Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản sẽ vào “tầm ngắm“

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản sẽ vào “tầm ngắm“

(ĐTCK) Trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, các chuyên gia chứng khoán nhận định, tuần tới nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ nằm trong tầm ngắm của dòng tiền, bên cạnh một vài nhóm khác như ngân hàng, chứng khoán.

Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 30% so với mức đỉnh từ giữa tháng 6 khiến giới đầu tư chứng khoán toàn cầu lo sợ trong tuần qua. Theo các ông, việc sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Theo tôi không ảnh hưởng đáng kể, thậm chí có thể nói phần nào đó còn ảnh hưởng tích cực. Trong giai đoạn TTCK giảm giá 1 tháng qua, thậm chí là cả nhiều nước khác cũng bị ảnh hưởng bởi chứng khoán Trung Quốc và Hy Lạp, nhưng TTCK Việt Nam liên tục lên tầm cao mới và đã vượt mốc 600, hiện đứng ở mức cao nhất kể từ đầu năm.

Việc tăng điểm này thể hiện ở những chính sách tích cực của Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, như các hiệp định FTA, Nghị định 60, thông tin từ về khả năng đón dòng vốn từ Mỹ và các quốc gia khác từ cơ quan quản lý...

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản sẽ vào “tầm ngắm“ ảnh 1

 Ông Phan Dũng Khánh

Ngoài ra, cũng không loại trừ các dòng tiền chuyển sang từ các thị trường khác vào Việt Nam hoặc các NĐT nước ngoài, trong nước đã tranh thủ đón đầu dòng vốn mới, như tuần đầu tiên của tháng 7, khối ngoại mua ròng nhiều nhất từ đầu năm (tính theo tuần), bên cạnh đó, thanh khoản cũng có xu hướng tăng đều một tháng qua.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Độ tương quan giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường chứng khoán Trung Quốc thấp. Do đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở quy mô hiện tại, việc rút ròng của các quỹ đầu tư Trung Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán niêm yết Việt Nam chưa tạo các ảnh hưởng lớn đến thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hưởng lợi một phần như là một thị trường thay thế khi các quỹ đầu tư nước ngoài cơ cấu lại danh mục.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phân Phân tích thị trường, CTCK Bản Việt

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh từ giữa tháng 6/2015 đến nay đã khiến thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán châu Á nói riêng chịu tác động tiêu cực. Đặc biệt, tâm lý nhà đầu tư cũng khá e ngại hơn khi bỏ vốn vào nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản sẽ vào “tầm ngắm“ ảnh 2

Ông Nguyễn Thế Minh

Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức độ ảnh hưởng sẽ ít vì độ lệch pha giữa TTCK Trung Quốc so với các TTCK khác là cao, nghĩa là mức độ tác động tiêu cực lên TTCK Việt Nam là ít và đây là cơ hội cho thu hút dòng tiền đa rút ra khỏi TTCK Trung Quốc.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh trong hơn nửa tháng qua sau khi tăng trưởng nóng kéo dài từ cuối năm 2014 tới nay. Khi các số liệu kinh tế nước này chưa cho tín hiệu về sự phục hồi cùng với đà tăng quá nóng của TTCK, thì nhịp giảm mạnh vừa qua không bất ngờ. Tuy nhiên, điều này đã khiến TTCK thế giới phản ứng ngay lập tức với sắc đỏ bao trùm cả thị trường Á, Âu và Mỹ.

Giới đầu tư phần nào lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế lớn của thế giới sẽ ảnh hưởng đến các nước còn lại. Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế và giới đầu tư đang dõi theo động thái này, cũng như các tín hiệu phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, sự sụt giảm mạnh của chứng khoán Trung Quốc sẽ phần nào ảnh hưởng tới các TTCK châu Á với động thái rút ròng của khối ngoại, trong đó TTCK Việt Nam chỉ phản ứng tức thời trong 1-2 phiên đầu tuần và nhanh chóng tăng trở lại trong phiên cuối tuần, khi khối ngoại tiếp tục mua ròng. Điều này cho thấy, tác động không quá lớn khi kinh tế Trung Quốc chưa bước vào khủng hoảng.

Sau ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, tuần qua dòng tiền đã chuyển hướng vào nhóm bảo hiểm. Theo các ông, nhóm cổ phiếu nào là đích ngắm tiếp theo của dòng tiền trong tuần tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ là những nhóm hút được dòng tiền mạnh nhất.

Nhóm ngân hàng đang thay thế nhóm dầu khí về mức độ ảnh hưởng đến thị trường, bởi vậy khi ngân hàng tăng thì mới kéo thị trường tăng được. Ngoài ra, ngành ngân hàng là trụ cột trong nền kinh tế lẫn TTCK khi là kênh cung cấp vốn, xương sống của thị trường. Việc nợ xấu đang giảm và nền kinh tế tăng trưởng cũng ủng hộ nhóm này.

Nhóm bất động sản được hưởng lợi từ việc mở rộng cửa cho người nước ngoài được sở hữu và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, đồng thời được ngân hàng gia tăng cấp tín dụng, lẫn nợ xấu thuộc nhóm này đang được xử lý quyết liệt, cũng hỗ trợ cho cả 2 nhóm bất động sản và ngân hàng.

Nhóm chứng khoán thì dĩ nhiên được hưởng lợi lớn khi TTCK tăng điểm, từ tự doanh, tư vấn, môi giới, bảo lãnh...

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, ngân hàng đã tăng khá nhiều và khó thu hút thêm dòng vốn nếu không có thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý II/2015 tiếp nối. Nhóm cổ phiếu bảo hiểm, bất động sản có thể sẽ thay thế dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm đang kỳ vọng được mở room theo nghị định lên 100%, tuy nhiên việc mở room này sẽ còn phụ thuộc vào quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Nhóm cổ phiếu bất động sản đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II tích cực.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phân Phân tích thị trường, CTCK Bản Việt

Tôi cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục hướng vào nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản trong tuần giao dịch này. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu midcaps (những cổ phiếu có tính đầu cơ cao) cũng sẽ được chú ý khi nhóm cổ phiếu này chưa tăng mạnh so với nhóm cổ phiếu largecaps trong nhịp tăng ngắn hạn vừa qua.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh trong tuần qua khi VN-Index tiến tới vùng kháng cự 630 điểm. Nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng mạnh bất chấp đà điều chỉnh diễn ra ở các nhóm còn lại.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản sẽ vào “tầm ngắm“ ảnh 3

Ông Nguyễn Vũ Phong 

Dòng tiền hiện đang luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu chưa tăng hoặc đã điều chỉnh về mức hấp dẫn. Theo quan điểm của tôi, nhóm tài chính chứng khoán và bất động sản sẽ thu hút dòng tiền trong tuần tới.

Sau phiên quay đầu giảm điểm mạnh, thị trường đã hồi trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng áp lực chốt lời vẫn rất lớn. Trong ngắn hạn, mà cụ thể là trong tuần tới (13/7 - 17/7), thị trường sẽ theo xu hướng nào và khả năng VN- Index có vượt qua được ngưỡng 630 điểm, theo các ông?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Nhiều khả năng thị trường sẽ vượt qua được mốc này khi dòng tiền trên thị trường vẫn còn mạnh và tập trung vào những mã bluechips lớn, nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sạn.

Minh chứng rõ ràng là những cổ phiếu hàng đầu của các nhóm này vẫn tăng đều, bên cạnh các bluechips lớn. Ngoài ra, khối ngoại duy trì mua ròng, thanh khoản liên tục được cải thiện, thông tin kinh tế tốt, chính sách hỗ trợ đều ủng hộ cho TTCK tiếp tục đi lên tầm cao mới.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Dòng tiền vào thị trường hiện đang chững lại. Do đó, nhiều khả năng sẽ xoay chuyển giữa ngành trong thị trường. Tôi dự báo, VN-Index xoay quanh mức 610 - 630 điểm trong tuần 13/7 - 17/7.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản sẽ vào “tầm ngắm“ ảnh 4

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phân Phân tích thị trường, CTCK Bản Việt

Trong tuần tới, tôi cho rằng, chỉ số VN-Index có thể vượt được mức 630 và hướng đến vùng đỉnh cũ 645 trong tháng 09/2014. Đồng thời, nhóm cổ phiếu đầu cơ được xem là nơi thu hút dòng tiền tốt nhất khi thị trường rơi vào trạng thái quá mua mạnh và tiệm cận các mức kháng cự mạnh như hiện nay.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Thị trường liên tục bứt phá lên vùng kháng cự mới nhờ dòng tiền đẩy mạnh vào nhóm vốn hóa lớn và liên tục luân chuyển giữ nhịp thị trường. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của khối ngoại.

Hiện tại, chỉ số đang vận động tại vùng kháng cự mạnh, do đó để có thể bứt phá mạnh cần phải có đủ thời gian để tích lũy va dòng tiền vẫn duy trì ở mức tốt. Hiện chưa có tín hiệu xấu trên 2 sàn, nhưng nhà đầu tư nên quan sát động thái của khối ngoại. Nếu trạng thái rút ròng xuất hiện thì khả năng sẽ ngưỡng 630 điểm sẽ để mất và thị trường sẽ điều chỉnh.

Tôi nghiêng về kịch bản tuần sau, VN-Index giằng co quanh vùng 630 điểm và dòng tiền vẫn luân chuyển.

Tin bài liên quan