Sự khởi sắc của TTCK phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sức khỏe của các DN và nền kinh tế vĩ mô. Phiên mở màn của tháng 9 chưa được khởi sắc với áp lức bán khá lớn. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng thị trường trong tháng 9, đặc biệt là tuần giao dịch sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt
Kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp là hai biến quan trọng của sự tăng trưởng của TTCK. Trong năm 2016 kinh tế vĩ mô vẫn đang trong quá trình hồi phục một cách ổn định với mặt bằng lãi suất thấp và lợi nhuận của các công ty niêm yết cũng tiếp tục có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn và hai yếu tố này thì chưa thể lý giải một cách thuyết phục sự tăng trưởng của VN-Index từ đầu năm cho đến nay (15,6%).
Chúng tôi cho rằng, VN-Index tăng điểm còn thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về quá trình nâng hạng của thị trường từ cận biên sang mới nổi, theo đó chỉ số P/E bình quân của thị trường sẽ tiệm cận mức P/E của các thị trường mới nổi trong khu vực, khoảng từ 20-25 lần.
Phiên giảm điểm đầu tháng 9, theo tôi cũng chưa bao hàm nhiều thông điệp mà là sự phản ứng kỹ thuật của VN-Index trước vùng đỉnh cũ tại 675-680 điểm. Ngoài ra, các quỹ ETF cũng sẽ thực hiện cơ cấu danh mục định kỳ với dự báo sẽ bán ra khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khi mà bổ sung cổ phiếu VNM vào danh mục; điều này cũng mang lại sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Tôi dự báo, trong tháng 9 này, VN-Index có thể dao động trong biên độ từ 650-700 điểm và tiếp tục duy trì tín hiệu kỹ thuật tích cực cho xu hướng trung hạn.
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Sau khi phục hồi khá tốt trong tháng 8 (cũng là tháng 7 Âm lịch), thị trường đã đối mặt với áp lực bán khá lớn ngay trong phiên đầu tháng 9 khiến VN-Index có phiên giảm điểm đâu tiên sau chuỗi tăng điểm.
Tình hình kinh tế vĩ mô hiện vẫn đang hỗ trợ đà tăng trung hạn của thị trường khi mà tỷ giá và lãi suất vẫn đang rất ổn định và sản xuất, trừ ngành dầu khí, phục hồi rất tốt trong tháng 8. Tuy nhiên, việc khối ngoại liên tục chốt lời VNM và một số cổ phiếu lớn trong phiên gần đây cho thấy VN-Index cần một đợt điều chỉnh để thu hút thêm dơng vốn mới. Do vậy, tôi kỳ vọng điều chỉnh sẽ kéo dài sau đợt nghỉ lễ.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích CTCK SBS
Thị trường trong tháng 8 vừa qua đã đứng vững rất tốt trước áp lực bán khá lớn của khối ngoại. Từ đầu năm đến nay đây là tháng bán ròng mạnh với hầu hết những cổ phiếu lớn như MSN, VIC, VNM... Thị trường chưa bị tác động mạnh tôi cho là sự hấp thụ từ dòng vốn trong nước khi sự kỳ vọng nhà đầu tư với các cổ phiếu blue chip với nhiều câu chuyện hấp dẫn. Trong tháng 9, có khá nhiều sự kiện như đợt review cơ cấu của các quỹ ETF mà đợt này là khá hấp dẫn khi tỷ lệ cơ cấu cổ phiếu kỳ vọng có sự thay đổi lớn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Cuộc họp của FED với nhiều khả năng điều chỉnh lãi suất cũng sẽ tác động mạnh đến thị trường quốc tế và cả Việt Nam, đặc biệt là tỷ giá đã giữ khá ổn định từ đầu năm vì vậy đợt này sẽ khá nhạy cảm.
Sẽ có những đợt dao động mạnh của thị trường mà khả năng giảm điểm là khá cao. Nhóm cổ phiếu bluechip đã đang ở mức định giá cao, vì vậy việc điều chỉnh là cần thiết, tuy nhiên mặt bằng giá cổ phiếu năm sẽ cao hơn mọi năm và chỉ số index sẽ không giảm quá sâu.
Một số cổ phiếu thuộc dòng đầu cơ đã bắt đầu nổi lên trong một vài phiên gần đây như PVX, nhưng được đánh giá là chưa thể trở thành xu thế dịch chuyển của dòng tiền trên thị trường, trong khi nhóm cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC vẫn thu hút nhà đầu tư. Trong bối cảnh hiện tại, nhóm cổ phiếu nào sẽ có lợi thế, theo ông/bà?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt
Trong bối cảnh chỉ số biến động lình xình trong những phiên vừa qua, nhưng vẫn duy trì tín hiệu xu hướng tích cực, dòng tiền đầu cơ đã có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu penny có thị giá thấp để tìm kiếm lợi nhuận.
Tôi cho rằng, điều này mang ý nghĩa tích cực trong việc "giữ lửa" cho thị trường khi mà những chỉ số chính chưa có những biến động rõ ràng. Tuy nhiên, trong trung hạn, tôi vẫn cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, GAS, VIC, VCB, BVH, PVS... và những cổ phiếu midcap có nền tảng cơ bản tốt, có thông tin hỗ trợ (mở room hay thoái vốn) vẫn sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền.
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Hai tuần vừa qua các cổ phiếu đầu cơ đã có giao dịch khá tốt và mang lại lợi nhuận ngắn hạn cao bất thường cho nhà đầu tư bắt đáy. Tuy nhiên, xu hướng này có thể không kéo dài sau lễ khi mà các khoản lỗ lớn và bê bối kiểm toán liên tục xảy ra với các doanh nghiệp này.
Bà Lê Nguyệt Ánh
Do vậy, sau đợt điều chỉnh, nhiều khả năng blue chíp vẫn sẽ dẫn dắt thị trường trong các tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích CTCK SBS
Có thể nói rằng, năm nay là năm của nhóm cổ phiếu blue chip trong danh mục thoái vốn của nhà nước và cả nhóm cổ phiếu ngành thép. Những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc, tăng trưởng đều đã mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư không thua kém gì các cổ phiếu nhỏ mà an toàn hơn.
Nhà đầu tư đã mất mát quá nhiều ở những cổ phiếu penny trong quá khứ, vì vậy xu hướng chung sẽ vẫn ưu tiên chọn những cổ phiếu cơ bản để nắm giữ nhiều hơn và chỉ tham gia các cổ phiếu nhỏ mang tính lướt sóng rất ngắn hạn.
Sẽ chỉ có những nhóm cổ phiếu thật sự sống lại và tăng trưởng mới thu hút được dòng tiền đầu tư. Sắp tới nhóm những cổ phiếu ngành dược, thép, chứng khoán và ngân hàng sẽ thu hút được đầu tư.
Thị trường đang có khoảng trống thông tin trước kỳ cơ cấu danh mục của các ETFs (thường diễn ra trước trung tuần tháng 9). Nhìn ở góc độ tổng thể cả thị trường, nhiều ý kiến cho rằng việc ETFs thực hiện tái cơ cấu không mang tính chi phối lớn và chỉ có ý nghĩa ngắn hạn. Cũng như không gây ra nhiều thay đổi về tổng quy mô đầu tư của các quỹ ETFs vào TTCK Việt Nam. Quan điểm của ông/bà?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt
Đúng là việc cơ cấu danh mục định kỳ của các quỹ ETF chỉ là việc thay đổi tỷ trọng của các cổ phiếu trong rổ chỉ số diễn ra trong khoảng thời gian từ 1-2 tuần kể từ ngày các quỹ này công bố kế hoạch cơ cấu, không liên quan đến việc tăng hay giảm dòng tiền đầu tư gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ này. Tuy nhiên, lần cơ cấu tháng 9 này khá đặc biệt khi mà VNM dự kiến sẽ được bổ sung vào rổ ETF với tỷ trọng lớn nhất và sẽ gây biến động mạnh về tỷ trọng với những cổ phiếu đang có trong rổ.
Ông Vũ Minh Đức
Do đó, sự giằng co và biến động của VN-Index, do sự chi phối bởi hoạt động mua, bán các cổ phiếu này, có thể sẽ có biên độ lớn hơn những kỳ cơ cấu trước đó. Tuy vậy, theo quan sát của tôi, ngay cả với những cổ phiếu dự kiến bị hạ tỷ trọng mạnh như VCB, MSN, HPG..., nhà đầu tư đã được dự báo từ sớm và đã có sự chuẩn bị tâm lý cần thiết. Do đó, nhiều khả năng nó không làm ảnh hưởng đến xu hướng tăng trung hạn của thị trường.
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Đợt điều chỉnh này dự khiến hai quỹ ETF sẽ mua vào VNM với khối lượng khá lớn. Do vậy, tỷ trọng của các cổ phiếu khác trong danh mục sẽ bị giảm đáng kể. Trong khi đó, VNM vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh khá lớn do áp lực chốt lợi của nhà đầu tư nước ngoài nên khó hỗ trợ đà tăng của thị trường.
Việc ETF bán ra các cổ phiếu khá lại có thể ảnh hưởng khá tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chúng tôi lo ngại xu hướng điều chỉnh sẽ kéo dài trong tuần đầu sau lễ.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích CTCK SBS
Như đã đề cập ở trên kỳ review ETF lần này và cả cho mùa cuối năm sẽ có nhiều thay đổi khi nhiều cổ phiếu blue chip được nới room. Các cổ phiếu tốt luôn được khối ngoại săn đón không riêng gì các quỹ etf vì vậy sắp tới sẽ có nhiều chuyển biến lớn.
Riêng về kỳ review sắp tới khả năng tạo sự xáo trộn có thể diễn ra trong vài tuần do tác động tâm lý của sự tái cơ cấu mạnh ở các cổ phiếu. Nhà đầu tư nên tránh mua hay bán đuổi theo sẽ không mang lại hiệu quả cao thay vì kiên trì lựa chọn cổ phiếu có kết quả lợi nhuận khả quan và duy trì nắm giữ khi giá ở vùng định giá thấp.