiếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cả 2 quỹ ETFs nên nhiều khả năng sẽ được 2 quỹ này thêm vào danh mục. Ở chiều ngược lại, trong khi danh mục của quỹ VNM ETF không có cổ phiếu nào bị loại ra, thì đối với FTSE ETF, nhiều khả năng các cổ phiếu VSH, DRC và STB sẽ bị loại ra khỏi danh mục do không đáp ứng được các tiêu chí về thanh khoản của quỹ.

Hoạt động review của 2 quỹ ETFs sẽ có tác động nhất định và mang tính phân hóa đến các mã liên quan. Tuy nhiên tôi cho rằng yếu tố này thực ra đã được dự đoán và phản ánh dần vào giá trong khoảng một tuần gần đây.

Những tác động còn lại sẽ không mang tính đột biến và nếu xét đến xu hướng chung của các chỉ số thì mang tính 2 chiều, có cổ phiếu bị bán ra thì ngược lại cũng có các cổ phiếu khác tương ứng được mua vào.

Theo một số CTCK, đáy ngắn hạn đang được kỳ vọng hình thành rõ rệt hơn, đặc biệt khi VN-Index dao động quanh khu vực 560-565 điểm. Ở góc độ nhà đầu tư, có nên giải ngân ở thời điểm này không, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng tự doanh CTCK Vietinbank (VietinbankSC):

Thời điểm này theo chúng tôi khá thích hợp để đầu tư trung dài hạn. Nhà đầu tư có thể quan tâm lọc theo dõi nhóm cổ phiếu có P/E dưới 10, hiệu quả kinh doanh tốt và dự kiến trả cổ tức cao.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect:

Tôi cho rằng vùng điểm 565-566 hiện đã là đáy trung hạn của thị trường cho một đợt tăng giá mới. Các áp lực điều chỉnh nếu có xuất hiện trong các tuần tới cũng khó có khả năng làm vỡ được đáy trung hạn này. Hiện dòng tiền chưa đủ mạnh để thị trường tăng trưởng tốt nhưng sẽ cải thiện dần và chờ đợi dòng vốn ngoại quay lại vào đầu năm Dương lịch mới để đồng thuận tăng điểm.

Nhóm cổ phiếu BĐS vẫn tiếp tục diễn biến tích cực và đang ở giai đoạn đầu của một đợt tăng nên tôi vẫn ủng hộ quan điểm nên giải ngân nhiều cho nhóm này khi xuất hiện các phiên điều chỉnh trong thời gian tới

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank KimEng:

Các NĐT nên hạn chế giải ngân vào lúc này khi xu hướng ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng nhưng việc giải ngân này chỉ không nên với một số nhóm ngành đặc biệt là nhóm Dầu khí khi nhóm này tác động khá nhiều đến Index từ đó cũng ảnh hưởng đến các ngành khác.

Tuy nhiên một số nhóm ngành vẫn đặc biệt tích cực hơn so với thị trường chung thì các NĐT có thể bắt đầu tích lũy dần để chờ đợi con sóng tiếp theo. Những ngành này là: BĐS, vận tải, ngân hàng, chứng khoán.

Ông Phạm Xuân Bình, Phó trưởng phòng phân tích BVSC

 Ông Phạm Xuân Bình

Mặc dù rủi ro điều chỉnh và xuyên thủng vùng đáy cũ quanh 565 điểm của VN-Index đã được giảm bớt đáng kể sau những nỗ lực hồi phục khá tích cực của chỉ số.

Tuy nhiên nếu các nhà đầu tư tham gia thị trường vào thời điểm này thì nên cân bằng tỷ trọng ở mức hợp lý. Một phần có thể thực hiện tích lũy các vị thế mang tính trung hạn, tập trung vào các ngành được hưởng lợi bởi bối cảnh chính sách hoặc xu hướng giảm giá nguyên vật liệu như bất động sản, nhựa, bao bì… Một phần khác dành cho các hoạt động quay vòng ngắn hạn nhưng nên khống chế tỷ trọng của cả hai phần ở mức trung bình. 

Nhiều cổ phiếu mới lên sàn tăng đột biến trong thời gian qua, đặc biệt là nhóm cổ phiếu mới niêm yết. Nhiều ý kiến cho rằng có sự can thiệp của nhóm đầu cơ. Quan điểm của ông/bà?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng tự doanh CTCK Vietinbank (VietinbankSC):

Thời gian gần đây có hiện tượng các cổ phiếu tăng trần liên tục bất chấp hiệu quả kinh doanh thấp. Theo chúng tôi nguyên nhân là do các cổ phiếu này có lượng cổ phiếu tự do giao dịch (free float) ở ngoài ít. Dẫn tới khi chỉ cần một lượng cầu tập trung là có thể dẫn tới cạn cung đẩy các cổ phiếu này tăng mạnh. Chúng tôi cho rằng tiêu chí free float cũng nên được thêm vào trong các tiêu chí khi cổ phiếu niêm yết để tránh hiện tượng như vừa qua.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect:

Theo quan sát của tôi trong nhiều năm qua thì đa số các cổ phiếu mới lên sàn là các cổ phiếu có cơ bản không thực sự tốt và cách thức hành xử là giống nhau khi kéo tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp tạo sự nổi bật rồi bất ngờ đổ sụp xuống giá rất sâu gây thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư cá nhân. Chỉ một số ít các cổ phiếu tên tuổi như GAS, MWG ... là những cổ phiếu không bị xảy ra tình trạng này.

Do đó, thông thường với các cổ phiếu nhỏ, ít tên tuổi và mới lên sàn nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ bản cáo bạch trước khi quyết định đầu tư và theo kinh nghiệm của tôi thì nên để các cổ phiếu ít tên tuổi này lên sàn từ 06 tháng tới 01 năm mới đủ thời gian quan sát, đánh giá và quyết định có đầu tư vào nó hay không

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank KimEng:

Điều này không ai đủ cơ sở để khẳng định nhưng với việc tăng "sốc" như những mã mới lên sàn thời gian qua rất dễ bị đặt nghi vấn có sự can thiệp của các nhóm đầu cơ. Ngoài yếu tố trên thì các NĐT cũng có thể xác định công ty được định giá thấp, triển vọng công ty lớn hay những thông tin thông thường là rất đẹp đẽ của những công ty mới lên sàn cũng có thể kích khích dòng tiền.

Tuy nhiên những yếu tố này thì thông thường ít tác động đến giá trong ngắn hạn hơn yếu tố về đầu cơ.

Ông Phạm Xuân Bình, Phó trưởng phòng phân tích BVSC:

Nhiều cổ phiếu mới lên sàn tăng đột biến trong thời gian qua, đặc biệt là nhóm cổ phiếu mới niêm yết. Nhiều ý kiến cho rằng có sự can thiệp của nhóm đầu cơ. Quan điểm của ông/bà?

Tôi cho rằng sự xuất hiện của dòng tiền đầu cơ đã ít nhiều góp phần đẩy giá của các cổ phiếu này tăng đột biến trong thời gian qua. Tuy nhiên trên thực tế, đều có những “câu chuyện” hoặc lý do mang tính cơ bản hỗ trợ cho giá của các cổ phiếu này.

Tin bài liên quan