Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội vẫn rộng mở với nhóm ngân hàng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt cho đà hồi phục của thị trường trong tuần qua. Liệu dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu “vua” có còn để đưa VN-Index lên ngưỡng 1.300 điểm trong tuần này? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội vẫn rộng mở với nhóm ngân hàng?

Sau chuỗi rung lắc, TTCK khép lại phiên giao dịch cuối tuần qua khá ấn tượng khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 18 điểm, vượt mốc 1.270 điểm và thanh khoản tăng trở lại mức gần 1 tỷ USD. Phiên giao dịch này có chỉ báo gì cho tuần giao dịch mới này, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ quay trở lại đà giảm trong tuần giao dịch này khi rủi ro ngắn hạn ở mức cao, đặc biệt rủi ro từ đồng USD tăng và TTCK thế giới vẫn tiếp tục trong đà giảm mạnh.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm của VN-Index đã được giữ vững trong tuần qua là điều rất cần thiết để có thể hướng tới những mục tiêu xa hơn trong ngắn hạn, với việc bảo vệ thành công ngưỡng này, rủi ro thị trường phải bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn đã qua.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Động lực mạnh mẽ từ nhóm ngân hàng, đặc biệt tín hiệu tích cực phiên cuối tuần trước được kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục duy trì được diễn biến tích cực trong tuần tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Diễn biến tích cực có thể diễn ra trong tuần giao dịch này, dù diễn biến rung lắc và dao động ngắn hạn vẫn có thể xuất hiện. Chúng ta cũng đừng quên vùng kháng cự mạnh 1.280 - 1.290 điểm sẽ thường xuất hiện những phiên tăng/giảm mạnh biên độ lớn, do vậy, giao dịch cẩn trọng vẫn có thể là không thừa với các nhà đầu tư đang cầm nhiều cổ phiếu.

Tuần giao dịch này là tuần đáo hạn phái sinh nên ít nhiều sẽ tác động đến các giao dịch ngắn hạn, đặc biệt là khi lượng hợp đồng mở (OI) vẫn đang neo ở mức cao đáng chú ý. Có ý kiến cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để kiểm tra vai trò dẫn dắt và định hướng của nhóm vốn hóa lớn đối với tổng thể xu thế thị trường. Còn quan điểm của ông/bà? Có điều gì nhà đầu tư cần lưu ý không?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Điểm tích cực hiện nay là xu hướng ngắn hạn của nhóm ngân hàng đã tích cực trở lại, cho nên nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ đóng vai trò dẫn dắt đà tăng của thị trường trong những phiên giao dịch tới. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu khác vẫn chưa tích cực trở lại, cho nên các nhóm cổ phiếu vẫn chưa có dấu hiệu đồng thuận. Do đó, tôi nghĩ rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ chưa thể kích hoạt đà tăng của thị trường quay trở lại.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Với hoạt động giao dịch đáo hạn phái sinh (đặc biệt khi OI đang ở mức rất cao), cùng với đó là những diễn biến tiêu cực của chứng khoán thế giới có thể sẽ tác động nhất định đến thị trường trong nước. Các phiên giằng co rung lắc mạnh sẽ diễn ra trong tuần này, tuy nhiên xu hướng chung vẫn được tôi đánh giá là khá tích cực.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Do thị trường đã hồi mạnh tiến sát trở lại khu vực kháng cự 1.280 - 1.290 điểm, nên áp lực bán ra cũng có thể gia tăng. Giao dịch ngắn hạn cũng lưu ý về việc chốt lời cổ phiếu, cũng như cơ cấu lại danh mục.

Tỷ giá USD/VND tăng mạnh vẫn được xem là yếu tố tác động đến TTCK và cũng là “nguồn cơn” dẫn đến việc bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, ông/bà có thể nhìn nhận tỷ giá đang tác động như thế nào đến các doanh nghiệp niêm yết cũng như diễn biến cổ phiếu?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng tỷ giá sẽ vẫn còn áp lực neo ở mức trong ngắn hạn, đặc biệt chỉ số USD vẫn trong xu hướng tăng mạnh khi đã vượt mức 105 điểm, nhưng điều này có thể tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu xuất khẩu như thủy sản, dệt may, nông sản. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nhập khẩu và vay nợ USD cao có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Như tôi đã nói, tôi đánh giá cao sức mạnh của dòng tiền ngắn hạn trên thị trường ở thời điểm hiện tại khi đã và đang hấp thụ khá tốt áp lực bán ròng rất mạnh của khối ngoại. Do vậy, động thái bán ròng của khối ngoại đã không ảnh hưởng nhiều đến kênh xu thế chung. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng lớn đến danh mục bị khối ngoại bán mạnh.

Lãi suất tại Mỹ vẫn đang neo ở mức cao lịch sử sẽ khiến xu hướng rút tiền của các quỹ ngoại, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, tỷ giá ở Việt Nam không có sự thả nổi mà có sự kiểm soát và điều hành từ Ngân hàng Nhà nước, do đó đây không phải vấn đề đáng lo ngại tới thị trường chung. Yếu tố này chủ yếu có sự ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, những doanh nghiệp có vay nợ ngoại tệ... là những doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá USD/VND tăng mạnh. Khối ngoại bán ròng cũng có nhiều nguyên nhân khác chứ không chỉ riêng câu chuyện tỷ giá. Triển vọng tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận cũng cần đánh giá lại đối với các doanh nghiệp niêm yết này trong giai đoạn 2024.

Xét về nhóm ngành, ông/bà đánh giá như thế nào về sự “trở lại” của cổ phiếu ngân hàng, cũng như đánh giá về dư địa tăng của nhóm này?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Trong ngắn hạn, tôi đánh giá xu hướng của nhóm cổ phiếu này đã tích cực hơn, nên tôi kỳ vọng dòng tiền có thể sẽ sớm quay trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng trong những phiên giao dịch tới. Tuy nhiên, rủi ro thị trường vẫn ở mức cao và xu hướng ngắn hạn của các nhóm cổ phiếu vẫn chưa hoàn toàn đồng thuận.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Nhìn chung, tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm 2024 khi kinh tế được kỳ vọng là hồi phục tích cực hơn trong năm 2024, kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2024, các giải pháp chính sách hỗ trợ tăng trưởng tín dụng đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ tăng vốn cùng với việc chi trả mức cổ tức tiền mặt cao trong năm 2024 cũng là câu chuyện hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Sau giai đoạn điều chỉnh từ cách đây 2-3 tuần, nhóm ngân hàng đã quay trở lại vai trò dẫn dắt chỉ số của mình và đang là động lực chính giúp chỉ số đi lên. Theo tôi quan sát, dòng tiền ngắn hạn vẫn có xu hướng chảy luân phiên vào các cổ phiếu ngân hàng, chính vì thế tôi đánh giá dư địa tăng là vẫn còn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Số liệu kết quả kinh doanh quý I của một số ngân hàng thương mại cổ phần như MBB, VPB, CTG, BID... khá tốt, đi kèm với sự cải thiện doanh thu trước trích lập, biên lãi, nợ xấu cũng được kiểm soát..., sẽ giúp một số cổ phiếu ngân hàng có thể tăng tiếp 1 nhịp giai đoạn sắp tới.

Với việc điều chỉnh trong hơn 2 tuần qua, nhiều nhà đầu tư lại quay về trạng thái “âm” nên tạm thời đứng yên, đặc biệt là những nhà đầu tư “full” cổ phiếu. Trong khi những nhà đầu tư đang dư tiền mặt thì cũng đang lăn tăn điểm vào. Vậy đâu là chiến lược hợp lý, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và chưa nên mua mới cho đến khi xu hướng tăng ngắn hạn được xác nhận, hoặc các nhà đầu tư có thể chỉ nên xem xét mua mới với tỷ trọng thấp ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Khả năng vượt 1.300 điểm của VN-Index được tôi đánh giá khá cao, tuy nhiên chưa thể đến sớm trong ngắn hạn. Với nhận định thị trường đang trải qua giai đoạn tích lũy trong biên độ 1.250 – 1.300 điểm (có thể kéo dài), tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể canh bán chốt lời khi chỉ số tiến gần vùng kháng cự mạnh tại 1.300 điểm và canh mua tích lũy cổ phiếu khi chỉ số điều chỉnh về gần 1.250 điểm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Các nhà đầu tư dư tiền mặt vẫn tiếp tục có thể chọn lựa các vùng trũng, phiên điều chỉnh ở đầu tuần tới để giải ngân - không hiếm các cơ hội dành cho các nhà đầu tư giá trị, đầu tư tăng trưởng. Việc mua vào hoặc nắm giữ cổ phiếu giai đoạn vừa qua cũng có những người đầu tư không hiệu quả.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Dù sao quá trình đầu tư vẫn là một quá trình đi kèm việc mua, giao dịch, tích lũy cổ phiếu, tích lũy kinh nghiệm. Không phải lúc nào nhà đầu tư cũng có giao dịch thuận lợi và bị trạng thái "âm" nhiều thời điểm cũng là bình thường.

Việc hành động thế nào mới là quan trọng: Kiên trì đợi thị trường hồi lại để bán ra cơ cấu danh mục hay là phân bổ thêm vào những cổ phiếu triển vọng rồi điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ... Mỗi nhà đầu tư, mỗi vị thế sẽ có cách hành xử riêng và cũng có nhiều chiến lược giao dịch hiệu quả. Giai đoạn này vừa mua tích lũy cổ phiếu và giao dịch linh hoạt một số cổ phiếu ngắn hạn cũng có thể là hợp lý hơn cả.

Tin bài liên quan